Bài hát có câu: “Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nỗi thành người”. Đúng như lời bài hát, dù ai đi công tác ở khắp mọi miền của Tổ quốc thì đều có nỗi nhớ về quê hương. Tết cổ truyền là dịp để anh em, bạn bè, gia đình đoàn tụ, quây quần sau những ngày xa cách.
Từ lúc còn bé, em đã có ấn tượng sâu sắc về ngày Tết cổ truyền. Ngày gần Tết, em được bố mẹ cho đi mua quần áo mới. Em còn được mẹ cho đi vào chợ hoa mua cành đào, hoa lan, hoa mai,… về trang trí ngày Tết. Không khí chợ Tết thật sôi nổi, nhộn nhịp biết bao.
Những ngày Tết, em được cùng gia đình về quê ăn Tết cùng ông bà nội. Em không thể quên được buổi cả gia đình ngồi quây quần gói bánh chưng. Lúc đó, em ngồi cạnh mẹ và được mẹ sai đưa cho mẹ cái lá dong, cái lạt hay lấy cho mẹ cái thìa để mẹ múc đỗ cho vào làm nhân bánh, … Lúc đó, em không đùa mẹ là con mỏi chân mà luôn hí hửng lấy giúp mẹ khi được mẹ sai bảo. Gói bánh chưng xong, em còn được nấu bánh cùng mẹ. Mùi thơm của bánh chưng bay ra khiến em thật thèm.
Tết đến, em còn được mẹ cho đi chùa thắp hương, hái lộc để cầu một năm khoẻ mạnh, may mắn và học giỏi. Cảm súc vui nhất trong em là khi chờ đợi đón phút giao thừa, chuyển sang năm mới. Những tiếng pháo hoa nổ inh ỏi ở bên ngoài và trong ti vi khiến trong lòng em càng thêm rộn rã. Niềm vui sướng trong em khi khoảnh khắc giao thừa ấy, em còn được bố mẹ lì xì và chúc năm mới khoẻ mạnh, học thật giỏi. Em càng cảm nhận được tình yêu thương của mẹ dành cho mình hơn.
Sáng mồng một, cả gia đình em ngồi quây quần bên nhau ăn bữa cơm đầu năm mới thật ấm áp, hạnh phúc. Cảm xúc ấy em không bao giờ quên được. Có lẽ, ngày Tết là ngày mà mọi người khoác lên mình những bộ quần áo đẹp nhất, nở nụ cười tươi nhất, chúc nhau những lời hay nhất,… trong năm.
Thời gian cứ trôi đi, không chờ đợi ai cả. Vì thế, mỗi chúng ta hãy sống và đối xử với nhau thật tốt, thật đẹp để cả năm ngày nào cũng là ngày Tết nhé! Cầu cho bài hát “Tết Tết Tết Tết đến rồi” sẽ luôn trong tâm trí mỗi chúng ta.