Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ - Bài mẫu 1
Chúng ta sau này ai rồi cũng phải trưởng thành, rời xa mãi trường cấp 3, đại học và chọn cho mình một định hướng nghề nghiệp riêng. Các bạn có những tiêu chí gì hay sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ hiện nay ra sao? Đó là vấn đề chính mình muốn chia sẻ trong bài thuyết trình ngày hôm nay.
Cùng với đà đi lên của xã hội là sự ra đời của nhiều ngành nghề khác nhau. Đặc biệt những ngành nghề này có sự hấp dẫn rất lớn đối với giới trẻ.
Giới trẻ Việt Nam giờ đây có rất nhiều cơ hội để giao lưu, học hỏi và tiếp cận với nhiều ngành nghề khác nhau. Họ sẵn sàng thay đổi bản thân bằng cách bổ sung thêm các kỹ năng mềm, kỹ năng vi tính, kỹ năng ngoại ngữ để có thể chạy kịp theo sự thay đổi nhanh chóng của thời đại. Họ bỏ qua các tư tưởng lạc hậu là “Đại học là con đường duy nhất đưa bạn trẻ đến với thành công”.
Chính sự tiếp cận này đã tạo nền tảng giúp cho các bạn trẻ có thể đưa ra những tiêu chí cho bản thân để có thể chọn lựa được những ngành nghề phù hợp.
Việc chọn nghề của giới trẻ được dựa vào những tiêu chí sau:
Thứ nhất, Công việc phải gắn với đam mê, sở thích và phù hợp với năng lực cá nhân. Ai sinh ra cũng sẽ một niềm đam mê hay thích thú với một ngành nghề nào đó. Vì vậy ưu tiên đầu tiên ở đây sẽ là một công việc có thể đáp ứng được sở thích cũng như năng lực mà bản thân cho phép. Thứ hai quan trọng không kém phần đó là phải Đáp ứng nguồn thu nhập ổn định. Suy nghĩ đơn giản rằng một công việc với mức lương ba cọc ba đồng không đủ chi trả cho sinh hoạt phí của mình thì hiển nhiên bạn sẽ không bao giờ lựa chọn công việc đó. Thời gian làm việc phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của cá nhân là tiêu chí thứ ba. Một công việc phân bổ thời gian hợp lý đáp ứng được thời gian làm việc cũng như có thời gian để nghỉ ngơi thư giãn sẽ luôn là một công việc lí tưởng để các bạn trẻ hướng tới. Tiếp theo, Có cơ hội thăng tiến. Không ai muốn một công việc mà bắt đầu ở đâu thì kết thúc ở đó, không có sự thăng tiến. Khi đã đi làm ai cũng muốn được khẳng định bản thân mình bằng việc cống hiến công sức trí tuệ của mình để hoàn thành công việc đó một cách tốt nhất. Bên cạnh đó họ cũng muốn được nhận công sức đền đáp xứng đáng cho những đóng góp mình bỏ ra bằng việc thăng chức, tăng lương.
Giới trẻ hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn. Hãy hiểu rõ thực lực cũng như các kỹ năng mà bản thân mình có: Hãy luôn trang bị cho mình một nguồn thức dồi dào, những kỹ năng bài bản với một thái độ nhiệt tình kết hợp những thói quen tốt để có sẵn một hành trang bước vào nghề.
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ - Bài mẫu 2
Học, học nữa, học mãi, câu nói của Lênin vẫn đúng cho đến tận bây giờ. Học để tiếp thu kiến thức, những điều cần biết, là hành trang vững trãi trên con đường tương lai. Tuy nhiên, một số bộ phận học sinh đã lơ là việc học và việc tạo cho mình một động cơ học tập là điều rất cần thiết.
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu thế nào là động cơ học tập? Theo J. Piaget, “Động cơ là tất cả các yếu tố thúc đẩy cá thể hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và định hướng cho hoạt động đó”. Theo Phan Trọng Ngọ, “Động cơ học tập là cái mà việc học của họ phải đạt được để thỏa mãn nhu cầu của mình. Nói ngắn gọn, học viên học cái gì thì đó là động cơ học tập của học viên”. Từ một số kết quả tìm hiểu được, tóm lại, động cơ học tập chính là yếu tố định hướng, thúc đẩy hoạt động học tập, nó phản ánh đối tượng có khả năng thỏa mãn nhu cầu chiếm lĩnh tri thức của người đọc. Bởi vậy, động cơ học tập đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình học tập của mỗi người.
Vậy, động cơ học tập được hình thành như thế nào? Động cơ học tập không có sẵn hay tự bộc phát mà được hình thành dần dần trong quá trình học tập của mỗi học sinh. Nhu cầu giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là “phải hiểu biết” và một bên là “chưa hiểu biết” (hay hiểu biết chưa đủ, chưa đúng) là nguyên nhân chính để hình thành động cơ học tập. Ngoài ra, động cơ nói chung và động cơ học tập nói riêng cũng thường có mối liên hệ mật thiết với hứng thú của con người. Theo tôi, động cơ học tập được chia thành hai loại: động cơ bên ngoài (động cơ xã hội) và động cơ bên trong (động cơ hoàn thiện tri thức). Động cơ xã hội chính là những yếu tố bên ngoài tác động đến người học (bố mẹ, tương lai, thầy, cô giáo). Động cơ này thường mang yếu tố áp lực hơn bởi đôi khi có một số trường hợp sẽ mang tính chất cưỡng chế (ví dụ: kết quả học tập không đáp ứng được nhu cầu của bố mẹ). Động cơ bên trong là tự bản thân người học tạo ra hứng thú trong việc học của mình (cố gắng học để đạt điểm cao, để hiện thực hóa ước mơ). Trong từng hoàn cảnh cụ thể, hai động cơ này sẽ xuất hiện đồng thời bởi chúng có mối liên hệ với nhau. Động cơ xã hội “bám vào”, “hiện thân” trên động cơ hoàn thiện tri thức, trở thành một bộ phận của động cơ hoàn thiện tri thức. Tuy nhiên, động cơ hoàn thiện tri thức vẫn đóng vai trò chính.
Động cơ học tập có tầm quan trọng như thế nào? Đối với học sinh, việc học là quan trọng nhất. Bởi hành trang tri thức là hành trang vững chãi, thiết thực và cần thiết nhất trên con đường thành công. Bất kể làm việc gì, khi chúng ta có hứng thú, mọi việc mới được tiến hành một cách nhanh chóng nhất. Chính vì vậy, động cơ học tập chính là yếu tố then chốt tạo nên hứng thú học tập cho học sinh. Nếu có được những động cơ học tập phù hợp, việc học sẽ không còn áp lực với mỗi học sinh, chúng sẽ thấy đó là điều thú vị cần phải chinh phục được. Từ đó, kết quả học tập sẽ được cải thiện rất nhiều.
Tuy nhiên, để kích thích sự hứng thú ấy cũng cần những người “nghệ sĩ”. Trước hết, mỗi học sinh cần ý thức được tầm quan trọng của việc học, cần có mục tiêu rõ ràng (Đặt câu hỏi “Học để làm gì?”), có phương pháp học tập đúng đắn. Việc tự hoàn thiện mình như vậy cũng là yếu tố quan trọng để khơi dậy động cơ học tập cho học sinh. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ của phụ huynh và giáo viên cũng rất cần thiết. Cha mẹ cần giải thích rõ cho con hiểu về lợi ích của việc học và tác hại nếu như con người không có tri thức để tạo một động cơ học tập tích cực cho con. Đặc biệt, phụ huynh không nên sử dụng phương pháp “con nhà người ta” để giúp con tiến bộ hơn bởi phần lớn sẽ sinh ra mặt trái là sự đố kị chứ không phải sự cố gắng. Giáo viên hãy tăng hứng thú trong mỗi giờ học bằng lối giảng truyền cảm, đôi khi pha chút thú vị, thường xuyên thay đổi phương pháp dạy để học sinh tìm kiếm được những điều mới lạ trong những trang sách.
Với tất cả những điều đã phân tích ở trên, theo tôi, tự mỗi người hãy đề ra cho mình cách học và mục đích học đúng đắn, xác thực; cố gắng để đạt được thành công đó. Đồng thời, cha mẹ và giáo viên cũng chính là những bước đệm quan trọng để giúp con tìm ra động cơ học tập. Có như vậy, việc học đối với mỗi học sinh sẽ không còn là ác mộng.
Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ - Bài mẫu 3
Ai đó từng nói rằng “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Thật đúng như vậy, có tấm lòng bao dung, chia sẻ, yêu thương để cuộc sống nhẹ nhàng và ấm áp hơn hơn. Có thể thấy lòng vị tha là một phẩm chất đáng quý và là thước đo nhân phẩm của con người.
Đầu tiên chúng ta cần hiểu lòng vị tha là gì và biểu hiện của lòng vị tha như thế nào? Hiểu đơn giản, vị tha có nghĩa là sống vì người khác, không ích kỷ, không vì riêng mình, không mưu lợi cá nhân, là tấm lòng rộng lượng, sẵn sàng tha thứ, bỏ qua cho lỗi lầm của người khác. Biểu hiện thường thấy của lòng vị tha là bỏ qua lỗi lầm của người khác. Cha mẹ luôn bao dung trước những việc làm sai trái của chúng ta như làm vỡ cốc chén, mải chơi quên nấu cơm hay bỏ hoc đi chơi; bạn bè bỏ qua lỗi cho chúng ta khi ta lỡ nói xấu bạn, mách tội bạn với cô giáo….Người có lòng vị tha là người có tấm lòng nhân hậu với mọi người, luôn được mọi người yêu mến. Đồng thời, người có lòng vị tha còn là sự hy sinh cho ai đó mà không kỳ vọng sẽ được ghi nhận hay sự đền đáp.
Thứ hai là ý nghĩa của lòng vị tha. Lòng vị tha chính là biểu hiện cao đẹp nhất phẩm chất nhân hậu của con người. Người có lòng vị tha là người luôn đặt mục đích của mọi việc làm là vì người khác, vì xã hội. Việc vị tha, tha thứ cho lỗi lầm của người khác góp phần làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, mối quan hệ sẽ vẫn có thể duy trì được. Vị tha với người khác sẽ làm chúng ta cảm thấy thanh thản, thoải mái hơn, đồng thời chúng ta cũng được người khác yêu thương, tôn trọng hơn.
Thứ ba là những trường hợp không có lòng vị tha. Đâu đó quanh ta vẫn còn những con người không có lòng vị tha, sống ích kỉ hẹp hòi; những người chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, để đạt được mục tiêu của mình không ngại làm chuyện xấu; lại có những người quá vị tha không biết lựa chọn đúng sai mà tha thứ cho những lỗi lầm không xứng đáng để làm khổ bản thân mình hết lần này đến lần khác. Nếu tất cả con người trong xã hội không có lòng vị tha thì xã hội sẽ thiếu đi tình thương của con người, con người sẽ trở nên xa lánh nhau tạo nên một xã hội tự kỉ. Chính vì vậy, mỗi người cần có lòng vị tha, sống rộng lượng, tha thứ cho người khác nếu bản thân cảm thấy người ta xứng đáng. Hãy sống chan hòa với mọi người xung quanh, sẵn sàng cho đi yêu thương, san sẻ với người khác để thấy bản thân mình tốt đẹp hơn. Mỗi người suy nghĩ tích cực một chút, biết san sẻ, vị tha một chút thì cuộc sống này sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Mỗi người cần rèn luyện cho mình đức tính vị tha, vị tha để được sống trong tình yêu thương chân thành nhất.
Lòng vị tha vô cùng quan trọng và là một đức tính tốt đẹp trong cuộc sống mà mỗi con người cần có. Hãy rèn luyện và sống vị tha mỗi ngày để bản thân và xã hội trở nên tốt đẹp hơn.