I. MỤC TIÊU
Học xong bài này, HS sẽ được trải nghiệm các hoạt động:
- Nghe hát, vận động theo nhịp và chơi trò chơi, thông qua đó củng cố kĩ năng đếm, nhận biết số lượng trong phạm vi 10.
- Làm các số em thích bằng các vật liệu địa phương, biểu diễn các số bằng nhiều cách khác nhau.
- Củng cố kĩ năng nhận dạng hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật gắn với các biển báo giao thông.
- Phát triển các NL toán học.
II. CHUẨN BỊ
- Bài hát: Em tập đếm.
- Các vật liệu để có thể biểu diễn số lượng, chẳng hạn: dây, đất nặn, sỏi, que tính,...
- Bút màu, giấy vẽ.
- Một số hình ảnh biển báo giao thông.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
A. Hoạt động 1. Nghe hát, vận động theo nhịp và giơ ngón tay đúng số lượng
a) HS nghe và vận động theo nhịp của bài hát “Em tập đếm”. HS giơ các ngón tay theo các số có trong lời bài hát.
b) HS thực hiện theo cặp; đọc số, giơ ngón tay đúng số lượng của số vừa đọc và ngược lại. Khi giơ một số ngón tay, GV yêu cầu HS phải nói đúng số lượng ngón tay vừa giơ.
B. Hoạt động 2. Tạo thành các số em thích
HS thực hiện theo nhóm:
- Làm các số đã học (từ 0 đến 10) bằng các vật liệu khác nhau đã chuẩn bị trước. Chẳng hạn ghép số bằng các viên sỏi, nặn số bằng đất nặn hoặc dùng dây thừng để tạo số, ...
- Khuyến khích HS sáng tạo theo cách của các em.
- Trưng bày các sản phẩm của nhóm, cử đại diện trình bày ý tưởng.
C. Hoạt động 3. Thể hiện số bằng nhiều cách
HS thực hiện theo nhóm:
- Thê hiện các số đã học bằng nhiều cách: viết, vẽ, tô màu, ...
- Khuyến khích HS sáng tạo theo cách của các em.
- Trưng bày các sản phẩm của nhóm, cử đại diện trình bày ý tưởng.
D. Hoạt động 4. Tìm hiểu biển báo giao thông
HS thực hiện theo nhóm hoặc thực hiện chung cả lớp:
- Nêu hình dạng của các biển báo giao thông trong hình vẽ. GV giới thiệu cho HS: Trong hình vẽ, thứ tự từ trái qua phải là các biển báo: đường dành cho ô tô, đường dành cho người tàn tật, đường dành cho người đi bộ cắt ngang và đường cấm đi ngược chiều.
- Chia sẻ hiểu biết về các biến báo giao thông. Nhận ra biến cấm thường có màu đỏ.
E. Củng cố, dặn dò
- HS nói cảm xúc sau giờ học.
- HS nói về hoạt động thích nhất trong giờ học.
HS nói về hoạt động nào còn lúng túng, nếu làm lại sẽ làm gì.
(*) Cơ hội học tập trải nghiệm và phát triển năng lực cho học sinh
- Thông qua các hoạt động trải nghiệm: làm số bằng các vật liệu, thể hiện số bằng nhiều cách khác nhau, HS có cơ hội được phát triển NL mô hình hoá toán học, NL giải quyết vấn đề toán học, NL sử dụng công cụ và phương tiện học toán.
- Thông qua các hoạt động thuyết trình về các sản phẩm và ý tưởng của nhóm, HS có cơ hội được phát triển NL giao tiếp toán học, NL tư duy và lập luận toán học.
- Thông qua hoạt động nhóm HS có cơ hội phát triển NL hợp tác.