Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Soạn Ngữ văn 9, bài 2: Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) - Sách Kết nối tri thức

Thứ năm - 13/06/2024 05:28
Soạn Ngữ văn 9 sách Kết nối tri thức, bài 2: Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) - Trang 58, ...
1. Trước khi thảo luận
2. Thảo luận

Đề bài: Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học).

* Bài nói mẫu tham khảo 1: 
Người chủ trì: Chào tất cả các bạn. Mình tên là…. Học lớp….. trường….. Mình là người chủ trì của nhóm…. Hôm nay, nhóm của mình sẽ thảo luận về vấn đề thực trạng sử dụng mạng xã hội hiện nay của giới trẻ. Như các bạn đã biết, mạng xã hội đang dần trở thành “người đồng hành” của các bạn học sinh. Chúng ta học tập, vui chơi, kết nối với bạn bè đều thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo, Messenger,.. Vậy học sinh chúng ta ngày nay có đang sử dụng mạng xã hội đúng cách không? Chúng mình sẽ cùng bàn luận ngay sau đây.

Bạn thứ nhất: Theo mình, giới trẻ đang sử dụng mạng xã hội theo cách tích cực. Chúng ta có thể thấy rất nhiều bạn trẻ thông qua mạng xã hội để chia sẻ những việc làm ý nghĩa với xã hội. Ví dụ như đội truyền thông nhà tù Hỏa Lò đã dựa vào nền tảng Facebook để kêu gọi mọi người tìm hiểu về di tích nhà tù Hỏa Lò cũng như truyền tình yêu lịch sử nước nhà tới mọi người. Hay Tiktoker Lê Anh Nuôi đã chia sẻ về hành trình nấu ăn cho trẻ vùng cao, nấu ăn cho các bệnh nhân trên nền tảng Tik Tok. Ngoài ra, học sinh chúng ta cũng đang dần chuyển sang học tập trên nền tảng số. Tôi chắc chắn rằng, thay vì phải mở một cuốn từ điển dày, bạn chỉ cần một cú click trên mạng để hỏi về nghĩa của một đoạn văn tiếng Anh, bạn sẽ có ngay câu trả lời. Tôi còn nhận thấy rất nhiều bạn trẻ sáng tạo ra các nền tảng mạng khác để đưa những kiến thức sách giáo khoa, sách tham khảo lên đó, giúp chúng ta tìm kiếm học liệu dễ dàng hơn.

Bạn thứ hai: Tôi lại không cho rằng người trẻ đang sử dụng mạng xã hội đúng cách. Chúng ta sẽ thấy rất nhiều những vụ bạo hành mạng, mà chủ yếu là do người trẻ gây nên. Họ sử dụng mạng như một cách để công kích cá nhân, lôi kéo, kích động tập thể, hạ thấp danh dự của một ai đó. Theo báo cáo của CIGI, năm 2023, có tới 30% người có những tác động nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần do bị bạo lực mạng. Bên cạnh đó, người trẻ đang có xu hướng “thoát li” thế giới bên ngoài và đắm chìm vào thế giới mạng. Điều đó được chứng minh qua việc người trẻ đang dần bị kém đi khả năng giao tiếp, dành chủ yếu thời gian của mình vào các thiết bị điện tử, không quan tâm nhiều đến các mối quan hệ với gia đình và mọi người ở cuộc sống thực. Khi quá đắm chìm vào mạng xã hội, các bạn ấy sẽ trở nên lười nhác, trốn tránh học tập, làm việc, giảm khả năng sáng tạo, ghi nhớ,…
Các ý kiến khác:…
Người chủ trì: Như vậy, sau khi nghe ý kiến từ các bạn, mình xin tổng hợp lại ý kiến của các bạn như sau: có …. Bạn đồng ý rằng các bạn trẻ đang sử dụng mạng xã hội đúng cách, biết cách lan tỏa những điều tích cực trên mạng xã hội; có… bạn cho rằng giới trẻ đang không sử dụng mạng xã hội đúng cách do quá lạm dụng mạng xã hội, dẫn đến hệ lụy về sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo mình thấy, mỗi ý kiến đều có những điểm hợp lý và những điểm chúng ta cần bổ sung thêm. Cảm ơn tất cả các bạn đã hăng hái thảo luận về vấn đề của chúng ta ngày hôm nay!

* Bài nói mẫu tham khảo 2: 
Đề tài người lính là đề tài tốn nhiều giấy mực của các nhà văn nhà thơ thời kì kháng chiến chống giặc cứu nước. Có người vẽ lên cuộc sống vất vả, sự hy sinh anh dũng nơi chiến trường của các chiến sĩ, có người vẽ lên vẻ đẹp oai hùng, uy nghi cùng với tinh thần lạc quan… Nhưng tất cả đều thể hiện tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Vậy hình ảnh người lính được thể hiện như thế nào trong thơ văn kháng chiến, cụ thể là qua bài thơ Đồng chí, xin mời thầy cô và các bạn cùng lắng nghe và trao đổi.

Hình ảnh người lính trước hết được thể hiện ở xuất thân và lí tưởng sống cao đẹp. Người lính cụ Hồ xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, có thể là những người lao động nghèo khổ “Quê hương anh đất mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” (Đồng Chí – Chính Hữu), hoặc là những chàng thanh niên trẻ tuổi vô tư “chưa một lần yêu/ còn mê thả diều” (Đồng dao mùa xuân- Nguyễn Khoa Điềm)… Dù xuất thân ở hoàn cảnh nào thì ở họ đều có chung một lí tưởng cao đẹp sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, dũng cảm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Người nông dân mặc áo lính gan dạ dũng cảm “tỳ tay trên mũi súng” (Cá nước – Tố Hữu), các anh dẻo dai bền bỉ hành quân vượt qua “trăm suối ngàn khe”, vượt suốt, trèo đèo trong cảnh “ngày nắng đốt” chói chang, những “đêm mưa dầm dề, gió buốt chân tay” quanh năm suốt tháng. Không một khó khăn, trở lực ngăn được bước tiến của anh:

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới”.


Bên cạnh đó, hình ảnh người lính còn được thể hiện ở hoàn cảnh sống và chiến đấu thiếu thốn, khắc nghiệt. Người lính chiến đấu ở những nơi rừng núi âm u rậm rạp “đêm nay rừng hoang sương muối” (Chính Hữu), “bụi phun tóc trắng”, “mưa xối xả”… Cuộc chiến đấu diễn ra trong mọi hoàn cảnh: trong đêm đông lạnh buốt, hay nắng lửa mưa ngàn, nơi chiến trường ác liệt. Người lính phải gắng vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt mà cuộc sống chiến đấu ở chiến trường đầy gian khổ, thiếu thốn và cả sự khốc liệt của chiến tranh: những cơn sốt rét rừng hành hạ, ốm đau thiếu thuốc men, bom đạn rình rập đe dọa sự sống, cuộc chiến tranh khốc liệt, hiểm nguy mà những người lính phải đối mặt “áo rách, quần có vài mảnh vá, chân không giày” (Phạm Tiến Duật). Bằng những hình ảnh chân thực, sống động, những nét vẽ không màu. Thơ ca đã gieo vào lòng người đọc những xúc động lắng sâu về hoàn cảnh sống, chiến đấu vô cùng gian khổ, thiếu thốn, hy sinh, thử thách, của những người lính cách mạng- những anh bộ đội cụ Hồ. Đất nước gian lao, cuộc đời người lính cách mạng cũng đầy khó khăn thử thách. Người lính đã vượt lên, chiến thắng mọi hoàn cảnh để chiến thắng được kẻ thù .

Và cuối cùng, hình ảnh người lính hiện lên là những con người yêu nước với những phẩm chất tốt đẹp: giàu lòng yêu nước, kiên cường, lạc quan yêu đời. Những người lính ra đi từ mọi miền quê của đất nước, họ gác lại những tình cảm, ước mơ riêng, những khát khao tuổi trẻ băng qua bom đạn, vượt qua mọi khó khăn, để tiến về phía trước. Quyết tâm ra đi chiến đấu để bảo vệ độc lập cho quê hương cho Tổ quốc. Tất cả đều bắt nguồn từ lòng yêu nước sâu sắc và vô cùng vĩ đại của những người lính mang tên gọi vô cùng giản dị mà thân thương: Bộ đội cụ Hồ. Những người lính dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu. Mọi khó khăn gian khổ, bom đạn của kẻ thù lùi lại phía sau bởi ở họ có một lòng yêu nước sâu sắc, một lý tưởng cao đẹp “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Với tinh thần “Tất cả vì Tổ quốc thân yêu”. Trong gian nan thử thách, tình đồng đội càng tỏa sáng, trong chiến đấu gian khổ, đồng đội là nguồn động viên là cánh tay dìu đỡ, là người chia lửa khi giáp mặt quân thù “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Đồng thời đó cũng là động lực giúp người lính vượt qua tất cả để hoàn thành lý tưởng cao cả của mình. Dù hoàn cảnh chiến đấu còn đầy những cam go, thử thách, vẻ đẹp phẩm chất cách mạng của người lính vẫn rạng ngời tỏa sáng. Họ chính là những bài ca đi cùng năm tháng, bất tử với thời gian.

3. Đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây