Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Thuyết minh về trò chơi dân gian cờ gánh của xứ Quảng

Thứ sáu - 30/01/2015 23:00
Văn hóa dân gian nói chung, trò chơi dân gian nói riêng là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam từ xưa và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Trò chơi dân gian không chỉ là hoạt động giải trí những lúc nhàn rỗi mà còn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và lòng tự hào dân tộc của cha ông ta. Cũng như bao miền quê khác trên mảnh đất Việt Nam, người xứ Quảng cũng góp phần làm nên những hương sắc riêng trong văn hóa dân gian. Trong những giá trị văn hóa ấy, cờ Gánh là một trong những trò chơi thể hiện trí tuệ và tính nhân văn sâu sắc của mảnh đất và con người nơi đây.
Cho đến nay không ai biết chắc chắn cờ Gánh xứ Quảng được ra đời từ khi nào. Một giả thiết nguồn gốc của trò chơi này được nghĩ đến đó là: từ môn cờ Vây, cờ Tướng của người Trung Hoa, cờ Vua của người phương Tây, người dân xứ Quảng đã lược giản cách chơi, kết hợp với các môn cờ dân tộc để làm nên cờ Gánh cho riêng mình chăng? Bởi lẽ trước đây Hội An - Quảng Nam là một thương cảng tấp nập trên bến dưới thuyền với sự xuất hiện của cả người Hoa lẫn người phương Tây đã mang theo các môn cờ vào nước ta. Tuy nhiên đây chỉ là những giả thiết và cần được tiếp tục chứng minh qua thời gian và tâm sức của những người con yêu mảnh đất xứ Quảng... Tạm gác lại nguồn gốc của trò chơi, chúng ta có thể thấy thông qua bộ môn cờ Gánh người Quảng đã gửi gắm vào đây sự sáng tạo và cả những bài học nhân văn đầy ý nghĩa.
 
Cái ý vị của chữ “gánh” đưa ta gợi nhớ về một nền văn minh xa xưa của dân tộc - văn minh lúa nước. Không chỉ vậy, cái tên mà người Quảng dùng để đặt tên cho môn cờ này còn khiến người ta liên tưởng về hình ảnh miền Trung - chiếc “đòn gánh” giữa hai đầu đất nước mà Quảng - Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng) là một địa danh không thể nào quên trong ký ức của nhiều người...
 
Bàn cờ Gánh mà người Quảng tạo ra rất dễ vẽ, đó là một hình vuông, chia đều thành 16 ô nhỏ, vẽ thêm các đường chéo nữa là xong. Cờ Gánh có cả thảy 16 quân chia đều cho hai bên. Các quân cờ phải có sự phân biệt hai mặt (sấp - ngửa, đen - trắng). Khi chơi quân cờ di chuyển từng bước một theo đường thẳng, ngang hoặc chéo trên bàn cờ. Người chơi phải tìm cách đi vào giữa hai quân của đối phương để tạo thành thế “gánh”, hoặc khiến một số quân đối phương không có đường đi gọi là thế “vây” hay thế “bí” khi đó ta có quyền lật chúng lên biến thành quân của mình (ăn quân). Người chơi sẽ chiến thắng nếu “gánh” hoặc “vây” hết quân cờ của đối phương.
 
Một người chơi giỏi phải có khả năng quan sát tốt, tính toán trước được các nước đi, các thế cờ để nhanh chóng “gánh” hoặc “vây”, biến quân đối phương thành quân mình càng nhiều càng tốt. Tất nhiên, một đối phương “biết điều” sẽ sớm đầu hàng nếu còn quá ít quân hoặc bị cài vào thế bất khả kháng. Nhưng cũng không thể chủ quan vì nếu gặp tay cao thủ với đòn “hồi mã thương” không chừng sẽ khiến người ở thế thắng cũng có thể thất bại.
 
Cái hay, cái khác biệt căn bản tạo nên dấu ấn riêng của cờ Gánh so với các môn cờ khác mà người Quảng đã tạo ra là: Trên bàn cờ không có sự phân biệt quân to, quân nhỏ, không có vua, hậu hay tướng, sĩ mà các quân cờ đều bình đẳng như nhau, chỉ có một “vị tướng” đó chính là người chơi. Đây chính là biểu hiện của sự bình dân, sự cố kết trong tinh thần cộng đồng mà cờ Gánh muốn hướng đến. Điều này khác hẳn với cờ Tướng, cờ Vua khi có sự phân biệt ngay trong tên gọi của mỗi con cờ.
 
Từ chỗ không phân biệt tên gọi của các quân trên bàn cờ nên luật chơi của cờ Gánh cũng có sự khác biệt. Không cần phải nhớ cách đi của từng con, những luật lệ mà người chơi chỉ cần tìm cách “gánh” và “vây” đối phương là đủ. Có thể thấy luật chơi của cờ Gánh đơn giản mà chặt chẽ, lối chơi trí tuệ mà phóng khoáng. Nó thể hiện tư duy của người bình dân nhưng không kém phần sắc cạnh của người Quảng.
 
Bàn cờ gánh có thể vẽ trên mảnh giấy, tấm bảng hay mảnh đất góc sân; quân cờ có thể làm bằng giấy, vỏ sò, vỏ hến, đồng xu hay nắp keng (nắp chai bia, nước ngọt). Điều này cho thấy sự linh hoạt trong tổ chức chơi, bất kì ở đâu và lúc nào cũng được.
 
Có lẽ từ những vẻ đẹp riêng biệt và nhân văn hết sức ý nhị ấy khiến cờ Gánh dễ phổ biến rộng rãi trong nhiều làng quê xứ Quảng năm xưa. Ngày nay, cùng với thời gian và cuộc sống đô thị, người ta chỉ còn nhớ đến cờ Gánh trong ký ức hoặc có chăng là sự hiếm gặp những bàn cờ Gánh trong những lúc giải trí của những trẻ mục đồng người Quảng ở các vùng quê xa... Chính vì vậy, thiết nghĩ chúng ta cần tìm cách đưa cờ Gánh trở lại và xây dựng cho nó một chỗ đứng trong đời sống hiện đại để góp phần bảo tồn và lưu giữ một nét đẹp văn hóa của xứ Quảng. Điều này cũng rất phù hợp với chủ trương đưa văn hóa dân gian vào nhà trường hiện nay đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây