Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Tội ác và vai trò của giáo dục

Thứ hai - 13/10/2014 08:48
Thời gian qua, liên tục có những vụ hành xử bạo lực, tội ác khiến dư luận cảm thấy bàng hoàng và không khỏi băn khoăn về đạo đức xã hội. Một người mẹ cùng người tình hành hạ dã man con ruột của mình; không ít người bị từ chối tình yêu đã không ngần ngại hạ sát người mình yêu; bạo lực trong gia đình với việc con giết cha mẹ, vợ giết chồng hoặc chồng giết vợ, anh em giết hại lẫn nhau…
Có trường hợp do hành xử bột phát với sự nóng giận tức thì nhưng cũng có trường hợp có dự tính trước với thủ đoạn tàn độc hoặc hành động trong thời gian dài.
 
1. Nhiều người đã nói đến nguyên nhân do đạo đức xã hội xuống cấp.

Điều này cần có sự điều tra thấu đáo bằng các phương pháp khách quan, khoa học; chẳng hạn, dựa trên số vụ xảy ra trong cùng một khoảng thời gian, trong cùng một địa phương, trên một tỉ lệ dân số nhất định… Tuy nhiên, có thể thấy rằng, yếu tố xã hội có tác động không nhỏ. Đó là mặt trái của cơ chế thị trường, với những biểu hiện của một xã hội tiêu dùng, đề cao tính cá nhân, tính vị kỷ, tính “tự yêu mình” khiến người ta ít chú ý đến lợi ích của người khác, sẵn sàng tấn công người khác khi cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại; thậm chí không ngần ngại xuống tay với người khác để giành lấy lợi ích về mình bất kể có hợp pháp, chính đáng hay không. Đó là nguyên nhân từ các văn hóa phẩm có tính kích động bạo lực hoặc gieo rắc tinh thần bạo lực vào đầu người khác, nhất là với thanh niên như có quá nhiều phim ảnh lấy bạo lực làm chủ đề chính, cổ súy cho cách hành xử “mạnh được yếu thua”… Muốn hạn chế bạo lực, tội ác phải đi từ các nguồn cơn đó với những giải pháp phù hợp.
 
2. Tuy nhiên, còn có một nguyên nhân khác có tính gốc rễ hơn, căn cơ hơn ít được chú ý.

Đó là vai trò của giáo dục. Trên thực tế, vai trò của nhà trường có ý nghĩa như thế nào trong việc dạy lễ, dạy ứng xử văn hóa, nhân văn cho con người, hiện nay chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng lâu nay vẫn bị dư luận cho là chưa phù hợp và kém thuyết phục. Rõ ràng thế hệ thanh niên và trung niên hiện nay - chiếm tỉ lệ áp đảo trong số thủ phạm các vụ bạo lực, tội ác trong thời gian qua - là thiếu niên, học sinh của những năm bắt đầu mở cửa, với lối sống mới, thực dụng, chú trọng tự do cá nhân, cũng có nghĩa là chính họ đã không được giáo dục đạo đức đầy đủ và phù hợp. Và, nếu thế hệ thiếu niên, học sinh hiện nay vẫn tiếp tục không được giáo dục đạo đức hợp lý hơn, đúng đắn và thuyết phục hơn thì có thể sẽ có những thế hệ người trưởng thành mới tiếp tục sa vào con đường bạo lực, thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi đã có một thế hệ cha anh họ từng vấp phải.
 
Nhìn ở góc độ đó để thấy rằng giáo dục đạo đức, giáo dục làm người hiện nay trở nên vô cùng quan trọng và cấp bách. Một em nhỏ được dạy biết quý trọng tài sản của mình, của người khác, của cộng đồng hẳn khó có hành động phá hoại, tước đoạt tài sản của người khác. Một học sinh được dạy rằng biết giữ lễ đúng mực với thầy cô, với người lớn hẳn khó có hành xử bạo lực, dù khi rơi vào hoàn cảnh bị ức chế. Hay khi các em được dạy rằng biết nhường nhịn bạn bè, người khác, biết chia sẻ khó khăn với mọi người hẳn sẽ khó trở nên ích kỷ, sẵn sàng giành giật lợi ích với người khác hoặc vô kỷ luật, vô trật tự khi ứng xử… Rồi nếu các em được dạy dỗ rằng biết tuân thủ những nguyên tắc thường nhật trong cuộc sống như đi thưa về trình, đi bên phải đường, biết giúp đỡ người già, trẻ nhỏ, không được xả rác bừa bãi, không văng tục… thì hẳn có những tiền đề để thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh và không đến nỗi hành xử thô lỗ, bạo lực… Tức là, cần xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa trong mỗi con người trên một nền tảng giáo dục.
 
3. Thực tế ở nhà trường và gia đình hiện nay, các vấn đề dạy làm người đó đã được thực hiện đến đâu, phát huy ý nghĩa thực tiễn thế nào?

Câu hỏi này không chỉ dành cho ngành giáo dục mà dành cho toàn xã hội. Dù vậy, nhà trường, với tính chất đào tạo con người, trước hết phải có trách nhiệm (và chịu trách nhiệm) về việc dạy lễ, dạy làm người. Khi đến thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Bác Hồ đã viết: Học để làm việc, học để làm người, học để làm cán bộ. Còn trong nhà trường hiện nay, học phải để làm người (vì đối tượng là trẻ em, người chưa trưởng thành, hoặc trưởng thành chưa đầy đủ), học để làm việc, các mục đích khác buộc phải xếp phía sau. Đừng để học sinh có thể biết rất nhiều thứ, làm được nhiều việc nhưng không biết cách làm một con người đúng nghĩa, tức là hành xử văn hóa, văn minh, tôn trọng bản thân và người khác. Và, đừng để học sinh khi trưởng thành có kiến thức để sáng tạo được nhiều thứ nhưng những thứ ấy lại để hại người khác, để tước đoạt lợi ích người khác, thì cách thức giáo dục đó, nền giáo dục đó hỏng hoàn toàn!
 
Phải triệt để đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục đạo đức, giáo dục làm người trong nhà trường. Và, những người thầy đứng trên bục giảng phải thực sự làm gương về yêu cầu làm người, trước khi rao giảng cho người khác!

Nguyễn Minh Hải

Giáo dục và thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây