Phân tích và đánh giá nhân vật dì Mây trong truyện “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh - Bài 1
Chiến tranh qua đi, để lại biết bao mất mát tổn thương. Đó không chỉ là những nỗi đau về vật chất mà còn là nỗi đau về tinh thần. Như vết cứa rất sâu vào trái tim của con người, đặc biệt là những người phụ nữ. Truyện ngắn Người ở bến sông Châu là một truyện ngắn như thế, thấm đượm giá trị nhân văn và tình yêu thương, ca ngợi con người mà đặc biệt là những người phụ nữ.
Câu truyện xoay quanh về nhân vật dì Mây. Cô gái trẻ trung xinh đẹp, tóc dì đen dài, óng mượt "Dì đẹp gái nhất làng, có khối trai làng ra bến sông ngó trộm dì mày tắm”. Trước khi đi xung phong dì có mối tình đẹp đẽ, trong trẻo với chú San. Nhưng phải chia tay nhau vì chú San đi học nghề ở nước ngoài. Còn dì thì xung phong làm cô y sĩ Trường Sơn. Hoàn cảnh trớ trêu đã đẩy chú dì vào cảnh người mỗi ngả chia li cách biệt. Có thể thấy chiến tranh, bom đạn thật tàn nhẫn khi đã đẩy họ vào hoàn cảnh tách biệt.
Khi từ chiến trường bom đạn chờ về. Dì Mây bị đạn phạt vào chân, phải đi tập tễnh, bằng chân giả. Tuy nhiên nỗi đau thể chất đó không thấm vào đâu khi ngày dì trở về cũng là ngày dì phải chứng kiến người đàn ông mình yêu thương, nghĩ tới nhiều nhất, người đàn ông mà dì viết tên hằng ngày vào cuốn nhật kí ở Trường Sơn đã đi lấy người phụ nữ khác. Thử hỏi làm sao dì có thể chịu đựng được cú sốc tinh thần dã man tới vậy, lòng người con gái giờ đây là sự hụt hẫng, bàng hoàng, trớ trêu và đầy tuyệt vọng. Nhưng trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó ta vẫn thấy được sự kiên cường, mạnh mẽ của dì Mây. Thái độ của dì rất cương quyết, thể hiện sự bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ. Dì nhất quyết không đồng ý trước lời đề nghị “Mây, chúng ta sẽ làm lại” của chú San. Trước sự thể đã rồi dì nhận phần thiệt thòi về mình, dì chỉ muốn một người đàn bà khổ. Có thể thấy dù đau đớn, tuyệt vọng nhưng dì vẫn nén vào trong, dì là đại diện cho phẩm chất kiên cường của những người phụ nữ bước ra từ chiến tranh và bom đạn
Ở dì Mây còn nổi bật lên phẩm chất tốt bụng, vị tha và bao dung. Khi dì Mây nghe tin cô Thanh vợ chú San khó sinh cô Thanh đẻ thiếu tháng lại tràng hoa quấn cổ dì đã ngay lập tức giúp đỡ không hề suy nghĩa, đắn đo điều gì. Mặc dù ở vào hoàn cảnh của dì việc làm đó chẳng hề dễ dàng, nhưng dì vẫn không chút e ngại, chần chừ, suy nghĩ gì mà lập tức tới giúp đỡ cô Thanh vượt qua cơn nguy hiểm, để mẹ tròn con vuông.
Có thể thấy dì Mây hiện lên với rất nhiều những phẩm chất cao thượng, tốt đẹp, dì đại diện cho những người con gái Việt Nam sẵn sàng hi sinh thầm lặng, đánh đổi cả thanh xuân tuổi trẻ và hạnh phúc của cá nhân mình vì những điều lớn lao khác.
Phân tích và đánh giá nhân vật dì Mây trong truyện “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh - Bài 2
Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: “Văn học và nghệ thuật là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người”. Quả đúng là như vậy, giá trị chân chính của nghệ thuật chính là ở vẻ đẹp con người. Đến với mỗi tác phẩm văn học, chúng ta như được làm quen, gặp gỡ và thấu hiểu với một số phận, một cuộc đời. Và có lẽ, tôi sẽ chẳng thể nào quên nhân vật dì Mây trong truyện ngắn “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh.
Lấy bối cảnh xã hội Việt Nam hậu chiến tranh, “Người ở bến sông Châu” xoay quanh cuộc đời của dì Mây – một người lính trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đọc tác phẩm, ta không chỉ cảm nhận được nỗi vất vả, bất hạnh của dì mà còn thấy được sự khốc liệt mà chiến tranh gây ra với con người.
Trước hết, dì Mây chính là hình ảnh đại diện cho con người sẵn sàng đứng lên chiến đấu hi sinh thân mình vì độc lập dân tộc. Là một cô gái trẻ đẹp với mối tình đang nở rộ, dì sẵn sàng từ bỏ để đi vào chiến trường, đối mặt với tử thần. Trở về từ cuộc chiến, dì nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ người dân khắp xóm Trại. “Người đưa đẩy, an ủi, kẻ cảm thông, xót xa”. Có lẽ bởi chiến tranh đã lấy đi của dì quá nhiều thứ. Một mối tình dang dở, một thanh xuân rực rỡ hay một mái tóc đen óng mượt. Ngày trở về, dì cảm thấy lạc lõng ngay chính quê hương của mình khi mọi thứ đã có nhiều thay đổi. Người mà dì yêu thương, mong muốn được gắn bó cả cuộc đời tưởng dì Mây đã hi sinh trong chiến trận mà kết hôn với người con gái khác. Mái tóc dì trước khia đen óng mượt bao nhiêu thì bây giờ rụng nhiều, xơ và thưa bấy nhiêu. Và hơn hết, dì đã mất đi đôi chân của mình. Dì phải dùng chân giả, chống nạng gỗ, khó nhọc leo lên sạp thuyền ngồi. Những điều bất hạnh đến dồn dập nhưng dì vẫn luôn nghị lực, kiên cường, vẫn sống đầy lạc quan.
Dì Mây còn là một người phụ nữ thuỷ chung, vị tha trong tình yêu. Ở chiến trường, không ngày nào dì không viết tên người mình ra trong nhật kí. Người con gái Trường Sơn nơi đạn nổ bom rơi luôn ôm theo nỗi nhớ thương và yêu vô hạn cho người bạn ở nơi xứ đầy hoa tuyết trắng. Những tưởng người phụ nữ ấy sẽ có một cái kết viên mãn sau khi trở về từ chiến tranh nhưng không... dì trở về trong sự lãng quên của người mà dì yêu thương nhất – chú San. Chàng trai dì từng “bỏ chèo ôm chặt, nép đầu vào ngực người yêu” nay đã có một cuộc sống mời bên tình yêu mới. Dì chẳng thể trách được ai, có chăng là do thời gian đã xoá nhoà đi tất cả những kí ức đẹp giữa hai người. Thế nhưng, trước lời ngỏ “từ bỏ tất cả” và “làm lại” của chú San, dì khẳng khái đáp lại “Không!”. Mặc dù buồn, dù đau, dù còn thương, còn yêu nhưng dì hiểu, hạnh phúc của mình cũng sẽ lấy đi cuộc đời của một người con gái khác: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi”. Vì hạnh phúc của người mình yêu, dì Mây sẵn sàng hi sinh bản thân mình. Một con người với trái tim thật cao thượng!
Tác giả đã đặt dì Mây vào tình huống trớ trêu hơn khi để dì đỡ đẻ cho cô Thanh – vợ chú San. Trong cơn mưa tầm tã, dì Mây với đôi chân thương tật của mình giúp cô Thanh vượt cạn. Mặc cho lời can ngăn của thím Ba, dì nhẹ nhàng khuyên bảo cô Thanh cố rặn: “Em cố lên. Hãy nghĩ đến đứa con. Nào...cố lên em....” Có lẽ sẽ chẳng ai nghĩ được rằng đây là lời nói của một người phụ nữ đối với người đã thế chỗ cho hạnh phúc của mình. Đỡ đẻ thành công, nghe tiếng trẻ con khóc, dì Mây “xót xa, tủi hơn xen lẫn niềm ao ước, chờ mong, vui buồn lẫn lộn”. Có lẽ dì cũng tủi thân khi bản thân giờ chỉ còn lẻ bóng một mình, dì xót thương cho số phận bất hạnh của bản thân. Giá như hai người không phải chia xa, giá như không có chiến tranh thì có lẽ, bây giờ dì cũng đang được hạnh phúc bên chồng con. Thật tội nghiệp và xót xa cho số phận người đàn bà ấy!
Như vậy, tác giả Sương Minh Nguyệt đã đặt nhân vật dì Mây vào những tình huống đầy thử thách để thông qua đó, nhân vật tự bộc lộ mình. Chúng ta có thể thấy rằng chiến tranh đã cướp đi của con người quá nhiều thứ: nhan sắc, sức khoẻ, tình yêu,... Thế nhưng, chiến tranh sẽ chẳng thể vùi dập tâm hồn con người – một tấm lòng vị tha và cao thượng.
Phân tích và đánh giá nhân vật dì Mây trong truyện “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh - Bài 3
Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: “Văn học và nghệ thuật là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người”. Giá trị chân chính của nghệ thuật chính là ở vẻ đẹp con người. Đến với mỗi tác phẩm văn học, chúng ta như được làm quen, gặp gỡ và thấu hiểu với một số phận, một cuộc đời. Và có lẽ, người đọc sẽ không thể nào quên nhân vật dì Mây trong truyện ngắn “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh. Dì Mây là một trong những nhân vật bộc lộ được bản chất người lính đã trải qua cuộc chiến tranh, thấy được sự hy sinh mất mát, và nỗi đau khôn cùng của người phụ nữ Việt Nam.
Người ở Bến Sông Châu là một câu chuyện đầy cảm động về Mây - cô gái trẻ trung xinh đẹp, tóc đen dài, óng mượt "Dì đẹp gái nhất làng, có khối trai làng ra bến sông ngó trộm dì mày tắm”. Trước khi đi xung phong dì có mối tình đẹp đẽ, trong trẻo với chú San. Nhưng phải chia tay nhau vì chú San đi học nghề ở nước ngoài. Còn dì thì xung phong làm cô y sĩ Trường Sơn. Được trở về quê hương, về với gia đình là niềm vui khôn xiết với những người lính từng vào sinh, ra tử với biết bao mất mát, thiệt thòi của đời người con gái. Tình yêu của Mây và San là một mối tình đẹp mà nhiều người hằng mong ước.
Dì Mây đã để lại một bàn chân, một phần tuổi trẻ và nhan sắc lại nơi chiến trường. Niềm hạnh phúc duy nhất để chị cố sống sót trở về là tình yêu với San. Nhưng trớ trêu thay, ngày chị về cũng là ngày người yêu đi lấy vợ. Đám cưới của San đã dập tắt mọi niềm vui, khát vọng của dì Mây và để lại sự bẽ bàng, cô đơn. Dì Mây đau đơn, “nhắm mắt lại trốn tránh ánh đèn măng sông đám cưới. Đó là thứ ánh sáng hạnh phúc của người tình xưa chiếu vào tận sâu thẳm lòng dì. Nó như muôn vàn mũi kim nhọn châm, chích vào trái tim dì đang rỉ máu…” Chị xót xa nhìn cái chân cụt đến đầu gối và tấm thân còm nhom, xanh lướt của mình. Mặc dù đau đớn là vậy, nhưng khi San muốn từ bỏ tất cả để quay lại, chị vẫn từ chối. Mây đã có những năm tháng sống hết mình nơi chiến trường, dám hi sinh tính mạng để đồng đội được sống, nay hòa bình, lại một lần nữa hi sinh tình yêu của mình để người đàn bà khác khỏi đau khổ: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ…” Vì hạnh phúc của người mình yêu, dì Mây sẵn sàng hi sinh bản thân mình. Đó là sự hi sinh cao cả chỉ có ở tấm lòng bao dung và nhân hậu.
Sau ngày về vui ít đau nhiều, dì Mây “lại khoác ba lô ra lều cỏ” làm bạn với bến sống Châu trong quạnh quẽ, cô đơn. Dù có những lúc buồn ngồi đến thẫn thờ, không muốn ăn nhưng dì Mây vẫn gắng sống và làm được điều hữu ích. Sau một thời gian chèo đò phụ cho cha, dì nhận lời làm y tá trạm xá giúp đỡ người dân mặc những khó khăn đi lại của mình.
Những ngày sống ở lều cỏ bên bến sông, dì cứ tha thẩn, tư lự. Nhất là những đêm khuya “nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc bên trạm xá vọng sang, dì Mây giật mình thon thót”. Tác giả đã đặt dì Mây vào tình huống trớ trêu hơn khi để dì đỡ đẻ cho cô Thanh – vợ chú San. Trong cơn mưa tầm tã, dì Mây với đôi chân thương tật của mình giúp cô Thanh vượt cạn. Mặc cho lời can ngăn của thím Ba, dì nhẹ nhàng khuyên bảo cô Thanh cố rặn: “Em cố lên. Hãy nghĩ đến đứa con. Nào...cố lên em....” Có lẽ sẽ chẳng ai nghĩ được rằng đây là lời nói của một người phụ nữ đối với người đã thế chỗ cho hạnh phúc của mình. Và sau khi đỡ đẻ thành công cho cô Thanh – vợ chú San, dì Mây đã gục luôn xuống bàn đỡ đẻ và khóc tức tưởi. Dì Mây khóc như vậy bởi lẽ người được hưởng hạnh phúc ấy đúng ra là dì. Nhưng giờ đây, khi dì trở về, chú San đã lấy vợ. Đó cũng là lúc những hi vọng, chờ mong, niềm ao ước về một cuộc sống hạnh phúc cùng nhau đã bị dập tắt. Dì Mây khóc cho chính số phận mình, có lẽ giây phút đó, dì đã quá tủi thân và bởi những nỗi đau mà dì chịu đựng, dồn nén trong lòng quá lâu, chỉ trực chờ một khoảnh khắc nào đó, khoảnh khắc mà người con gái ấy không thể gồng mình lên chống đỡ được nữa thì giọt nước mắt ấy sẽ tuôn rơi.
Thím Ba bị vướng bom bi chết, thằng Cún mồ côi mẹ cho thấy chiến tranh đã qua đi nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn rất nặng nề, dai dẳng. Mỗi người chúng ta cần sống bản lĩnh, can đảm đối mặt và sẵn sàng vượt qua những những tình huống khó khăn, nan giải trong cuộc sống và hãy quan tâm hơn đến những con người đã và đang chịu bao nỗi đau mất mát vì chiến tranh. Dì Mây quyết định nuôi bé Cún một lần nữa cho thấy tấm lòng nhân hậu tuyệt vời hiếm có của dì. Dì sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, tìm được niềm vui và ý nghĩa cuộc đời khi biết giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, bất hạnh.
Niềm khát khao hạnh phúc của dì Mây còn được thể hiện qua suy nghĩ của dì Mây ở phân đoạn cuối truyện, khi chú Quang - người thương binh năm nào được dì che chắn cửa hầm mà an toàn vượt qua bom đạn kẻ thù - đi tìm dì, khi dân xóm trại thì thầm đồn nhau rằng dì Mây sắp lấy chồng. Dì Mây thở dài “Ngày ấy, ở Trường Sơn có hẹn ước gì đâu. Bây giờ người ta đã là kĩ sư . Còn mình…liệu có nên không?”. Trong lời độc thoại ấy, ta thấy được một thoáng mặc cảm về bản thân của dì. Nhưng mặc cảm ấy sẽ là gì nếu không phải vì muốn được “lấy chồng” được yêu thương, hạnh phúc. Nỗi băn khoăn “liệu có nên không?” như gói ghém tất cả mong ước của người con gái ấy về một mái ấm gia đình. Mỗi đêm tiếng ru của dì hòa với cảnh đêm của miền sông nước và sự cảm nhận lắng nghe của những chú lính làm cầu. Sự thay đổi trong tiếng ru của dì Mây dường như cũng là sự thay đổi trong tâm trạng. Có lẽ, tâm trạng lúc đầu của dì Mây vẫn còn chất chứa sự tủi thân, nỗi buồn từ những chuyện chẳng vui nhưng dần dần, dì đã chấp nhận được sự thật và cùng chung sống với nó. Dì Mây không giống như những hình ảnh người phụ nữ xưa mà mang theo hơi thở hiện đại, cô là người luôn hy sinh và sống cho người khác nhưng tuyệt đối không phải là một người cam chịu, nhu nhược.
Bằng cách kể chuyện vô cùng độc đáo, người kể đã mượn giọng điệu nhân vật Mai, cô cháu gái của Mây để kể lại cuộc đời dì mình. Cách cách kể đó tạo nên sự chân thực, hấp dẫn, giúp người viết thâm nhập vào đời sống nội tâm của nhân vật. Không gian của truyện là bến sông Châu, gợi mở nhiều lớp nghĩa; thời gian nghệ thuật được nhòe mờ, hiện tại, quá khứ đan xen, đó là thời gian tâm trạng. Với nghệ thuật miêu tả tâm trạng tinh tế, ngói bút hiện thực của tác giả đã xoáy sâu vào góc khuất của chiến tranh với cái nhìn độc đáo, nỗi khổ đau bất hạnh của người phụ nữ. Song tấm lòng nhân đạo đã giúp nhà văn phát hiện được hạt ngọc đáng quý trong những tâm hồn khốn khổ. Hạt ngọc đẹp đẽ ấy toả ra từ bản lĩnh sống mạnh mẽ và trái tim nhân ái bao dung. Dì Mây vẫn sống, nỗi ám ảnh đau thương của cuộc chiến vẫn còn, người đọc sẽ dõi theo và hi vọng hạnh phúc sẽ mỉm cười với Mây.
Cuộc đời dì Mây để lại bao suy nghĩ trong lòng bạn đọc. Sau mỗi cuộc chiến tranh là nước mắt, nỗi đau. Thông qua nhân vật dì Mây và truyện ngắn, Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã mang đến cho chúng ta cái nhìn chân thực về số phận con người thời hậu chiến. Ở đó trong nước mắt đắng cay, con người vẫn sống mạnh mẽ, sống nhân hậu bao dung. Càng cảm thương cho dì Mây và những cuộc đời khổ sau chiến tranh, ta càng thêm trân trọng và giữ gìn cuộc sống hoà bình ngày hôm nay.
Phân tích và đánh giá nhân vật dì Mây trong truyện “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh - Bài 4
Nhà văn Sương Nguyệt Minh xuất thân từ vùng quê nông thôn nghèo thuộc huyện Yên Mô (Ninh Bình) lên thành phố học hành, công tác rồi bước vào con đường viết văn. Có lẽ vậy mà ngòi bút của anh có phần “thiên vị” khi lựa chọn đối tượng là phụ nữ nông thôn để đưa vào tác phẩm của mình. Anh viết bằng một cái đầu lạnh và trái tim ấm nóng. Viết bằng con mắt tinh tường, bằng sự quan sát từng trải của một người đàn ông thông minh nhìn về phái khác giới. Dì Mây trong truyện “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh là một trong số những những nhân vật nữ tiêu biểu ấy.
Truyện xây dựng một tình huống éo le, rắc rối, khó đoán, bộc lộ rõ hoàn cảnh trớ trêu của các nhân vật mà trung tâm là nhân vật dì Mây - một phụ nữ, người nữ quân y từ chiến trường trở về đúng ngày người yêu đi lấy vợ. Từ tình huống trớ trêu, nan giải này, tác giả miêu tả thành công tâm trạng đau khổ của dì Mây, gợi lại quá khứ tình yêu của dì Mây và chú San, khiến nhân vật có chiều dày quá khứ; thể hiện được những biến chuyển, đổi thay về thể chất, tinh thần của dì Mây sau một thời gian về ở bến sông Châu; những hành động, lựa chọn, quyết định mà dì Mây đã thực hiện (ra ở bến sông Châu, phụ giúp cha chèo đò, làm y tá ở trạm xá xã, đỡ đẻ cứu mẹ con cô Thanh, nhận nuôi thằng Cún và từ chối tình cảm của chú Quang).
Ngày dì Mây khoác ba lô về làng, chú San đi lấy vợ: xúc động nghẹn ngào khi được trở về quê hương, gặp người cha ở bến sông (giọng nói: “nghèn nghẹn”; hành động: “nhào xuống đò”); tâm trạng ngổn ngang, tan nát khi thấy nhà chú San đang có đám cưới (“dì Mây miễn cưỡng trả lời, bụng dạ cứ để bên nhà chú San.”); khi nói chuyện riêng với chú San: ban đầu, tâm trạng đau khổ, uất ức, (“Dì Mây nuốt nước mắt vào trong: “Bây giờ không còn gì để nói nữa. Anh về đi!””; “Dì chống nạng gỗ, lộc cộc bỏ ra ngoài ngõ.”); tiếp đó, tâm trạng chuyển từ uất ức, tức tưởi đến thống trách (“Hôm nay là ngày gì? Anh nhớ không? Có ngờ đâu ngày ấy tiễn anh đi cũng là ngày li biệt.”); tình cảm yêu thương sâu nặng bùng lên côn cào, da diết làm cho nhân vật như mê mị đi (“Dì Mây lặng đi, người rõ ra, mềm oặt. Dì từ từ khuỵu xuống.”); kết thúc, dì Mây tỉnh táo, nhận rõ hoàn cảnh, quyết định dứt khoát, đầy bản lĩnh và nhân hậu (“Không!”. Tiếng dì Mây phá vỡ khoảng không gian im lặng. Dì bật dậy, chống nạng gỗ cộc cộc đi vào sân. Chú San chạy theo níu áo dì Mây. Dì đứng lại, thở hổn hển: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi!”; “Anh đừng lo cho tôi.”. Dì thở dài đánh thượt: “Sự thể đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn.””), Diễn biến tâm trạng, thái độ, hành động, quyết định của dì Mây trong tình huống này cho thấy nhân vật là người có tình cảm da diết, sâu nặng, có ý chí mạnh mẽ, bản lĩnh vững vàng và lòng nhân hậu sâu sắc.
Truyện không chủ ý viết về chiến tranh, bom đạn; về những gian khổ, hi sinh của người nữ chiến sĩ ở chiến trường. Truyện tập trung kể về sự hi sinh thầm lặng, bản lĩnh phi thường, phẩm chất tốt đẹp của người nữ thương binh giữa đời thường. Mây, người nữ chiến sĩ quân y Trường Sơn, vốn đã chịu thương tật vì bom đạn, nay trở về quê hương đúng ngày người yêu đi lấy vợ, phải nhận thêm chấn thương tinh thần đau đớn, dai dẳng. Không muốn một người phụ nữ nữa (cô Thanh) phải chịu đau khổ như mình, dì Mây chấp nhận rời xa chú San, lặng lẽ sống nơi lều cỏ bên bến sông Châu. Người phụ nữ ấy không gục ngã vì hai lần đau đớn, vì sự trớ trêu của số phận. Bằng bản lĩnh, nghị lực phi thường, chị đã hoà nhập vào đời sống, sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm mới, sống nghĩa tình, nhân hậu, yêu thương giữa cuộc đời.
Bản lĩnh và lòng nhân hậu của nhân vật dì Mây thật đáng ngưỡng mộ. Cuộc sống hôm nay, tuy không còn chiến tranh, bom đạn, nhưng nghị lực phi thường và lòng nhân hậu của nhân vật dì Mây có sức mạnh cổ vũ mọi người can đảm đối mặt và sẵn sàng vượt qua những những tình huống khó khăn trong cuộc sống, có ý chí vươn lên làm người tốt, sống có ích giữa cuộc đời.