Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Con cũng có mẹ

Chủ nhật - 23/02/2014 23:38
Cuộc đời này ai cũng có mẹ, để ra đời một con người tồn tại trong địa cầu bao la. Sông cứ chảy đời sông, suối cứ trôi đời suối, và những đứa trẻ cũng cứ thế sinh ra trong muôn ngàn lý do, muôn ngàn ước muốn, muôn ngàn niềm khao khát.
Nhưng nào phải ai cũng được ra đời trong sự mong đợi của cha mẹ, của những người thân yêu, đâu phải ai cũng có phúc phận được sống bên mẹ, được lớn lên từ bầu sữa ngọt ngào, được ôm ấp trong vòng tay mẫu tử. Cứ mỗi lần nhắc lại, viết ra, chia sẻ cho mọi người câu chuyện của mình là tôi thấy nghẹn đắng, dù biết rằng không thiếu những số phận như tôi. Và tôi còn may mắn lắm khi được gặp Mẹ, người mẹ không mang nặng đẻ đau nhưng đã coi tôi như máu thịt, như phần đời còn lại của mẹ.
 
Tôi – là một đứa trẻ bị bỏ rơi, một đứa con ra đời trong sự không mong muốn của một cặp vợ chồng là dân xã hội đen. Trong kí ức của tôi không  một giây phút nào có cha mẹ đẻ, không nhớ tiếng khóc của mình, không nhớ lúc tập lẫy tập bò có ai bên cạnh. Kí ức trắng về 3 năm đầu đời.
 
Tuổi thơ của tôi chỉ bắt đầu khi tôi được một phụ nữ độc thân nhận nuôi. Kí ức hình thành từ đó, cũng là thời điểm tôi thực sự có mặt trên cõi đời này. Bà là cựu thanh niên xung phong trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vốn là một cô gái đẹp trong làng, con của phó chủ tịch xã được biết bao chàng trai theo đuổi. Có nhan sắc, xuất thân trong gia đình cách mạng danh giá lại có học thức (ngày đó mẹ tôi là một trong số ít người của làng học hết cấp 3) cơ hội về một cuộc sống an nhàn mở ra trước mắt với một cô gái mới chớm đôi mươi. Nhưng mẹ không chọn tiếp tục con đường học vấn, chính trị hay an phận chồng con mà nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc.
 
Mẹ ra chiến trường như biết bao chàng trai cô gái thời đó. Tôi mường tượng ra đó là quãng thời gian đẹp nhất của mẹ, được sống hết mình với nhiệt huyết của tuổi trẻ thời chiến, là quãng thời gian mẹ không biết đến khổ đau.
 
Sau năm 75, chiến tranh kết thúc, mẹ chuyển ngành sang thương nghiệp và lập gia đình với một người đàn ông si mê mẹ từ những năm còn kháng chiến. Cuộc sống những tưởng vậy là yên ấm, an vui…Nhưng hậu quả của chiến tranh để lại đã làm thay đổi cuộc đời mẹ, mang đến nỗi đau lớn nhất của những người phụ nữ. Mẹ mang thai năm lần bảy lượt nhưng đều không sinh được đứa trẻ nào. Cái độ viên mãn nhất của người phụ nữ thì mẹ phải sống phần lớn thời gian trong viện C, đi lại liên miên giữa Việt Trì – Hà Nội. Mọi nỗ lực đều trả về con số không trong sự đau buồn của ông bà ngoại, của các cô các bác và sự thất vọng của người chồng. Riêng mẹ, với bản lĩnh của cô gái mở đường năm xưa, mẹ cắn răng chịu đựng sự ra đi của những đứa con chưa kịp thành hình, chúng không có phúc phận được ở bên mẹ…
 
Cuộc sống này luôn có những giới hạn của nó, sức chịu đựng của con người cũng chẳng phải con nắng con gió đổ trên dãy Trường Sơn để mà chống chịu với cay nghiệt ở đời. Mẹ bàn với chồng nhận con nuôi, và đứa trẻ may mắn đó là tôi, con bé con xinh xắn đáng yêu đang được một cặp vợ chồng tìm người để cho đi. Tôi được nhận về trong sự hân hoan của ông bà ngoại và họ hàng xóm giềng. Vậy là tôi đã có bố, có mẹ…
 
Nhưng tuổi thơ tôi lớn lên nào đã được một lần cất tiếng gọi cha…
 
Sự ích kỉ của người đàn ông và trọng trách của họ đối với gia đình đã mang người đàn ông đó ra khỏi ngôi nhà nhỏ giữa thành phố ngã ba sông. Tôi không có kí ức về ông ấy, cũng không có tư cách để oán trách, nếu có thì người đó phải là mẹ. Nhưng suốt 15 năm sống bên mẹ, chưa một lần tôi nghe mẹ thở than, trách cứ người chồng đã bỏ mẹ đi trong những tháng ngày khó khăn nhất. Tôi học được bài học đầu tiên từ mẹ về sự nhân hậu và lòng bao dung. Hai đức tính này đã tôi luyện nên tôi của bây giờ và sẽ theo tôi suốt những năm tháng sau này.
 
***
 
Cuộc sống 1 mẹ 1 con cứ thế êm đềm trôi qua trong sự bao bọc của ngoại và những người hàng xóm tốt bụng. Ngày ngày mẹ đi làm gửi tôi cho hàng xóm trông nom, con bé con bụ bẫm khi đi ăn trực hết nhà này đến nhà khác, bám đuôi các anh chị lớn đi phá làng phá xóm. Tôi cũng đã có một tuổi thơ như những đứa trẻ bình thường. Hai năm tôi về sống với mẹ là hai năm hạnh phúc nhất đời tôi, kí ức về những người hàng xóm năm xưa là thứ nuôi dưỡng tâm hồn sau này cùng với tình thương của mẹ.
 
Có tôi rồi niềm khao khát được làm mẹ, được ôm hẵm những đứa trẻ của mẹ vẫn chưa bao giờ thôi cháy bỏng trong lồng ngực của người phụ nữ ngoài 30. Mẹ nhận thêm một bé trai nữa về nuôi vì nghe hàng xóm truyền tai về câu chuyện ở một xã xa xôi hẻo lánh trong tỉnh. Em trai tôi sau này là con của một cặp vợ chồng ở nông thôn do quá nghèo nên không đủ sức nuôi đứa trẻ mới lọt lòng được vài ngày. Vậy là gia đình tôi đã có 3 người, tôi và mẹ đón em về vẫn như cái ngày mà mẹ và ông bà đón nhận tôi. Hạnh phúc ngập tràn và hi vọng về một cuộc sống ấm êm. Em là người đàn ông gánh vác gia đình sau này. Một đứa con gái 5 tuổi ngày ấy là tôi đã rơi nước mắt khi được bế em trong lòng. Mẹ nhìn tôi âu yếm:
 
- Vậy là mẹ đã thực hiện lời hứa sinh em bé cho con rồi nhé. Giờ con đã là chị cả, phải yêu thương và giúp mẹ chăm sóc em.
 
Tôi ngây ngô nào biết đứa trẻ ấy từ đâu ra, vẫn non nớt nghĩ rằng mẹ sinh nó như bao nhiêu người mẹ khác tôi được xem trên vô tuyến. Tôi đâu biết hạnh phúc của mẹ là sự kìm nén của bao nhiêu nước mắt rơi trộm trong những đêm hai đứa con ốm lăn lóc.
 
Cuộc sống ngày một khó khăn cũng không làm mẹ nao núng một phút giây. Mẹ làm việc nhiều hơn để có tiền mua sữa, mua thức ăn cho hai đứa nhỏ. Tuổi 40 của mẹ cô đơn nhưng không hề đơn độc, mẹ dành hết tình thương cho hai đứa con nuôi. Mẹ tạm gửi hai chị em tôi về quê sống với ông bà và các bác, đứa lớn ngày ngày ẵm đứa bé rong chơi khắp núi đồi trung du. Chúng tôi cứ lớn lên như cây cỏ trong tình thương bao la của những người không cùng huyết thống. Gia đình 3 người tuy không đủ đầy vật chất nhưng luôn đầy ắp tình cảm và những tiếng cười. Chúng tôi ngày một lớn, mẹ ngày một già, sức khỏe cũng yếu đi nhiều do lao động quá sức và hệ quả chiến tranh năm xưa. Chúng tôi đã gần như quên đi hoàn toàn thân phận của mình, cuộc đời này chị em tôi chỉ có mẹ là duy nhất, là điểm tựa cho tuổi trưởng thành của mình.
 
Năm 2009, tôi đỗ 2 trường đại học đầu ngành, mẹ rơi nước mắt, xúc động đến suýt ngất đi khi nghe ông bưu tá rao từ trên đầu dốc:
 
- Bà Nhung ơi con gái bà đỗ Đại học rồi, nó sắp được về Hà Nội rồi. Bà sắp được nhờ cậy rồi đấy.
 
Không chỉ mẹ mà tất cả họ hàng, làng xóm đều mừng cho tôi và càng khâm phục mẹ tôi. Tôi là người đầu tiên ở quê mẹ đỗ Đại Học ở Trung Ương. Năm đó cũng là năm bà ngoại mất, trong 1 tháng mẹ đón nhận 1 tin vui nhất và 1 tin buồn nhất. Tôi thấy tóc mẹ bạc đi nhiều, nước mắt mẹ cũng rơi nhiều hơn trong mỗi đêm hè trước khi tôi xuống Hà Nội nhập trường.
 
Trước ngày tôi đi 1 ngày, mẹ nói muốn nói chuyện với tôi.
 
-  Mẹ cảm ơn con gái, đã đạt được ước mơ của mẹ. Cuộc đời con đã sang một trang khác rồi, mẹ không có gì nhiều để cho con làm hành trang, chỉ mong con sống đúng với những gì mẹ dạy, nghèo cho sạch rách cho thơm con ạ. Đừng làm mẹ thất vọng nhé.
 
-  Mẹ yên tâm, con đã 18 tuổi rồi, đã là người trưởng thành. Mẹ hãy tin vào con, sau này con còn báo đáp mẹ, nuôi em nữa. Con đi mẹ ở nhà đừng buồn nhé, con sẽ về thăm nhà thường xuyên.
 
Mẹ nghẹn ngào nắm chặt lấy tay tôi:
 
- Con lớn rồi mẹ cũng không muốn giấu con. Cuộc đời này mẹ chỉ có hai đứa là con, là tình yêu của mẹ. Mẹ nghèo, mẹ chỉ có tình thương dành cho con, nếu một ngày con muốn về với cha mẹ đẻ của con, mẹ không ngăn cấm. Nhưng hãy luôn nhớ, mẹ lúc nào cũng nhớ về con, mong cho con một cuộc sống yên ấm.
 
Cả tôi và mẹ ôm nhau khóc trong sự ngơ ngác của đứa em trai nhỏ tuổi. Năm ấy nó mới học lớp 7, nó cũng khóc theo mẹ và chị. Căn nhà nhỏ của chúng tôi buổi tối hôm đó xáo trộn giữa vui buồn, hạnh phúc và lo sợ. Tôi hiểu cảm giác của mẹ, mẹ sợ mất đi tôi mẹ sẽ không biết dựa vào ai. Đứa con gái mà mẹ luôn tự hào rồi có bỏ mẹ nó, bỏ em trai nó đi theo những thứ hào nhoáng ngoài kia không. Tôi không nói gì nhiều, chỉ tự hứa với lòng  mình về những tháng ngày sắp tới. Tôi là một đứa con gái mang bản lĩnh của một đứa con trai, tôi không oán trách, hận thù gì những người đã bỏ rơi tôi, nhưng tôi không bao giờ chấp nhận một mối nhân duyên đứt đoạn. Với tôi, công sinh không bằng công dưỡng, và cuộc đời này mãi mãi về sau tôi cũng chỉ có mẹ là người tôi quỳ trước mặt. Như cái ngày tôi xách va ly đi tìm ước mơ của riêng mình, hẹn mẹ một ngày trở về thành đạt.
 
Kể từ ngày tôi xuống Hà Nội học Đại Học tới nay đã 4 năm, 4 năm xa mẹ tự lập ở nơi phồn hoa phố thị, cũng là 4 năm tôi lăn lộn giữa giảng đường và những nhà hàng, khách sạn lớn để kiếm sống và từng bước gây dựng sự nghiệp cho mình. Biết bao nhiêu khó khăn, biến cố, đau khổ xảy ra, tôi chưa một lần kể cho mẹ nghe, chưa một lần khóc trước mặt mẹ. Không phải tôi không tôn trọng mẹ, không phải tôi không yêu mẹ, mà là tôi thấy mẹ đã quá đủ khổ rồi.
 
Năm nay mẹ đã ngoài 60, cái tuổi lẽ ra phải con cháu đuề huề, phải được an dưỡng tuổi già rồi mà mẹ vẫn luôn trăn trở, ngày đêm nơm nớp lo cho hai đứa con luôn luôn thơ dại trong mắt mẹ. Tôi tin, dù không cùng máu mủ nhưng cái máu của người lính trong mẹ đã thấm đẫm trong tôi, để tôi đủ bản lĩnh, đủ mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn, vất vả của tuổi trưởng thành. Những bài học tôi học được từ mẹ, không qua một sự giáo huấn nào, đã trở thành hành trang quý giá nhất trong hành trình vươn tới ước mơ của tôi. Nhân hậu, bao dung và nhẫn nhịn, con hứa sẽ trở thành một người tốt và có ích mẹ ạ.
 
Nhân ngày của mẹ, xin dành tặng sự biết ơn vô hạn và tình yêu đến mẹ của tôi và tất cả các bà mẹ trên thế giới này.
 
“Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm…
Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn”
 
(Bài thơ mẹ vẫn thường đọc cho tôi nghe ngày còn thơ bé)

Bùi Thị Hồng Hạnh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây