Tranh thủ lúc nông nhàn, bà con xã Tam Vinh bắt tay ngay vào công việc đan lát các sản phẩm như: thúng, mủng, dần, sàng, rế, rổ,... kiếm thêm thu nhập. Đan lát là nghề truyền thống của ông cha để lại từ nhiều thế hệ cho người dân Tam Vinh. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã công nhận Tam Vinh là làng nghề đan lát cần phải khôi phục lại.
Nghề đan lát ở Tam Vinh có từ bao giờ?
Câu trả lời là rất lâu, tự bao giờ không còn ai nhớ nữa. Nhưng đến Tam Vinh, chúng ta sẽ biết một điều, từ người già đến trẻ em, ai cũng biết đan những sản phẩm phục vụ đời sống của bà con nông dân.
Tam Vinh - một làng quê hiền hòa thuộc H. Phú Ninh, Quảng Nam. Nơi đây, cuộc sống của bà con quanh năm gắn với ruộng đồng. Người dân Tam Vinh chỉ đan lát lúc nông nhàn, khi cây lúa ngoài đồng đang thì trổ bông, đợi mùa gặt.
Ở Tam Vinh tre mọc quanh nhà, tre mọc khắp bờ bãi ruộng vườn. Người Tam Vinh bảo rằng, đấy là nguồn nguyên liệu "trời cho" để bà con cải thiện đời sống. Tre dùng để đan lát được người dân nơi đây gọi là tre lồ ô. Loại tre này đặc ruột, thân thẳng, giống dài, không bị cong mới dùng đan được. Qua bao thế hệ, tre lồ ô qua những bàn tay khéo léo của người dân Tam Vinh đã nối tiếp nhau cho ra đời những loại hàng hóa rất gần gũi và cần thiết với cuộc sống của người nông dân Việt Nam như: thúng, mủng, rổ, rá, dần sàng, nong nia, tràng trẹt, cót, bồ...
Những người cao tuổi ở Tam Vinh cho biết, ngày xưa, cả làng Tam Vinh đều làm nghề đan. Hễ xong mùa vụ, khi gieo cấy hoặc gặt hái xong, nhà nhà bày tre ra đan lát. Chính những người già nhất trong làng cũng không biết được nghề này có từ bao nhiêu đời truyền lại. Họ chỉ biết rằng khi lớn lên đã biết đan lát và cứ thế truyền thừa lại cho con cái bao thế hệ nối tiếp nhau như "cây tre già thì măng lại mọc".
Làng Tam Vinh nay chia tách ra thành 1 xã Tam Vinh và thị trấn Phú Thịnh. Hiện nay, những hộ dân làm nghề đan lát chủ yếu ở hai khối phố Tam Cẩm và Thạch Đức, gọi chung làng nghề Tam Vinh. Những công việc nặng nhọc như chặt tre, cưa tre, lận vành thì đàn ông đảm nhận, còn trẻ con và phụ nữ vốn dĩ bàn tay mềm mại, khéo léo thì đan lát, nứt vành. Trước những năm 1980, khi mặt hàng gia dụng bằng nhựa chưa xuất hiện thì mặt hàng mây tre đan là chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày của nhiều gia đình. Làng đan lát Tam Vinh là nơi cung cấp chủ yếu nhu cầu tiêu thụ của người dân Tam Kỳ và các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Từ chiếc rổ rửa rau cho đến chiếc rá vo gạo, bồ đựng lúa, nia mẹt, cái nôi trẻ con nằm đến cái chõng tre mà ở nông thôn đa số nhà nào cũng có... tất cả đều làm bằng tre.
Làng đan lát Tam Vinh một thời nổi tiếng, nhắc đến ai cũng biết. Hàng đan lát Tam Vinh khi làm xong, thương lái đến tận nơi mua để về bỏ bán các chợ đầu mối như: Tam Kỳ, Hòa Hương, Kỳ Lý... Vào những thời điểm trước mùa thu hoạch lúa, trước Tết Nguyên đán, thương lái khắp nơi tụ về làng đóng hàng tấp nập, theo đó, một lượng lớn hàng được phân phối đi khắp nơi. Vì thế dân gian có câu ca rằng:
Năm nay thất bát mùa bồ
Đốn tre đan cót đổ xô Tam Kỳ.
Người dân Tam Vinh hầu như không bao giờ lo sản phẩm mình làm ra bị ế, điều đó mặc nhiên trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Năm nào mùa màng thất bát, người dân chuyển qua đan cót. Nhưng kể từ khi mặt hàng nhựa xuất hiện và thịnh hành, sản phẩm bằng tre đan ở làng Tam Vinh rơi vào cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt giữa hàng hóa hiện đại và hàng hóa cổ truyền. Làng nghề Tam Vinh vẫn hoạt động bình thường cho đến tận bây giờ nhưng không khí nhộn nhịp, rộn ràng, nhà nhà đan lát như xưa thì không bằng được...