Mở đầu trang 141: Giới sinh vật Việt Nam đa dạng và phong phú với nhiều loài động vật, thực vật và các hệ sinh thái khác nhau. Hãy chia sẻ một số hiểu biết của em về sinh vật ở nước ta.
Trả lời:
- Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới với hơn 50.000 loài đã được xác định. Trong đó có nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm, như:
+ Trầm hương, trắc, sâm Ngọc Linh, gõ đỏ, cẩm lai, vàng tâm,..
+ Sao la, voi, bò tót, hươu xạ,…
- Số lượng các cá thể trong mỗi loài tương đối phong phú, tạo nên sự đa dạng về nguồn gen di truyền,…
1. Sự đa dạng của sinh vật Việt Nam
Câu hỏi trang 143: Dựa vào thông tin các hình ảnh trong mục 1, hãy chứng minh sự đa dạng của sinh vật ở Việt Nam.
Trả lời:
Sự phong phú và đa dạng của sinh vật Việt Nam thể hiện ở sự đa dạng về thành phần loài, gen di truyền và kiểu hệ sinh thái.
- Sự đa dạng về thành phần loài, gen di truyền:
Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới với hơn 50 000 loài đã được xác định. Trong đó, có nhiều loài thực vật quý hiếm (trầm hương, trắc, sâm Ngọc Linh, gõ đỏ, nghiến, cẩm lai, vàng tâm, gụ,...) và động vật quý hiếm (sao la, voi, bò tót, hươu xạ, voọc, trĩ, công,...).
Số lượng cá thể trong mỗi loài tương đối phong phú, tạo nên sự đa dạng về nguồn gen di truyền.
- Sự đa dạng về kiểu hệ sinh thái:
Các hệ sinh thái ở nước ta rất phong phú và đa dạng, bao gồm các hệ sinh thái tự nhiên trên cạn, các hệ sinh thái tự nhiên dưới nước và các hệ sinh thái nhân tạo.
+ Các hệ sinh thái tự nhiên trên cạn bao gồm các kiểu hệ sinh thái rừng khác nhau, phổ biến nhất là rừng mưa nhiệt đới, rừng nhiệt đới gió mùa với lớp phủ thực vật rậm rạp nhiều tầng, thành phần loài phong phú. Ngoài ra, còn có các hệ sinh thái trảng cỏ cây bụi, rừng cận nhiệt, rừng ôn đới núi cao,...
+ Các hệ sinh thái tự nhiên dưới nước bao gồm hệ sinh thái nước mặn và hệ sinh thái nước ngọt. Hệ sinh thái nước mặn: rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô,...; hệ sinh thái biển chia thành các vùng theo độ sâu; Các hệ sinh thái nước ngọt ở sông, suối, hồ,...
+ Các hệ sinh thái nhân tạo ngày càng mở rộng.
2. Tính cấp thiết của vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam
Câu hỏi trang 144: Đọc thông tin và quan sát hình ảnh trong mục 2, hãy chứng minh tính cấp thiết của vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Trả lời:
- Tính đa dạng sinh học ở Việt Nam ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng nên việc bảo tồn đa dạng sinh học trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay ở nước ta:
+ Suy giảm số lượng cá thể, loài sinh vật: số lượng cá thể, các loài thực vật, động vật hoang dã suy giảm nghiêm trọng. Một số loài thực vật, động vật có nguy cơ tuyệt chủng, ví dụ như: nhiều loài cây gỗ quý (đinh, lim, sến, táu,…); nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm (voi, hổ, bò tót, tê giác,…)
+ Suy giảm hệ sinh thái: Các hệ sinh thái rừng nguyên sinh bị phá hoại gần hết, chỉ còn chủ yếu là rừng thứ sinh; các hệ sinh thái rừng ngập mặn, các hệ sinh thái biển cũng đứng trước nguy cơ bị tàn phá bởi con người.
+ Suy giảm nguồn gen: việc suy giảm số lượng cá thể cộng với suy giảm số lượng loài đã khiến nguồn gen suy giảm.
* Luyện tập - Vận dụng
Luyện tập trang 144 : Cho bảng số liệu sau:
DIỆN TÍCH RỪNG TỰ NHIÊN CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1943 - 2020
Năm |
1943 |
1983 |
2020 |
Diện tích rừng tự nhiên (triệu ha) |
14,3 |
6,8 |
10,3 |
(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam các năm)
Hãy nhận xét sự biến động diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam giai đoạn 1943 -2020.
Trả lời:
- Nhận xét: Diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam có sự biến động trong giai đoạn 1943 - 2020:
+ Giai đoạn từ 1943 - 1983: diện tích rừng tự nhiên có xu hướng giảm (7,5 triệu ha).
+ Giai đoạn từ 1983 - 2020: diện tích rừng tự nhiên có xu hướng tăng (3,5 triệu ha)
Vận dụng trang 144: Tìm hiểu và viết báo cáo ngắn (15 đến 20 dòng) về một vườn quốc gia ở Việt Nam.
Trả lời:
Vườn Quốc gia Cát Tiên
Vườn Quốc gia Cát Tiên được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập Khu rừng cấm Nam Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên và Khu Bảo tồn tê giác Cát Lộc, nằm trên địa bàn của 3 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Lâm Đồng. Diện tích khu vực trung tâm của vườn là 71.920 ha, trong đó, 39.627ha thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, 27.850ha thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng và 4.443ha thuộc địa phận tỉnh Bình Phước.
Vườn Quốc gia Cát Tiên là khu vực hiện bảo tồn được nhiều loại động, thực vật quý hiếm; là vùng quan trọng để duy trì hệ sinh thái rừng thường xanh lá rộng - môi trường sống duy nhất (hiện còn) của loài tê giác một sừng ở Việt Nam, khu vực Đông Dương cũng như trên thế giới. Độ che phủ của rừng tự nhiên trong khu vực này lên tới 80%, với hệ sinh thái đa dạng: rừng thường xanh ẩm, đồng cỏ và ngập nước. Địa hình tự nhiên xen kẽ các bàu, đầm, suối, cộng với hơn 90km sông Đồng Nai đã tạo nên cảnh quan đặc trưng cho vườn Cát Tiên, với những ghềnh, thác, các khu đất ngập nước và bán ngập nước,...
Hiện nay, Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, đã được UNESCO ghi danh. Theo số liệu thống kế, trong Vườn Quốc gia Cát tiên có 1.610 loài thực vật và 1.568 loài động vật. Trong đó, 31 loài thực vật và 84 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 50 loài chim được ưu tiên bảo vệ ở mức độ toàn cầu và được ghi vào Sách Đỏ IUCN, 2008). Đặc biệt, có 3 loài và phân loài thuộc đặc hữu của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong là chà vá chân đen, tê giác một sừng Việt Nam và hoẵng Nam Bộ.
Đây chính là cơ sở cho việc bảo tồn thiên nhiên và khai thác các giá trị cảnh quan để phát triển du lịch, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.