Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giải Khoa học tự nhiên 8 sách Kết nối tri thức, bài 38: Hệ nội tiết ở người

Thứ tư - 27/09/2023 04:08
Giải Khoa học tự nhiên 8 sách Kết nối tri thức, bài 38: Hệ nội tiết ở người - Trang 157, 158, 159.
Mở đầu trang 157: Với chiều cao 2,51 m, anh Kosen người Thổ Nhĩ Kì được sách Kỉ lục Guiness ghi nhận là người đàn ông cao nhất thế giới vào ngày 9/5/2011. Ngược lại, với chiều cao 0,51m, anh Dangi người Nepal được ghi nhận là người đàn ông trưởng thành thấp nhất thế giới vào ngày 26/2/2012. Điều gì khiến họ cao lớn hoặc thấp bé bất thường so với chúng ta?
Trả lời:
Thiếu hoặc thừa hormone tăng trưởng (GH) là nguyên nhân chính khiến người cao lớn hoặc thấp bé bất thường. Hormone tăng trưởng (GH) do tuyến yên tiết ra ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cơ và xương, người cao lớn bất thường là do dư thừa hormone GH và ngược lại người thấp bé là thiếu hormone tăng trưởng GH.
 

I. Các tuyến nội tiết trong cơ thể người

Câu hỏi 1 - Trang 158: Nêu chức năng của các tuyến nội tiết.
Trả lời:
- Chức năng của các tuyến nội tiết trong cơ thể: Các tuyến nội tiết tiết ra các hormone rồi được vận chuyển theo đường máu đến cơ quan đích giúp điều khiển, điều hòa hoạt động của các cơ quan, duy trì sự ổn định của môi trường trong cơ thể.
Tuyến yên:
- Tiết hormone kích thích thích hoạt động của nhiều tuyến nội tiết khác.
- Tiết hormone ảnh hưởng đến một số quá trình sinh lí trong cơ thể (sự tăng trưởng cơ, xương; sự trao đổi nước ở thận; sự co thắt cơ trơn ở tử cung;...)
Tuyến giáp:
- Hormone TH chứa iodine có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất và chuyển hóa các chất trong tế bào. 
- Hormone calcitonin tham gia điều hòa calcium, phosphorus trong máu.
Tuyến tuỵ:
- Chức năng ngoại tiết: tiết dịch tụy đổ vào tá tràng. 
- Chức năng nội tiết: tiết ra các hormone insulin và glucagon có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu luôn ổn định: insulin làm giảm đường huyết khi đường huyết tăng, glucagon làm tăng đường huyết khi lượng đường trong máu giảm.
Tuyến trên thận: 
- Làm tăng nhịp tim, co mạch, tăng nhịp hô hấp, dãn phế quản góp phần làm tăng đường huyết khi đường huyết giảm.
- Điều hòa nồng độ glucose, muối sodium và potassium trong máu
- Điều hòa sinh dục nam, gây những biến đổi đặc tính sinh dục nam
Tuyến sinh dục: 
- Kích thích sự sinh tinh trùng ở nam; 
- Kích thích sự phát triển và rụng trứng ở nữ
- Gây ra những biến đổi cơ thể ở tuổi dậy thì ở cả nam và nữ.

Câu hỏi 2 - Trang 158: Em hãy giải thích vì sao hoạt động của các hormone tuyến tụy giúp ổn định lượng đường trong máu. Quá trình tiết hormone điều hòa đường huyết bị rối loạn có thể dẫn đến hậu quả gì?
Trả lời:
- Hoạt động của các hormone tuyến tụy giúp ổn định lượng đường trong máu vì:
+ Khi lượng đường trong máu tăng quá mức bình thường (sau bữa ăn), tuyến tụy sẽ tăng tiết hormone insulin. Hormone insulin kích thích đưa glucose vào các tế bào cơ thể, đồng thời, kích thích gan tăng nhận và chuyển glucose thành dạng glycogen dự trữ. Kết quả là lượng đường trong máu trong máu giảm về mức bình thường.
+ Khi nồng độ glucose trong máu giảm quá mức bình thường (xa bữa ăn), tuyến tụy sẽ tăng tiết hormone glucagon. Hormone glucagon kích thích gan chuyển hóa glycogen thành glucose đưa vào máu. Kết quả dẫn đến lượng đường trong máu tăng lên về mức bình thường.
- Quá trình tiết hormone điều hòa đường huyết bị rối loạn có thể dẫn đến tình trạng mắc các bệnh lí như bệnh tiểu đường (lượng đường trong máu cao) hoặc chứng hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
 

II. Một số bệnh liên quan đến hệ nội tiết

Hoạt động 1 - Trang 159: Em hãy nêu các biểu hiện trên cơ thể và đề xuất biện pháp phòng chống đối với:
a) Bệnh tiểu đường.
b) Bệnh bướu cổ do thiếu iodine.
Trả lời:
a) Bệnh đái tháo đường
Biểu hiện của bệnh: ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều, sụt cân, có thể gây mù loà....
Biện pháp phòng bệnh: nên hạn chế đường, muối trong thức ăn; không nên dùng rượu, bia, nước ngọt có ga; ăn nhiều quả và rau xanh; luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, vừa sức.

b) Bệnh bướu cổ do thiếu iodine
Biểu hiện của bệnh bướu cổ: trẻ chậm lớn, trí tuệ chậm phát triển, ở người lớn sẽ dẫn đến trí nhớ giảm sút, hoạt động thần kinh suy giảm, tuyến giáp phì đại nên có bướu ở cổ.
Biện pháp phòng bệnh: bổ sung đầy đủ các nguyên tố vi lượng cho cơ thể, đặc biệt là iodine; không ăn quá nhiều các thực phẩm không có lợi cho tuyến giáp như bắp cải trắng, bắp cải tím; tránh tiếp xúc với các yếu tố độc hại từ môi trường;...

Hoạt động 2 - Trang 159: Vận dụng hiểu biết về các tuyến nội tiết, em hãy đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, nêu tác dụng của các biện pháp đó.
Trả lời:
Các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và tác dụng của các biện pháp:
Biện pháp Tác dụng
Có chế độ dinh dưỡng hợp lí, bổ sung các nguyên tố cần thiết. Giúp cơ thể khỏe mạnh và cân bằng hệ nội tiết.
Có lối sống lành mạnh, giảm thiểu căng thẳng. Giúp cân bằng hệ nội tiết.
Hạn chế sử dụng chất béo, đường. Tránh tình trạng hệ nội tiết hoạt động quá mức, gây rối loạn chuyển hóa.
Rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên; đảm bảo giấc ngủ. Giúp tăng cường sức khỏe của cơ thể và hệ nội tiết.
Kiểm tra sức khỏe định kì. Giúp kịp thời phát hiện sớm các bệnh lí và nắm được các chỉ số của cơ thể, từ đó, điều chỉnh chế độ sinh hoạt cho phù hợp.

Hoạt động 3 - Trang 159: Tìm hiểu một số bệnh nội tiết thường gặp ở địa phương theo gợi ý trong Bảng 38.1.
Tên bệnh, tật Số lượng người mắc Nguyên nhân Biện pháp phòng chống
       

Trả lời:
* Tham khảo kết quả điều tra sau:
Tên bệnh, tật Số lượng người mắc Nguyên nhân Biện pháp phòng chống
Bệnh đái tháo đường 2/100 Rối loạn chuyển hóa đường trong máu do:
- Tuyến tụy bị phá hủy gây giảm hoặc không tiết insulin (tiểu đường tuýp 1).
- Tuyến tụy tiết đủ insulin nhưng lại giảm, hoặc không có vai trò điều hòa lượng đường trong máu (tiểu đường tuýp 2).
- Mang thai (tiểu đường thai kì).
- Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp: hạn chế chất bột đường, chất béo; tăng cường ăn các loại rau quả tốt cho sức khỏe;…
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Kiểm soát cân nặng của cơ thể, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
- Không hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng các loại chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,…
- Thường xuyên kiểm tra lượng đường máu.
Bệnh bướu cổ 2/100 - Do sự thiếu hụt một lượng iodine nhất định trong cơ thể hoặc ăn các loại thức ăn, sử dụng một số loại thuốc khiến chức năng tổng hợp hormone tuyến giáp bị ức chế.
- Do rối loạn hoạt động tuyến giáp bẩm sinh,….
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lí, đảm bảo đủ lượng iodine bằng cách sử dụng các loại thức ăn giàu iodine như cá biển, nước mắm, muối biển,…
- Kiểm tra sức khỏe định kì.
Hội chứng Cushing 1/100 - Do dùng một loại thuốc giống như cortisol quá mức như prednisone hoặc một khối u tạo ra hoặc dẫn đến việc tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều cortisol.
- Không tự mua dùng các thuốc kháng viêm giảm đau không có toa, không rõ nguồn gốc.
- Có chế độ ăn hợp lí, giảm mỡ, tăng cường rau xanh.
- Tăng cường vận động.
- Khám sức khỏe định kì.

Em có biết trang 159: Lựa chọn được khẩu phần ăn phù hợp để phòng chống các bệnh về hệ nội tiết.
Trả lời:
Khẩu phần ăn phù hợp để phòng chống các bệnh về hệ nội tiết cần đảm bảo phù hợp với đối tượng, cân đối các thành phần dinh dưỡng, cung cấp đủ muối khoáng, vitamin và năng lượng cho cơ thể.
* Gợi ý khẩu phần ăn trong 1 ngày cho học sinh lớp 8:
Bữa sáng: 
- Bánh mì: 65 g.
- Sữa đậu nành: 80g.
Bữa trưa: 
- Cơm (gạo tẻ): 200 g.
- Đậu phụ: 60 g.
- Thịt lợn ba chỉ: 100 g.
- Rau dền: 200 g.
- Sữa chua: 50g.
Bữa tối: 
- Cơm (gạo tẻ): 200 g.
- Thịt gà: 100 g.
- Bắp cải: 200g.
- Dưa hấu: 200 g. 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây