Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi (Bài 3)

Thứ hai - 15/12/2014 01:25
Trong nền văn học thế giới, chúng ta đã được trải nghiệm và cảm nhận những “tảng văn” đầy xúc động và sâu sắc. Nhắc đến nước Nga, người đời lại tìm đến Đại thi hào Puskin với “Tôi yêu em”. Nhắc đến nền văn học lãng mạng của Anh Quốc, người ta lại tìm đến tác phẩm bi đát “ROMEO & JULIET” của Shakespeare… Vậy mỗi khi nhắc đến Việt Nam, có lẽ người ta sẽ không thể không nhắc đến Nguyễn Trãi – một nhà thơ vĩ đại, đại diện cho nền Văn học Trung đại Việt Nam. Ông đã để lại cho đời biết bao là tập thơ hay : “Ức Trai thi tập ; Quốc Âm thi tập ; …” với tên hiệu là Ức Trai. Và “BẢO KÍNH CẢNH GIỚI (Cảnh ngày hè)” cũng không phải là một ngoại lệ cho sự sáng tạo đối với một con người yêu thiên nhiên, đất nước, dân tộc. Ông đã sáng tác bài thơ này và đặt trong tập thơ “Quốc Am thi tập” trong một ngày rảnh rỗi bất đắc dĩ…

“Rồi hóng mát thuở ngày trường
…………………..
Dân giàu đủ khắp đòi phương”

Mở đầu bài thơ, Ức Trai đã cho ta cảm nhận được hình ảnh vô cùng sinh động, kết hợp với việc sự dụng từ ngữ miêu tả rất chân thực, giàu tính tạo hình của ông ta. Có lẽ ta sẽ tự hỏi rằng : “Nguyễn Trãi là một con người vì dân, vì nước, bận bịu “tối mắt tối mũi” mà lại có thời gian rảnh rỗi để ngắm những quang cảnh gay gắt trong một ngày hè khắc nghiệt ? Phải chăng cái “rỗi” ở đây là cảm giác thảnh thơi thật sự, hay là sự chán nản, nỗi buồn u uất của “ngày trường” ? Đó là một ngày bất đắc dĩ ở vùng thôn quê hẻo lánh, nơi mà ông rút về sau khi không còn được trọng dụng để giúp dân giúp nước. Tuy nhiên, ông cũng không phải là một người bi quan mà luôn “mài giũa” niềm tin và suy nghĩ về cuộc sống thái bình thịnh vượng cho dân chúng. Do đó, ông đã nhận ra được vẻ đẹp của thiên nhiên chốn quê nhà…

Tiếp đó, chúng ta có thể cảm nhận ngòi bút tinh tế của ông qua những hình ảnh “hoè, thạch lựu, hồng liên” trong ba câu thơ sau : “…Hoè lục đùn đùn tán rợp giương / Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ / Hồng liên trì đã tiễn mùi hương…”. TRước hết, cây hoè là một loại cây có tán cao, to. Một màu xanh thoáng đãng từ những nhành hoa “đùn đùn” vươn lên tạo cho ta sự cảm nhận “cái đẹp” không riêng gì tác giả. Đó là sự nhanh nhẹn, hồn nhiên của những cây “hoè” qua từ ngữ “đùn đùn”. Bức tranh thiên nhiên ngay ở câu thơ này đã cho ta thấy được sự sinh động của một khung cảnh – thoạt nhiên không có gì đáng bàn.

Cùng những hình ảnh mát dịu của màu xanh hi vọng, màu xanh thanh khiết chính là “lựu” với màu đỏ chói loá trước ánh mặt trời chói chang của một buổi trưa hè, cùng với những “cánh sen hồng” nhẹ nhàng, xinh xắn, mặc cho thời gian đang cướp đi sự tinh khôi của chúng qua mùi hương ngào ngạt… Tác giả đã dùng động từ “phun” cho những bông “hoa lựu” vô tri vô giác này, tạo cho ta cảm nhận được “sự vận động” của thiên nhiên trong khung cảnh hôm nay. Ngoài ra, Ức Trai lại sử dụng từ “tiễn” để làm tăng giá trị xúc cảm lên gấp nhiều lần. Hình ảnh màu đỏ rực rỡ này có thể làm ta nhớ tới hình ảnh đối lập của đêm hè dịu mát trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: ”Dưới trăng quyên đã gọi hè / Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”…

Với những cảm nhận nhẹ nhàng và xúc tích ấy, ta thấy được Nguyễn Trãi có một tình yêu thiên nhiên thật vĩ đại. Ông là người sống với thiên nhiên và sống bằng thiên nhiên, với tất cả những gì ông có được. Phải chăng “từng hơi thở” của ông, đều gắn bó với thiên nhiên tuyệt vời ? Từng giác quan của ông được tạo hoá ban tặng để ca tụng vẻ đẹp của thiên nhiên ?…

Vâng, sau bức tranh thiên nhiên mùa hè chói chang được miêu tả dưới ngòi bút tinh tế của Nguyễn Trãi rất sinh động thì những hình ảnh, âm thanh của cảnh chiều tà được trau chuốt qua hai câu thơ : “Lao xao chợ cá làng ngư phủ / Rắng rỏi cầm ve lầu tịch dương” đã đánh thức được nỗi u hoài về hiện thực đương đại. Nghệ thuật dùng từ tượng thanh “Lao xao” và “Rắng rỏi” đã vẽ lên cho ta một buổi chiều hè, kết thúc một ngày “trường” chán nản của Nguyễn Trãi.Những âm thành “lao xao”, ồn ào của khu chợ đang dần nhường chỗ cho những tiếng “rúc rích” như tiếng đàn “cầm” của loài ve thích ca hát. Ông đã ví những âm thanh hỗn tạp đó như giai điệu du dương, trong vắt của một buổi chiều, khi ánh hoàng hôn bắt đầu biến mất sau rặng núi cao, nhường lại quyền kiểm soát cho màn đêm lạnh lẽo thống lĩnh cả một vùng rộng lớn…

Và khi màn đêm lạnh lẽo hiện diện trước mắt Ức Trai thì cũng là lúc nỗi u uẩn không bao giờ nguôi bắt đầu tái hiện trong ông. Đó là niềm tha thiết giúp dân giúp nước mà không được ai cho phép, không được ai trọng dụng. Nỗi buồn đó được Nguyễn Trãi thể hiện qua hai câu thơ kế tiếp của “Cảnh Ngày Hè” : “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng / Dân giàu đủ khắp đòi phương”. Từ ngữ “dẽ có” được nhà thơ dùng như một sự lo lắng, sự băn khoan. Ông muốn được một lần thực hiện ước muốn nhỏ nhoi của mình – một ước muốn mà bất cứ vị hiền tài nào cũng muốn làm cho đất nước. Đó là Được một lần cầm trên tay cây đàn Ngũ huyền của Vua Ngu Thuấn, và đàn lên khúc nhạc Nam Phong để “mưa thuận, gió hoà” ; để nhân dân được hưởng sự ấm no hạnh phúc. Đối với Ức Trai, dân tộc Việt Nam như là một món nợ lớn, một món nợ mà suốt đời không thể trả được… Nguyễn Trãi đã đặt cái “nợ” giang sơn, dân tộc lên làm mục đích phấn đấu hoàn thiện bản thân. Thật đáng tự hào cho một ý chí và lí tưởng cao đẹp của người nam nhi thời phong kiến (Thuật Hoài – Phạm Ngũ Lão).

Kết thúc bài thơ, ta cảm nhận được những giá trị chân thực của khung cảnh thiên nhiên ngày hè nóng bức qua trí sáng tạo hơn người của Nguyễn Trãi. Ông đã vận dụng thuần thục thể thơ thất ngôn Đường luật với niêm luật chặt chẽ của Trung Hoa Đại Lục – Và tạo cho nó những nét phá cách vô cùng độc đáo, cũng như là cách ngắt nhịp, cách phân đoạn không theo thể thơ truyền thống (Đề – Thực – Luận – Kết). Nổi bật trên hết là câu thơ 6 chữ cuối bài đã làm nổi bật lên tâm sự của nhà thơ trong một ngày hè chán chường…

Nói tóm lại, Nguyễn Trãi là một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào không chỉ riêng nên Văn học Trung đại. Qua những câu thơ và tinh thần cao cả được gởi gắm trong “Bảo Kính cảnh giới”, ta thật khâm phục cho những ý nghĩ và việc làm nhân nghĩa của ông. Những giá trị nhân văn sâu sắc và những lí tưởng cao đẹp vì dân vì nước của Nguyễn Trãi từ xưa đến nay vận mang nhiều triết lý sống, đáng để con cháu Việt Nam ta học tập và phát huy. Đó sẽ luôn là bài học không bao giờ cũ, bài học yêu nước thương dân.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây