Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bài giảng Toán 1, bài 68: Đồng hồ - thời gian – Sách cánh diều

Thứ bảy - 10/10/2020 09:21
Hướng dẫn soạn giáo án mẫu bài giảng Toán 1, bài 68: Đồng hồ - thời gian - Sách cánh diều

I. MỤC TIÊU

Học xong bài này, HS đạt các yêu cầu sau:
- Làm quen với mặt đồng hồ, biết xem giờ đúng, có nhận biết ban đầu về thời gian.
- Biết xác định và quay kim đồng hồ đúng vị trí tương ứng với giờ; bước đầu nhận biết các thời điểm trong sinh hoạt hằng ngày.
- Phát triển các NL toán học.

II. CHUẨN BỊ

- GV chuẩn bị một đồng hồ giấy có thể quay được kim dài và kim ngắn. Mỗi nhóm HS mang đến một đồng hồ có kim dài và kim ngắn.
- Phiếu bài tập, tranh tình huống như trong SGK.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
A. Hoạt động khởi động

- HS quan sát mặt đồng hồ theo nhóm, chia sẻ hiểu biết về các thông tin trên đồng hồ, chẳng hạn: kim ngắn, kim dài, mặt đồng hồ có những số nào, những vạch chia trên mặt đồng hồ ra sao?,...
Đại diện nhóm chia sẻ trước lóp.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Nhận biết mặt đồng hồ và cách đọc giờ đúng
“Mặt đồng hồ có 12 số, có kim ngắn và kim dài. Kim ngắn và kim dài đều quay được và quay theo chiều từ số 1 đến số 12 rồi tiếp tục từ số 12 sang số 1. Kim ngắn chỉ giờ, kim dài chỉ phút”.
GV gắn đồng hồ chỉ giờ đúng lên bảng, hướng dẫn HS đọc giờ đúng trên đồng hồ, chẳng hạn: “Kim dài chỉ vào số 12, kim ngắn chỉ đúng vào số 9, ta nói: Đồng hồ chỉ 9 giờ”.
- GV gắn một số đồng hồ chỉ giờ đúng khác lên bảng, HS đọc giờ đúng rồi chia sẻ với bạn.
- GV gọi một vài HS trả lời, đặt câu hỏi để HS giải thích tại sao các em lại đọc được giờ như vậy.
Lưu ý: Khi quay kim đồng hồ, GV quay kim dài trên đồng hồ để HS thấy được việc di chuyển của kim dài kéo theo việc di chuyển của kim ngắn.
2. Thực hành xem đồng hồ
Thực hành theo nhóm, phân biệt kim ngắn, kim dài, quay kim trên mặt đồng hồ của nhóm, rồi đọc kết quả.

C. Hoạt động thực hành, luyện tập

Bài 1
- HS đặt câu hỏi và trả lời theo cặp/nhóm bàn: Mỗi đồng hồ chỉ mấy giờ?
- Đại diện một vài cặp chia sẻ trước lớp.
- GV đặt câu hỏi để HS chia sẻ: Làm thế nào em đọc được giờ đúng trên đồng hồ?
Bài 2. HS thực hiện các thao tác sau:
- Đọc giờ đúng trên đồng hồ.
- Đọc thông tin dưới bức tranh để chọn đồng hồ thích hợp với mỗi tình huống trong tranh.
- Nói cho bạn nghe kết quả.
GV khuyến khích HS đặt câu hỏi và trả lời theo cặp:
- Sắp xếp lại thứ tự hoạt động theo thời gian cho hợp lí.
- Nói về hoạt động của bản thân tại thời gian trên mỗi đồng hồ đó.
- Đại diện một vài cặp chia sẻ trước lớp.
Bài 3
- HS quan sát các bức tranh, thảo luận và đặt thêm kim ngắn vào đồng hồ để đồng hồ chỉ thời gian tương ứng với hoạt động trong tranh.
- Kể chuyện theo các bức tranh.

D. Hoạt động vận dụng

Bài 4. HS thực hiện các thao tác:
- Quan sát tranh, đọc tình huống trong bức tranh.
- HS thêm kim ngắn vào mặt đồng hồ chỉ thời điểm thích hợp khi bạn Châu đi từ thành phố về quê và thời điểm về đến nơi. Nói cho bạn nghe suy nghĩ của em khi xác định thời gian đi từ thành phổ về quê như vậy.
- HS liên hệ với bản thân rồi chia sẻ với các bạn trong nhóm.

E. Củng cố, dặn dò

- Bài học hôm nay, em biết thêm được điều gì? Điều đó giúp gì cho em trong cuộc sống?
- Từ ngữ toán học nào em cần chú ý?
- Để xem đồng hồ chính xác, em nhắn bạn điều gì?
- Em hãy đoán xem đồng hồ sau chỉ mấy giờ.
(*) Cơ hội học tập trải nghiêm và phát triển năng lực cho học sinh
Thông qua các hoạt động thực hành quan sát, trao đổi, chia sẻ ý kiến về xem đồng hồ tại các thời điểm gắn với sinh hoạt hằng ngày, HS có cơ hội được phát triển NL giao tiếp toán học, NL giải quyết vấn đề toán học, NL sử dụng công cụ và phương tiện học toán. Kích thích trí tò mò của HS về toán học, tăng cường sẵn sàng hợp tác và giao tiếp với người khác và cảm nhận sự kết nối chặt chẽ giữa toán học và cuộc sống.
LƯU Ý
- Bài này được thiết kế cho 2 tiết học. Căn cứ vào đối tượng HS của lớp mình, GV có thể phân bổ thời gian cho phù hợp. Chẳng hạn tiết 1 có thể kết thúc khi hết hoạt động hình thành kiến thức, cũng có thể kết thúc khi hết bài 1.
- GV cần tổ chức hoạt động giúp HS cảm nhận được sự kết nối giữa toán học và cuộc sống, qua đó học sinh cảm nhận sự quý giá của thời gian.
- Hiểu biết về giờ giấc sinh hoạt của mỗi HS là rất khác nhau. Có những HS đã biết đọc giờ trên đồng hồ nhưng cũng có những em chưa biết. Một số HS gặp khó khăn do nhầm lẫn kim giờ và kim phút.

 

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây