Thời ấy, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, trật sên lên xuống, ba chở tôi cùng với quần áo, sách vở, gạo… đạp mấy chục cây số để ra phố trọ học. Dưới cái nắng gay gắt của thành phố Đà Nẵng, bờ vai gầy gầy của ba ướt đẫm mồ hôi. Khuôn mặt đen với nhiều nếp nhăn rỏ xuống hai bên má ba từng giọt mồ hôi nhễ nhại. Vậy mà, ba lại lo tôi mệt. Ba bảo vào uống nước cho khỏe. Tôi đã không chịu vào. Vì tôi biết rằng ba lo cho tôi chứ ba không chịu uống nước đâu. Ba tiết kiệm lắm. Ba có thể chịu đựng mọi thứ để cho chị em chúng tôi được sung sướng. Thương ba vất vả, tôi tự hứa với lòng phải gắng học để ba vui lòng.
Tìm được phòng trọ, tôi xin ở với hai người chị cùng quê để đỡ tốn tiền. Mỗi tháng, ba chị em phải đóng sáu trăm ngàn tiền trọ và tiền ăn. Vậy là mỗi người sẽ mất hai trăm ngàn. Tôi cũng nhanh bắt nhịp với cuộc sống ở thành phố nên đã qua trung tâm gia sư để đi dạy kèm. Số tiền tôi nhận được mỗi tháng là hai trăm năm mươi ngàn đồng. Tôi hạnh phúc lắm. Tôi gọi khoe với ba ngay: “Ba ơi! Từ nay con có tiền đóng tiền ăn và tiền trọ rồi. Ba mẹ đừng lo vay mượn để gửi cho con nữa nhé!”. Ba vui lắm nhưng ba cũng khuyên tôi: “Con lo học cho giỏi vào, đừng đi làm thêm nhiều mà ảnh hưởng đến việc học. Ba mẹ sẽ cố gắng lo cho con”. Nghe ba nói tôi rưng rưng nước mắt, nguyện học thật giỏi để không làm ba buồn.
Ngày ấy, ba chị em phòng trọ tôi mỗi buổi sáng ăn một chén cơm lưng chan với nước mắm vậy mà ngon lắm. Năm đầu tiên ra học, tôi tròn như quả mít, ai cũng chọc cả. Tôi ước có một ổ bánh mì giá hai ngàn đồng, ăn vào buổi sáng thì sướng biết bao. Ngồi nghe con bạn phòng bên ăn bánh mì chả, giòn rụm, nóng hổi mà thèm. Có khi chúng tôi hết gạo, hết tiền, buổi sáng ra hái trứng cá ăn cho đỡ đói.
Mỗi lần đi ngang qua xe bánh mì của cô Xí gần phòng trọ là tôi mơ ước được chạm đến thứ xa xỉ ấy. Thật ra, nếu ăn một lần cũng được nhưng tôi lại là con bé tiết kiệm. Tôi cứ nghĩ mình ăn ngon như thế còn ba má và các em ở nhà ăn cơm với muối tiêu, với mắm… là tôi thắt ruột. Một ổ bánh mì cho buổi sáng là ước mơ cháy bỏng trong tôi, nó thúc giục tôi phải quyết tâm hơn, học giỏi hơn và kiếm thật nhiều tiền. Lúc ấy, tôi sẽ mua về cho ba mẹ và các em tôi ăn một bữa bánh mì vừa giòn, thơm ngon mùi chả thật đã luôn.
Nhưng cái nghèo của thời sinh viên vẫn không là nỗi buồn trong tôi, đổi lại tôi được học biết bao điều hay, được bao bạn bè yêu mến và thầy cô thương yêu.
Nỗi thiếu thốn của tôi không là gì cả so với những thế hệ “ăn lá rừng”, “ngủ hang”, “ăn cơm vắt” của ông cha ta ngày xưa. Vậy mà họ vẫn từng ngày đến trường, vẫn ước mơ trên từng con chữ. Giờ đây, mỗi lần đọc lại lời Bác dạy: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa phay/ Sống ở trên đời ai cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”, tôi như thấm thía và trân trọng hơn những gì ông cha đã để lại cho chúng ta ngày hôm nay. Nó luốn nhắc nhở tôi và thế hệ mai sau phải cố gắng vươn cao hơn để không làm phụ lòng mong mỏi của cha mẹ và những bậc cha ông đi trước.
Ổ bánh mì mơ ước, giờ tôi đã có thể ăn nhiều nhưng sao vẫn thấy không ngon như ngày xưa ấy… ngày của một thời đến trường, thơ ngây, hồn nhiên và tràn đầy nhiệt huyết.