Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bài phân tích tác phẩm Tây Tiến của Quang Dũng

Thứ hai - 18/02/2019 21:57
Quang Dũng viết khá sớm (trước Tây Tiến – 1948, anh đã làm thơ, mặc dù phải từ Tây Tiến, anh mới khẳng định được một phong cách thơ riêng) và sáng tác nhiều thể loại. Tác giả của bài hát Ba Vì Mờ Cao mà mỗi nốt nhạc, lời thơ từng lắng sâu vào đáy hồn những người thanh niên xa nhà đi kháng Pháp, cũng là tác giả của nhiều bài thơ tình nằm trong ký ức sâu thẳm và thành hành trang tinh thần của nhiều thế hệ, nhiều thời (Mắt người Sơn Tây, Tây Tiến, Những làng đã qua, Đường trăng…) mà phần nhiều được truyền bằng những bản chép tay chứ không cần đến bản in giấy trắng, mực đen.
Quang Dũng là tác giả của những tập truyện ký, với phong thái riêng khó lẫn, lại cũng là tác giả của những bức tranh, đa phần là tranh lụa, vẽ phong cảnh. Viết sớm và nhiều như vậy, nhưng vốn là người thích “giang hồ”, lại vốn không chuyên tâm đến việc xuất bản, in ấn và lưu giữ, vì thế sáng tác của Quang Dũng bị thất lạc nhiều. Và, cho đến hết đời, Quang Dũng vẫn chỉ là chủ nhân của một gia tài không mấy lớn lao so với những bạn viết cùng lứa, cùng thời: hai tập thơ và ba tập văn xuôi (kể cả những tập in chung với bạn thơ, bạn văn).
 
Quang Dũng sống đôn hậu và trong con người đôn hậu ấy ẩn chứa một tâm hồn nghệ sĩ hùng hậu, đầy vẻ dân dã. Dù sớm phải xa quê, giã nhà đi kháng chiến, nhưng trên suốt nẻo đường chinh chiến, đi đâu, đến đâu và làm gì, con người bình dị ấy vẫn luôn hướng về quê hương. Quang Dũng có khả năng hòa hợp tuyệt diệu và rung động tinh nhạy với những chòm xóm, cảnh quê, với tình cảm đồng quê chân mộc, lam lũ nhưng cũng rất thơ mộng. Chính cảm xúc hồn hậu ấy, cái hồn quê ấy là cái hồn của những bức tranh quê được phát vẽ tài tình trong thơ anh bằng ngòi bút của một nghệ sĩ có năng khiếu thẩm mĩ tổng hợp – “Cầm, kì, thi, hoạ”. Cảnh hiện lên trong thơ anh không bàng bạc mà có thần thái, sinh động trong sự hòa hợp nhuần nhuyễn của âm thanh với sắc màu, của tình với cảnh. Có một sức gì níu giữ, gợi cảm ở những cảnh quê chân mộc thế này:
 
Bến cuối thôn xuân hoa gạo rơi
Sông xanh hiền triết lặng trôi xuôi
Đò ngang một chuyến qua mưa bụi
Ấm áp trong mưa tiếng nói cười…
 
Hoặc:
 
Là những đường quân qua bến làng
Hoa nhài thơm ngõ đượm quân trang
Lớp này lớp khác người sang hết
Thuyền lại nằm phơi dưới nguyệt vàng

Hoặc nữa:

Nắng nửa sông xa mờ khí núi
Cánh hồng nhạt nhạt mây phiêu lưu…
 
Trong thơ Quang Dũng, hầu hết là những “bức tranh quê” như thế. Với ý tưởng chủ đạo “quê hương trường cửu cùng non nước; Ba chục năm trời vẹn ý thơ”, Quang Dũng đã cố gắng lột tả cho hết vẻ đẹp nồng hậu của quê hương Việt Nam với những nét đặc sắc riêng không lẫn, góp cho thơ Việt Nam những bức tranh quê đầm thấm, xúc động lòng người. Trong tình yêu quê hương, đất nước mênh mang ấy, vẫn có một góc niềm riêng sâu thẳm, trong lành nhất, Quang Dũng dành riêng cho xứ Đoài-quê hương anh, nơi anh từng sống gắn bó suốt tuổi thơ. Có người đã nói “Quang Dũng là nhà thơ của xứ Đoài”, quả cũng một phần có lí. Viết về xứ Đoài, thơ anh đằm sâu, da diết cả trong tâm tưởng và tình cảm. Những ngày phải xa quê, canh cánh trong anh là nỗi mong ngóng nhớ nhung khắc khoải về vùng quê xa ấy:
 
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
 
Nhiều khi không kìm được, anh phải thốt thành lời cho nguôi ngoai nỗi nhớ “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm…”. Cháy bỏng nỗi khát khao, ngày được trở lại, được say sưa hít thở không khí thôn dã, được đắm mình trong hương mùa màng, được tận hưởng niềm vui thưởng ngoạn tận hưởng vẻ đẹp của quê hương:
 
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngóng lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi thêm trăng
 
Có người làm thơ lấy cái “chân” làm gốc, lại cũng có người trọng sự tài hoa. Ở Quang Dũng là sự kết hợp tuyệt vời giữa vẻ đẹp chân chất, dân dã với tài hoa tinh tế. Nhiều bài thơ, do vậy đạt đến độ chân tài. Bên cạnh Tây Tiến, là những bài thơ từng sống và lắng sâu trong tâm tưởng người đọc: Mắt người Sơn Tây, Những làng đã qua, Đường trăng, Những cô hàng xóm… Quang Dũng viết hồn nhiên và rất thật. Dường như chưa bao giờ anh giấu mình và càng không bao giờ dối mình trong thơ. Từ sự dấn thân, mang đậm hào khí của cả một lớp người thời đại:
 
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh…
 
Đến những kỉ niệm, những tâm sự buồn vui của cuộc đời chinh chiến và sau này nữa, cả cảm giác chật chội thiếu chân trời trong Mây đầu ô đều là tâm sự thật, cảm giác thật của riêng anh được bộc bạch trên trang giấy. Những lời nhắc nhở trong Đường chiều thứ bảy, cũng mang nét riêng của Quang Dũng: không gân cốt mà thấm thía bởi đó là sự nhắn gửi thiết tha của một tấm lòng nhân hậu, trọng nghĩa tình.
 
Thơ Quang Dũng có nhiều bài lắng buồn: Mưa, Quán nước, Thu, Chiều núi mưa rào… Ngay cả cái buồn ấy cũng là tâm trạng thực của anh viết ra nhiều khi dễ gây hiểu lầm, song anh vẫn không ngại bộc bạch.
Quang Dũng không viết một cái gì chung chung. Với anh, thơ là sản phẩm, mang sắc thái riêng và cụ thể những gì anh đã sống trải, quan sát và ghi nhận được. Phần không nhỏ tạo nên sức hấp dẫn và giá trị lâu dài của thơ chính là ở tính cụ thể, chân sát ấy. Nhờ vậy, chúng ta mới có được những bài thơ có sức gợi dựng lại cả một thời hoặc lưu khắc lại chân dung sát thực của cả một thế hệ, dạng như Tây Tiến, Những làng đã qua, đường 12, những cô hàng xóm, đường trăng…
 
Dù Quang Dũng để lại cho chúng ta không nhiều thơ nhưng mặc nhiên bốn mươi năm nay, anh là nhà thơ được mến mộ. Với Rừng Biển quê hương (tập thơ in chung với Trần Lê Văn), Bài thơ Sông Hồng, Mây đầu ô Quang Dũng đã dành cho chúng ta phần quý đẹp riêng của tâm hồn và cá tính sáng tạo độc đáo của một nghệ sĩ chân tài, đầy nhiệt tâm với quê hương, đất nước và con người.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây