Nhưng cũng đừng ngạc nhiên, khi cũng có rất nhiều người khác nói :”Chưa từng...!!”. Thử nghỉ xem trong dòng chảy xô bồ của cuộc sống, khi con người đặt nặng vật chất lên trên tinh thần, người ta còn bận toan tính thiệt hơn, còn phải chạy đua với thời gian, gồng gánh trên vai “cơm-áo-gạo-tiền” làm họ thấy không có gì quan trọng bằng cuộc sống của mình, họ không đủ sức để nghĩ đến người khác.
Vô hình dung, họ đang dần mất đi những giá trị đích thực của cuộc sống, mất đi cái nếp sống đồng cảm và sẻ chia đang rất cần trong xã hội hiện nay.
Đồng cảm là gì? – Đồng cảm là quên đi bản thân trong niềm vui và nỗi buồn của người khác, nhiều đến mức bạn thực sự thấy rằng niềm vui hay nỗi buồn mà người khác đang trải qua cũng chính là niềm vui hay nỗi buồn của chính bạn.
Đồng cảm cũng không phải là điều gì đó xa vời, mà thực ra rất gần gũi đến mức ai trong chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày. Đồng cảm xuất phát từ những cử chỉ, hành động đơn giản mà đôi khi chúng ta không nhận ra: đó là những giọt nước mắt cảm thông,là những cái xiết tay chia sẻ, là những nụ cười khích lệ... đơn giản vậy mà cũng là quá khó với một số người?!
Có bao giờ trong cuộc sống đủ đầy của mình, bạn thấy tiếc khi bỏ đi chiếc áo chỉ hơi lỗi mốt, mà nghĩ đến,với chiếc áo ấy một người nghèo khó có thể vượt qua cả mùa đông.Có bao giờ, bạn thật sự vui, chúc mừng bạn mình đạt thành tích cao trong học tập, hay chỉ biết ghen tị?!
Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu ta biết đau với nỗi đau của người khác, vui với niềm hạnh phúc của người khác.Chỉ một hành động nhỏ, kịp thời, có lúc bạn đã cứu được một tâm hồn đang trên bờ vực của tuyệt vọng.Cho người ấy thêm niềm tin vào cuộc sống.Sẽ không khó khăn nếu chúng ta thật lòng cho đi yêu thương. Bởi điều đó rất có ý nghĩa với người được nhận sự đồng cảm.Còn người cho yêu thương thì sao? Họ sẽ trưởng thành hơn và tâm hồn của họ sẽ thêm giàu có. Thật trân trọng biết bao khi những người biết cho đi mà không cần nhận lại.
Đồng cảm sẽ có ý nghĩa hơn nếu người ta còn biết sẻ chia, đem suy nghĩ của mình chuyển thành hành động. Có người nói: “ Tôi không đủ để chia sẻ với người khác!”. Nhưng thưa: “Không!!”- cái mà bạn có rất nhiều, nhiều hơn cả vật chất của bạn, đó chính là tấm lòng. Có là nhiều không khi bạn chia sẻ chiếc bánh mì trên tay mình cho một em bé gầy nhom đang rất đói?! Có là nhiều không khi bạn dành chút ít thời gian để lắng nghe chia sẻ với người bạn của mình?! Và cũng thật có ích, nếu bạn cùng với những người bạn cùng lớp chia sẻ những tập vở, quần áo cũ cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Ai trong cuộc sống này cũng cần được sẻ chia, với người đang vui vẻ, hạnh phúc thì sự chia sẻ của chúng ta là những lời chúc chia vui cùng họ.
Vậy chia sẻ là gì? – Chia sẻ là sự cho đi, quan tâm hay giúp đỡ người khác về vật chất và tinh thần bằng tất cả khả năng của mình, giúp họ vượt qua khó khăn hoạn nạn. Chia sẻ cũng là một hành động đơn giản bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Đừng nghĩ rằng chỉ có những điều to tát mới đáng chia sẻ, nếu nghĩ như vậy thì chẳng bao giờ bạn chia sẻ được cho ai cái gì.
Tưởng tượng xem, nếu trong cuộc sống này đồng cảm và sẻ chia không tồn tại thì thế giới này sẽ ra sao đây? Không có đồng cảm chia sẻ, một người cán bộ nhà nước không thể hiểu những khó khăn của nhân dân, dẫn đến xa rời dân, tắc trách trong công việc. Một người thầy giáo không hiểu hoàn cảnh của học trò, chỉ biết dạy hết giờ rồi ra về, làm sao giúp đỡ những học trò yếu kém vương lên, những học trò nghèo có động lực vươn lên trong học tập. Một người cha không đồng cảm với hoàn cảnh con mình thì làm sao nuôi dạy cho tốt?!
Thực tế hiện nay, xã hội rất quan tâm đến những người nghèo, những người bệnh tật, khuyết tật...cũng có rất nhiều hoạt động giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Đó là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự cảm thông chia sẻ, thắt chặt tình người. Qua các chương trình “Vì người nghèo”, “Thắp sáng ước mơ”, “Trái tim cho em”, “Ngôi nhà mơ ước”....đã giep vào tâm hồn những người, những gia đình được giúp đỡ một hi vọng sống mãnh liệt. Chắc bạn chưa biết, bà Huỳnh Thị Phấn, ngoài 70 tuổi, bị ung thư tử cung, hằng ngày bà phải vất vả đi bán vé số nuôi thằng cháu mới 8 tuổi bị nhiễm HIV, mồ côi cả bố mẹ (đều chết vì AIDS).Hai bà cháu đang sống với thu nhập 15000 đồng/ngày tại một ngôi nhà tình nghĩa ở khóm 10, ấp Long Thị C, huyện đảo Tân Châu (An Giang). Bà bảo, bà sẽ không thiếu ăn nếu không có những ngày phải bỏ bán vé số vì cơ thể đau đớn. Bà mong, bà không bị ốm, bà sẽ có đủ 300000 đồng/tháng lo cho hai bà cháu. Thành viên của nguoitoicuumang tình nguyện giúp hai bà cháu 150000 đồng/tháng. Rồi một phòng khám ở địa phương cũng hỗ trợ thêm mỗi tháng 10kg gạo. Vậy là từ đấy hai bà cháu nghèo không phải lo “nay no mai đói” nữa.
Đó chính là nghĩa cử cao đẹp của những con người có tấm lòng bao dung nhân ái đáng được hoan nghênh. Nhưng nể phục hơn nữa là ý tưởng thành lập trang web www.nguoitoicuumang.com của ba chàng trai trẻ có tấm lòng đồng cảm với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc làm tốt đẹp ấy không chỉ gói gọn trong một nhóm nhỏ những người có tấm lòng nhân ái, mà đã và đang kêu gọi được thêm nhiều người khác cùng nhau chung sức giúp đỡ những người nghèo khó.
Hành động đồng cảm và sẻ chia không chỉ giới hạn trong không gian, thời gian, một miền quê mà còn là vòng tay nối kết cả thế giới. Cách đây 1 năm, vào ngày 12/1 trận động đất kinh hoàng ở Haiti làm cả thế giới chấn động vì số người chết quá cao và vì Haiti là một đất nước quá nghèo. Chỉ trong nháy mắt, hơn 230.000 người thiệt mạng và mất tích. Mạnh hơn Haiti 1000 lần, trận động đất 27/2 ở Chile đã gây ra sự tàn phá rất lớn, là một trong những trận động đất dữ dội nhất trong lịch sử thế giới khiến gần 1000 người chết và mất tích. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, các quốc gia các tổ chức trên thế giới đã có những hành động thiết thực, viện trợ kịp thời hay tình nguyện xóa nợ đọng của các quốc gia ấy để Haiti và Chile sớm vượt qua khó khăn.
Các bạn ạ! Mỗi người, mỗi ngày, hãy dành một khoảng thời gian, để dừng lại bên đời một chút dành cho nhau những chia sẻ ngọt ngào. Đồng cảm và sẻ chia đã và đang là nếp sống tốt đẹp rất cần được gìn giữ. Có đồng cảm và sẻ chia ta sẻ không phải hổ thẹn khi được con là CON NGƯỜI. Nếp sống tốt đẹp đó không chỉ sưởi ẩm lòng người khác mà còn đem lại hạnh phúc cho chính mình, mở ra một hy vọng cho một tương lai tươi sáng cho quê hương, đất nước, cho toàn nhân loại.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi....”
(Trịnh Công Sơn)