Là một chị Dậu trong “Tức nước vỡ bờ”, bất chấp thân phận nhỏ bé, vùng lên chống trả quiết liệt tay lý trưởng, bảo vệ chồng.
Hay là một Lão Hạc chất phác, cuộc đời Lão cuối cùng phải hứng chịu một kết cục ngắn ngủi sau bao biến cố Lão phải chịu đựng và đấu tranh nội tâm gay gắt.
Đọc “ Chữ người tử tù”, một lần nữa ta lại bắt gặp cái vẫn được gọi là kỳ tích.
Với nhân vật Huấn Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại, Nguyễn Tuân đã đưa tới cho người đọc một triết lý:
Cuộc đời này đã tạo ra chốn ngục tù tối tăm kìm kẹp bao hế hệ.
Để rồi chính tại nơi ấy, đặt vào đó luồng sáng tuy leo lắt mỏng manh nhưng lại có sức mạnh làm bừng tỉnh, cứu vớt bao tâm hồn vẫn hằng mong được vượt ngục tìm tới nguồn sáng cuộc đời mình.
Sức mạnh ấy phải chăng chính là sức mạnh của lòng chính nghĩa, lòng tự tôn dân tộc, và trên hết là vẻ đẹp của chữ, sự trường tồn bất tử của cái đẹp hiện hữu, cái đẹp thống trị nơi ngục tù tăm tối.
Nhắc tới “Chữ người tử tù”, không ai quên nhắc tới chiều sâu nhân văn mà nó mang lại, nói cách khác, ý nghĩa của tác phẩm đã khắc sâu vào tâm khảm độc giả, bởi lẽ nhớ tới “Chữ người tử tù” giờ đây không còn chỉ đơn giản là cảm thụ vẻ đẹp lời văn, mà đã là lời tự nhắc về vẻ đẹp trường tồn của ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.
Một viên quan coi ngục, phục vụ cho chế độ phong kiến, lại mang trong mình một ấp ủ, hoài bão về một nét chữ được người đời lưu truyền lâu nay.
Một Huấn Cao, con người viết chữ chẳng vì vinh hoa vàng bạc, dù cho bị giam cầm kìm hãm vẫn nhất quyết không chịu khuất phục, rất quý trọng với những người có lòng trong thiên hạ và phát huy vẻ đẹp và tinh hoa của chữ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Vẻ đẹp của chữ và ý nghĩa của ngôn từ được Nguyên Tuân bộc lộ và sử dụng rất hiệu quả.
Điều đó không chỉ làm nên ý nghĩa cho toàn bộ tác phẩm mà còn tạo nên giá trị thẩm mỹ mà hiếm thấy được ở các tác phẩm phản ánh thực trạng xã hội.
Đọc “Chữ người tử tù”, người đọc chúng ta ngỡ ngàng trước vẻ đẹp ẩn trong mình triết lý sâu xa của chữ.
Vẻ đẹp của chữ là hình ảnh chủ đạo xuyên suốt toàn tác phẩm.
Vẻ đẹp của chữ làm toát lên nhân cách của nhân cách và thiên lương của viên quan ngục, khí phách và lòng người biết biệt nhỡn liên tài và tài năng thiên bẩm làm cảm hóa lòng người của Huấn Cao.
Phải chăng chính những tình huống, hành động cao đẹp của nhân vật đã làm cho vẻ đẹp của chữ lên ngôi.
Viên coi ngục, được đánh giá như là một tấm lòng biết giá người và biết quý trọng người ngay, là một “âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản dàn mà nhạc luật đều hồn loạn xô bồ”.
Trong hoàn cảnh đề lao, giữa cái nơi người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, vẻ đẹp của chữ đã cảm hóa tấm lòng những con người ẩn mình dưới cái ác.
Sự hiện thân của cái đẹp, chữ Huấn Cao sáng lên như một ngọn lửa trong màn đêm tăm tối, làm sáng chính mình và nhóm lên ngọn lửa vĩnh cửu trong lòng mến mộ cái đẹp của quản ngục.
Nhưng cái đẹp đâu chỉ dừng lại ở đó.
Thoạt đầu, đơn thuần chỉ là vẻ đẹp của chữ ngấm vào cốt cách viên quản ngục.
Cho tới cuối tác phẩm, ngọn lửa rực sáng trong lòng Huấn Cao, nhen nhóm trong viên quản ngục, rồi lan tỏa, làm bừng sáng, làm sống dậy nơi ngục tù tăm tối.
Một lần nữa, sự tác động sâu xa của chữ được thể hiện qua chi tiết mở nút của tác phẩm, hình ảnh cho chữ Huấn Cao.
Sống giữa buổi giao thời giữa hai thời đại, con người ta cũng chuyển biến thật kỳ lạ.
Trong bóng tối của ngục tù, ánh sáng đỏ rực của bó đuốc rọi khắp.
Từ vị trí của kẻ thống trị, giờ đây bỗng cúi mình, cúm rúm dưới sức mạnh của chữ.
Thư pháp của Huấn Cao biến tầng lớp xã hội đương thời, cùm kẹp chữ nghĩa văn chương trở nên “khúm núm”.
Hình ảnh “một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng” làm nổi bật lên sự bất khuất trường tồn của đẹp, mặc cho sự hạn chế của xã hội, bất chấp mọi điều kiện cản trở, từng nét bút của Huấn Cao vút đưa lên, đậm tô nét ở trên tấm lụa trắng tinh, tựa như một nét chấm phá của vẻ đẹp của chữ chốn ngục tù nhem nhuốc.
Như đã nói ở trên, trong cái chuyển mình của xã hội luôn bao hàm và dẫn tới sự biến đổi của con người.
Trong hoàn cảnh xiềng xích, Huấn Cao, từ người tử tù, bỗng chốc thoát mình trở thành người nghệ sỹ tự do sáng tạo ra cái đẹp.
Còn viên quản ngục trở nên người tri âm cái đẹp cùng người nghệ sỹ.
Hình ảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có” này, đồng thời lại như đang giải thích cho gốc rễ của nhân cách, xuất phát điểm là nơi của tài năng và khí phách.
Quả thực, không thể phủ nhận rằng, vẻ đẹp hiện hữu dường như luôn vô hình ẩn sau mỗi chi tiết và bộc lộ qua tấm lòng từng nhân vật, làm sáng lên nhân cách và làm bừng lên những hoài bão tung hoành của đời người.
Kết thúc tác phẩm là hình ảnh viên quản ngục nhận lấy chữ từ người tử tù.
Trong thời khắc này, mùi mực thơm lan tỏa khắp gian phòng ẩm thấp, hay phải chăng chính tâm hồn Huấn Cao đang truyền đời cái đẹp, viên quản ngục đón nhận nó và tâm hồn trân trọng cái đẹp của ông dường như được giải thoát và thỏa mãn phần nào.
Cái đẹp đang bao trùm lên cái nơi “ khó giữ được thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện” ấy, hay là Huấn Cao đã để lại một nét “Tâm” cho người đời sau.
Một chữ Tâm hoàn toàn có khả năng làm thay đổi một phần bị ảnh hưởng bởi xã hội đen tối, một chữ Tâm ngấm vào cái tâm đã sẵn muốn được hoàn lương…
Vẻ đẹp của chữ hiện lên trong lao ngục làm cho hình ảnh vĩ nhân tưởng chừng như tầm thường trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết, khiến hoàn cảnh bỗng trở nên dễ dàng nhẹ bỗng, cái tối tăm nhường chỗ cho ánh sáng của thiên lương và cái đẹp luôn ẩn náu.
Đã bao lần ta đọc một trang sách, đáng lẽ nên lật qua trang mới, nhưng lại lật ngược trở lại, suy ngẫm?
Các tác phẩm của Nguyễn Tuân là vậy, nghe thì tưởng như đơn giản vô cùng, nhưng ý nghĩa và triết lý mà nó để lại trong lòng mỗi người đọc thì lớn vô cùng. “Chữ người tử tù” cũng là một trong số đó.