Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Soạn Ngữ văn 9, bài 3: Kim - Kiều gặp gỡ - Sách Kết nối tri thức

Thứ năm - 13/06/2024 21:50
Soạn Ngữ văn 9 sách Kết nối tri thức, bài 3: Kim - Kiều gặp gỡ - Trang 66, ...

* Trước khi đọc

Câu hỏi trang 66: Hãy giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc bộ phim kể về một mối tình để lại cho em ấn tượng đẹp.
Trả lời:
Tác phẩm văn học kể về một mối tình để lại cho em ấn tượng đẹp là vở kịch Romeo và Juliet của nhà văn William Shakespeare. Vở kịch được sáng tác vào khoảng năm 1594 - 1595, kể về câu chuyện tình giữa Romeo và Juliet. Romeo và Juliet yêu nhau thắm thiết, nhưng tình yêu đó bị hai gia đình ngăn cấm bởi có mối thù dòng tộc. Juliet bị bố mẹ ép gả cho bá tước Paris. Để không phải cưới bá tước, nàng đã uống một liều thuốc ngủ để giả chết. Romeo tưởng Juliet đã chết thật, chàng đau đớn rồi tự kết liễu đời mình để theo người yêu. Juliet tỉnh dậy. thấy xác Romeo, nàng đã tự rút dao để tự vẫn. Cái chết tang thương và tình yêu đẹp của họ đã hóa giải sự thù hận cho hai bên gia đình. Điều đặc biệt nhất của vở kịch là nó dựa trên một câu chuyện có thật xảy ra tại Ý thời Trung Cổ.
 

* Đọc văn bản

1. Theo dõi: Sự xuất hiện của nhân vật Kim Trọng.
Trả lời:
Kim Trọng xuất hiện lúc hai chị em Thúy Kiều ở mộ Đạm Tiên
Kim Trọng được miêu tả là chàng trai thông minh, anh tuấn, hào hoa phong nhã

2. Theo dõi: Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảm xúc, tâm trạng của các nhân vật.
Trả lời:
- Từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảm xúc, tâm trạng Thúy Kiều;
+ E lệ.
+ Ngổn ngang.
+ Một mình nặng ngắm bóng nga.
+ Nỗi xa bời bời.
+ Tình trong như đã mặt ngoài còn e.
- Từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảm xúc, tâm trạng của Kim Trọng:
+ Tình trong như đã mặt ngoài còn e.
+ Chập chờn cơn tỉnh cơn mê.
+ Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn.
+ Cơn buồn.
+ Khách đà lên ngựa người còn nghé theo.
- Từ ngữ, hình ảnh miêu tả cảm xúc, tâm trạng Thúy Vân:
+ E lệ.
+ Tình trong như đã mặt ngoài còn e.

3. Hình dung: Bức tranh thiên nhiên.
Trả lời:
Bức tranh thiên nhiên cuối mùa xuân tươi sáng, tràn đầy sức sống nhưng vẫn giữ vẻ thanh bình

4. Theo dõi: Lời người kể chuyện và lời nhân vật.
Trả lời:
- Lời nhân vật: Là hai câu thơ than thở của Thúy Kiều: “Người mà đến thế thì thôi,/ Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!/ Người đâu gặp gỡ làm chi,/ Trăm năm biết có duyên gì hay không?”. Lời nhân vật trực tiếp bộc lộ suy nghĩ, tâm trạng, cảm xúc của nhân vật đó.
- Lời người kể chuyện: Gồm toàn bộ những câu thơ còn lại. Lời người kể chuyện dùng để giới thiệu các nhân vật và dẫn dắt câu chuyện, đôi lúc sẽ bình phẩm về suy nghĩ, tâm trạng của các nhân vật.
 

* Sau khi đọc

Câu 1 trang 69: Đoạn trích có những nhân vật nào và kể về sự việc gì?
Trả lời:
- Đoạn trích có các nhân vật: Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều, chàng Vương.
- Đoạn trích kể về sự việc Kim Trọng tình cờ gặp chị em Thúy Kiều ở mộ Đạm Tiên, chàng liền này sinh tình cảm yêu thương, quyến luyến và sự việc Thúy Kiều trở về nhà với sự tương tư nhưng cũng “ngổn ngang trăm mối”.

Câu 2 trang 69: Ở mười hai dòng thơ đầu, nhân vật Kim Trọng được giới thiệu và miêu tả bằng lời của ai? Qua đó, em hình dung được gì về nhân vật?
Trả lời:
- Ở mười hai dòng thơ đầu, nhân vật Kim Trọng được giới thiệu và miêu tả bằng lời của: người kể chuyện (tác giả Nguyễn Du)
- Qua đó, em hình dung về nhân vật Kim Trọng như sau:
Xuất thân: gia đình nề nếp, giàu có, có người nổi tiếng tài giỏi (phú hậu bậc tài danh)
Ngoại hình: trẻ tuổi anh tuấn (phong tư tài mạo tốt vời)
Tài năng: thông minh ngút trời, khả năng thi ca hơn người, có khả năng đỗ đạt cao (văn chương nết đất thông minh tính trời)
Tính cách: lịch thiệp, phong nhã, hào hoa
→ Kim Trọng là người đàn ông vừa có tài vừa có đức, vẹn toàn mọi mặt, rất xứng đôi với Thúy Kiều

Câu 3 trang 69: Trong mười dòng thơ tiếp theo, Nguyễn Du đã tập trung miêu tả cảm xúc, tâm trạng của những nhân vật nào? Phân tích từ ngữ tiêu biểu được tác giả sử dụng để thể hiện cảm xúc, tâm trạng của các nhân vật đó.
Trả lời:
- Trong mười dòng thơ tiếp theo, Nguyễn Du đã tập trung miêu tả cảm xúc, tâm trạng của những nhân vật sau: Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng
- Phân tích từ ngữ tiêu biểu được tác giả sử dụng để thể hiện cảm xúc, tâm trạng của các nhân vật như sau:
Chị em Thúy Kiều:
- "e lệ nép vào dưới hoa": thể hiện sự ngại ngùng, e lệ của thiếu nữ tuổi mới lớn trước một chàng trai trẻ tuổi, tài hoa lần đầu gặp mặt
- "tình trong như đã mặt ngoài còn e":thể hiện Thúy Kiều và Thúy Vân rất có hảo cảm với chàng Kim Trọng
Kim Trọng:
- "chập chờn cơn tỉnh cơn mê": thể hiện cảm xúc vui sướng của Kim Trọng khi được bắt chuyện với Thúy Kiều, niềm vui khiến chàng tưởng như mình đang mơ"
- "Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn": thể hiện cảm xúc khó xử của chàng Kim Trọng khi muốn nán lại trò chuyện với Thúy Kiều nhưng không tiện vì đã muộn và cần phải lên đường, nhưng nếu rời đi thì lòng lại không muốn

Câu 4 trang 69: Trong mười bốn dòng thơ cuối, Nguyễn Du đã sử dụng nhiều phương tiện (lời người kể chuyện, lời nhân vật, bút pháp tả cảnh ngụ tình) để thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật Thúy Kiều. Em hãy:
a. Phân tích đặc điểm của bức tranh thiên nhiên (thời gian, không gian, sự vật).  Miêu tả bức tranh thiên nhiên ấy, tác giả muốn thể hiện trạng thái cảm xúc nào ở nhân vật?
b. Chỉ ra đâu là lời người kể chuyện, đâu là lời nhân vật. Lời nhân vật được thể hiện ở hình thức nào và điều gì giúp em nhận biết hình thức ngôn ngữ đó?
c. Cho biết nhân vật đã bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ gì trong lời nói của mình.
Trả lời:
a. Phân tích đặc điểm của bức tranh thiên nhiên:
- Thời gian: Từ khoảng chiều tối cho đến đêm khuya.
- Không gian: Không gian đêm trăng quang đãng, yên tĩnh, thơ mộng. Cảnh trăng được nhìn từ căn phòng của Thúy Kiều.
- Sự vật:
+ Mặt trăng là sự vật nổi bật và tiêu biểu trong mười bốn câu thơ này. Hình ảnh trăng được miêu tả vô cùng sinh động, nên thơ, mang tâm tình của Thúy Kiều: “Gương nga chênh chếch dòm song,/ Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân” Trăng được nhân hóa, có hành động ‘chênh chếch dòm song” như Kiều đang nhìn về phía Kim Trọng. Ánh sáng trăng tỏa ra vàng dịu nhẹ, bao trùm lấy toàn bộ bức tranh đêm khuya.
+ Mặt trời gác núi là sự vật biểu tượng cho chiều tà, cũng đồng thời báo hiệu đã đến lúc Kiều phải tạm xa Kim Trọng.
+ Giọt sương treo nặng trên cành xuân là hình ảnh mang đậm chất thơ, giọt sương ấy cũng như nỗi lòng của Thúy Kiều, khiến nàng nặng lòng suy nghĩ.
+ Cây hải đường ngả sang nhà hàng xóm như đang chới với, hướng tâm tư của mình đến người yêu nơi xa.
- Miêu tả hình ảnh ấy, tác giả muốn thể hiện các tâm trạng sau của nhân vật Thúy Kiều;
+ Yêu thương, bồi hồi, tương tư chàng Kim.
+ Nỗi buồn thoáng chút vì phải tạm xa Kim Trọng.
+ Nỗi nặng lòng, bề bộn, ngổn ngang.
b. Chỉ ra lời người kể chuyện và lời nhân vật:
- Lời nhân vật: “Người mà đến thế thì thôi,/ Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!/ Người đâu gặp gỡ làm chi,/ Trăm năm biết có duyên gì hay không?”
- Lời người kể chuyện: các câu thơ còn lại.
Đặc điểm lời nhân vật:
- Lời nhân vật được thể hiện dưới hình thức: lời độc thoại, nhân vật tự nói với chính mình.
- Lời nhân vật được đặt trong dấu ngoặc kép, sau dấu hai chấm. Trước khi bắt đầu lời nói nhân vật có lời dẫn chuyện miêu tả cảm xúc của nhân vật. Nhân vật nói xong không có lời hồi đáp. Nội dung lời nói chỉ để biểu đạt tâm trạng sâu kín bên trong.
c. Những tâm trạng, cảm xúc mà nhân vật bộc lộ trong lời nói của mình:
- Rối bời, lo lắng cho tình duyên của mình với chàng Kim.
- Băn khoăn, không biết mình và Kim Trọng có nên duyên hay không.
- Hi vọng mối nhân duyên của mình sẽ ra được ‘quả ngọt”.

Câu 5 trang 70: Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du trong đoạn trích.
Trả lời:
- Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật:
+ Các nhân vật được xây dựng với hình tượng vô cùng hoàn mĩ, mang những phẩm chất mà nhân dân ta cho là đẹp nhất thời bấy giờ.
+ Mỗi nhân vật được xây dựng với một vẻ đẹp nổi bật riêng: Chàng Kim mang vẻ thư sinh, khôi ngô, văn võ song toàn; chị em Thúy Kiều mang sắc đẹp mặn mà, yêu kiều, nhẹ nhàng, duyên dáng.
+ Nội tâm, suy nghĩ, hành động, lời nói của các nhân vật phù hợp với cốt truyện.
- Nhận xét về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ:
+ Ngôn ngữ giàu sức biểu cảm và hình tượng.
+ Kết hợp linh hoạt ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật (lời nói độc thoại nội tâm).
+ Sử dùng nhuần nhuyễn ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ trong thơ ca với lời nói hàng ngày.

Câu 6 trang 70: Nêu chủ đề của đoạn trích; qua đó, nhận xét về tư tưởng, tình cảm của tác giả.
Trả lời:
- Chủ đề của đoạn trích: Tình yêu trong sáng, thắm thiết keo sơn của Thúy Kiều với Kim Trọng.
- Nhận xét tư tưởng, tình cảm của tác giả:
+ Nguyễn Du đề cao tình cảm nam nữ, đặc biệt là tình cảm của người phụ nữ trong tình cảm.
+ Đây là một tư tưởng hết sức tiến bộ trong thời đại lúc bấy giờ, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội, gia đình.
+ Nguyễn Du cũng dành tình cảm yêu thương, quý trọng cho người phụ nữ, mong muốn họ làm chủ cuộc sống của mình.
 

Viết kết nối với đọc

Bài tập trang 70: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích 2 - 4 dòng thơ miêu tả thiên nhiên mà em cho là đặc sắc trong đoạn trích Kim - Kiều gặp gỡ.
Đoạn văn 1:
Khi đọc đoạn trích Kim - Kiều gặp gỡ, em luôn đọc đi đọc lại hai dòng thơ miêu tả thiên nhiên rất đặc sắc: “Gương nga chênh chếch dòm song,/ Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân”. Hai dòng thơ miêu tả vẻ đẹp đầy chất thơ, tĩnh lặng và tươi sáng vào đêm trăng. Bằng ngòi bút nhân hóa điêu luyện, Nguyễn Du đã khiến vầng trăng vốn chỉ biết nằm im lìm trên trời cũng biết ngó ngàng xung quang: “Gương nga chênh chếch dòm song”. Từ láy ‘chênh chếch” chỉ hành động hơi nghiêng về một phía. Vầng trăng cũng giống như Thúy Kiều, tựa đầu cửa sổ, nghiêng nhìn sang phía Kim Trọng với nỗi tương tư. Cả không gian ban đêm chợt bừng sáng bởi ảnh trăng dịu nhẹ: “Vàng treo ngấn nước cây lồng bóng sân”. Mặt nước sóng sánh ánh trăng, lấp lánh như chứa ngàn mặt trăng nhỏ ở dưới đáy sông. Ánh trăng chiếu xuống cây, khiến bóng cây che đi cả một khoảng sân. Cảnh vật êm đềm biết bao, từng dòng thơ đi vào lòng người biết nhường nào!

Đoạn văn 2:
Nguyễn Du đã miêu tả thiên nhiên rất ấn tượng trong đoạn trích Kim – Kiều gặp gỡ. “Dưới cầu nước chảy trong veo/Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”. Qua hai câu thơ, tác giả đã tạo nên bức tranh thiên nhiên lúc chiều tà với những sự vật, khung cảnh đầy tình tứ. Biện pháp nghệ thuật đối được tác giả sử dụng rất tinh tế “dưới cầu; bên cầu” tạo nên sự đối xưng trong bức tranh thiên nhiên. Chao ôi! Còn gì tuyệt vời hơn khi trước mắt chúng ta là một dòng sông nước chảy trong veo cùng với những cây liễu thướt tha như đang khoe dáng bên bờ sông. Hai câu thơ đã tạo nên bức tranh thiên nhiên thật thơ mộng.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây