Mở đầu trang 97: Hãy kể tên một số đỉnh núi cao, đồng bằng ven biển ở nước ta mà em biết
Trả lời:
- Một số đỉnh núi cao: Phan-xi-păng; Pu Xai lai Leng; Rào Cỏ; Ngọc Linh; Chư Yang Sin; Lang Biang,…
- Một số đồng bằng: Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Cửu Long; Đồng bằng Thanh Hóa,…
1. Đặc điểm chung của địa hình
Câu hỏi 1 - Trang 99: Dựa vào thông tin trong mục 1 và hình 2.1, hãy: Xác định vị trí một số dãy núi có hướng tây bắc - đông nam và hướng vòng cung trên bản đồ.
Trả lời:
- Các dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam: Dãy Hoàng Liên Sơn, dãy Trường Sơn (Trường Sơn Bắc),…
- Các dãy núi chạy theo hướng vòng cung gồm các cánh cung lớn ở vùng núi phía Đông Bắc, như: Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều,…
Câu hỏi 2 - Trang 99: Trình bày một trong những đặc điểm của địa hình Việt Nam.
Trả lời:
Trình bày đặc điểm: Đất nước nhiều đồi núi
- Đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích phần đất liền, nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Địa hình núi cao trên 2.000 m chỉ chiếm 1% diện tích cả nước.
- Đồi núi nước ta chạy dài 1 400 km, từ Tây Bắc tới Đông Nam Bộ. Nhiều vùng núi lan ra sát biển hoặc bị biển nhấn chìm thành các quần đảo (như vùng biển Hạ Long, Quảng Ninh trong vịnh Bắc Bộ).
- Địa hình đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích phần đất liền và chia thành nhiều khu vực; điển hình là dải đồng bằng duyên hải miền Trung, bị đồi núi ngăn cách thành nhiều đồng bằng nhỏ.
Câu hỏi 3 - Trang 99: Lấy ví dụ thể hiện tác động của con người đến địa hình nước ta.
Trả lời:
Quá trình con người khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế,... làm biến đổi các dạng địa hình tự nhiên. Ví dụ: Con người đào kênh mương, đắp đê làm địa hình đồng bằng thay đổi.'
2. Các khu vực địa hình
a. Địa hình đồi núi
* Đọc thông tin mục a và quan sát các hình 2.4, 2.6, hãy:
Câu hỏi 1 - Trang 102: Xác định phạm vi của các vùng đồi núi ở nước ta trên bản đồ
Trả lời:
- Vùng núi Đông Bắc: nằm ở tả ngạn sông Hồng đến biên giới phía Bắc.
- Vùng núi Tây Bắc: nằm giữa sông Hồng và sông Cả.
- Vùng núi Trường Sơn Bắc kéo dài khoảng 600 km từ phía nam sông Cả tới dãy Bạch Mã.
- Vùng núi Trường Sơn Nam: nằm ở phía nam dãy Bạch Mã, chủ yếu ở khu vực: Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và một phần Đông Nam Bộ.
Câu hỏi 2 - Trang 102: Trình bày đặc điểm địa hình của các khu vực đồi núi ở nước ta
Trả lời:
Địa hình đồi núi nước ta chia thành 4 khu vực: Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ.
- Hệ thống núi: Hệ thống núi chạy dọc bên bờ Biển Đông, kéo dài trên 1 400 km từ biên giới Việt - Trung đến Đông Nam Bộ. Các dãy núi lan ra sát biển thu hẹp diện tích đồng bằng.
+ Hướng dãy núi: Các dãy núi nước ta có hai hướng chính: hướng tây bắc - đông nam và hướng vòng cung.
+ Phân bậc rõ rệt: Hệ thống núi ở nước ta có sự phân bậc rõ ràng, trong đó đồi núi thấp chiếm ưu thế với 60% diện tích cả nước, núi cao trên 2 000 m chỉ chiếm khoảng 1%. Những vùng núi cao địa hình rất hiểm trở, lắm đèo dốc như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên,…
b. Địa hình đồng bằng
* Đọc thông tin mục b và quan sát các hình 2.1 (trang 98), 2.7, 2.8, hãy:
Câu hỏi 1 - Trang 104: Xác định vị trí và phạm vi các khu vực địa hình đồng bằng trên bản đồ
Trả lời:
- Đồng bằng sông Hồng:
+ Phạm vi: diện tích khoảng 15.000 Km2.
+ Vị trí tiếp giáp: phía Bắc, Đông Bắc giáp Trung du và miền núi Bắc Bộ; phía Tây giáp Tây Bắc; phía Nam giáp Bắc Trung Bộ; phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ.
- Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Phạm vi: diện tích trên 40.000 Km2.
+ Vị trí tiếp giáp: phía Đông Bắc giáp Đông Nam Bộ; phía bắc giáp Cam-pu-chia; phía Đông Nam giáp Biển Đông; phía Tây Nam giáp Vịnh Thái Lan.
- Các đồng bằng duyên hải miền Trung:
+ Phạm vi: tổng diện tích khoảng 15.000 Km2.
+ Vị trí: nằm ở ven biển miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận. Gồm nhiều đồng bằng nhỏ, là: Đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh; Đồng bằng Bình - Trị - Thiên; Đồng bằng Nam - Ngãi; Đồng bằng Bình Phú - Khánh Hòa; Đồng bằng Ninh Thuận - Bình Thuận.
Câu hỏi 2 - Trang 104: Trình bày đặc điểm địa hình của một trong các khu vực đồng bằng ở nước ta
Trả lời:
Đặc điểm địa hình của đồng bằng duyên hải miền Trung:
Tổng diện tích khoảng 15000km2, bị các nhánh núi đâm ngang và ăn sát ra biển, chia cắt thành nhiều đồng bằng nhỏ hẹp.
Các đồng bằng duyên hải ít màu mỡ hơn so với các đồng bằng châu thổ hại lưu sông, trong đồng bằng có nhiều cồn cát.
c. Địa hình bờ biển và thềm lục địa
* Dựa vào thông tin trong mục c, hãy:
Câu hỏi 1 - Trang 105: Trình bày đặc điểm các kiểu địa hình bờ biển của nước ta
Trả lời:
- Bờ biển nước ta dài 3260 km, kéo dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Có 2 dạng chính địa hình:
+ Bờ biển bồi tụ (tại các châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long), có nhiều bãi bùn rộng, rừng cây ngập mặn phát triển, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản.
+ Bờ biển mài mòn (tại các vùng chân núi và hải đảo, ví dụ: đoạn bờ biển từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu) rất khúc khuỷu, có nhiều vũng, vịnh nước sâu, kín gió, nhiều bãi cát.
Câu hỏi 2 - Trang 105: Dựa vào thông tin trong mục c, hãy: Nêu đặc điểm của thềm lục địa nước ta
Trả lời:
Mở rộng tại các vùng biển Bắc Bộ và Nam Bộ, với độ sâu không quá 100m.
Thu hẹp và sâu hơn ở vùng biển miền Trung.
3. Ảnh hưởng của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ đối với sự hình thành đặc điểm địa lí tự nhiên Việt Nam
Câu hỏi trang 108: Đọc thông tin mục b, hãy lấy ví dụ về ảnh hưởng của địa hình đối với khai thác kinh tế ở một trong những khu vực địa hình của nước ta.
Trả lời:
Khu vực đồi núi: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà (Đà Nẵng) nằm trên núi Chúa, thuộc dãy Trường Sơn, ở độ cao khoảng 1500m so với mực nước biển => mát mẻ quanh năm, thích hợp cho hoạt động du lịch nghỉ dưỡng.
Khu vực đồng bằng: thuận lợi cho xây dựng cơ sở hạ tầng và cư trú => hình thành nhiều trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM,...
Vùng biển và thềm lục địa: Có nhiều vũng, vịnh để xây dựng các cảng nước sâu như Cái Lân, Chân Mây, Vân Phong,...
* Luyện tập - Vận dụng
Luyện tập trang 108: Lựa chọn và so sánh đặc điểm địa hình giữa vùng núi Đông Bắc với vùng núi Tây Bắc hoặc đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Trả lời:
So sánh vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc
* Bảng so sánh:
Đặc điểm |
Vùng núi Đông Bắc |
Vùng núi Tây Bắc |
Phạm vi |
Tả ngạn sông Hồng là từ dãy Con Voi đến vùng đồi ven biển Quảng Ninh. |
Hữu ngạn sông Hồng đến sông Cả |
Hướng núi |
Chủ yếu là hướng vòng cung bao gồm: cánh cung sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều |
Tây Bắc – Đông Nam như dãy Hoàng Liên Sơn, dãy Bạch Mã |
Độ cao |
Địa hình đồi núi thấp chiếm ưu thế, độ cao TB 500 – 1000m, chỉ có một số đỉnh cao trên 2000m phân bố ở thượng nguồn sông Chảy. |
Cao đồ sộ nhất Việt Nam, nhiều đỉnh trên 2000m, đỉnh Phanxipang cao nhất Việt Nam |
Các bộ phận địa hình |
– Có 4 cánh cung lớn: sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều.
– Một số núi cao nằm ở thượng nguồn sông Chảy.
– Giáp biên giới Việt – Trung là địa hình cao của các khối núi đá vôi Hà Giang, Cao Bằng.
– Trung tâm là vùng đồi núi thấp 500 – 600m
– Giữa đồng bằng là vùng đồi trung du thấp dưới 100m.
– Các dòng sông chảy theo hướng cánh cung là sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam. |
– Có 3 mạch núi chính:
+ Phía Đông là dãy Hoàng Liên Sơn
+ Phía Tây: núi cao trung bình dãy sông Mã dọc biên giới Việt – Lào.
+ Ở giữa thấp hơn là các dãy núi xen lẫn các sơn nguyên, cao nguyên đá vôi,…
– Nối tiếp là vùng đồi núi Ninh Bình, Thanh Hóa.
– Các bồn trũng mở rộng thành các cánh đồng,…
– Nằm giữa các dãy núi là các thung lũng sông cùng hướng Tây Bắc – Đông Nam: sông Đà, sông Mã, sông Chu. |
Hình thái |
Đỉnh tròn, sườn thoải, thung lũng mở rộng |
Đỉnh nhọn, sườn dốc, thung lũng sâu. |
Vận dụng trang 108: Tìm hiểu ảnh hưởng của các dạng địa hình của địa phương đến phát triển kinh tế
Trả lời:
Du lịch Phan Xi Păng (Fansipan)
- Phan Xi Păng nằm ở phía Bắc Việt Nam, thuộc tỉnh Lào Cai. Chiều cao của nó lên tới 3143m, khiến nó có thể được coi là đỉnh núi không chỉ cao nhất cả nước mà còn được mệnh danh là Nóc nhà Đông Dương.
- Trước đây, người ta chỉ có thể chinh phục ngọn núi bằng cách đi bộ, nhưng vào năm 2016, một tuyến cáp treo đã được đưa vào hoạt động. Điều này giúp cho chuyến đi của du khách dễ dàng hơn rất nhiều. Cáp treo ngay lập tức được ghi vào sách kỷ lục Guinness là dài nhất thế giới - 6282m.
- Trong khi di chuyển (bằng cáp treo), bạn tha hồ ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng đẹp thơ mộng của dãy núi Hoàng Liên Sơn. Hoặc cảnh đẹp dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn là những cánh đồng lúa chín vàng ươm tại bản Cát Cát. Nó như tô điểm thêm màu sắc tươi đẹp cho SaPa. Đặc biệt, càng lên gần đỉnh Phan Xi Păng, bạn sẽ được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh đất trời sapa. Bạn còn có cảm nhận như mình đang được đi bồng bềnh trên mây rất thú vị.