Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc khi đọc một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ

Thứ tư - 24/04/2024 09:38
Thi phẩm Gặp lá cơm nếp in trong tập Dấu chân qua trảng cỏ đã thể hiện nỗi niềm nhớ về mẹ, về quê hương vô cùng thiết tha, sâu nặng của nhà thơ Thanh Thảo trong những tháng năm xa nhà đi kháng chiến.
Bài thơ Gặp lá cơm nếp viết theo thể thơ 5 chữ, nhịp điệu khá linh hoạt, phù hợp với nỗi niềm tâm sự của người lính nhớ nhà, nhớ mẹ trên đường hành quân gian khổ. Âm điệu ấy nghe như tiếng lòng khát khao được sống lại tháng ngày êm đềm của tuổi thơ bên những người thân thiết, đặc biệt là người mẹ yêu quý của mình.

Chính hoàn cảnh trên đường hành quân, nghe mùi xôi thoảng hương và thoáng qua làn khói bếp, Thanh Thảo bồi hồi nhớ mẹ khôn nguôi. Rõ ràng mẹ không hiện diện trên con đường người lính đi qua nhưng hình ảnh người mẹ lại vô cùng sống động và cụ thể.

Bài thơ mở đầu bằng một tâm sự rất thực của người lính: “Xa nhà đã mấy năm”. Mấy năm với một người con luôn hướng về mẹ, về quê hương là khoảng thời gian rất dài và mãi luôn bồi hồi nhớ thương trong tâm tưởng. Mấy năm hành quân, qua nhiều trận càn quét của kẻ thù, bát cơm mùa gặt nơi làng quê thanh bình vẫn chưa được một lần gặp lại nên thèm lắm, nhớ lắm.

Giờ đây, cái sợi khói vô tình “bay ngang tầm mắt” khiến mùi xôi quen thuộc thuở nào bỗng dào lên da diết, trở nên “lạ lùng” không sao tả hết được, cứ bâng khuâng, xao xuyến tâm can. Làn khói bay trong không gian vốn dĩ mông lung, vậy mà với Thanh Thảo, khói bếp kia chỉ dừng lại ở “ngang tầm mắt”. Chao ôi, đọc xong bỗng thấy mắt mình cay cay, đồng cảm và sẻ chia cùng tâm tình tác giả.

Chính ngọn khói và mùi xôi thoảng qua trong không gian đã khiến nhà thơ trào dâng một niềm nhớ thương mãnh liệt. Mẹ! Rõ ràng là mẹ không có ở đây, không hiện diện giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, vậy mà trong tâm tưởng đứa con xa nhà, mẹ vẫn mồn một trong buổi chiều nay, đang nhặt lá về đun bếp và thổi nồi cơm nếp.

Ký ức mùi cơm nếp lại hướng về quê nhà với hình ảnh người mẹ đảm đang, tần tảo. Các động từ “nhặt”, “thổi” càng làm rõ hơn hình ảnh người mẹ chịu thương chịu khó. Mùi cơm nếp cứ thế thơm suốt dặm đường con qua, ấm áp và nao lòng biết mấy:

Mẹ ở đâu chiều nay
Nhặt lá về đun bếp
Phải mẹ thổi cơm nếp
Mà thơm suốt đường con

Cơm nếp - mùi vị quê hương thân thuộc ngàn đời, gắn với làng quê nước Việt, với tuổi thơ và trải dài suốt cả đời người. Bình dị qua ngôn từ, chân thành trong cảm xúc, nhà thơ Thanh Thảo khẳng định với lòng mình “Con quên làm sao được”. Từ mùi cơm nếp, tác giả lại nhớ đến đất nước gian lao, vất vả. Đó cũng chính là cội nguồn sâu thẳm, là máu thịt thiêng liêng mà mỗi người con đi xa vẫn hằng mang trong ký ức suốt đời:

Ôi mùi vị quê hương
Con quên làm sao được
Mẹ già và đất nước
Chia đều nỗi nhớ thương

Hai câu thơ kết bài thật lắng đọng nhưng lại có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi gợi mối đồng cảm từ tâm trạng nhà thơ và thiên nhiên Trường Sơn hùng vĩ. Mỗi ngọn cỏ, lá cây như có bóng dáng mẹ hiền và hình hài đất nước nên cứ mãi thơm mùi xôi nếp quê hương thân thuộc, thành hành trang để người lính vượt qua thử thách, “xẻ dọc Trường Sơn” hướng đến tương lai:

Cây nhỏ rừng Trường Sơn
Hiểu lòng nên thơm mãi…

Gặp lá cơm nếp là bài thơ giàu cảm xúc, có sức lan tỏa và để lại nhiều dư vị trong lòng bạn đọc. Từ một tình huống bình dị đời thường, Thanh Thảo đã nói hộ cho tấm lòng của biết bao người lính về tình thương yêu với mẹ, nỗi niềm với Tổ quốc thiêng liêng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Có lẽ vậy chăng mà làn khói bếp và mùi xôi nếp cứ vương mãi nơi hồn ta, dù có phải đi xa tận chân trời góc biển.
 

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây