Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Đề kiểm tra giữa kì 1, môn: Ngữ Văn 8 Kết nối tri thức

Thứ tư - 06/11/2024 09:14
Đề kiểm tra giữa kì 1, môn: Ngữ Văn 8 Kết nối tri thức với cuộc sống. Gồm hai phần: Đọc hiểu và Viết văn. Có đáp án và hướng dẫn chấm điểm
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi bằng cách ghi lại chữ cái đứng trước đáp án đúng

BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ
Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
(Nguyễn Khuyến)

Câu 1: Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” được viết theo thể thơ
A. lục bát
B. thất ngôn bát cú Đường luật
C. thất ngôn tứ tuyệt
D. tự do

Câu 2 : Dòng nào sau đây nói đúng về một trong những đặc điểm của thể thơ thất ngôn bát cú
Đường luật ?
A. Số tiếng: 7 tiếng; số dòng: 8 dòng (chia thành 4 phần: đề, thực, luận, kết)
B. Số tiếng: 7 tiếng; số dòng: 4 dòng (chia thành 4 phần: đề, thực, luận, kết)
C. Số tiếng: 5 tiếng; số dòng: 4 dòng (chia thành 4 phần: đề, thực, luận, kết)
D. Số tiếng: 6 tiếng; số dòng: 8 dòng (chia thành 4 phần: đề, thực, luận, kết)

Câu 3: Cụm từ ta với ta ở cuối bài thơ đã sử dụng nghệ thuật chơi chữ bằng cách
A. dùng từ đồng nghĩa.
B. dùng từ đồng âm.
C. dùng cách điệp âm.
D. dùng từ gần nghĩa

Câu 4: Biện pháp tu từ nổi bật trong bài thơ là gì?
A. So sánh, đối lập.
B. Nhân hóa, đối lập.
C. Liệt kê, điệp ngữ.
D. Liệt kê, ẩn dụ.

Câu 5: Cách ngắt nhịp của bài thơ?
A. 3/4
B. 4/3
C. 2/2/3
D. 3/2/2

Câu 6: Chủ đề của bài thơ “Bạn đến chơi nhà” là
A. ca ngợi tình anh em ruột thịt, chân thành, thắm thiết.
B. ca ngợi tình thầy trò sâu sắc, bền chặt.
C. ca ngợi tình cảm gia đình máu thịt thiêng liêng.
D. ca ngợi tình bạn bè chân thành, thắm thiết vượt lên trên những vật chất tầm thường.

Câu 7: Tác dụng của nghệ thuật đối trong 2 cặp câu: 3-4; 5-6 của bài thơ Bạn đến chơi nhà là?
A. Tạo ra tình huống dí dỏm, diễn đạt tình cảm chân thành, sâu sắc.
B. Nhấn mạnh sự mong ước được tiếp đãi bạn một cách chu đáo cả vật chất lẫn tinh thần khi có
bạn đến thăm nhà.
C. Nhấn mạnh sự chân thành của tình bạn sẽ đủ để bù đắp những thiếu hụt vật chất trong buổi
tiếp đón bạn.
D. Tạo ra tình huống khó khăn khi tiếp đãi bạn.

Câu 8: Cảm hứng chủ đạo của tác giả trong bài thơ trên là gì?
A. Xúc động, buồn đau khi bạn đến nhà.
B. Giận hờn, trách móc khi bạn đến nhà.
C. Cởi mở, chân thành khi bạn đến nhà.
D. Thờ ơ, hờ hững khi bạn đến nhà.

Câu 9: Chỉ rõ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê được sử dụng trong bài thơ trên?
Câu 10: Qua chủ đề bài thơ trên, em sẽ làm gì để xây dựng một tình bạn đẹp trong cuộc sống hiện đại hôm nay ? Hãy trình bày bằng đoạn văn khoảng 10 dòng chữ.

PHẦN II. VIẾT (4.0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: “Viết về bạn là một đề tài thường gặp của các thi nhân xưa, có lẽ sâu sắc hơn cả là tình bạn của Nguyễn Khuyến dành cho Dương Khuê khi ông qua đời. Và đặc biệt hơn trong bài “Bạn đến chơi nhà” tình cảm bạn bè được biểu lộ thật thân thiết và đáng kính trọng biết bao”.
Bằng những kiến thức đã học về bài thơ, em hãy viết bài văn phân tích bài thơ này.
…………Hết ………..
 
ĐÁP ÁN & HƯỚNG DẪN CHẤM
MÔN : NGỮ VĂN 8

PHẦN I. ĐỌC HIỂU
1. B    2 A     3.  B   4. C
5. B     6. D    7. A    8. C    
9.
Cần chỉ ra được:
- Biện pháp tu từ liệt kê: Ao sâu, vườn rộng, cải chửa ra cây, cà mới nụ, bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa...
- Tác dụng:
+ Tạo tình huống khó xử khi bạn đến chơi nhà.
+ Khẳng định tình bạn cao đẹp, gắn bó không cần đến vật chất cao sang mà cốt ở tấm lòng, sự tri kỉ, đồng cảm thiết tha.
Thái độ, tình cảm của tác giả.
10.
Viết đoạn văn 10 dòng chữ ghi lại được những việc làm thể hiện tình bạn đẹp như sau :
- Lắng nghe những chia sẻ của bạn bè
- Tôn trọng bạn bè và bí mật của họ.
- Sẵn sàng giúp đỡ bạn bè của mình
- Luôn xây dựng cho tình bạn l tốt đẹp
- Sẵn sàng xin lỗi bạn và tha thứ cho bạn khi họ mắc lỗi sai.
- Chỉ ra những khuyết điểm của bạn và giúp bạn sửa chữa những khuyết điểm đó.
* Lưu ý: GV căn cứ vào bài làm của HS để cho điểm phù hợp.

PHẦN II. VIẾT
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ Đường luật)
b. Xác định đúng yêu cầu của đề. Phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
c. Yêu cầu đối với bài văn phân tích
HS có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về Nguyễn Khuyến (những nét chính về con người, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác,...).
- Giới thiệu khái quát về bài thơ “Bạn đến chơi nhà”
- Nêu vấn đề nghị luận: nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật trong bài Bạn đến chơi nhà.
2. Thân bài
* Cảm xúc khi bạn đến chơi nhà
- Cách giới thiệu giản dị, gần gũi với đời sống:
+ Đã bấy lâu nay: chỉ thời gian đã lâu lắm rồi
+ Bác tới nhà: chỉ sự việc bạn đến thăm
- Giọng điệu: vồn vã, chân thành, cởi mở.
- Cách xưng hô: bác – một danh từ chỉ người, được dùng như đại từ, qua đó thể hiện thái độ niềm nở, thân tình, quý trọng của tác giả đối với bạn.
- Hai vế câu sóng đôi như một lời reo vui, đón khách, thể hiện sự xúc động ngọt ngào => cho thấy mối quan hệ gần gũi, thân mật giữa chủ và khách.
⇒ Câu nhập đề tự nhiên như một lời nói mộc mạc, như một tiếng reo vui, thể hiện sự chân tình, niềm xúc động của tác giả khi bạn đến chơi nhà.
* Hoàn cảnh của nhà thơ khi bạn đến chơi nhà
- Tác giả đã tạo ra một tình huống, một hoàn cảnh rất đặc biệt khi bạn đến chơi nhà:
+ Muốn ra chợ thì chợ xa
+ Muốn sai trẻ thì trẻ đi vắng
+ Muốn bắt cá thì ao sâu
+ Muốn đuổi gà thì vườn rộng, rào thưa
+ Những thực phẩm như thịt, cá, rau đậu của vườn lại chưa ăn được
+ Miếng trầu cũng không có
⇒ Tình huống được tạo ra có tính bông đùa, có sẵn nhưng hóa ra lại không có gì, từ đó cho thấy hoàn cảnh éo le của tác giả. =>Vật chất không có, chỉ có sự chân tình tiếp đãi bạn.
+ Nhịp thơ 3/4: tạo âm hưởng nhịp nhàng, chậm rãi, khoan thai
+ Phép đối chặt chẽ, lặp cấu trúc cụm từ, sử dụng tính từ, từ phủ định…
⇒ Tạo dựng một tình huống éo le => đó là cách nói hài hước, phóng đại về cuộc sống thiếu thốn vật chất của tác giả, qua đó thể hiện sự hóm hỉnh, hài hước của một nhà nho thanh bạch.
* Tình bạn thắm thiết của tác giả
- Sử dụng từ nhiều nghĩa “ta”:
- Sử dụng quan hệ từ “với” nối liền hai chữ ta, qua đó ta thấy giữa chủ và khách dường như không còn khoảng cách, tuy hai mà một, gắn bó, hòa hợp, vui vẻ, trọn vẹn.
⇒ Câu thơ đã đúc kết lại giá trị của toàn bài thơ, bộc lộ tình cảm sâu sắc của nhà thơ đối với bạn, khẳng định một tình bạn đậm đà, thắm thiết, trọn vẹn mà trong sáng, vượt qua mọi thử thách tầm thường.
3. Kết bài
- Khái quát, khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
- Cảm nhận về bài thơ và liên hệ với tình bạn của bản thân.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Có sự sáng tạo về dùng từ, diễn đạt, lựa chọn lí lẽ, dẫn chứng để bày tỏ ý kiến một cách thuyết phục.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây