- Nhà thầy kia rồi mọi người ơi!
Mai reo lên, chỉ tay về hướng ngôi nhà nằm sau bờ kênh xanh biếc, bên trái là giếng nước với những cây cau cao tít, bên phải là chuồng trâu cạnh cây rơm màu nâu sẫm, đó là nhà của thầy tôi. Thầy dạy toán, nhưng đã hai tháng nay chúng tôi được một cô giáo mới dạy thay mà chẳng ai biết rõ lí do vì sao thầy không dạy nữa. Chúng tôi về thăm thầy mà không báo trước để thầy bất ngờ, sáu đứa dậy thật sớm và kéo nhau đi bằng xe đạp điện.
Nhà thầy vắng hiu, Mai đại diện vào chào hỏi trước nhưng chẳng thấy ai, có cô bé nhỏ ngồi chơi trước thềm nhìn chúng tôi rụt rè
- Thầy...à, ba em đâu rồi em gái?
- Dạ ba đi làm từ sớm rồi ạ!
- Làm ở đâu? Làm gì? (Cả bọn sốt ruột)
- ...
Dựng ba chiếc xe đạp gọn gàng vào gốc xoài, chúng tôi hăm hở xăn quần, xách dép đi dọc bờ kênh, theo hướng cô bé chỉ, chúng tôi ra đồng, ở đấy thầy tôi đang làm việc. Lúa trổ đòng thơm mùi sữa non, hoa cánh bướm trắng bờ kênh ra ruộng. Một thầy giáo đi cày ruộng! có lẽ với những đứa học trò lớn lên ở phố như chúng tôi là điều thật lạ, và thật ngạc nhiên vô cùng, tôi nhận thấy điều đó trong con mắt tròn xoe của đám bạn, chúng không nói gì, ai cũng đăm chiêu nghĩ ngợi. Còn tôi, cho đến lúc đó vẫn chỉ có hình ảnh thầy tôi trong áo sơ mi trắng bỏ gọn gàng trong quần tây đen, trên bục giảng với những công thức toán học dài ngoằng.
- Thầy! thầy ơi!!!!!!!!!
Chúng tôi gào hết công suất, và đúng là thầy bất ngờ lắm. Chưa đợi thầy vẫy tay chúng tôi đã nhao nhao nhào ra ruộng. Thầy dừng công việc, nở nụ cười triều mến, nhịp thở hổn hển pha những giọt mồ hôi mặn chát ướt mềm chiếc áo nâu lao động của thầy.
- Các em về chơi răng không cho thầy biết thầy ở nhà đợi, ra đây làm chi cho nắng non dữ ri?
- Không sao! Bọn em thích nắng thầy ạ!
- Thầy khỏe không thầy?
- Bao giờ thầy lên trường lại? bọn em nhớ thầy lắm đó thầy!
Bao nhiêu câu hỏi đặt ra từ năm cái miệng líu ríu, dồn dập, riêng tôi cứ đứng thẩn thờ, phải chăng vì thầy chán nản cuộc sống ồn ào nơi phố thi, muốn về quê tìm chút thanh thản bình yên? Hay vì gia đình có việc gì cần thầy ở lại? hay thầy chuyển trường về đây? Nếu chuyển trường thì giờ này thầy phải trên bục giảng chứ sao lại ở đây đi cày? Hay lương dạy học không đủ để thầy trang trãi cuộc sống gia đình?...và lí do thầy nghỉ dạy vẫn còn là một ẩn số, tôi muốn hỏi tại sao nhưng chưa tìm được cơ hội hỏi thầy. Thầy tôi gầy và đen hơn trước rất nhiều.
Sáu đứa chúng tôi vây quanh thầy hỏi đủ thứ chuyện, những chuyện về cây trồng, về vật nuôi, mùa màng làm chúng tôi vô cùng thích thú, mặc cho thầy khuyên về nhà thầy chơi kẻo nắng và can ngăn hết lời, chúng tôi đứa cầm cuốc, đứa cầm xuổng, đứa nhặt cỏ... giúp thầy làm đất, mùi đất mới cày thơm nồng nàn, có lẽ nó đã thấm bao mồ hôi công sức của người làm nó, cái nồng nàn dễ chịu mà ở phố chúng tôi chưa bao giờ được ngửi thấy.
- Thầy cứ để bọn em giúp!
- Bọn em học làm đồng cũng giỏi như học toán vậy thầy ạ!
- Ruộng này trồng gì vậy thầy?
- Trồng ngô em ạ, ruộng này cao, khó lấy nước nên chỉ trồng được một vụ khoai và một vụ ngô thôi.
- Thầy mới dỡ khoai hả thầy?
- Em thích ăn khoai lùi!
Vừa nhắc đến khoai lùi đã nghe mùi khoai lùi thoảng thơm đâu đó, ở phố, mối tối mùi đông nghe thấy mùi hàng khoai lang nướng đi qua là them nhỏ dãi. Vợ thầy mang ra một rỗ khoai lùi thơm nức mũi, cả bọn reo lên, mừng quýnh.
- Nghỉ tay ăn khoai uống nước các em ơi!
Chỉ chờ có thế, cả bọn cùng thầy quay quần bên bóng bụi cây nơi góc ruộng, mời thầy cô cho phải lễ, rồi mỗi đứa tha một củ, ăn ngon như chưa bao giờ được ăn, cứ nghĩ đến việc tự tay lao động rồi tự thưởng thức thành quả lao động của mình thế này, hạnh phúc nào bằng!
Thầy chỉ tay về xa xa góc đồng:
- Lúa nhà thầy đằng kia, gần đó là đám khoai chưa dỡ.
- Lúa tốt quá thầy nhỉ, mùa này chắc được hạt!
- Hôm nào bọn em xuống phụ thầy dỡ khoai nha thầy!
- Thôi, các cô cậu lo học hành, thi đạt kết quả tốt là thầy mừng rồi.Hôm nay thăm thầy mà làm thế này nhỡ đau xuống thì khổ.
- Không sao đâu thầy ơi!bọn em khỏe lắm!
- Em yêu lao động!
Thầy cười, cả bọn cũng cười ngặt nghẽo, rồi thầy bảo:
- Có tự tay lao động thế này mới biết quý người lao động các em ạ, từng củ khoai hạt lúa làm ra phải đổi bằng bao mồ hôi công sức, bất cứ nghề gì nuôi sống bản thân và xã hội bằng chính sức lao động của mình cũng đều đáng trân trọng cả. Nghề nông cũng mang nhiều triết lí nhân văn lắm, gieo một hạt giống là gieo một niềm hi vọng, các em sẽ thấy hạnh phúc khi nhìn hạt giống nảy mầm, ra hoa, kết trái... và mỗi em, là một hạt giống của mỗi gia đình...
Chúng tôi như nuốt từng lời thầy nói, thầy dạy chúng tôi cách cầm cuốc cho khỏi tuột, cuốc thế nào cho khỏi mỏi tay, nhịp thở thế nào cho đỡ mệt... tất cả những thứ chúng tôi chưa bao giờ được học ở trường, cả tình thầy trò giản dị và cả tình yêu với người lao động. Trong đầu tôi, hình ảnh của Pitago, của Talet...ẩn hiện cùng màu áo nâu đẫm mồ hôi mà thầy tôi đang mặc.
Thoắt cái mảnh đất đã được làm xong, vẫn còn thơm mùi nắng tháng tư nồng nàn, thằng Tuấn cuối xuống nhặt một hòn đất khô về làm kỉ niệm, mấy đứa con gái tung tăng hái một bó hoa cánh bướm trắng tinh dọc bờ đê. Chúng tôi chia tay thầy khi trời đã ngả bóng chiều, thầy căn dặn rất nhiều về việc học hành và thi cử, thầy đứng trông theo mãi cho đến khi chúng tôi khuất hẳn sau rặng tre cuối làng. "Bao giờ thầy trở lại trường?" tôi đã hỏi và thầy chỉ cười, trong nụ cười ẩn hiện một nỗi buồn khó lí giải.
***
Tôi về thăm thầy lần thứ hai sau khi vừa kết thúc kì thi Đại học, lần này tôi đi một mình vì bọn bạn tôi ai cũng xuống thăm cả rồi. Con đường làng quanh co men theo cánh đồng, lúa đã thu hoạch xong chỉ còn trơ gốc rạ, nắng tháng bảy bỏng rát da thịt. Theo chân cô bé nhỏ, tôi ra ruộng: "ruộng này cao, khó lấy nước nên chỉ làm được hai vụ..." tiếng thầy tôi còn văng vẳng đâu đây trong gió, ruộng ngô ra những bắp to, xanh thẳm, hương đồng hòa quyện làn khói mỏng manh, bên nấm mồ mới đắp khói hương nghi ngút là vòng hoa mang dòng chữ "TẬP THỂ 12A KÍNH VIẾNG".
Và tôi biết thầy chẳng bao giờ về lại trường nữa!
Ở đây, giữa hương đồng gió nội, bình yên thầy nhé!
gieo một hạt giống là gieo một niềm hi vọng -> Thầy nói rất hay, chứng tỏ thầy là người thầy thật sự có Tâm.