Trong xã hội ngày nay, lối sống của một bộ phận giới trẻ ngày càng trở đa dạng và dễ dãi, do được tiếp xúc với nhiều nền văn hoá và ảnh hưởng không nhỏ từ internet, mạng xã hội. Trong những lối sống đó, có một bộ phận không nhỏ giới trẻ chạy theo trào lưu sống ảo, phô trương những giá trị vật chất hay còn gọi là lối sống phông bạt.
Lối sống phông bạt có thể hiểu là cách sống mà người ta chỉ chú trọng đến những hình thức bên ngoài, đề cao vẻ bề ngoài và các giá trị vật chất, đồng thời không quan tâm đến chiều sâu văn hóa, đạo đức và các giá trị tinh thần. Giới trẻ hiện nay dễ dàng bị cuốn vào việc khoe mẽ, đua đòi trên mạng xã hội, nơi mà việc đăng tải hình ảnh sống ảo, du lịch sang chảnh hay tiêu tiền phung phí trở thành tiêu chuẩn để chứng minh đẳng cấp. Họ chạy đua theo những tiêu chuẩn “hot” nhất, không ngừng so sánh với người khác để khẳng định giá trị bản thân. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn tác động xấu đến xã hội và các mối quan hệ xung quanh.
Đáng kể đến như việc mặc đồ, đeo trang sức, kiểu tóc hay "check in" ở đâu thì giới trẻ cũng đổ xô bắt chước theo, đú "trend" để không bị coi là lạc hậu, quê mùa. Các nền tảng mạng xã hội như Instagram, Facebook, zalo,... tạo ra một không gian thoả mái cho việc thể hiện bản thân, nơi mà những hình ảnh lung linh, hào nhoáng được đăng tải và dễ dàng nhận được sự chú ý, thích thú từ người khác. Điều này khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy cần phải sống phô trương để thu hút sự quan tâm, thu hút sự chú ý, thích, khen lên đến tận mây xanh.
Kèm theo đó là sự so sánh giữa bản thân với người khác cũng là một yếu tố tác động lớn. Nhiều bạn trẻ cảm thấy áp lực phải có những thứ mà bạn bè sở hữu, từ điện thoại đắt tiền đến những bộ trang phục hàng hiệu làm cho mình cảm thấy tự ti, thua bạn, thua bè. Nên từ đó, đua đòi cho bằng được, nhiều bạn trẻ còn đi trộm cướp để có tiền sắp Iphone, điện thoại đắt tiền. Nhiều bạn trẻ còn ăn diện làm đẹp xăm môi, xăm mày, nhuộm tóc đủ màu sắc cho hợp với thần tượng,... Thậm chí có bạn còn bán "trinh" để kiếm tiền tiêu xài, từ đó sa chân vào con đường tệ nạn, phạm pháp,...
Để xảy ra tình trạng này một phần vì sự thiếu sự định hướng giáo dục đúng đắn từ gia đình và nhà trường khiến giới trẻ không nhận thức được giá trị thực sự của bản thân, từ đó dễ dàng chạy theo những điều xa hoa, phù phiếm. Cảm thấy người giàu được tôn trọng, ca ngợi còn người nghèo bị chê bai khinh rẻ. Cho nên, bằng mọi cách phải chưng diện lên để đua với đời, phông bạt với đời.
Hậu quả của lối sống này dễ dẫn đến những cảm giác không thoải mái, căng thẳng, thậm chí là trầm cảm. Khi mà giá trị bản thân được xác định qua những thứ vật chất, nhiều bạn trẻ cảm thấy thiếu thốn và không đủ giá trị khi không có những gì được thể hiện. Hơn nữa, sự chạy đua theo vật chất có thể làm lu mờ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như lòng tự hào về quê hương, tình yêu thương gia đình và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Mặc dù có thể có nhiều bạn bè trên mạng xã hội, nhưng sự cô đơn và thiếu kết nối thực sự với những người xung quanh lại trở nên phổ biến hơn. Các mối quan hệ trở nên hời hợt và thiếu chiều sâu.
Để khắc phục tình trạng này trước hết gia đình cần quan tâm hơn nữa trong việc giáo dục con cái về giá trị thực sự của cuộc sống, từ đó giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, biết trân trọng những điều nhỏ bé và giản dị trong cuộc sống. Tiếp đến là nhà trường cần có các chương trình giáo dục kỹ năng sống, phát triển tư duy phản biện cần được đưa vào chương trình học, giúp học sinh nhận thức rõ hơn về giá trị bản thân và những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động cộng đồng, tình nguyện, về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tham quan làng trẻ em SOS,... sẽ giúp giới trẻ có cơ hội trải nghiệm, hiểu biết, có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời mỗi người và phát triển nhân cách, từ đó hình thành những giá trị bền vững hơn.
Lối sống phông bạt của một bộ phận giới trẻ hiện nay là một vấn đề cần được quan tâm và giải quyết. Để xây dựng một thế hệ trẻ tự tin, sáng tạo và đầy trách nhiệm, chúng ta cần tạo ra một môi trường tích cực, khuyến khích những giá trị nhân văn, tinh thần và đạo đức. Chỉ khi ấy, giới trẻ mới có thể sống một cuộc đời ý nghĩa, hướng tới những giá trị bền vững thay vì những hào nhoáng bên ngoài.