Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích tâm trạng chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam (Bài 1)

Thứ ba - 23/06/2020 09:42
Trong các nhà văn lãng mạn nổi tiếng (1930-1945), Thạch Lam có phong cách riêng biệt không lẫn với bất kì nhà văn nào. Đang khi các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng thiên về tần lớp trên của xã hội thì Thạch Lam lại viết về những con người bé nhỏ, nghèo khổ , sống trong bóng tối.
Văn Thạch Lam nhẹ nhàng với lối quan sát độc đáo và phân tích tâm lí tinh tế. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” tiêu biểu cho văn phong Thạch Lam cho lí tưởng xã hội và quan điểm thẩm mĩ của Thạch Lam.
 
Thạch Lam có lối viết truyện ngắn không có cốt truyện. Ông không kích thích người đọc bằng cốt truyện li kì và tình tiết éo le. Ông hấp dẫn người đọc bằng chất liệu bên trong của đời sống, bằng lí tưởng xã hội tiến bộ của nhà văn, bằng phân tích tâm lí tinh tế và bằng tinh thần lãng mạn của ông. Thạch Lam dồn nén các nhân vật, các sự kiện và diễn biến của con người, của hành động trong một thời gian ngắn và không gian nhỏ. Nó cũng thích hợp với những nhân vật nhỏ bé của ông. Truyện của Thạch Lam có chiều sâu hun hút, chiều sâu của cuộc sống, chiều sâu của lòng người và chiều sâu của mộng mơ, ước vọng.
 
Liên và An là hai đứa trẻ từng sống ở Hà Nội, rồi gia đình bị sa cơ thất thế nên đã trở về quê, một phố huyện hẻo lánh. Hai chị em trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu. “Một gian hàng bé thuê lại của bà lão móm, ngăn ra bằng một tấm phên nứa dán giấy nhật trình”. Buổi tối hai chị em cùng ngủ ở đây để trông hàng. “Đêm nào Liên và em cũng phải ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc cây bàng với cái tối của quang cảnh phố chung quanh”, thế giới chung quanh hai đứa trẻ là những con người bé nhỏ đang thương, sống lẩn lút trong bóng tối. Đó là chị Tí ngày thì mò cua bắt ốc, tối đến dọn cái hàng nước dưới gốc cây bàng với ngọn đèn Hoa Kỳ leo lét. Đó là cụ Thi, bà lão hơi điên, tối tối đến cửa hàng Liên nốc một cút rượu rồi lẫn vào bóng tối với giọng cười khanh khách. Đó là bác phở Siêu gánh gánh phở, món quà xa xỉ của phố huyện, có chấm than hồng như ma trơi. Đó là vợ chồng bác Xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bật lên trong yên lặng. Đó là mấy đứa trẻ con nhà nghèo đi nhặt thanh nứa thanh tre hoặc bất cứ cái gì có thể dùng được. Từ cảnh thiên nhiên đến số phận con người đều có một cái gì tàn lụi, không tương lai, leo lét một cách tội nghiệp, trong nghèo đói, buồn chán và tăm tối.
 
“Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ của họ”. Thạch Lam đã hiểu sâu sắc những con người bé nhỏ trong bóng tối này với những ước vọng đáng thương của họ.
 
Sống trong bóng tối, trong yên lặng, trong buồn chán, đêm đêm chị em Liên cố thức để được nhìn chuyến tàu đi qua “tàu đến chị đánh thức em dậy nhé!”. Nghe lời dặn của bé An ta cảm thấy hai đứa trẻ tha thiết với chuyến tàu đêm đến biết chừng nào. Rồi đèn ghi ra. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vọng lại trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi. Và chỉ cần nghe chị Liên gọi: “Dậy đi An! Tàu đến rồi!” là Anh nhổm dậy dụi mắt và tỉnh hẳn. Rồi tiếng còi rít lên, đoàn tàu rầm rộ đi tới. Liên quan sát rất kĩ đoàn tàu, thèm khát như được nhìn một thế giới xa lạ “Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh và các cửa kính sáng”. Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Chuyến tàu đã xáo trộn cả cõi yên tĩnh của phố huyện. Chuyến tàu gợi cho Liên mơ tưởng: “Họ ở Hà nội về! Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”.
 
Rõ ràng là Liên và An đợi tàu không phải để bán ít quà vặt cho khách đi đường mà là một nhu cầu bức xúc về tinh thần của hai đứa trẻ, muốn trong chốc lát được thoát ra khỏi cuộc sống buồn chán tối tăm này. “Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”. Dưới mắt hai đứa trẻ, chiếc tàu là hình ảnh của một thế giới văn minh, giàu sang, nhộn nhịp, huyên nào và đầy ánh sáng.
 
Qua tâm trạng đợi tàu của hai đứa trẻ, tác phẩm thể hiện một niền xót thương vô hạn đối với những kiếp người nhỏ bé vô danh không bao giờ được biết ánh sáng và hạnh phúc. Cuộc sống mãi mãi bị chôn vùi trong tăm tối nghèo đói, buồn chán nơi phố huyện và nói rộng ra trên đất nước còn chìm đắm trong cảnh nô lệ và đói nghèo. Qua tâm trạng Liên, tác giả đồng thời cũng muốn thức tỉnh tâm hồn uể oải đang lụi tắt ngọn lửa lòng khao khát được sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, khao khát thoát khỏi cuộc đời tăm tối đang chôn vùi họ.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây