Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

“Người đưa đò” thầm lặng

Thứ hai - 30/09/2013 09:33
Là giáo viên nên mẹ khá nghiêm khắc trong quan niệm về dạy học. Ngày bước vào lớp một, tôi được mẹ uốn nắn từng nét chữ, câu văn, chăm chút từng chút một. Những năm cấp 1 tôi luôn là học sinh giỏi và đi thi vở sạch chữ đẹp. Lúc ấy tôi tự hào lắm vì tôi luôn có mẹ là hậu phương vững chắc.
 
Lên cấp 2, tôi học trường của mẹ. Năm đó nhà trường xếp mẹ chủ nhiệm lớp tôi. Tôi tỏ ra không thích một chút nào vì tôi sợ bạn bè sẽ nghĩ tôi con cô giáo thì sẽ được ưu tiên... thế nên khi về nhà tôi năn nỉ mẹ:
 
- Mẹ chuyển con sang lớp khác đi, con không muốn học lớp mẹ chủ nhiệm!
 
Mẹ nhẹ nhàng nói với tôi:
 
- Lúc đầu mẹ đã từ chối không nhận dạy lớp con nhưng không được. Con cứ học bình thường như những giáo viên khác dạy con. Có điều, là con cô giáo con phải cố gắng nhiều hơn.
 
Lần đầu tiên tôi được nghe mẹ giảng bài. Những bài giảng văn của mẹ thật hấp dẫn lôi cuốn không chỉ tôi mà cả các bạn trong lớp. Càng chăm chú nghe những bài giảng văn của mẹ tôi mới nhận ra rằng mẹ có giọng nói thật truyền cảm và ấm áp. Những câu chuyện cổ tích qua lời kể của mẹ khiến chúng tôi như bước vào một thế giới thần tiên, khiến chúng tôi yêu thích môn văn tự bao giờ.
 
Và có một kỉ niệm mà tôi nhớ mãi. Hôm đó làm bài kiểm tra 1 tiết, mẹ ra đề đúng vào tác phẩm vừa mới học hôm trước. Nhưng vì mải chơi với đám bạn cùng xóm nên tôi chưa học bài cũ. Lúc trả bài, tôi được 0 to tướng vì lạc đề. Lúc ấy, nhìn thấy ánh mắt nghiêm khắc của mẹ, tôi vô cùng ấm ức, tại sao mẹ không cho tôi làm lại. Về đến nhà tôi khóc òa và hỏi mẹ: 
 
- Vì sao lại nghiêm khắc với con như thế?
 
Mẹ dịu dàng nói:
 
- Làm như vậy để các bạn coi đó là tấm gương. Là người thầy thì phải công tâm, trong sáng. Lúc đó, tôi hiểu rằng khi đến lớp tôi cũng sẽ như bao học sinh khác của mẹ.
 
Chính vì điều đó, dù bận bịu việc nhà, việc trường nhưng lúc nào mẹ cũng nhắc nhở tôi học bài, làm bài tập đầy đủ. Trong những bữa cơm mẹ cũng hay nói chuyện về những tác phẩm văn học, về hoàn cảnh ra đời, tiểu sử tác giả và các vấn đề ngoài lề khác mà trong những tiết học ngắn ngủi ở lớp không đủ thời gian để truyền tải khiến tôi thấy thú vị. Khi tôi vào đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh, mẹ đã thức bao đêm nghiên cứu tài liệu giúp tôi, giảng lại cho nghe.
 
Đối với mẹ, làm nghề giáo thì cái tâm là quan trọng nhất. Mỗi lần tôi vi phạm điều gì là mẹ phạt ngay, mẹ không hề châm chước, thiên vị. Đức tính ấy cũng là bài học về làm người và ứng xử mà mẹ dạy cho tôi.. 
 
Những năm tháng tuổi thơ theo mẹ đến trường, đến lớp đã hun đúc trong tôi ước mơ trở thành cô giáo, để theo đuổi tiếp sự nghiệp của mẹ. Bạn bè vẫn nói tôi được thừa hưởng từ mẹ giọng nói nhẹ nhàng và giọng văn ấm áp, tôi tự hào về điều đó.
 
Mẹ đã cho tôi hành trang vào đời, hành trang ấy không phải vàng bạc của cải, nhưng quí giá gấp triệu lần và chẳng có gì sánh được. Hành trang ấy được chắt lọc từ những trải nghiệm của cuộc sống, lòng nhân ái, là tình thương yêu, niềm tin vào cuộc sống con người. Mẹ đã cho tôi cả một ước mơ hoài bão, cho tôi cả một kho tàng tri thức về cuộc sống, về đạo đức lẫn cả về kiến thức văn hóa mà không ai có thể sánh được. Mẹ chính là cô giáo suốt đời của tôi…

Giáo dục và thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây