I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
1. Tháng 1 – 1965, cả dân tộc long trọng tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Du – danh nhân văn hoá Việt Nam và thế giới , trong không khí sôi sục căng thẳng của cả nước chống Mỹ.
2. Cuộc đối đầu không cân sức giữa một dân tộc vừa thoát bóng tối nô lệ và tên sen đầm quốc tế Mỹ đặt dân tộc ta trước vấn đề sống còn: sức mạnh nào giúp dân tộc ta vược qua thử thách, chiến thắng sức mạnh tàn bạo của kẻ thù?
3. Trong không khí đó, tại tuyến lửa ác liệt khu IV cũ, nhà thơ lớn – con chim đầu đàn của thi ca cách mạng Việt Nam – Tố Hữu đã viết Kính gửi cụ Nguyễn Du , như một tâm tình tri kỷ với người xưa, để khơi gợi những giá trị tinh hoa của Nguyễn Du đem vào không khí Ra trận một sắc thái mới, những con người hậu thế sẽ giải đáp cho băn khoăn của “cha ông thời xưa cũ” và tiếp thu tình thương vĩ đại của nhà thơ bước vào trận chiến mới.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
A. Tiếng thơ của Tố Hữu cũng là tinh thần của thời đại mới tiếp nhận di sản quí báu của cha ông:
1. Tiếng thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu bao giờ cũng cùng chung nhịp rung cảm với dân tộc và thời đại. Đến Ra trận, thơ ông muốn là tiếng kèn xung trận, bám sát tinh thần thời đại, phát ngôn tư tưởng của Đảng.
2. Ý thức công dân hoà quyện tình cảm truyền thống đã tạo nên mạch ân tình đằm thắm của bài thơ – trong không khí vừa cổ điển vừa hiện đại, với cấu tứ cân xứng: hai dòng mở đầu và hai dòng kết thúc như là nối mạch truyền thống – hiện đại, năm khổ ở giữa, mỗi khổ gồm ba cặp lục bát cân xứng, đã cô đúc thái độ, cách đánh giá và tình cảm của thời đại mới về Nguyễn Du. Cảm xúc vì vậy hoà quyện được tính chính luận và trữ tình.
3. Đặc biệt hai câu đầu bao quát được tâm trạng tác giả “Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều” gắn không gian “nửa đêm” gợi nhiều hoài niệm ngay trên “huyện Nghi Xuân quê hương của tác giả Truyện Kiều. Âm hưởng lắng đọng, trang nghiêm, thành kính.
B. Ý nghĩa của các khổ thơ:
1. Suy nghĩ về Nguyễn Du thông qua không khí truyện Kiều:
a. Kiều chính là tâm sự của Nguyễn Du với thời đại của ông. Số phận Kiều bộc lộ đầy đủ cái tôi trữ tình Nguyễn Du. (6 câu)
b. Tấm lòng “tê tái thương yêu” – tinh thần nhân đạo “rất đẹp và rất sâu” dành cho con người, trong hoàn cảnh xã hội biến động. Bản thân Nguyễn Du cũng như Kiều – bất lực, chìm nổi. (2câu)
c. Sự bế tắc của Nguyễn Du – thời đại của ông tràn ngập bóng tối của “trời đêm” – bi kịch của ước mơ khát vọng không thành. Kiều – tài, sắc, hiếu, tình – ngổn ngang trăm mối không có hạnh phúc, bị vùi dập ê chề (2câu)
d. Nhắc lại đoạn đời bi thảm bậc nhất của Thuý Kiều sau cái chết của Từ Hải – sự ngộ nhận phải trả giá đau đớn. Ngọn cờ đào của Từ Hải (Ba quân trông ngọn cờ đào – Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Truy). Cảm xúc trong mối liên hệ với thời đại của Nguyễn Du còn gợi về hình ảnh của ngọn cờ đào phong trào nông dân Tây Sơn(Mà nay áo vải cờ đào) Khát vọng giải phóng con người mâu thuẫn với tư tưởng trung quân, làm nên bi kịch đỉnh điểm của Thuý Kiều. Nguyễn Du yêu thương nhân dân nhưng không hiểu và không tán đồng khởi nghĩa nông dân của Nguyễn Huệ, từ đó tạo thành tâm trạng “ngẩn ngơ” và bế tắc “đành như thân gái”. Đó còn là cảm xúc đồng điệu giữa nhân vật với chủ thể – “phong vận kỳ oan ngã tự cư”.
2. Mối cảm thương nỗi niềm tác giả “Truyện Kiều”:
a. Từ nhận thức sâu sắc tạo nên cuộc gặp gỡ tri âm của hai tấm lòng giàu thương yêu, ân tình với cuộc đời: cảm thông, xót xa cho những bế tắc cuộc đời cũ.
b. Lời tâm tình của Tố Hữu với Tố Như, cảm nhận tấm lòng của Nguyễn Du với cuộc đời. (Trước kia, trong Bài ca Xuân 61, Tố Hữu từng viết: Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều). “Truyện Kiều” chính là “tơ lòng” của Nguyễn Du vấn vương mãi với cuộc đời hôm nay.
c. Người đời sau cảm thương, say mê Truyện Kiều cùng các tác phẩm của Nguyễn Du và trân trọng ông vì “nhân tình” – tình người – giá trị cơ bản trong các tác phẩm Nguyễn Du. Sự đồng cảm sâu sắc giúp Tố Hữu hiểu đúng tinh thần “máu chảy ở đầu ngọn bút” cũng như khát khao tìm gặp tri âm của Nguyễn Du (Nguyễn Du viết trong Độc Tiểu Thanh ký : “khấp Tố Như” – còn Tố Hữu lại viết “khóc cùng Tố Như” – câu hỏi gợi lại “nỗi niềm xưa” thực chất là tấm lòng tri âm của Tố Hữu - hậu thế “khóc cùng Tố Như”), như thấu suốt tình người cao cả của Nguyễn Du.
d. Câu thơ “tập Kiều” chính là nén tâm hương thành kính của Tố Hữu, người của “mai sau” mà Nguyễn Du hằng mong đợi, tạo âm hưởng đồng điệu của hai trái tim, hai thời đại. Là câu trả lời cho băn khoăn của Nguyễn Du: những con người của thời đại chống Mỹ, hơn ai hết, cũng là những ngừơi biết cảm thông, đau đớn trước những khổ đau bất hạnh của cuộc đời cũ.
3. Cảm nhận tiếng nói tri âm của người xưa – tiếp nhận di sản tinh thần vĩ đại của Nguyễn Du:
a. Toàn bộ khổ thơ là tiếng nói của thời đại mới hôm nay tiếp nhận rất trân trọng tấm lòng nhân hậu của Nguyễn Du để lại qua câu chuyện về cuộc đời chìm nổi của Thuý Kiều và thân phận những người phụ nữ bất hạnh trong cuộc đời cũ.
b. “Tiếng đàn” – tài năng, tấm lòng của Kiều – bị huỷ hoại đau xót trong cuộc đời cũ, cũng như cái tâm của Nguyễn Du đã bao lần bị ngộ nhận, phải đến hôm nay mới thật sự được cảm nhận đánh giá đầy đủ. Câu thơ còn là lời khẳng định cho tinh thần nhân bản của thời đại mới : trả cái đẹp về đúng vị trí trang trọng, nối lại dây đàn để “nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”.
c. Đoạn thơ gợi lại cuộc đại đoàn viên của Kiều cùng Kim Trọng và gia đình. Mượn không khí ấy của Truyện Kiều để Tố Hữu đón tấm lòng thơ Nguyễn Du về với “tình đời”. Đó cũng là cách khẳng định và tôn vinh giá trị nhân bản vĩ đại của tác phẩm Nguyễn Du để lại cho dân tộc. Không chỉ là mối cảm thương cho một số phận mà mỗi câu chữ Nguyễn Du là “tấm lòng thấu suốt nghìn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân). Giá trị ấy càng sáng rõ trong thời đại mới.
d. Từ “câu thơ hay nhất của Truyện Kiều” như Tố Hữu có lần đánh giá trước đó (5/61) “Đau đớn thay phận đàn bà” (cũng là câu thơ trong Văn Chiêu hồn), một lần nữa nhà thơ lại khẳng định cho ý nghĩa điển hình của hình tượng Thuý Kiều. Không chỉ là một Thuý Kiều mà còn là thân phận chung của người phụ nữ. Vấn đề Nguyễn Du đặt ra hơn một thế kỷ còn đủ sức lay động mãnh liệt của Tố Hữu – trong tiếng than ngậm ngùi cho những nạn nhânmột lần nữa nhà thơ lại khẳng định cho ý nghĩa điển hình của hình tượng Thuý Kiều. Không chỉ là một Thuý Kiều mà còn là thân phận chung của người phụ nữ. Vấn đề Nguyễn Du đặt ra hơn một thế kỷ còn đủ sức lay động mãnh liệt của Tố Hữu – trong tiếng than ngậm ngùi cho những nạn nhân đau khổ nhất của chế độ phong kiến. Trong mạch liên tưởng nối kết với khổ thơ sau, dòng suy tưởng của Tố Hữu đã gặp gỡ với cảm nhận của Chế Lan Viên về ý nghĩa điển hình của hình tượng Thuý Kiều:
Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên (Đọc Kiều)
4. Tính thời sự – hiện thực của tác phẩm Nguyễn Du:
Xuất phát từ nhận thức và tình cảm sâu sắc với Nguyễn Du, liên hệ giữa quá khứ với thực tại, nỗi đau trong cuộc đời cũ với những đau thương hiện tại trên nửa mình đất nước, Tố Hữu đã nâng tầm thái độ của Nguyễn Du lên thành thái độ của thời đại chống Mỹ với kẻ thù cướp nước và bán nước – thế lực bạo tàn và bọn ác thú tiếp tục gieo đau thương lên dân tộc, con người Việt Nam. Từ đó, ý nghĩa cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng thể hiện giá trị nhân văn cao cả: diệt trừ cái ác, bảo vệ giá trị làm người.
5. Tôn vinh đại thi hào dân tộc:
a. Khổ thơ cô đọng khái quát tư tưởng. Tình cảm của dân tộc với nhà thơ lớn Nguyễn Du – thể hiện tinh thần kế thừa phát huy giá trị tinh hoa truyền thống của thời đại mới, qua hàng loạt khái niệm gắn giá trị to lớn, cao cả, trường tồn, thiêng liêng.
b. Tiếng thơ – nghệ thuật tác phẩm của Nguyễn Du, được tôn vinh ở mức độ cảm hoá được đất trời, hoà hợp các yếu tố “thiên – địa – nhân”. Tầm vóc lớn lao ấy cũng nhằm khắc hoạ đậm nét tâm hồn của một Con Người đã sống hết mình trong bao nhân vật của ông – để cất lên tiếng kêu thương, lời nguyền rủa, một giấc mơ của những cuộc đời bế tắc trong cuộc đời bế tắc trong màn đêm dày đặc của xã hội phong kiến. Để qua tiếng thơ ấy, người đọc hôm nay nhận ra nỗi đau và khát vọng của non nước nghìn thu. Để qua thơ Nguyễn Du, thế hệ hiện tại nhận được thông điệp từ quá khứ khổ đau của cha ông, đồng thời nhận lãnh trách nhiệm thực hiện lời nhắn nhủ thiêng liêng bảo vệ quyền sống, quyền làm người cao cả.
c. Với tư cách ấy, Nguyễn Du xứng đáng với sự tôn vinh “đại thi hào dân tộc”. Cái nhìn hướng đến “nghìn năm sau” như lời đoan chắc, vừa là nhận thức và tình cảm gắn bó với truyền thống nhân bản cao quí của tiếng thơ – tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày đã ăn sâu vào hồn dân tộc. Đó là sự tôn vinh xứng đáng cho giá trị lớn lao nhất của Nguyễn Du để lại cho hậu thế: tinh thần nhân đạo cao cả trong mỗi tâm hồn Việt Nam.
d. Lời gọi trìu mến thiết tha của Tố Hữu dành cho Nguyễn Du cũng chính là của Đảng, của dân tộc thể hiện sự biết ơn sâu sắc, khẳng định sự bất tử của tác giả Truyện Kiều. Đó cũng là lời đáp cho “tấm lòng thơ” đầy trăn trở với “tình đời” ngày xưa. Đó là lời hứa, là quyết tâm sắt đá của dân tộc trong những ngày chống Mỹ ác liệt, tấu lên “khúc vui” tái hợp, hoà âm cùng khát vọng, giấc mơ thuở trước của Nguyễn Du. Câu thơ là niềm tin, khẳng định cho sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
C. Phong cách nghệ thuật Tố Hữu:
1. Bài thơ kết tinh vẻ đẹp nghệ thuật và tư tưởng Tố Hữu trong giai đoạn “ra trận”: mạch thơ cổ điển – hiện đại trong cấu tứ mở – kết hài hoà với âm hưởng lục bát lắng sâu cùng không khí Truyện Kiều đã tạo thành cảm xúc trữ tình chính trị đằm thắm đầy ân tình.
2. Sức sống của tác phẩm chính là nhờ hoà âm nhịp nhàng của hồn thơ đậm đà tính dân tộc trong câu chữ chân chất của thể lục bát, lối “tập Kiều” điêu luyện tinh tế, cách cảm nhận quen thuộc của nhân dân với Truyện Kiều và liên tưởng, nhận thức sâu sắc gắn với các nhiệm vụ cách mạng, tư tưởng của Đảng. Bài thơ của Tố Hữu chính là điểm gặp gỡ của hôm nay với ngày xưa, dân tộc và thời đại, trữ tình và chính luận, Thơ và Đời, tạo nên ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ truyền thống soi sáng cho hiện tại bằng cảm xúc chân thành tri âm, tiếng thơ “đồng tình, đồng ý, tiếng nói của đồng chí” của Tố Hữu – nhà thơ lớn cách mạng lại làm đẹp thêm và giúp người đọc thấy hết tầm vóc vĩ đại của đại thi hào dân tộc.
III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ:
Lời hứa với người xưa đã trọn. Hai lần quá khứ đau thương đã khép lại: đau thương của hoàng hôn thế kỷ và đau thương của thời mưa bom bão đạn chống Mỹ. Đọc tác phẩm, ta càng tự hào trân trọng cho truyền thống nhân văn , vẻ đẹp tâm hồn, sức mạnh tình thương đã làm nên trang sử đau thương, bất khuất ,anh dũng của dân tộc. Thế kỷ tương lai mở cánh cửa lại càng cần những tấm lòng tri âm với quá khứ, để có thể cất lên bản đại hợp xướng đón hạnh phúc về với mỗi con người:
Hỡi người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng người