Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Đề kiểm tra giữa kì 1, môn: Ngữ Văn 7 Kết nối tri thức

Chủ nhật - 10/11/2024 09:53
Đề kiểm tra giữa kì 1, môn: Ngữ Văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống. Gồm hai phần: Đọc hiểu và Viết văn. Có đáp án và hướng dẫn chấm điểm.
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ I
Môn: Ngữ văn 7
 
Thời gian làm bài: 90 phút ( không kể thời gian giao đề)

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi bằng cách ghi lại chữ cái trước đáp án đúng/Thực hiện yêu cầu:

LỜI RU CỦA MẸ

Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
Khi con vừa ra đời
Lời ru về mẹ hát. 

Lúc con nằm ấm áp
Lời ru là tấm chăn
Trong giấc ngủ êm đềm
Lời ru thành giấc mộng.

Khi con vừa tỉnh giấc
Thì lời ru đi chơi
Lời ru xuống ruộng khoai
Ra bờ ao rau muống.

Và khi con đến lớp
Lời ru ở cổng trường
Lời ru thành ngọn cỏ
Ðón bước bàn chân con.

Mai rồi con lớn khôn
Trên đường xa nắng gắt
Lời ru là bóng mát
Lúc con lên núi thẳm
Lời ru cũng gập ghềnh
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông.

(Xuân Quỳnh - Thơ Xuân Quỳnh - Kiều Văn chủ biên, NXB Đồng Nai, 1997)

Câu 1. Thể thơ nào được sử dụng trong bài thơ “Lời ru của mẹ”?
A. Bốn chữ    
B. Năm chữ
C. Lục bát
D. Tự do

Câu 2. Bài thơ gieo vần nào?
A. Vần chân
B. Vần lưng
C. Vần liền
D. Vần hỗn hợp

Câu 3. Ai là người bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ trong bài thơ?
A. Người mẹ    
B. Người cha
C. Người con    
D. Người bà

Câu 4. Nghĩa của từ “gập ghềnh” là gì?
A. Con đường bằng phẳng, dễ đi lại
B. Quanh co, uốn lượn, ngoằn ngoèo
C. Nhấp nhô, chỗ cao chỗ thấp, lồi lõm không bằng phẳng
D. Có nhiều đoạn gấp khúc, nối tiếp nhau liên tiếp

Câu 5. Câu “Lời ru” trong bài thơ tượng trưng cho điều gì?
A. Vẻ đẹp của người mẹ    
B. Tình yêu thương của người mẹ
C. Công việc của người mẹ    
D. Cuộc sống của người mẹ

Câu 6. Nội dung của các khổ thơ trong bài được sắp xếp theo trình tự nào?
A. Trình tự thời gian    
B. Trình tự không gian
C. Mối quan hệ nguyên nhân - kết quả
D. Các khía cạnh khác nhau của lời ru

Câu 7. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào khi viết các câu thơ: “Lời ru là tấm chăn”, “Lời ru là bóng mát”?
A. Ẩn dụ    B. Hoán dụ    C. Nhân hóa    D. So sánh

Câu 8. Dòng nào sau đây chỉ bao gồm các từ láy?
A. Mênh mang, êm đềm, cổng trường, ngọn cỏ
B. Gập ghềnh, mênh mông, trời đất, giấc mộng
C. Mênh mang, mênh mông, êm đềm, gập ghềnh
D. Tấm chăn, giấc ngủ, ấm áp, êm đềm

Câu 9. Bài thơ gửi gắm đến người đọc những thông điệp nào?
Câu 10.
Qua bài thơ, em thấy mình cần phải làm gì để thể hiện tình yêu thương đối với mẹ. Hãy viết đoạn văn khoảng 5-6 câu để trình bày suy nghĩ của em.

II. VIẾT (4,0 điểm)
Ngày nay hiện tượng bạo lực học đường đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Em hãy viết bài văn trình bày quan điểm của em về vấn đề trên.
----------------------------
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ I
MÔN : NGỮ VĂN  7
I   ĐỌC HIỂU (6,0đ)

1. B    0,25
2. D    0,25
3. A    0,25
4. C    0,25
5. B    0,25
6. A    0,25
7. D    0,25
8. C    0,25

Câu 9. HS chỉ ra được thông điệp của bài thơ một cách hợp lí.
Gợi ý:
Bài thơ khơi gợi ở em tình yêu thương, sự thấu hiểu, trân trọng và biết ơn người mẹ đã sinh ra mình
Nhắc nhở mỗi người con phải ghi nhớ công ơn và hiếu nghĩa đối với mẹ.

Câu 10. Viết đoạn văn khoảng 5-6 câu để trình bày suy nghĩ về những việc làm để thể hiện tình yêu thương đối với mẹ:
Thăm hỏi, chăm sóc mẹ khi mẹ đau ốm
Biết quan tâm, giúp đỡ mẹ những công việc trong gia đình
Chăm chỉ, nỗ lực, say mê học tập để có cơ hội đền đáp công ơn sinh thành của mẹ
Luôn yêu thương và gắn bó với gia đình, sống thật tốt để trở thành niềm tự hào của mẹ.

II. VIẾT    4,0đ
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.    0,25

b. Xác định đúng yêu cầu của đề.
Bày tỏ quan điểm về nạn bạo lực học đường    0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:    0,5

Giới thiệu vấn đề:
Bạo lực học đường - một vấn đề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và nhức nhối trong xã hội hiện nay. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các giải pháp để đối phó với vấn đề này.
Hiện trạng:
Bạo lực học đường là việc sử dụng hành vi bạo lực, thiếu đạo đức trong môi trường học tập. Điều này bao gồm các hành động như bắt nạt, đánh đấm, lăng mạ, hoặc sử dụng ngôn ngữ thô tục để xúc phạm người khác. Bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng phổ biến ở các trường học trên khắp thế giới và không phân biệt độ tuổi, giới tính, hay địa điểm. Đây là một vấn đề đáng lo ngại đối với xã hội.
Nguyên nhân:
- Chủ quan:
Suy nghĩ lệch lạc: Một số học sinh có suy nghĩ sai trái và tin rằng sử dụng bạo lực là cách để thể hiện sức mạnh và cá tính của họ.
Ảnh hưởng từ các chương trình và trò chơi bạo lực: Các sản phẩm giải trí có nội dung bạo lực có thể ảnh hưởng đến tư duy và hành vi của học sinh.
- Khách quan:
Giáo dục và quản lý không hiệu quả: Sự thiếu quan tâm và giám sát của gia đình, nhà trường là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự gia tăng của bạo lực học đường.
Hậu quả:
Bạo lực học đường gây mất đi hình ảnh trong sáng và tốt đẹp của học sinh, ảnh hưởng đến sự tự tin và phát triển cá nhân của họ.
Nó là một con dao hai lưỡi, gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần cho nạn nhân, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện nhân cách và đạo đức của người bạo lực.
Giải pháp:
Học sinh cần cố gắng học tập và xây dựng mối quan hệ bạn bè, thầy trò tốt đẹp, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau.
Gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục về giá trị đạo đức, quản lý hành vi của học sinh và tạo ra môi trường an toàn cho họ.
Kết luận vấn đề
Bạo lực học đường là một vấn đề phức tạp và nghiêm trọng đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội để giải quyết. Chúng ta cần nhận thức về nó, tìm hiểu nguyên nhân, và đề xuất các giải pháp cụ thể để ngăn chặn và giảm thiểu bạo lực học đường. Điều này không chỉ là trách nhiệm của cá nhân, mà còn là trách nhiệm của xã hội và mọi người chúng ta.    2.5

d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.    0,25

e. Sáng tạo: Thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của bản thân về vấn đề; bố cục mạch lạc, lời văn thuyết phục.    0,25

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây