Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với đời sống kinh tế thế giới và Việt Nam

Thứ sáu - 18/09/2020 11:03
Đề tài đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với đời sống kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Những hậu quả của COVID-19 để lại và khả năng phục hồi sau đại dịch.
Đánh giá tác động của đại dịch COVID 19 đối với đời sống kinh tế thế giới
Đánh giá tác động của đại dịch COVID 19 đối với đời sống kinh tế thế giới
Đại dịch toàn cầu COVID-19 đã và đang để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng bao gồm:
- Chưa bao giờ nhiều trẻ em phải nghỉ học cùng một lúc, làm gián đoạn việc học và ảnh hưởng đến cuộc sống.
- Chưa bao giờ có nhiều người nghỉ việc cùng một lúc, các công ty, xí nghiệp,… đóng cửa làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu.
- Chưa bao giờ có nhiều người bị bệnh cùng một lúc, gây quá tải lên hệ thống y tế của các quốc gia.
- Chưa bao giờ có nhiều người chết trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, gây bàng hoàng và lo sợ cho người dân toàn cầu,…
- Chưa bao giờ ngành du lịch lại khủng hoảng như bây giờ, lệnh cấm đi lại giữa các quốc gia có dịch làm du lịch thiệt hại nghiêm trọng.
- Chưa bao giờ ngành hàng không lại lỗ lớn như vậy. Chi phí bảo trì, bảo dưỡng, nhân viên quản lý,… tăng cao mà máy bay lại không thể cất cánh.

Tác động với đời sống kinh tế thế giới

Nền kinh tế thế giới vốn đã lao đao do Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nay lại phải gánh thêm tác động của đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Hàng hóa đã sản xuất ra bị ứ đọng, lại không thể sản xuất tiếp tục khiến các doanh nghiệp đang tiến thoái lưỡng nan.

Tác động tiêu cực từ những biện pháp ngăn chặn đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Người dân hạn chế đi lại, chi tiêu dè sẻn, chỉ mua các nhu yếu phẩm cần thiết như thuốc men, khẩu trang, thực phẩm,… Dẫn đến sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng, kéo theo nguy cơ vỡ nợ, nợ chồng nợ. Doanh nghiệp phá sản, lạm phát tăng cao, tâm lý lo ngại rủi ro, thậm chí hoảng sợ của các nhà đầu tư tài chính.

Nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng suy thoái do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Thị trường tài chính thế giới biến động mạnh, bất chấp những biện pháp kích cầu khẩn cấp quy mô lớn của các ngân hàng châu Âu, châu Mỹ, châu Á và Australia. Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới liên tục được điều chỉnh giảm, từ 3,1% xuống 1,6%. Hầu hết các nền kinh tế lớn bước vào giai đoạn suy thoái.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường phối hợp chính sách, hành động quyết liệt và sáng tạo với đầu tàu là những nền kinh tế lớn và các tổ chức tài chính thế giới.

Đối với kinh tế Mỹ

Việc thương chiến lâu ngày với Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến nông nghiệp, công nghiệp Mỹ. Lại thêm việc chống dịch chưa thành công. Người dân thờ ơ với các biện pháp phòng chống dịch khiến tốc độ lây nhiễm và số người chết liên tục tăng cao.

Tình trạng biểu tình, phản đối chính sách, phản đối phân biệt sắc tộc diễn ra liên miên. Người biểu tình đập phá hàng, quán, siêu thị, … hôi của. Làm cho các chủ cửa hàng khốn đốn, kinh doanh đình trệ, thất nghiệp tăng lên.

Tình hình cháy rừng diễn biến phức tạp, cảnh nắng nóng và hạn hán bao trùm, khiến các vụ cháy rừng càng nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn. Tại các bang California, Oregon, Washington,… nhà cửa, xe cộ bị thiêu rụi, cả thành phố hoang tàn, bầu trời chuyển màu đỏ rực cùng khói bụi dày đặc. Chính quyền Mỹ đã khốn đốn với dịch bệnh, biểu tình nay lại thêm cháy rừng khiến khó khăn càng thêm chồng chất.
 
Đánh giá tác động của đại dịch COVID 19 đối với đời sống kinh tế toàn cầu

Đối với kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc là công xưởng của thế giới, là thị trường tỷ dân. Việc bùng phát dịch bệnh virus corona đầu tiên tại Vũ Hán là cơn ác mộng với kinh tế Trung Quốc.

Số người chết và lây nhiễm tăng lên chóng mặt. Gây quá tải ngành y tế, nhiều y bác sĩ đã phải làm việc liên tục 24/24h, thậm chí có người bị lây chéo phải bỏ mạng vì thiếu trang bị bảo hộ, thuốc men và cách điều trị.

Việc phong tỏa toàn thành phố của Trung Quốc đã giảm được đà lây lan của dịch bệnh. Nhưng lại khiến kinh tế lao đao, lượng hàng sản xuất tồn đọng lớn, không thể xuất đi. Ngành du lịch và hàng không chết đứng.

Việc Trung Quốc không thể sản xuất đã làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Đẩy các công ty đến bờ vực phá sản. Việc thiếu nguyên liệu, thiếu hàng hóa ngày càng gia tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy khiến các doanh nghiệp khốn đốn.

Tình hình mưa lũ dồn dập diễn biến phức tạp, nước sông dâng cao cuốn trôi công trình, nhà cửa, hoa màu,… Khiến cho đời sống người dân Trung Quốc (vốn đã khó khăn trăm bề do dịch bệnh) khó càng thêm khó, khổ càng thêm khổ.

Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ gây ra không ít thiệt hại cho Trung Quốc, trong khi hai bên liên tục áp thuế lên các hàng hóa xuất khẩu của nhau. Các công ty đầu tàu như Huawei, Tencent, ByteDance, ZTE, Hytera, Hangzhou Hikvision, Dahua,… đã bị Mỹ cấm mua, cấm hoạt động tại Mỹ. Và các công ty Mỹ không được phép bán thiết bị công nghệ cho Trung Quốc đặc biệt là Vi xử lý, Chip. Đã khiến cho kinh tế Trung Quốc rung lắc mạnh mẽ và đang trên đà giảm sốc.

Đối với Châu Âu và các nước khác

Kinh tế Châu Âu chịu chung cảnh với Mỹ, nhưng các nước Châu Âu có phần khá hơn vì không có biểu tình, đốt phá. Các biện pháp mạnh tay từ chính quyền bắt đầu có hiệu lực, tốc độ lây lan đang giảm. Tuy nhiên kinh tế vẫn chưa có tín hiệu phục hồi.

Các nước khác cũng trong vòng xoáy COVID-19, vẫn lao đao chống dịch và bảo đảm phát triển kinh tế hoặc chí ít là không tăng trưởng.

Dịch Covid-19 sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt vụ phá sản ở mỗi quốc gia, cũng như trên toàn cầu. Kéo theo việc giảm tổng cầu xã hội và gia tăng nạn thất nghiệp, gây áp lực mạnh đến công tác bảo đảm an sinh, thu nhập, việc làm theo cả quy mô quốc gia và quốc tế. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã tung ra các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn trước mắt...

Tác động đối với Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam là mối liên kết lớn với các nền kinh tế khác, thông qua thương mại và đầu tư. Hơn 50% giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam nhắm vào các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh.

Tình hình dịch bệnh ở Mỹ và các nước Châu Âu kéo dài. Việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng như may mặc, cá tra, giày dép, lúa gạo,… bị ảnh hưởng đáng kể. Việc các đối tác nhập khẩu đề nghị hoãn hoặc hủy các đơn hàng làm cho ngành nông, lâm, thủy sản điêu đứng. Các xí nghiệp may chuyển qua sản xuất khẩu trang thay cho quần áo, đồ bảo hộ, kính chống giọt bắn thay cho giày dép. Một số nhà máy khác chuyển qua sản xuất máy thở, nước rửa tay sát khuẩn,…

Cộng với việc đóng cửa biên giới làm cho việc xuất khẩu qua Trung Quốc rất hạn chế. Và phải làm các bước phun khử khuẩn nghiêm ngặt khiến hàng hóa thông quan rất chậm chạp.

Các biện pháp mạnh tay của Chính phủ đã ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát. Nhưng lại làm cho kinh tế và đời sống người dân thêm khó khăn. Hàng quán đóng cửa, học sinh nghỉ học dài ngày, công nhân mất việc hoặc giảm việc,… gây áp lực lên kinh tế gia đình.

Bất động sản đóng băng, giao dịch ít hoặc không giao dịch, nhà cửa, hàng quán không có người thuê, mua. Thị trường ô tô và các mặt hàng xa xỉ điêu đứng. Do tâm lý lo ngại dịch bệnh bùng phát, người dân trữ tiền, vàng để đảm bảo đời sống mà không mua sắm, đầu tư vào các lĩnh vực khác.
 
Đánh giá tác động của đại dịch COVID 19 đối với đời sống kinh tế Việt Nam

Biện pháp đối phó và khả năng phục hồi sau đại dịch

Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu với mức độ và khả năng điều chỉnh của các ngành khác nhau như khách sạn, lưu trú, nghỉ dưỡng, nhà hàng dịch vụ ăn uống, du lịch lữ hành, vận tải logistics, dịch vụ giải trí, bán lẻ hàng tiêu dùng, giáo dục đào tạo, ngân hàng tín dụng, bất động sản,…

Nếu không có sự can thiệp hiệu quả, hiệu lực và kịp thời của Chính phủ thì một số ngành kinh tế và nhiều doanh nghiệp có thể phá sản, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng về tăng trưởng và việc làm.

Từ đó mục tiêu chính sách là hạ thấp đường cong nhiễm dịch, bảo vệ sức khỏe doanh nghiệp, củng cố niềm tin xã hội, bồi đắp nền tảng phục hồi. Hạn chế những di hại tương lai dựa trên các nguyên tắc không can thiệp đại trà mà xác lập ưu tiên, can thiệp có chọn lọc. Hạn chế trục lợi chính sách ở mức chấp nhận được và chính sách cấp cứu có thời hiệu rõ ràng để làm phẳng đường cong suy thoái.

Với lĩnh vực nông nghiệp và phụ trợ: nghiên cứu lựa chọn các ngành sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Trong đó tập trung đánh giá một số mặt hàng chịu ảnh hưởng về hoạt động thương mại (mức độ tăng giảm của kim ngạch xuất nhập khẩu, phản ánh khó khăn cả đầu vào và đầu ra). Bên cạnh đó, đánh giá một số lĩnh vực là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp (như hóa chất nông nghiệp - gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) là các lĩnh vực chịu tác động gián tiếp khi nông nghiệp chịu ảnh hưởng.

Với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: nghiên cứu lựa chọn các ngành chịu ảnh hưởng về đầu vào (do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nhất là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU); hoặc đầu ra (do sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế, nhất là từ 5 thị trường vừa nêu); hoặc chịu ảnh hưởng do những biến động mạnh về giá hàng hóa trên thị trường. Trong đó, nghiên cứu lựa chọn 6 ngành chính: dệt may, da giày; sản xuất giấy; sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất, kinh doanh thép; khai khoáng và xây dựng. Riêng lĩnh vực điện thoại, điện tử, điện máy và linh kiện: tỷ lệ nội địa hóa rất thấp (khoảng 5-10%), tỷ trọng đóng góp trong nước trong xuất khẩu cũng rất thấp (khoảng 8%) và tình hình sản xuất, xuất khẩu trong quý 1/2020 vẫn tăng khá, nên không đưa vào mô hình đánh giá (mức độ tác động của dịch Covid-19 là tương đối nhỏ).

Với lĩnh vực dịch vụ: nghiên cứu lựa chọn các lĩnh vực chịu ảnh hưởng do biến động về tổng cầu và xáo trộn hoạt động do dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam cũng như các nước. Theo đó, nghiên cứu lựa chọn 7 ngành chính: du lịch; vận tải, kho bãi; bán lẻ; tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; kinh doanh BĐS; dịch vụ y tế; và giáo dục, đào tạo.

Chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị sẽ thay đổi theo hướng vừa được đa dạng hơn, tức là dễ dàng và nhanh chóng có thể thay thế được cho nhau hơn, lại vừa tạo thành mạng lưới kết nối nhiều chuỗi với nhau để “bọc đỡ” lẫn nhau.

Kinh tế và thương mại thế giới sẽ còn thay đổi bởi sự hình thành của một nhu cầu đảm bảo an ninh mới. Như đảm bảo an ninh lương thực hay đảm bảo an ninh năng lượng. Là các đối tác đảm bảo luôn tự chủ về cung ứng những sản phẩm, thiết bị hay vật liệu cần thiết để đối phó khủng hoảng. Đặc biệt về thuốc men, trang thiết bị y tế và tăng cường khả năng có thể nhanh chóng chuyển đổi sản xuất bình thường sang sản xuất những vật dụng hay thiết bị cần thiết cho việc ứng phó khủng hoảng. Cơ cấu kinh tế và thương mại quốc gia và quốc tế vì thế sẽ thay đổi, ưu tiên chính sách kinh tế và thương mại quốc gia vì thế cũng thay đổi.

Thứ nhất, tăng cường càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt đội ngũ y tế, cơ sở vật chất như bộ xét nghiệm, máy trợ thở, phòng cách ly áp lực âm, thiết bị và dụng cụ y tế, tăng trợ cấp rủi ro cho các nhân lực nhân lực ngành Y tế trong tuyến đầu chống dịch. Miễn giảm, hoãn, giãn thuế cho các doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng do dịch bệnh. Tăng chi tiêu cho các chính sách an sinh, trợ giúp xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản để đảm bảo người nghèo được tiếp cận đầy đủ, cần phải cung cấp dịch vụ xét nhiệm và điều trị miễn phí hoặc theo giá trợ cấp.

Thứ hai, phải đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại, qua đó hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp chịu tác động. Cho phép cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp và vay tiêu dùng, điều chỉnh tỷ giá phù hợp, giảm chi phí cho các doanh nghiệp như giảm mặt bằng lãi suất.

Thứ ba, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đầu tư nghiên cứu, chế tạo sản xuất vắc xin của Việt Nam. Vừa đầu tư kích thích kinh tế, vừa bồi dưỡng năng lực khi hồi phục như công nghệ thông tin và truyền thông (5G), năng lượng tái tạo, nền tảng giáo dục trực tuyến, khám bệnh từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, giao hàng tận nhà.

Có thể thấy rằng tác động của đại dịch COVID-19 đối với đời sống kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là rất nghiêm trọng và tồi tệ. Đến khi nào con át chủ bài vaccine chống COVID-19 chưa được tiêm cho con người thì lúc đó kinh tế thế giới, đời sống nhân loại vẫn còn lao đao.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây