Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện)

Thứ bảy - 15/06/2024 03:46
Truyện thơ Nôm được coi là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của nhân dân ta.

Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - Bài làm 1

Truyện thơ Nôm được coi là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của nhân dân ta. Nhắc đến truyện thơ Nôm - một thể loại gắn bó sâu sắc với những người dân lao đồng bình dị - thì thật thiếu xót khi không kể đến tác phẩm Lục Vân Tiên của thi nhân Nguyễn Đình Chiểu. Đặc biệt, đoạn trích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga, người đọc vô cùng ấn tượng, cảm phúc trước đức tính, tài năng của Lục Vân Tiên qua ngòi bút tài hoa của nhà thơ:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xô vô.
Kêu rằng: “Bớ đàng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.

Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt hơn so làm gì.
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.


Lục Vân Tiên là tác phẩm truyện thơ Nôm được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào những năm 50 của thế kỉ 19. Đây được coi là áng thơ đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong sự phát triển của thể loại truyện thơ Nôm. Tác phẩm viết về cuộc đời nhiều bất trắc của người anh hùng Lục Vân Tiên, từ đó làm nổi bật những tấm gương tốt, khuyên con người nên học hỏi những phẩm chất, đức tính của những người như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga. Đoạn trích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga thuộc phần đầu của tác phẩm, từ câu 123 đến câu 180, kể lại sự việc Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi bọn cướp và thể hiện sự dũng cảm, không màng dang lợi của chàng.

Mở đầu đoạn trích, nhà thơ đã kể lại cuộc đụng độ giữa Lục Vân Tiên và toán cướp.
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.

Phong Lai chẳng kịp trở tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.


Đây là trận đấu không cân bằng về số lượng, bởi một bên chỉ có Lục Vân Tiên, bên còn lại là mấy mươi tên cướp hung hãn; cũng không cân bằng về vũ khí, bởi chàng chỉ có trên tay cánh cây nhỏ “Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô”, còn bọn cướp lại gươm giáo đầy đủ. Nguyễn Đình Chiểu xây dựng hoàn cảnh đặc biệt, vừa để Lục Vân Tiên rơi vào thế khó, nhưng cũng để chàng tự bộc lộ sự gan dạ của mình.

Bằng bút pháp xây dựng hình tượng nhân vật điêu luyện, thi nhân đã xây dựng hai hình tượng vô cùng đối lập: Lục Vân Tiên và tướng cướp Phong Lai. Phong Lai được miêu tả có ngoại hình “mặt đỏ phừng phừng”, lời nói thì hàm hồ, hống hách, thách thức, như muốn “ăn tươi nuốt sống” Lục Vân Tiên: “Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây”. Trong khi đó, Lục Vân Tiên lại rất bình tĩnh bẻ cành cây làm gậy, khuyên bọn cướp không nên làm điều ác “Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. Chàng thật sự không muốn gây chiến với bọn cướp, nhưng nếu gặp điều không hay, chàng sẵn sàng diệt trừ cái ác.

Điều làm nên sự thu hút trong đoạn thơ này là trận chiến ác liệt, không cân sức giữa Lục Vân Tiên và bọn cướp. Nguyễn Đình Chiểu tập trung miêu tả những cú đánh tài nghệ, sự dũng mãnh của Lục Vân Tiên. Chàng “tả đột hữu xông”, “khác nào Triệt Tử phá vòng Đương Dang”. Chàng tấn công mạnh mẽ, tung hoành bốn phương, như một người anh hùng đang phá vòng vây của ngàn kẻ địch. Những đòn tấn công nhanh, mạnh của chàng khiến cho Phong Lai và thuộc hạ của hắn chịu đau đớn, mất mát, thất bại thảm hại “Lâ la bốn phía vỡ tan”, “quăng gươm giáp”, “tìm đàng chạy ngay”. “Phong Lai chẳng kịp trở tay”, “Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”. Phong Lai ban đầu hùng hổ, huênh hoang thế, nhưng cuối cùng, chỉ bị duy nhất một đòn của của Lục Vân Tiên, mà cũng chết không kịp nhắm mắt. Bọn cướp còn lại như rắn mất đầu, sợ hãi bỏ chạy tứ phía, tìm đường thoát thân. Lục Vân Tiên quả thật quá tài giỏi, binh pháp hơn người! Chỉ với một cành cây bẻ vội bên đường mà chàng đã dọn được ngay bọn cướp hung hãn, mà trong mắt chàng lại chỉ là “lũ kiến chòm ong”.

Sau trận chiến ác liệt, Lục Vân Tiên gặp người mình đã cứu - Kiều Nguyệt Nga. Khi này, Kiều Nguyệt Nga bày tỏ sự cảm kích và mong muốn được báo ơn chàng:

Dẹp rồi lũ kiến chòm ong,
Hỏi:”Ai than khóc ở trong xe nầy?”

Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.


Trước hết, Kiều Nguyệt Nga xưng danh, nêu lên những lí do khiến mình bị đẩy vào tình thế nguy cấp, gặp bọn tàn ác này

Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,
Con nầy tì tất tên là Kim Liên.

Chẳng qua là sự bất bình,
Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi.


Qua lời giới thiệu, ta có thể thấy Kiều Nguyệt Nga là cô tiểu thư danh giá, có bố làm chức quan tri phủ. Lần này nàng gặp nạn, cũng bởi do không muốn làm sai lời cha, sang miền Hà Tây để “định bề nghi gia”. Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng hình tượng một Kiều Nguyệt Nga vô cùng ngoan ngoãn, hiếu thảo, lại ăn nói tế nhị, lịch sự, dịu dàng, âu cũng để khuyên dạy con người cũng nên có những phẩm chất đó.

Gặp được ân nhân, Kiều Nguyệt Nga nóng lòng muốn đèn báo ơn, bởi với nàng, đây là điều theo lẽ tự nhiên.
Trước xe quân tử tạm ngồi,
Xin chi tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.

Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.


Nàng vốn là một cô tiểu thư, có địa vị cao trong xã hội, nhưng lại xưng “tiện thiếp”, gọi Lục Vân Tiên - một người dân bình thường- là “quân tử”. Nàng đã hạ thấp mình xuống, như một cách để cảm kích, trân trọng ân nhân của mình. Không những thế, Kiều Nguyệt Nga còn “lạy” và “thưa” với người anh hùng kia. Nhà thơ đã sử dụng từ ngữ rất khéo léo trong việc miêu tả cách xưng hô và hành động của Kiều Nguyệt Nga, như để bày tỏ đậm nét hơn sự mang ơn của nàng.

Kiều Nguyệt Nga mong muốn Lục Vân Tiên theo mình đến Hà Khê, để có thể lấy của cải, vật chất trả ơn cho chàng. Nàng cho rằng mình nên báo đáp ân nhân như thế, bởi thân nàng “liễu yếu đào tơ”, không giúp gì được chàng, mà đang trên đường đi, “của tiền chẳng có bạc vàng cũng không”. Không những chỉ muốn lấy vàng bạc để trả ơn, nàng lại thấy công ơn của Lục Vân Tiên quá to lớn, không có cái gì hơn để “phỉ tấm lòng cùng ngươi”. Nàng đau đáu, sợ ân nhân sẽ thiệt, biết ơn sâu sắc đến người đã cứu giúp mình lúc hoạn nạn. Nhân vật Kiều Nguyệt Nga như một biểu hiện của đạo lý “báo đức thù công” - một quan niệm mà Nguyễn Đình Chiểu tâm đắc và tuân theo đến cùng.

Đáp lại sự báo đáp của Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên lại không nhận, cho rằng cứu người là việc đương nhiên:
Vân Tiên nghe nói liền cười
Làm ơn há dễ trông người trả ơn

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.


Lục Vân Tiên quan niệm rằng, trách nhiệm của người anh hùng là trừng trị cái xấu, cái ác, không nên soi xét đến hơn thiệt. Đây là quan niệm rất đúng đắn và nhân văn, bởi khi đã cứu người thì tâm người đó phải sáng, không bao giờ màng đến danh lợi. Người nào mà giúp người với tâm thế muốn được trả ơn, thế là “phi anh hùng”. Quan niệm về người anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu đã phẩn nào có sự tiến bộ hơn so với các nhà Nho xưa, không chỉ dừng lại ở “Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài” hay không cần có “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” như nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà còn cần có tấm lòng rộng mở, không đòi hỏi sự mang ơn của người khác, sẵn sàng xả thân vì cái tốt.

Như vậy, đoạn trích trở nên hấp dẫn không chỉ nhờ những đức tính tốt đẹp của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, mà nó còn thu hút người đọc bởi nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ đối thoại, ngôn từ sắc bén, tinh tế. Ngoài ra, chính thể thơ lục bát cùng nhịp thơ nhẹ nhàng đã làm đoạn trích nói riêng và cả tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên nói riêng trở nên dễ nhớ, dễ thuộc và đi sâu vào tâm trí người đọc.

Tóm lại, đoạn trích Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga đã làm sáng rõ hơn những tấm gương tốt, với những phẩm chất như anh dũng mạnh mẽ, biết mâng ơn người ân nhân của mình. Tác phẩm như một cuốn sách đạo làm người của Nho giáo, hướng con người đến cái thiện, tránh xa cái ác. Và những quan niệm ấy vẫn thật cần thiết cho đến tận ngày nay.
 

Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - Bài làm 2

Nguyễn Dữ là một trong những tác giả nổi tiếng về truyện truyền kỳ. Trong những tác phẩm của ông, có lẽ “Chuyện người con gái Nam Xương” là câu chuyện đặc sắc nhất. Tác phẩm viết về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của học. Đồng thời, qua đó ta thấy được sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với hoàn cảnh của họ.

Vũ Nương là người con gái “tính tình thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Chồng nàng là Trương Sinh, một người đa nghi và hay ghen. Mặc dù vậy, với tính cách dung hòa của mình, “nàng luôn giữ gìn khuôn phép”, cuộc sống gia đình của hai người luôn ổn định, không hề xảy ra bất hòa. Khi Trương Sinh phải sung binh, nàng lại là người vợ chung thủy, một lòng một dạ với chồng, chỉ mong chàng lên đường bình an trở về, không mong đeo được ấn phong hầu. Tình yêu và ước mơ của nàng thật giản dị và ý nghĩa. Chồng đi xa, nàng sinh con và chăm sóc mẹ chồng một cách chu đáo. Khi mẹ ốm, “nàng hết sức thuốc thang, lễ Phật cầu thần”, câu nói “Sau này trời giúp người lành, ban cho phúc trạch, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, mong ông xanh kia chẳng phụ con cũng như con đã chẳng nỡ phụ mẹ.” của mẹ chồng nàng đã cho ta thấy Vũ Nương là một người vợ chu đáo, một người con hiếu thảo biết chừng nào. Khi mẹ chồng mất, nàng đau xót, lo liệu ma chay như với cha mẹ đẻ của mình.

Tuy nhiên, người phụ nữ đức hạnh ấy lại phải chịu đựng một nỗi oan và dẫn đến cái chết thương tâm của nàng. Trong thời gian chồng đi tòng quân, nàng thường hay đùa với con bằng cách trỏ vào bóng mình trên tường và nói đó là cha Đản. Khi bị Trương Sinh nghi ngờ, nàng vẫn cố gắng hỏi rõ sự tình và thanh minh với chàng: “Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn, từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói.” Tuy nhiên, khi Trương Sinh một mực không tin, nàng đã gieo mình xuống bến Hoàng Giang mà chết. Chi tiết này đã nói lên nét đẹp con người Vũ Nương, nàng sẵn sàng lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Hành động mà Vũ Nương nhờ Phan Lang về nói với Trương Sinh yêu cầu của nàng cũng một lần nữa nói nên tấm lòng chung thủy, một lòng son sắt của nàng. Khi hiểu ra sự tình, Trương Sinh đã vô cùng ân hận, đàn giải oan đã khiến cho Vũ Nương được trả lại sự trong sạch, yên lòng, nàng đã được đức Linh Phi cho hiện về, dẫu không thể trở lại cõi trần được nữa.

Tác phẩm của Nguyễn Dữ, một tác phẩm truyền kỳ có sử dụng những yếu tố hoang đường kỳ ảo. Nhưng từ đó lại thấy được cái nhìn, sự trân trọng và cảm thông của tác giả đối với số phận người phụ nữ xưa, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của họ.

Nghị luận phân tích một tác phẩm văn học - Bài làm 3

Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.


Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa kia đúng như nhận định của Nguyễn Du. Người phụ nữ dù được sinh ra trong gia đình thuộc thành phần giai cấp nào, dù tốt đẹp nết na cũng đều cùng chung số phận “bạc mệnh” như nhau. Số phận hẩm hiu đáng thương ấy đã được các nhà văn phản ánh lại trong tác phẩm của mình.

Có lẽ tiêu biểu nhất là Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, một tác phẩm nổi tiếng của thế kỉ XVI (Trong tập Truyền kì mạn lục). Đây là một tác phẩm có giá trị sâu sắc về nhiều mặt và đã gây được cảm xúc trong lòng người đọc ở mọi thế hệ.

Chuyện người con gái Nam Xương là một tác phẩm có giá trị hiện thực sâu sắc. Xã hội thời ấy là một xã hội loạn lạc, chiến tranh xảy ra liên miên đã làm cho cuộc sống của người dân thật điêu linh khốn khổ. Vì vậy mà họ rất chán ghét chiến tranh. Qua buổi tiễn đưa Trương Sinh ra trận, với những lời dặn dò của bà mẹ, lời tâm sự của Vũ Nương với chồng, ta cũng thấy được thái độ kinh sợ chiến tranh của người dân lúc bấy giờ.

Chính chiến tranh đã làm cho vợ phải xa chồng, cha phải xa con... và nó còn là nguyên nhân gây ra bao nỗi bất hạnh cho người 1 vợ nữa. Trương Sinh đi lính, Vũ Thị Thiết ở nhà một mực thủy chung với chồng, thay chồng gánh vác hết mọi công việc gia đình: sinh con, chăm sóc mẹ chồng, lo toan mọi công việc trước sau. Mẹ chồng bệnh lo thuốc thang, mẹ mất lo ma chay, cúng tế đàng hoàng.

Vậy mà khi chồng trở về, nàng chưa được vui sum họp lại gặp tai họa bất ngờ. Bởi anh chồng thất học lại có tính đa nghi, ghen tuông mù quáng chỉ nghe theo lời đứa trẻ ngây thơ không biết xét suy đã vội nghi oan cho vợ. Chỉ vì “cái bóng” vô hình mà Vũ Nương bị mắc oan. Nỗi oan động đất trời lại không thể giãi bày được cùng ai. Bởi cái lễ giáo phong kiến, cái thế lực nam quyền không cho phép người phụ nữ được lên tiếng minh oan. Họ không có một quyền hành gì cả, không được ai bênh vực hay chở che. Cuối cùng nàng phải mang mối oan tình xuống dòng nước bạc.

Số phận của người phụ nừ trong xã hội phong kiến là như thế đó! Sợi dây lễ giáo trói buộc người phụ nữ, họ phải mang số phận “bạc mệnh” đến hết cuộc đời. Thậm chí khi được giải oan, dẫu Vũ Nương rất thương nhớ chồng con nhưng cũng không thể nào trở lại cõi trần được vì nơi đó luôn gieo tai họa cho người phụ nữ. Đây là một chi tiết mang giá trị tố cáo cao.

Nó khẳng định được bản chất xấu xa của xã hội phong kiến, một nhà tù giam hãm cuộc đời của người phụ nữ suốt bao thế kỉ. Cả tác phẩm là một bức tranh hiện thực sinh động phản ánh được thân phận đáng thương của người phụ nữ trong xã hội xưa kia.

Đằng sau nỗi khổ của Vũ Nương, ta còn thấy tấm lòng nhân đạo đáng quý của nhà văn. Xuất phát từ tấm lòng yêu thương trân trọng người phụ nữ, Nguyễn Dữ tập trung ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người con gái Nam Xương: đảm đang, hiếu nghĩa, thủy chung. Khi chồng đi lính, nàng một mình làm hết cả vai trò của chồng lẫn vợ không một chút than vãn: nuôi dạy con thơ, chăm sóc mẹ già.

Nàng luôn giữ trọn đạo hiếu đối với cha mẹ, phụng dưỡng mẹ chồng như mẹ ruột. Đối với chồng, trước sau nàng vẫn giữ trọn nghĩa tình. Biết chồng vốn tính đa nghi, “nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến bất hòa”. Khi bị chồng nghi oan, không thể giãi bày được, nàng đã lấy cái chết để chứng thực nghĩa tình của mình.

Lời nguyện thề của Vũ Nương trước khi chết cũng chứng tỏ được tấm lòng trong trắng, thủy chung của nàng. “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Vũ Nương tin ở tấm lòng thủy chung trong trắng của mình nên sau khi chết đã được như lời nguyền.

Tiết nghĩa của người con gái Nam Xương như thế! Câu chuyện càng thương tâm, tấm lòng nàng lại càng sáng tỏ. Vũ Thị Thiết là hiện thân của tâm hồn cao đẹp. Trong lòng nàng như không hề gợn một mảy may vẩn đục nào ngoài lòng yêu thương chồng, thương con. Tinh thần nhân đạo của tác phẩm còn bộc lộ rõ rệt trong việc phản ánh nỗi oan của Vũ Nương. Trong khi chế độ phong kiến coi thường quyền sống của người phụ nữ, không hề quan tâm đến nỗi khổ của họ, nguyện vọng của họ, thì truyện ngắn này đã đề cập tới nỗi khổ ấy, xót thương đến nỗi oan ấy.

Bên cạnh đó, Nguyễn Dữ còn đề cao một khát vọng của họ: được tôn trọng. Sau khi vợ chết không chỉ chàng Trương hiểu ra nỗi oan của nàng và lập đàn giải oan, mà tấm lòng trong sáng thủy chung ấy, nỗi khổ ấy còn cảm động đến thần linh. Hình ảnh “Vũ Nương ngồi kiệu hoa, theo sau đó có hơn năm mươi chiếc xe, cờ tán võng lọng rực rỡ” thật là đẹp đẽ. Đó là phần thưởng, là niềm an ủi cho nàng. Đồng thời nó cũng thể hiện được ước mơ của tác giả, của nhân dân ta ngày xưa.

Bên cạnh đó, truyện còn có nhiều thành công về mặt nghệ thuật.

Đặc biệt là nghệ thuật dựng truyện giàu kịch tính. Những chỗ thắt nút, mở nút, bất ngờ mà vẫn hợp lí. Người đọc bất ngờ vì những câu nói ngây thơ của đứa trẻ lần đầu gặp cha, sửng sốt và thương tâm trước cái chết của người vợ, càng bàng hoàng khi đọc đến chi tiết: đứa con chỉ bóng cha in trên vách mà nói: “Cha Đản lại đến kia kìa!”. Thì ra nguyên nhân nỗi đau khổ, nỗi oan ức của một con người, sự tan nát của một gia đình chỉ vì một “cái bóng” qua lời nói của trẻ thơ. Chính chi tiết đó làm nỗi oan nổi rõ lên với tất cả cái bi thảm của nó.

Các nhân vật trong truyện tuy chưa thật sự có cá tính rõ rệt nhưng cũng biểu hiện được với một vài đặc điểm khá sắc sảo: đứa trẻ thì vô tư, người vợ thảo hiền thủy chung cam chịu, người chồng vừa nóng nảy hay ghen lại vừa cả tin nhẹ dạ. Truyện lại kết hợp chất hiện thực với những yếu tố hoang đường kì diệu gây hứng thú cho người đọc.

Tuy nhiên do được viết bằng chữ Hán, với những cách diễn đạt bóng bẩy và ít nhiều công thức, ngôn ngữ của truyện còn gây cho ta cảm giác thiếu tự nhiên ta chưa biết được thực sự lời nói của cha ông ta ngày ấy. Nhưng dẫu sao, đây cũng là một truyện ngắn đầu tiên của văn học Việt Nam có những thành công sắc sảo.

Tóm lại, Chuyện người con gái Nam Xương là một câu chuyện tình đầy oan khuất. Qua truyện, ta hiểu được sự bất công phi lí của xã hội phong kiến đã đem đến nỗi đau khổ cho người phụ nữ đẹp trong văn chương Việt Nam thế kỉ XVI làm sáng ngời phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Dẫu đã trải qua nhiều thế kỉ, nhưng thời gian vẫn không làm giảm đi giá trị của tác phẩm văn học đặc sắc này. Tác phẩm là một trong những viên đá đầu tiên đã góp phần xây dựng nên ngôi nhà lớn văn xuôi Việt Nam.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây