Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm hoá học sinh cá biệt

Chủ nhật - 18/01/2015 10:19
Năm học 1998-1999, tôi chủ nhiệm lớp chọn của trường. Thú thật, làm chủ nhiệm toàn học sinh (HS) giỏi mọi việc đều trơn tru, giờ chủ nhiệm không có cảnh bắt HS làm kiểm điểm hay quở phạt ai nên cả thầy và trò đều thấy nhẹ nhàng.
Nhưng một tháng sau, Ban Giám hiệu dắt hai HS dạng cá biệt của một lớp vừa giải tán xuống lớp buộc tôi phải nhận để “cùng nhau chia sẻ với các lớp khác”. Qua tìm hiểu, tôi được biết em Bình nhà ở xã xa thị trấn, gia đình trước đây gửi vào học để cách ly với đám bạn xấu chơi chung trong lớp. Nào ngờ, đến trường mới, em lại ngỗ nghịch, nhiều lần giáo viên chủ nhiệm mời gia đình nhưng chứng nào tật nấy, riết rồi gia đình cũng không quan tâm đến. Còn Cường, ngay từ nhỏ gia đình cho em đi bán bánh mì dạo do gia đình lúc đó khó khăn. Hiện hoàn cảnh gia đình đã ổn định nhưng do quen “nghề”, ra đời sớm nên em sớm nhiễm thói hư tật xấu bên ngoài, thích bán bánh mì dạo hơn học.
 
Kể từ khi xuất hiện hai em, thứ hạng thi đua hàng tuần của lớp cứ tụt dần. Nhiều HS trong lớp nóng ruột đề nghị tôi nên tìm cách “tống khứ” hai em ra khỏi lớp hoặc mời gia đình trả về nhà. Tôi hiểu, với những em này, đòn roi chẳng có tác dụng gì nên tìm cách thuyết phục bằng nhiều cách. Thật tình cờ, cha mẹ của một em trong lớp nhà có 10 công vườn trồng cam, bưởi có nhã ý mời lớp tổ chức một chuyến dã ngoại đến đây. Các em HS giỏi rất ý tứ trong việc vào vườn nên dè dặt trong việc hái trái cây. Hai em cá biệt thấy vậy nên cũng không dám tự tung tự tác. Khi thầy trò cùng nhau ngồi ăn trái cây, tôi kể những câu chuyện giáo dục nhẹ nhàng, vui vui làm cho các em thích thú. Còn Bình và Cường cứ ngượng ra mặt bắt đầu tỏ thái độ hòa đồng với lớp. Một tuần sau, Cường báo  tin mẹ em Bình vừa qua đời. Nghe tin ấy, tôi bảo Cường dẫn tôi và một số HS đến nhà dự lễ tang. Cường ấp úng: - Thưa thầy, nhà bạn Bình xa lắm. Tôi nói: - Xa bao nhiêu thầy cũng đi. Thế rồi cả nhóm đạp xe đi gần 10 cây số, trong đó đường ruộng đã hơn một nửa. Đó là chưa kể cả thầy và trò vất vả rinh xe qua những cây cầu khỉ. Khi thấy tôi, Bình tái mặt sợ tôi kể những chuyện không hay về em cho gia đình biết. Nhưng không, sau những thủ tục với người quá cố, tôi chỉ nói những chuyện tốt của Bình và động viên gia đình nên tạo điều kiện để em học hành, thi đỗ tốt nghiệp cuối năm. Bình đứng gần đó lặng người, quay mặt chỗ khác giấu đi những giọt nước mắt.
 
Không hiểu sao kể từ hôm ấy, hai em tỏ ra ngoan ngoãn, ít vi phạm hơn. Năm đó, lớp tôi đỗ tốt nghiệp THPT 100%. Ngày chia tay lớp, Bình và  Cường nán lại cuối cùng gặp riêng tôi rơm rớm nước mắt: - Chúng em cám ơn thầy rất nhiều. Nhờ thầy mà chúng em thi đậu tốt nghiệp. Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên: - Thầy có giúp vì các em đâu? Chính các em tự cố gắng thôi mà. - Thưa thầy, chính những câu chuyện thầy kể, chính sự quan tâm hết mực của thầy làm cho những thằng chai lì như chúng em cũng phải mềm ra.
 
Nói xong, cả hai òa lên khóc như những đứa trẻ làm tôi cũng mủi lòng. Sau này tôi được biết dù các em không vào được ĐH nhưng giờ có việc làm ổn định, thu nhập nuôi đủ gia đình. Từ câu chuyện của hai em, tôi mới ngộ ra rằng, tấm lòng trong sáng, sự gần gũi thương yêu và thái độ chuẩn mực của người thầy cũng có thể cảm hóa được những HS bị xem là cá biệt.

Giáo dục Online

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây