Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hình tượng thời gian trong bài thơ vội vàng của Xuân Diệu

Thứ ba - 01/10/2013 23:48
Thời gian là hình thức vận động và tồn tại của thế giới, tất cả vạn vật đều được sinh ra và mất đi theo dòng thời gian. Xuân Diệu rất quý thời gian và khát khao giao cảm mãnh liệt với đời nên ông muốn còn mãi thời tươi trẻ để tận hưởng thanh sắc của Nàng Xuân. Cảm thức thời gian của Xuân Diệu được bộc lộ khá rõ nét trong bài thơ Vội vàng.
Trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, Xuân Diệu rất thích mùa xuân vì nó đẹp nhất. Cũng như trong bốn chặng tuổi đời: trẻ thơ, thanh niên, trung niên, già lão, Xuân Diệu thích nhất tuổi thanh niên bởi nó có sức sống mạnh mẽ. Mùa xuân của thiên nhiên tương ứng với tuổi thanh niên của con người. Thật là một sự viên mãn khi tuổi thanh xuân được sống hết mình trong mùa xuân ! Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã chọn mùa xuân làm hình tượng chính của bài thơ. Thời gian nghệ thuật ở đây mang đậm triết lý nhân sinh của tác giả, gọi là thời gian mang tính quan niệm. Thời gian mùa xuân được nhìn qua lăng kính của chàng thi sĩ đa tình nên mang vẻ đẹp quyến rũ của một nàng thiếu nữ. Thi nhân đã tận dụng hết tất cả các giác quan để thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của Nàng Xuân. Hình tượng thời gian cũng có hình hài sống động như một con người.
 
Thời gian mùa xuân cũng có mùi, đó là "mùi tháng năm", "mùi thơm" ngan ngát, quyến rũ lòng người. Sợ gió sẽ làm vơi bớt mùi hương, thi nhân muốn "buộc gió lại / Cho hương đừng bay đi". "Tháng giêng ngon" còn có vị ngọt ngào của "mật", tha hồ hút "no nê". Mùa xuân có âm thanh quyến rũ, chim hót "khúc tình si" say đắm lòng người. Mỗi sáng sớm có âm thanh gõ cửa báo tin vui, mỗi ngày nhận một niềm vui sướng, cuộc đời thật tuyệt vời ! Thời gian mùa xuân cũng rực rỡ sắc màu. Con người được tắm mình trong một miền nắng đẹp, "đầy ánh sáng", "ánh sáng chớp hàng mi". Sợ màu nắng nhạt mất, thi nhân muốn "tắt nắng đi" để còn lưu lại mãi vẻ đẹp lung linh của nó. Ta thử hình dung một khung cảnh rất thơ mộng, một đôi uyên ương đang hưởng "tuần tháng mật", nhởn nhơ trên "đồng nội xanh rì", đầy hoa thơm "cỏ rạng", "lá biếc", "cành tơ phơ phất", "ong bướm" rập rờn tình tứ, trên trời "mây đưa", "gió lượn"... Còn gì vui sướng hơn khi được sống, được yêu trong cảnh "non nước" hữu tình như thế !
 
Thi nhân không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức Nàng Xuân qua các giác quan: mũi, miệng, tai, mắt. Chàng muốn thiết thực hơn: trực tiếp cọ xát với da thịt của người đẹp. Chàng đã hôn Nàng say đắm để nhận ra rằng Nàng thật là "ngon". Nhưng chỉ dừng lại ở việc hôn nhau thôi cũng chưa đủ chiếm lĩnh toàn bộ thể xác bạn tình. Chàng tiến tới một bước nữa với những hành động mạnh mẽ hơn: "ôm", "riết", "thâu"... Và chàng đã "say", "chuếnh choáng", "đã đầy", "no nê"... Nhưng rồi, với một niềm đam mê sắc dục quá mạnh mẽ, chàng thấy vẫn chưa đủ. Trai gái làm tình khi đạt tới cao trào thì "cắn" vào nhau, chàng cũng vậy, đã "cắn" vào người tình lúc đạt đỉnh cao của sự hòa trộn thể xác. Chỉ khác là, chàng không cắn vào một hình hài cụ thể nào mà cắn vào... "xuân hồng", tức là cắn vào mùa xuân mơn mởn, hồng hào, đầy quyến rũ như thiếu nữ mới lớn. Nói cách khác, chàng trai trẻ đa tình đã chiếm đoạt hình hài của mùa xuân. Và thời gian non tươi đã dâng hiến cho thi nhân những gì đẹp nhất của mình.
 
Thời gian sự kiện trong bài thơ là tháng giêng, khởi đầu cho một năm cho nên "Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn". Hình tượng mùa xuân không tĩnh tại mà sống động, cây cối đang đâm chồi nảy lộc, đầy sức sống, ong bướm bay rập rờn, chim thi nhau hót, mây đưa, gió lượn... Bản thân thời gian không chỉ vận động trong thời hiện tại mà nó còn tiến tới tương lai. Bởi vậy, trong khi thi sĩ tận dụng hết các giác quan hiện hữu như thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác để tận hưởng thú vui địa đàng thì giác quan thứ sáu mách bảo với chàng rằng: Nàng Xuân rồi sẽ ra đi. Xuân Diệu vốn rất nhạy cảm với sự trôi chảy nhanh chóng của thời gian nên đang tháng giêng đã than tiếc sợ hết xuân. "Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân / Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua / Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già / Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất". Vốn có con mắt tinh đời, Xuân Diệu đã nhìn thấy tính hai mặt của thời gian. Ông vừa nhìn nàng xuân trong tay mình, đã thấy nàng tuột mất khỏi tay mình. Đang nhìn thấy nàng dậy thì đã nhìn thấy nàng già cỗi. Đang thấy xuân vui chợt đã thấy xuân buồn... Lúc vạn vật đang gặp gỡ, giao hòa thì đã mang mầm móng của sự chia ly. "Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi / Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt... / Con gió xinh thì thào trong lá biếc / Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi ? / Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi / Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?".
 
Mùa xuân ra đi, tuổi xuân rồi cũng ra đi, tuổi già và cái chết đang nhích lại dần. Bi đát cho chàng Xuân... quá ! Hẳn có ai đó sẽ an ủi: "rằng xuân vẫn tuần hoàn", năm sau Nàng Xuân lại đến, vẫn xinh đẹp như vậy, có mất đi đâu mà sợ ! Nhưng thực ra, Xuân Diệu không tiếc cho mùa xuân mà tiếc cho tuổi xuân của con người khi đã ra đi thì không bao giờ trở lại. Một trăm năm sau, Nàng Xuân vẫn tới và vẫn trẻ trung xinh đẹp nhưng lúc ấy, chàng thi nhân của chúng ta đã thành cát bụi rồi. Biết được tương lai đáng buồn như vậy nhưng điều đáng quý là Xuân Diệu không chịu buông xuôi theo dòng đời. Chàng trai trẻ dõng dạc hô "Mau đi thôi !" rồi "Vội vàng" lao vào dòng đời để khám phá, thưởng thức thiên đường trên mặt đất. Bởi vậy, mặc dù đoạn giữa bài thơ có giọng điệu buồn nhưng nó bị chìm đi giữa âm thanh vui tươi, khỏe khắn ở đầu và cuối bài thơ.  
 
Hình tượng mùa xuân trong bài thơ thật trẻ trung, xinh đẹp và sống động. Nó cho thấy giá trị đích thực của của cuộc sống thiên đường trên mặt đất. Xuân Diệu là người thiết thực, muốn vội vàng tận hưởng ngay những "thanh sắc của thời tươi" trong hiện tại. Bài thơ đã toát lên nhân sinh quan tiến bộ của tác giả: hãy quý trọng thời gian và sống hết mình trong thời tuổi trẻ.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây