Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giải Lịch sử 8 sách Kết nối tri thức, bài 10: Sự hình thành chủ nghĩa đế quốc ở các nước Âu - Mỹ (cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX)

Thứ sáu - 29/09/2023 21:52
Giải Lịch sử 8 sách Kết nối tri thức, bài 10: Sự hình thành chủ nghĩa đế quốc ở các nước Âu - Mỹ (cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX) - Trang 44, 45, 46, 47.
Mở đầu trang 44: Sau gần một thế kỉ phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn tự do cạnh tranh, vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Em hiểu thế nào về chủ nghĩa đế quốc? Hãy kể tên một số nước đế quốc và chia sẻ những điều em biết về các nước đế quốc đó.
Trả lời:
- Tên một số nước đế quốc: Anh, Pháp, Đức, Mĩ,…
- Chia sẻ hiểu biết:
+ Đế quốc Anh: đến cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, từ vị trí dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp, Anh phát triển chậm lại, tụt xuống vị trí thứ ba (sau Mĩ và Đức). Tuy vậy, Anh vẫn có hệ thống thuộc địa rộng lớn nhất thế giới, được mệnh danh là “Đế quốc mà Mặt Trời không bao giờ lặn”.
+ Đế quốc Pháp: cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, Pháp chiếm giữ vị trí thứ tư 4 thế giới về sản xuất công nghiệp. Hệ thống thuộc địa của Pháp lớn thứ 2 thế giới.
+ Đế quốc Đức: cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, Đức chiếm giữ vị trí đứng đầu châu Âu và thứ hai thế giới về sản xuất công nghiệp. Tuy có tiềm lực về kinh tế và quân sự mạnh, nhưng hệ thống thuộc địa của Đức rất ít, do đó, giới cầm quyền Đức chủ trương chạy đua vũ trang, dùng vũ lực để chia lại thị trường thế giới.
+ Đế quốc Mĩ: cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, Mĩ vươn lên dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp. Ở Mĩ có nhiều công ty độc quyền khổng lồ đồng thời là những đế chế tài chính lớn.
 

1. Những nét chính về quá trình hình thành chủ nghĩa đế quốc

Câu hỏi trang 45: Hãy mô tả nét chính về quá trình hình thành chủ nghĩa đế quốc vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Trả lời:
Cuối thế kỉ XIX, kinh tế tư bản phát triển nhanh chóng, những phát minh khoa học, kĩ thuật nở rộ đã tạo ra động lực cho những chuyển biến lớn trong sản xuất và đời sống xã hội ở Tây Âu và Bắc Mỹ.
Sự cạnh tranh gay gắt dẫn tới việc hình thành các công ty độc quyền lớn dưới những hình thức khác nhau. Các công ti độc quyền đã lũng đoạn thị trường và nền kinh tế, chi phối đời sống chính trị và xã hội ở mỗi nước.
Tư bản công nghiệp và tư bản ngân hàng đã có sự dung hợp, hình thành nên tư bản tài chính. Mặt khác, các nước tư bản phương Tây đều đẩy mạnh xâm lược, khai thác và bóc lột thuộc địa.
=> Chủ nghĩa đế quốc ra đời.
 

2. Các nước đế quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX

a. Anh
Câu hỏi 1 - Trang 45: Khai thác tư liệu trên và thông tin trong mục, hãy nêu chuyển biến lớn về kinh tế của đế quốc Anh trong những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
Trả lời:
- Chuyển biến về kinh tế của đế quốc Anh:
+ Từ vị trí dẫn đầu thế giới về công nghiệp, cuối thế kỉ XIX, Anh phát triển chậm lại, tụt xuống vị trí thứ ba, sau Mỹ và Đức.
+ Tuy nhiên, Anh vẫn dẫn đầu thế giới về xuất khẩu tư bản, thương mại và thuộc địa.
+ Đầu thế kỉ XX, nhiều công ti độc quyền về công nghiệp và tài chính ra đời, từng bước thao túng nền kinh tế.

Câu hỏi 2 - Trang 45: Khai thác biểu đồ hình 10.2 và thông tin trong mục, hãy nêu những chuyển biến về chính sách đối nội, đối ngoại của đế quốc Anh trong những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
giai lich su 8 sach ket noi bai 10
Trả lời:
- Chính sách đối nội: Anh là nước quân chủ lập hiến. Hai đảng Tự do và Bảo thủ thay nhau nắm quyền, đều bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản.
- Chính sách đối ngoại: Anh tiếp tục đẩy mạnh xâm lược thuộc địa và trở thành đế quốc có nhiều thuộc địa nhất thế giới, vì vậy, Anh được mệnh danh là “Đế quốc mà Mặt Trời không bao giờ lặn”.

b. Pháp
Câu hỏi 1 trang 46: Hãy nêu những chuyển biến về kinh tế của đế quốc Pháp trong những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
Trả lời:
Những chuyển biến về kinh tế của đế quốc Pháp trong những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX:
Do hậu quả của chiến tranh Pháp - Phổ (1870 - 1871), nhịp độ phát triển công nghiệp của Pháp chậm lại. Công nghiệp Pháp từ thứ hai thế giới (sau Anh), đến cuối thế kỉ XIX tụt xuống thứ tư (sau Mĩ, Đức, Anh).
Tuy nhiên, vào đầu thế kỉ XX, một số ngành được phát triển: đường sắt, khai mỏ, luyện kim, thương mại. Một số ngành công nghiệp mới ra đời và tăng trưởng nhanh: điện khí, hóa chất, chế tạo ô tô... Nông nghiệp vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ, gặp khó khăn trong sử dụng máy móc và kĩ thuật canh tác mới. Trong bối cảnh đó, các công ti độc quyền ra đời và dần dần chi phối nền kinh tế Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.

Câu hỏi 2 - Trang 46: Khai thác biểu đồ hình 10.4 và thông tin trong mục, hãy nêu những chuyển biến lớn về chính sách đối nội, đối ngoại của đế quốc Pháp.
giai lich su 8 sach ket noi bai 10 4
Trả lời:
- Chính sách đối nội:
+ Nền Cộng hoà thứ ba được thành lập nhưng thường xuyên xảy ra khủng hoảng nội các (trong vòng 40 năm, từ năm 1870 đến 1914, nước Pháp đã 50 lần thay đổi chính phủ).
+ Chính phủ Cộng hoà thi hành chính sách đàn áp nhân dân và các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.
- Chính sách đối ngoại: Pháp đẩy mạnh xâm lược, bóc lột thuộc địa, là nước có hệ thống thuộc địa lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Anh.

c. Đức
Câu hỏi trang 47: Nêu những chuyển biến về kinh tế, chính sách đối nội, đối ngoại của đế quốc Đức trong những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
Trả lời:
- Chuyển biến về kinh tế của Đức:
+ Sau khi hoàn thành thống nhất đất nước (1871), Đức phát triển nhanh trên con đường tư bản chủ nghĩa. Đến cuối thế kỉ XIX, Đức vươn lên đứng đầu châu Âu và thứ hai thế giới (sau Mỹ) về công nghiệp.
+ Quá trình tập trung sản xuất và tư bản diễn ra mạnh mẽ ở Đức, dẫn đến việc hình thành các công ti độc quyền.
- Chuyển biến về chính trị của Đức:
+ Đối nội: Đức là một nước liên bang theo chế độ quân chủ lập hiến, quý tộc địa chủ liên kết chặt chẽ với tư bản độc quyền để thống trị nhân dân.
+ Đối ngoại: giới cầm quyền Đức chủ trương chạy đua vũ trang, dùng vũ lực để chia lại thuộc địa trên thế giới.

d. Mỹ
Câu hỏi trang 47:Trình bày những chuyển biến lớn về kinh tế, chính sách đối nội, đối ngoại của đế quốc Mỹ trong những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
Trả lời:
Về kinh tế:
- Trong 30 năm cuối thế kỉ XIX, từ vị trí thứ tư (sau Anh, Pháp, Đức), Mỹ vươn lên đứng đầu thế giới về sản xuất công nghiệp. Năm 1894, sản phẩm công nghiệp của Mỹ đã gấp đôi Anh. 
- Nông nghiệp cũng đạt được nhiều thành tựu lớn nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và sử dụng các phương thức canh tác hiện đại. Hàng nông sản giá rẻ của Mỹ có sức cạnh tranh tốt, đánh bại các đối thủ châu Âu. Mỹ trở thành nguồn cung cấp chủ yếu lương thực, thực phẩm cho châu Âu.
Về đối nội: chế độ Cộng hoà đề cao vai trò của tổng thống. Hai đảng Cộng hoà và Dân chủ thay nhau nắm quyền, đều thi hành các chính sách phục vụ quyền lợi của giai cấp tư sản.
Về đối ngoại: đến thập kỉ cuối thế kỉ XIX, Mỹ tăng cường bành trướng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thông qua viện trợ kinh tế, đầu tư, can thiệp quân sự, Mỹ đã biến Trung và Nam Mỹ thành khu vực độc quyền ảnh hưởng của mình.
 

* Luyện tập - Vận dụng

Luyện tập 1 - Trang 47: Chỉ ra những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa đế quốc. Theo em, đặc trưng nào là quan trọng nhất? Vì sao?
Trả lời:
- Những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa đế quốc:
+ Quá trình tập trung vốn và tập trung sản xuất dẫn đến sự hình thành của các công ty độc quyền.
+ Sự kết hợp giữa tư bản công nghiệp với tư bản ngân hàng tạo nên tầng lớp tư bản tài chính.
+ Đẩy mạnh xuất khẩu tư bản, dưới 2 hình thức chủ yếu là: đầu tư sản xuất, kinh doanh trực tiếp tại các thuộc địa hoặc cho vay lãi.
+ Tăng cường xâm chiếm thị trường, thuộc địa.

- Đặc trưng quan trọng nhất của chủ nghĩa đế quốc là: tăng cường xâm chiếm thị trường và thuộc địa. Vì:
+ Thị trường và thuộc địa có vai trò vô cùng quan trọng đến sự phát triển hưng thịnh của các nước đế quốc (ví dụ: cung cấp tài nguyên, nhân công để phục vụ cho sự phát triển của chính quốc,…).
+ Vấn đề thị trường và thuộc địa là một trong những yếu tố quan trọng, chi phối đến chính sách đối ngoại của các nước đế quốc.
+ Việc các nước đế quốc đẩy mạnh xâm chiếm thị trường và thuộc địa cũng dẫn đến nhiều chuyển biến quan trọng trong tình hình chính trị thế giới (ví dụ: làm bùng lên phong trào đấu tranh giành độc lập sôi nổi ở các nước thuộc địa, phụ thuộc; là nguyên nhân sâu xa dẫn đến 2 cuộc Chiến tranh thế giới,…)

(*) Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân.

Luyện tập 2 - Trang 47: Hãy lập bảng so sánh (điểm giống và khác nhau) về kinh tế, chính sách đối ngoại nổi bật của các đế quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ.
Trả lời:
  Đế quốc Anh Đế quốc Pháp Đế quốc Đức Đế quốc Mĩ


 
Kinh tế



Giống nhau
- Quá trình tập trung vốn và tập trung sản xuất đã dẫn đến sự ra đời của các công ty độc quyền. Các công ty độc quyền này có khả năng chi phối, lũng đoạn đời sống kinh tế - chính trị - xã hội ở mỗi nước.
- Tầng lớp tư bản tài chính ra đời trên cơ sở kết hợp giữa tư bản công nghiệp và tư bản ngân hàng.
- Đẩy mạnh xuất khẩu tư bản dưới những hình thức khác nhau.

Khác nhau 
- Đứng thứ 3 thế giới về sản xuất công nghiệp.  - Đứng thứ 4 thế giới về sản xuất công nghiệp.  - Đứng thứ 2 thế giới về sản xuất công nghiệp  - Dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp.
Đối ngoại  Đẩy mạnh xâm chiếm thị trường, thuộc địa trên thế giới.

Vận dụng trang 47:Tìm hiểu thông tin từ sách, bảo và internet, hãy kể tên một số công ti đa quốc gia có phạm vi ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế nhiều nước trên thế giới hiện nay.
Trả lời:
- Một số công ty đa quốc gia có phạm vi ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế nhiều nước trên thế giới hiện nay:
+ Walmart (lĩnh vực kinh doanh: bán lẻ)
+ ExxonMobil (lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu)
+ Royal Dutch Shell (lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu)
+ Apple (Lĩnh vực kinh doanh: công nghệ).
+ Samsung (lĩnh vực kinh doanh: công nghệ).
+ Amazon (lĩnh vực kinh doanh: thương mại điện tử).
+ Microsoft (lĩnh vực kinh doanh: công nghệ)

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây