Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Truyện ngắn: Một thời đã xa

Thứ ba - 29/09/2020 05:55
Vừa đóng cửa, tôi đã nghe tiếng chạy lịch bịch. Thằng bị bỏ lại la bài hãi làm chị Ba không nhịn được cười. Giữa lúc đó, tôi chỉ mong có ba má bên cạnh mấy chị em. Tiếng ngái ngủ của chị Ba đều đều bên tai, chị Hai dường như cũng chìm sâu vào giấc ngủ. Tôi khẽ trở mình, một giọt nước ấm nóng lan dần trên má. Đêm đó, tôi chẳng còn nhớ hình dáng con ma thế nào để mà sợ.
Truyện ngắn: Một thời đã xa

Một thời đã xa …

Nguyễn Chí Ngoan

Trời mưa rả rích làm con đường đến khu nhị tì càng trở nên khó khăn hơn. Đám sậy hai bên đường cứ cứa vào thịt da rát buốt.

Chị Hai cứ trừng mắt lên mỗi khi thấy tôi và chị Ba chuẩn bị quay đầu bỏ chạy về nhà. Tấm cao su rung lên bần bật lúc tôi và chị Ba nghe thấy tiếng động đâu đó quanh mình. Chị Hai thì chẳng sợ trời sợ đất, cứ thế mà đi về phía trước. Khu nhị tì là chỗ mà không phải đứa trẻ con nào trong xóm Mốc cũng dám bén mảng tới.

Tôi nắm chặt tay chị Ba, đôi chân nhấc từng bước nặng nhọc, miệng vẫn không ngừng nói với theo dáng người nhỏ thó của chị Hai:

- Thôi mình về nhà đi chị, em sợ quá.

Chị Ba cũng bắt đầu mếu máo. Tiếng tu hú phát trong bụi rậm càng khiến không gian trở nên ghê rợn hơn. Nhưng điều đó đâu làm chị Hai động lòng, chị nắm chặt tay tôi lôi đi xồng xộc.

- Ma ơi, có về bắt thì bắt tui chứ đừng có bắt em tui.

Câu nói của chị Hai đâu có làm nỗi sợ vơi đi. Ngang qua những chòm mả nhấp nhô, chị Ba cứ giục tôi niệm Phật liên tục. Chị Hai tiến lại gần bụi rậm rồi đưa đầu ngó vào bên trong, chị Hai nhảy cẫng lên làm chúng tôi sợ ngồi bệt xuống đất, miệng vẫn không ngừng niệm Phật. Chị Hai dỡ tấm cao su ra, cú vào đầu tôi cái cốc, ma cỏ gì giờ này.

Chị Hai lấy cọng dây luộc trong túi ra làm thành nút thòng lọng rồi phân chia cho tôi và chị Ba đứng ở một góc khác nhau. Đoạn bứt chị Ba ra khỏi người tôi cũng y như một cuộc chia tay “muôn dặm sầu giăng” trong mấy tuồng cải lương buồn ác chiến. Chị Hai ra hiệu cho tôi và chị Ba từ từ tiến vào, con heo con nghe động tĩnh cũng giật mình đứng sát vào trong.

Tôi cầm một khúc cây dứ dứ về phía con heo, chị Hai đứng cách con heo tầm một sải tay đã nhảy vào đút mối thòng lọng vào cổ con heo. Tôi và chị Ba đứng bên ngoài nắm sợi dây luộc kéo về phía trước, con heo kêu eng éc một lúc rồi lại nằm dịu dàng trong lòng chị Hai. Chị Ba chỉ thật sự buông vạt áo tôi ra khi chúng tôi bước ra khỏi khu nhị tì ma quái. Bỏ lại tiếng mèo kêu, tiếng gió hú trong bờ sậy xôn xao. Chị Ba chạy một mạch về nhà, bỏ lại tôi với sợi dây luộc lạnh lùng trên tay.

- Có nặng không chị Hai? Hay mình bỏ nó xuống rồi lùa nó về nhà. Em cầm dây nè.

- Thôi đi, ôm về cho chắc. Lỡ tuột dây mắc công lắm.

Vừa về đến nhà, tôi đã thấy chị Ba ngồi trước hàng ba cầm củ khoai lang nhai nhóp nhép. Chị Ba vừa nhai vừa nói với theo tôi:

- Nãy tao kêu chạy về trước mà không chịu.

Tôi chẳng thèm đoái hoài gì đến câu nói của chị Ba, lẳng lặng đi theo chị Hai vào chuồng heo. Con heo vừa mới thả vào chuồng đã nằm im thin thít, hơi thở của nó dường như nặng nhọc hơn với đoạn đường “cùng chị Hai về nhà”.

Lúc hay tin người ta đem thả con heo ở chỗ nhị tì, chị Hai đã chạy về nhà lùa chúng tôi ra đó, để bắt cho bằng được con heo. Người ta đồn, khi bà chủ trại phát hiện con heo không có lỗ đít, bà đã xanh mặt mày, tay chân đứng không vững. Dân làm ăn nên bà chủ trại heo tin dị đoan đến sái cổ, người ta nói đó là điềm không lành. Bữa đó bà mướn đò dọc chở con heo ra bỏ ở nhị tì.

***

Chiếc vỏ vừa cập bến cũng là lúc chị em tôi đứng sẵn trên bờ đón ba má về nhà. Cứ mỗi chiều chiều, ba chị em tôi đều lóng tai nghe tiếng máy xập xình quen thuộc để chạy ra, xuống phụ ba má xách đồ lên. Ba cười ngất khi nghe tôi thuật lại chuyện đi bắt heo về nhà. Má tôi thì lắc đầu nguầy nguậy.

- Người ta sợ đem thả rồi mà mình bắt về làm chi?

- Hơi sức nào bà tin vào mấy chuyện ba khơi đó. Chẳng phải bầy heo đợt trước có con heo giống vậy, tôi với bà mổ cho nó rồi nó cũng sống nhăn răng đấy sao?

Má với chị Hai giữ chặt con heo cho ba lấy lưỡi lam rạch chữ thập dưới đuôi nó. Con heo la dậy làng. Sau một hồi vật vã, cuối cùng ba cũng lôi được một đoạn ruột của nó ra rồi lấy kéo cắt lìa. Phân từ chỗ ba cắt như chỉ chờ có cơ hội được thoát ra. Đợi phân ra hết, ba rửa sạch đít cho nó. Tôi rọi đèn cho má lấy kim may lại chỗ ruột vừa mới cắt cho con heo.

Lúc này con heo không còn sức để la nữa, nó nằm xụi lơ sau một hồi “chiến đấu”. Má lấy cỏ mực cầm máu lại cho nó rồi đem thả vào chuồng. Má ngồi dưới cây nước nhìn lên:

- Không biết nó có sống được không?

Hừng sáng tôi đã nghe tiếng chị Hai chạy lịch bịch ra chuồng heo, ngó vào xem con heo ra sao. Chị Hai chạy vào dỡ mùng nhe răng cười hề hề:

- Còn sống nhăn mầy ơi.

Tôi kéo mền đắp lên mặt như thể điều đó chẳng liên quan gì đến mình.

***

Hàng xóm lần nào gặp má tôi cũng nói “con nhỏ lớn nhà chị y như con trai”. Mấy lần đầu, tôi cũng chẳng thèm để ý đến câu nói đó. Sau dần, tôi lại thấy đúng. Chị Hai mặc cái quần cụt mỗi khi đi ruộng, hay rượt mấy con heo xổng chuồng. Đám trẻ con trong xóm Mốc đứng thò lõ mắt nhìn chị Hai ngồi cạo lông heo sồn sột y như ông Chín lái heo.

Bữa đó, tôi với chị Ba núp trong nhà, chị Hai có sai biểu cái gì chúng tôi đều lắc đầu lia lịa. Con heo con nhà bác Sáu không biết bị gì mà lăn ra chết tươi. Bác Sáu vừa mới hú một tiếng chị Hai đã ôm thau nhảy xuống sông lội qua. Chị Hai để con heo vào cái thau rồi lội một mạch về nhà. Tôi với chị Ba mắc cỡ đứng trong nhà nhìn ra đám bạn hè nhau cười:

- Nhà ông Sáu sợ heo bệnh ăn vô chết, đem đi bỏ vậy mà con Mùi cũng không tha.

Chị Hai dửng dưng è ạch lôi con heo lên bờ. Đoạn chị Hai lấy cái ấm đổ nước sôi lên con heo rồi xắn tay áo lên lấy muỗng cạo lông. Ông Mười Bốn đi ngang như muốn tỉnh rượu đứng cười không ngớt. Ông Mười Bốn ngắc ngứ:

- Chú làm tiếp cho. Chút chia chú một ít làm mồi nhậu được rồi.

Chị Hai lựng khựng một hồi mới đồng ý cho ông Mười Bốn làm chung. Ông Mười Bốn xách bộ lòng heo đi kiếm “đối thủ” mà giọng vẫn còn văng vẳng lại “nữa chú cưới mầy cho con chú, có con dâu làm mồi nhậu cho ông già chồng rồi”. Chị Hai lấy một ít thịt kho, số còn lại đem đi muối sả nghệ để dành ăn từ từ. Tôi với chị Ba chỉ thật sự buông tay ra khỏi cửa lúc ngửi thấy mùi thịt kho thơm lừng.

Ba má đi chỉ để lại ít tiền, cá mắm đều do chị Hai đi kiếm về ăn. Bữa đó, tôi với chị Ba vét sạch nồi cơm mà không thèm nhớ đến câu nói của đám bạn gần nhà. Đến tối vô mùng, chị Ba nằm lăn qua lộn lại nói với tôi:

- Ăn rồi không biết có sao không nữa. Mầy có thấy sao không?

- Có. Em thấy… buồn ngủ.

Sau vụ cạo lông heo, chị Hai nổi như cồn. Đám trẻ trong xóm Mốc còn đòi tôn chị Hai làm “đại ca”. Thằng Bấu xóm trên nghe được tức anh ách, nó chặn đường đòi đánh tôi với chị Ba, để coi chị Hai ra mặt như thế nào. Đám thằng Bấu đứng chống nạnh, nhướng mắt về phía tôi. Chị Ba đứng nép sau lưng tôi bỏ luôn mấy trái bần chín xuống đất. Giọng chị Ba cứ lí nhí “Tao về méc chị Hai tao đó”.

Thằng Bấu cười khanh khách tỏ vẻ đắc ý, nó ra hiệu cho thằng Tóc Vàng kéo lỗ tai tôi lên. Thằng Bấu nghinh mặt về phía tôi, để tao coi chị Hai mầy làm gì được tao. Cái nhéo tai của thằng Tóc Vàng khiến tôi đau điếng, nó như nhấc bổng tôi lên khỏi mặt đất. Tép tỏi trong túi quần không biết có chống lại được ma quỷ hay không, nhưng chắc rằng chẳng thể nào làm gì được với tụi thằng Bấu.

Tôi đã không khóc từ cái hôm má cạo gió, ba ngồi quạt cho tôi miệng cứ thều thào mỗi lần má đưa thẻ bài lên cạo “con trai thì dù có gì cũng không được khóc”. Thằng có bàn tay dư một ngón cứ chu mỏ ra nhá nhá định phun nước miếng vào chị Ba.

Chị Hai lấy cây củi trâm bầu đánh lên đầu thằng Bấu một cái như trời giáng. Hai phe bắt đầu ẩu đả nhau. Cuộc chiến chỉ thật sự kết thúc lúc ông Mười Bốn buông chai rượu, nhảy vào can ngăn. Thằng Bấu nắm tay ông Mười Bốn hậm hực.

- Chị em nó ăn hiếp con.

- Mầy có phải là con trai không. Ba thằng mầy lớn tồng ngồng vậy mà chặn đường đánh em tao.

Ông Mười Bốn kéo mạnh lỗ tai thằng Bấu, giọng nhừa nhựa nặc nồng mùi rượu:

- Tối ngày tụ tập phá làng phá xóm không. Ai cho mầy đụng tới con dâu tao. Từ nay không được kiếm chuyện với chị em con Mùi nữa. Đợi nó lớn chút, tao cưới nó cho mày.

Thằng Bấu trợn mắt nhìn ông Mười Bốn:

- Ai mà thèm lấy bà chằn lửa này.

- Ủa, bộ mầy có cửa với tao?

Bọn tôi không thể nhịn được cười với thái độ của chị Hai và thằng Bấu. Ông Mười Bốn nắm tay thằng Bấu đi về, mặc kệ ánh nhìn đăm đăm của nó. Ba chị em tôi ngồi bệt xuống đất, mình mẩy trầy xể đủ đường. Chị Ba ngồi khạy da trong móng tay trong khi chị Hai cứ xuýt xoa nhìn tôi ôm đầu ê ẩm. Chị Hai nói, còn trả thù tụi thằng Bấu dài dài cho bõ tức.

***

Đám trẻ trong xóm Mốc gọi chị Hai là bà chằn lửa nên chẳng đứa nào dám động tới tôi với chị Ba. Chơi bất cứ trò nào, tụi nó cũng không dám ăn hiếp tôi. Có khi tụi nó còn phải đứng về phe tôi để lấy “tiếng” của chị Hai ra mà đỡ. Tôi nằm gác tay lên trán, ngó nóc mùng nhớ má.

Bên ngoài trời vẫn mưa tầm tã, lâu lâu chị Ba lại rúc đầu vào mền mỗi khi có sấm chớp. Chị Ba hoảng hồn ôm chặt lấy tôi khi sấm đánh đùng đùng trên cây dừa trước cửa, bầu trời đêm phút chốc loé sáng. Chị Ba trùm kín đầu không dám ló mặt ra nhìn. Có một dạo người xóm Mốc kể, ma thường ở trên đọt cây nên trời thường đánh vào đó. Chị Ba ở trong mền giọng run run:

- Không biết con ma đó chết chưa? Nó có vô đây không chị Hai.

Chị Hai ngồi bật dậy nói vọng ra y như lời má hay nói “ma ơi, có thịt thì ăn thịt tui nè, thịt tui béo lắm. Đừng có ăn thịt em tui”. Chị Ba hé mền ra nhìn, bầu trời đêm đen hun hút. Chị Ba giật bắn người khi tiếng ai đó cầm đất chọi vào vách nhà. Những cú chọi càng lúc càng nhiều, chị Hai dỡ mùng chun ra, chạy xuống nhà sau xách cây chĩa ra đứng trước nhà:

- Đứa nào ngon chọi cái nữa. Tao lụi cho chết bà. Núp trong đó một hồi trời đánh cho mầy nhăn răng.

Vừa đóng cửa, tôi đã nghe tiếng chạy lịch bịch. Thằng bị bỏ lại la bài hãi làm chị Ba không nhịn được cười. Giữa lúc đó, tôi chỉ mong có ba má bên cạnh mấy chị em. Tiếng ngái ngủ của chị Ba đều đều bên tai, chị Hai dường như cũng chìm sâu vào giấc ngủ. Tôi khẽ trở mình, một giọt nước ấm nóng lan dần trên má. Đêm đó, tôi chẳng còn nhớ hình dáng con ma thế nào để mà sợ.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây