a. Giá trị lịch sử truyền thống, giá trị đạo đức
Đạo Mẫu, thông qua các ký ức, các truyền thuyết và huyền thoại, qua các nghi lễ và lễ hội đã thể hiện rõ ý thức lịch sử và ý thức xã hội của mình. Trong điện thần của đạo Mẫu, hầu hết các vị thánh đã được lịch sử hóa, tức là đều hóa thân thành những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tất nhiên, trên thực tế có không ít những vị thánh thần vốn thoát thai từ các nhân vật có thật trong lịch sử, sau này được người đời tô vẽ, thần tượng lên thành các vị thần thánh, tức là các vị thần thánh có “nguyên mẫu” trong lịch sử (Trần Hưng Đạo → Đức Thánh Trần; Mẹ Âu Cơ → Mẫu Thượng Ngàn; Lê Khôi hay Nguyễn Xí → Ông Hoàng Mười; Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan → Ông Hoàng Bơ; Bà Lê Chân → Thánh Mẫu Bát Nàn…).
Ngoài ra còn có nhiều các vị thần linh, vốn là các thiên thần hay nhiên thần, nhưng lại được người đời “nhân thần hóa” hay “lịch sử hóa”, gán cho họ có sự nghiệp, có công trạng với đất nước hay từng địa phương. Bằng cách đó, đạo Mẫu gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc, đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa, mà trong đó người Mẹ - Mẫu là nhân vật trung tâm.
b) Chứa đựng những giá trị văn học dân gian
Đạo Mẫu và các hình thức Shaman giáo đều ẩn chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật rất phong phú. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc,...
c) Diễn xướng đạo Mẫu
Diễn xướng đạo Mẫu như là một hình thức sân khấu tâm linh hay một văn hóa đạo Mẫu. Ở hình thức diễn xướng này chúng ta có thể thấy được lối nghĩ, nếp sống, các quan niệm nhân sinh, thấy được nếp ăn (ẩm thực), cách mặc, cách sinh hoạt, nghi lễ của cha ông xưa; được chiêm ngưỡng sự hiện thân của các thần linh vốn là các nhân vật lịch sử hay thần linh đã được “lịch sử hóa” với công trạng, tính cách, điệu bộ rất sinh động.
Quả thực đó là một bộ sưu tập lịch sử và văn hóa vô cùng phong phú và sinh động, một “bảo tàng sống” văn hóa Việt Nam như một học giả nước ngoài nhận định. Chỉ riêng nghi lễ Hầu bóng - Lên đồng của đạo Mẫu đã sản sinh ra loại hình âm nhạc - hát văn, mà theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, đó là một trong những loại hình dân ca tiêu biểu nhất của người Việt đóng góp vào kho tàng âm nhạc thế giới.
Chúng tôi tự nhận thấy và hy vọng rằng loại hình diễn xướng Lên đồng này sớm muộn sẽ được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại! Chính những giá trị nhận thức, giá trị lịch sử, truyền thống, xã hội, văn hóa kể trên đã luôn đặt đạo Mẫu vào vị trí những tôn giáo tín ngưỡng bản địa hàng đầu của các dân tộc Việt Nam.
d) Nghệ thuật tạo hình
các hình thức trang trí, kiến trúc đền phủ.. Đó còn là tranh tượng, trang trí với những hình khối và màu sắc mang tính biểu tượng (ngũ sắc), các kiến trúc đền phủ tạo nên không gian thiêng của các lễ hội “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”.
e) Sinh hoạt cộng đồng
Lễ hội đạo Mẫu là môi trường sản sinh và bảo tồn nhiều giá trị văn hóa của dân tộc (hầu bóng, lễ hội...). Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc,...
f) Hạn chế
- Bản thân đạo Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ Thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ - Tứ Phủ. Do vậy, nó rất phức tạp, chứa đựng nhiều tàn tích cổ xưa, mà trong xã hội hiện tại không mấy phù hợp.
- Bản thân tôn giáo tín ngưỡng đều hướng về cái thiện, cái đẹp đẽ, cao cả - Chân, Thiện, Mỹ. Tuy nhiên, mọi tôn giáo tín ngưỡng không phải là tồn tại trong “chân không” mà là trong xã hội con người. Con người trong xã hội không chỉ hướng về nó, tôn vinh nó, mà còn lợi dụng nó vì các mục đích khác nhau, thậm chí phản lại tính nhân bản, tính văn hóa vốn có của tôn giáo tín ngưỡng. Tình trạng thương mại hóa đạo Mẫu đang là một thực tế nặng nề và nhức nhối, khiến cho tín ngưỡng này ngày càng bị xói mòn những giá trị tốt đẹp như đã nêu ở trên. Nhiều chủ đền, các ông đồng, bà đồng đã lợi dụng lòng tin, lợi dụng các di tích đền phủ, lợi dụng các sinh hoạt nghi lễ và lễ hội không phải là để truyền bá những điều tốt đẹp mà chủ yếu là để kiếm tiền.
- Sau nhiều năm do chiến tranh kéo dài, do tình trạng cấm đoán, do ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, văn hóa hiện đại nên đã có sự đứt đoạn, nhiễu loạn, biến tướng trong các nghi lễ của đạo Mẫu, đặc biệt là nghi lễ Lên đồng. Tình trạng dùng đồ mã với số lượng vượt quá sự cần thiết và đòi hỏi của nghi lễ cổ truyền… khiến cho nghi lễ dần mất đi tính thiêng, tràn lan các hình thức trang trí rẻ tiền, mà điển hình là lễ hội Lên đồng ở Lảnh Giang (Hà Nam), lên đồng theo kiểu càn quấy của các “đồng đua, đồng đú” ở Hồ Tây (Hà Nội) khiến dư luận bức xúc. Các hình thức sân khấu hóa nửa tâm linh, nửa trình diễn nghệ thuật cũng làm méo mó nghi lễ này khiến dư luận phàn nàn.
- Tính phân tán, tản mạn, bị buông lỏng, thiếu sự quản lý cũng tạo nên bộ mặt xô bồ, thậm chí là hỗn loạn của sinh hoạt tín ngưỡng ở các đền phủ, gây mất trật tự công cộng, ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho các sinh hoạt mê tín, đi ngược lại các thuần phong mỹ tục dân tộc.