Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giới thiệu thơ văn Nguyễn Trãi

Thứ năm - 07/05/2015 00:02
Trong thời đại phong kiến ở nước ta không có vị anh hùng nào nhiều tài nhưng chịu nhiều oan khiên như Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi là một tài năng hiếm có. Tổng hợp nhiều con người trong một con người: nhà chính trị, quân sự, ngoại giao kiệt xuất, nhà tư tưởng, văn hoá lớn, nhà nghệ sĩ lỗi lạc.
Nguyễn Trãi là một Oan khiên hiếm có. Hiếm có ai tài năng, công lao, đức độ như Nguyễn Trãi, vậy mà phải chịu vu oan với cái án thảm khốc “tru di tam tộc”. Tội của Nguyễn Trãi ư, thực ra ông chết vì trong sáng quá, thanh liêm quá.
 
Tuy nhiên, tựu trung lại, đây là con người yêu nước thương dân, đau đáu tấm lòng vì dân giúp nước tiêu biểu nhất trong hơn một nghìn năm phong kiến độc lập tự chủ Việt Nam.
 
Lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi có nguồn gốc từ lí tưởng nhân nghĩa của Nho giáo, song được chọn lọc lấy những yếu tố tích cực, “Việt hoá” theo yêu cầu đạo đức và đặc biệt là theo thực tế cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, theo đòi hỏi của dân tình. Do đó, tư tưởng nhân nghĩa của ông vừa tiến bộ, vừa thiết thực. Cụ thể : nhân nghĩa = yêu nước + thương dân, trong đó, dân là gốc của nước. “Thân dân” cũng là cốt lõi trong tư tưởng yêu nước của ông.
 
Lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi vừa nhất quán, vừa biến đổi phù hợp với vận động của cuộc sống. Trong kháng chiến, đó là lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến quyết thắng quân xâm lược. “Bình Ngô đại cáo” là một bản cáo trạng tội ác kẻ thù hùng hồn:
 
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ.
 
Hình ảnh thơ thật dữ dội, mang tầm khái quát lớn mà vẫn lay động tâm can người đọc. Đáng chú ý là tác giả tố cáo tội ác của kẻ thù đối với ai và vì ai mà tác giả tố cáo ? Chính nhân dân : “dân đen”, “con đỏ” - người lao động cùng khổ nhất, niềm yêu và nỗi đau khắc khoải suốt đời. Câu thơ mãnh liệt về cảm xúc, lớn lao về tư tưởng.
 
Nỗi đau lớn lao tạo nên hành động lớn. Ý chí và sức mạnh chiến đấu cho hạnh phúc nhân dân được miêu tả mang tầm vóc sử thi kì vĩ:
 
... Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn
... Cơn gió to trút sạch lá khô
Tổ kiến hồng sụt toang đê vỡ.
 
Không khí trận mạc ấy nhiều tác phẩm khác có thể có nhưng lí tưởng trận mạc thì không tác phẩm nào sánh kịp.
 
Đất nước tan bóng giặc, lòng yêu nước của Nguyễn trãi là khát vọng sao cho nhân dân no ấm. Bài Bảo kính cảnh giới số 43 có 6 câu tả cảnh, nhưng hai câu kết vút lên tiếng nhạc lòng thẳm sâu của tác giả:

Dễ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
 
Đây không chỉ là khát vọng cơm áo, mà còn là ước mơ một nền chính trị nhân ái.
 
Nỗi đau trong thơ Nguyễn Trãi có nguồn gốc từ sự chứng kiến thói đời đen bạc và những thăng trầm cá nhân.
 
Buồn trước nhân tình thế thái:
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết
Bui một lòng người cực hiểm thay.
 
Câu thơ nước mắt có dáng dấp tục ngữ. Lối viết này ta gặp rất nhiều : “Ở thế nhiều phen thấy khóc cười”, “Hoa thì hay héo cỏ thì tươi”. Âm điệu của nó trầm uất, nội dung là vạch ra cái trớ trêu, phi lí, đen bạc của cuộc đời.
 
Buồn nhưng không bi quan tuyệt vọng, vẫn như tùng bách hiên ngang “Ung dung cứ nói điều ta thích - Uốn gối theo đời không thể vâng”. Bản lĩnh cứng cỏi, nhân cách trung thực, Nguyễn Trãi coi “Sự thế nhiều khi muốn khóc cười” là nơi thử thách, rèn luyện mình. Và ông tự hào chính đáng:
 
“Một tấm lòng son lò lửa luyện - Mười năm thanh chức ngọc hồ băng”.
 
Điều sâu xa nhất trong nhân cách Nguyễn Trãi là luôn canh cánh nỗi lo dân nước. Quy ẩn mà tấm lòng ông vẫn tha thiết với đời, trào dâng như biển cả trong những vần thơ thật cảm động : “Bui một tấc lòng ưu ái cũ / Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”. Chữ “bui” (từ cổ) nghĩa là riêng. Đi tận nỗi niềm riêng Nguyễn Trãi, lại hoá ra là “tấc lòng ưu ái” với dân - nước. Đó là tầm vóc lớn của tư tưởng và cường độ lớn của xúc cảm trong thơ, mà hạt nhân là tư tưởng thân dân. Nước với dân là một, nói đúng hơn, dân là nhân lõi của nước. Sáng suốt biết chừng nào !Hồn thơ Nguyễn Trãi không chỉ có độ sâu mà còn rất phong phú . Đó là lòng yêu thiên nhiên đằm thắm thiết tha. Chốn ẩn dật u tịch không khép lại hồn ông mà mở ra bao âm vang thắm thiết của đời thường.
 
Cò nằm hạc lẩn nên bầy bạn
Ủ ấp cùng ta làm cái con.
 
Biết bao ấm áp trong hai chữ “ủ ấp”. Nguyễn Trãi không chỉ đến, mà nhập vào thiên nhiên. Sự hoà hợp này phát lộ thành những câu thơ kì diệu. Nói chuyện uống rượu mà viết “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén” thì thật bất ngờ, lí thú. Uống rượu thành uống trăng (hớp nguyệt), say trăng như say rượu (nghiêng chén) đúng là bậc đại giác mới sinh đại mộng.
 
Hồn thơ như thế nên biến hoá cả cây chuối dân dã thành. “Tình như một bức phong còn kín / Gió nơi đâu gượng mở xem” cũng không có gì lạ. Mảng thơ này làm Nguyễn Trãi “người” hơn, gần chúng ta hơn, vì thế mà “vĩ nhân” hơn. Bởi Mác đã nói rất hay : “Những gì thuộc về con người dều không xa lạ với tôi”.
 
Nguyễn Trãi còn là một nhà chính luận lỗi lạc. Quân chung từ mệnh tập là một biểu tượng mẫu mực. Sắc sảo chặt chẽ trong tập luận trên cơ sở một tư tưởng nhân nghĩa tiến bộ, cao đẹp, lay động cả tâm trí người đọc. Trước kẻ thù đang thất thế mà người nắm chắc phần thắng hạ bút “Nếu muốn rút quân về nước ta cho sửa sang cầu cống, mua sắm tầu thuyền, thuỷ bộ hai đường, tuỳ theo ý muốn ; quân ra khỏi cõi, yên ổn muôn phần, không còn lo ngại gì, rồi đây ta lại nộp cống xưng thần, theo như lệ trước" (Thư lại dụ Vương Thông) thì quả là tinh tế, sâu xa, khôn ngoan rất mực, đáng để muôn đời suy ngẫm. Về Quân trung từ mệnh, Phan Huy Chú đã hạ một lời bình đích đáng - “Có sức mạnh như mười vạn quân”.
 
Thơ Nôm và Hán của ông không chỉ lớn về tư tưởng, nhạy cảm về tâm hồn, mà đầy hấp dẫn bởi lối thể hiện:
 
Hái cúc ương lan hương bén áo
Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn.
 
“Hương bén áo”, "tuyết xâm khăn" khiến ẩn sĩ thành tiên ông. Song hay hơn cả là vẻ đẹp tổng hợp này : con người là trung tâm vũ trụ, là lực hút thiên nhiên. Thiên nhiên quần tụ quanh Nguyễn Trãi . Bài thơ Nôm Bảo kinh cảnh giới số 43 tả cảnh:
 
Hoè lục đùn đùn tán rợp gương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.
 
Những từ “đùn đùn”, “phun”, khiến chúng ta sửng sốt về ngôn ngữ thơ. Tiếng Việt buổi đầu ở Nguyễn Trãi đã đạt một trình độ đáng khâm phục.
 
Tóm lại, Nguyễn Trãi xứng đáng là bậc đại thi hào đầu tiên của lịch sử văn học dân tộc, vừa kết tinh và nâng cao những tinh hoa văn hoá của thời đại trước, vừa khai sáng cho thơ ca tiếng Việt. Để có một Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến sau này, chắc không thể thiếu được cái nền lớn : Nguyễn Trãi.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây