Phần I:
1. Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh hiên, sinh năm Ất dậu, niên hiệu Cảnh Hưng. Gia phả họ Nguyễn làng Tiên Điền phát hiện năm 1966 có ghi chú ngày sinh của Nguyễn Du là 23 tháng 11 năm Ất dậu. Nguyễn Du ra đời trong một gia đình đại quý tộc, có thế lực vào bậc nhất đương thời.
Cụ Lê Thước, người có công đóng góp trong việc tìm hiểu gia thế của Nguyễn Du đã tìm ra được Nguyễn Du có cùng một ông tổ xa đời với Nguyễn Trãi, vị anh hùng và nhà thơ lớn của dân tộc ở thế kỷ XV.
Thời Lê sơ, họ Nguyễn của Nguyễn Du vốn ở làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội). Bấy giờ họ này có một người là Nguyễn Thiến, đậu trạng nguyên dưới thời nhà Mạc (1532), sau theo giúp nhà Lê, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại, Đông các đại học sỹ, được phong tước Thư Qụân Công. Ông có hai người con trai là Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn, đều được phong tước công. Gặp hoạ, Nguyễn Nhiệm, con Nguyễn Miễn trốn được, chạy vào làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh mai danh ẩn tích và sinh cơ lập nghiệp ở đấy. Bấy giờ vùng này còn hết sức hoang vắng. Người địa phương không biết tên, gọi ông là Nam Dương công. Đó là ông tổ của họ Nguyễn làng Tiên Điền. Từ đời Nam Dương công đến đời Nguyễn Nghiễm, ông thân sinh của Nguyễn Du, tất cả là sáu đời.
2. Nguyễn Nghiễm sinh ngày 14 tháng 3 nhuận năm Mậu tý, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ tư, tức ngày 14 tháng 5 năm 1708. Ông thông minh học rộng, làm quan từng giữ chức Tể tướng trong triều đình. Lúc ấy người con đầu của ông là Nguyễn Khản được bổ chức Nhập thị bồi tụng, hai cha con cùng ở trong chính phủ. Ông mất ngày 17 tháng 11 năm Ất mùi, tức ngày 07 tháng 01 năm 1776, có cả thảy tám người vợ và hai mươi mốt người con, cả trai lẫn gái.
3. Mẹ Nguyễn Du là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, tên là Trần Thị Tần, con gái một ông làm chức câu kê (kế toán), người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Bà sinh ngày 03 tháng 7 năm Canh thân, niên hiệu Cảnh Hưng, tức ngày 24 tháng 8 năm 1740, trẻ hơn chồng mười hai tuổi. Mẹ Nguyễn Du sinh được tất cả năm người con, bốn trai một gái. Năm 1775 người con đầu của bà là Nguyễn Trụ mất mới mười tám tuổi, năm sau chồng mất. Hai cái tang kế tiếp nhau trong hai năm liền làm cho bà đau buồn, lâm bệnh, và hai năm sau khi chồng mất, bà cũng qua đời ngày 06 tháng 7 năm Mậu tuất, tức ngày 17 tháng 8 năm 1778, mới ba mưoi chín tuổi.
4. Gia đình cũng như dòng họ Nguyễn Du có rất nhiều người làm quan dưới triều Lê - Trịnh. Người địa phương có câu ca dao nói về dòng họ này:
“Bao giờ ngàn Hống hết cây,
Sông Rum hết nước, họ này hết quan”.
Nhưng gia đình Nguyễn Du không phải chỉ có nhiều người làm quan, mà còn có nhiều người viết sách, làm văn, nghĩa là một gia đình có truyền thống về văn học. Nguyễn Quỳnh ông nội Nguyễn Du là một nhà triết học chuyên nghiên cứu Kinh Dịch. Nguyễn Nghiễm một sử gia, đồng thời là một nhà thơ. Nguyễn Khản anh cả Nguyễn Du giỏi thơ Nôm, hay làm thơ đối đáp với Trịnh Sâm. Tương truyền Nguyễn Khản là một trong những người có dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra tiếng Việt. Rồi Nguyễn Đề anh cùng mẹ với Nguyễn Du, Nguyễn Thiện cháu gọi Nguyễn Du bằng chú ruột, Nguyễn Hành em ruột Nguyễn Thiện đều là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng.
Họ Nguyễn Tiên Điền lại thông gia với họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, cũng là một họ lớn và nổi tiếng về văn học ở vùng Nghệ - Tĩnh. Sống trong một môi trường như thế, năng khiếu văn học của Nguyễn Du có điều kiện nảy nở và phát triển từ sớm.
5. Nguyễn Du lúc nhỏ có tiếng khôi ngô. Xác nhận điều đó, Gia phả chép chuyện Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, bạn của Nguyễn Nghiễm, có lần đến chơi nhà, trông thấy tướng mạo Nguyễn Du thông minh, ông rất mến, có tặng Nguyễn Du một thanh bảo kiếm. Lên sáu tuổi Nguyễn Du bắt đầu đi học. Những năm tuổi nhỏ nhà thơ sống trong vàng son, nhung lụa của một cuộc sống quý tộc, giàu sang. Nguyễn Hành cháu Nguyễn Du trong bài Đồng Xuân ngụ ký có ghi lại cảnh sống của gia đình Nguyễn Du lúc bấy giờ: “Nhớ lại cảnh phú quý khi trước, nhà tôi một ông hai chú dự vào trong chính phủ, ơn nước dồi dào, các nơi trong thành Bích Câu lâu đài san sát, những người xe ngựa võng lọng hàng ngày chầu chực ở trước cửa. Trong nhà, hạng người nô bộc cũng được ăn thịt, mặc áo gấm. Tôi sinh sau đẻ muộn vẫn còn kịp trông thấy cảnh tượng ấy”. Nhưng cuộc sống này kéo dài không được bao lâu, những biến cố dữ dội của thời đại và của gia đình đã nhanh chóng đẩy nhà thơ ra giữa bão táp của cuộc đời.
Nguyễn Du mười tuổi thì mồ côi bố, mười hai tuổi mồ côi cả bố lẫn mẹ. Bốn anh em cùng mẹ với Nguyễn Du chưa một người nào đến tuổi trưởng thành, gia đình bên ngoại không phải nơi quyền quý, nên anh em Nguyễn Du phải đến ở với người anh cả khác mẹ là Nguyễn Khản, bấy giờ đang làm Tả thị lang Bộ Hình kiêm Hiệp trấn xứ Sơn Tây. Năm 1780, Triều đình có biến, Nguyễn Khản về quê ở Hà Tĩnh. Năm 1783 Nguyễn Du mười tám tuổi, đi thi hương ở Sơn Nam, đậu tam trường.
Một ông quan họ Hà, làm việc dưới triều Nguyễn Nghiễm giữ chức Chánh thủ hiệu đội quân hùng hậu ở Thái Nguyên, không có con trai, trước đây có xin Nguyễn Du làm con nuôi. Sau khi người họ Hà mất, Nguyễn Du được kế chân làm chức ấy.
Năm 1789, Tây Sơn kéo quân ra Bắc đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, Nguyễn Du trở về quê vợ ở xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Sơn Nam (Thái Bình), vài năm sau ông về quê ở Hà Tĩnh sống thời gian khá dài. Trong thời gian “mười năm gió bụi” và những năm về quê sống “dưới chân Hồng Lĩnh”, nhà thơ có dịp hiểu biết quần chúng, sống gần gũi quần chúng, ngọn nguồn của mọi giá trị tinh thần cao quý nhất của dân tộc.
Có thể nói, thiên tài lỗi lạc của Nguyễn Du, những gì là của hồn thơ bất diệt ấy đã được ấp ủ và nảy nở chủ yếu trong những năm tháng buồn vui lẫn lộn này.
Nguyễn Du sống ở Hồng Lĩnh cho mãi đến mùa thu 1802, Triều Gia Long, tháng 8 năm này Nguyễn Du được bổ làm Tri huyện Phù Dung (thuộc Khoái Châu, Sơn Nam, nay là tỉnh Hưng Yên). Tháng 11 đổi làm Tri phủ Thường Tín. Năm 1803 ông được cử lên cửa Nam Quan tiếp sứ thần Trung Quốc. Năm 1805 Nguyễn Du được thăng Đông các điện học sỹ, phong tước Du Đức hầu. Năm 1807 được cử làm giám khảo trường thi hương ở Hải Dương. Năm 1809 được bổ làm Cai bạ dinh Quảng Bình. Nguyễn Du giữ chức này trong bốn năm liền. Gia phả chép: “Phàm những việc công trong hạt như lính tráng, dân sự, kiện thưa, tiền nong, lương thực và các hạng thuế, ông đều bàn bạc thương thuyết với các quan lưu thủ, ký lục để thi hành. Ông giữ chức Cai bạ bốn năm, chính sự giản dị, không cầu tiếng tăm, nên được sĩ phu và nhân dân yêu mến”.
Năm 1813, Nguyễn Du thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Sau khi về nước, năm 1815 ông được thăng Hữu Tham tri Bộ Lễ. Năm 1820 Minh Mệnh lên ngôi, định cử ông làm Chánh sứ sang Trung Quốc lần nữa, để cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì ngày 10 tháng 8 năm Canh thìn, tức ngày 16 tháng 9 năm 1820 ông mất đột ngột trong một nạn dịch ghê gớm làm chết hàng vạn người.
Cuộc đời làm quan của Nguyễn Du dưới Triều đại nhà Nguyễn nói chung không có trở ngại gì. Trong suốt gần hai mươi năm làm quan, Nguyễn Du chỉ xin về có bốn lần, lần dài nhất là sáu tháng, còn những lần khác chỉ một hai tháng rồi ra làm việc lại. Ông được thăng chức khá nhanh và có lúc giữ những chức vụ tương đối quan trọng. Chính sách phân biệt đối xử nghiêm khắc của Triều đình nhà Nguyễn không áp dụng cho Nguyễn Du như đối với người miền Bắc, đối với các di thần nhà Lê. Mặc dù vậy, nhà thơ hình như vẫn có điều gì bất như ý sâu sắc đối với đương thời. Đại Nam chính biên liệt truyện viết: “Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì”. Có lần Gia Long trách ông: “Nhà nước dùng người cứ kẻ hiền tài là dùng, chứ không phân biệt Nam Bắc. Ngươi với ta đã được ơn tri ngộ, làm quan đến bực Á khanh, biết việc gì thì phải nói cho hết chức trách của mình, sao lại cứ rụt rè, sợ hãi, chỉ vâng lời dạ dạ cho qua chuyện”. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện viết về cái chết của nhà thơ: “Đến khi ốm nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói “được”, rồi mất; không trối lại một điều gì”.
Nguyễn Du mất ở Kinh, lúc đầu chôn ở xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, bốn năm sau mới dời về an táng ở Tiên Điền. Lúc nhà thơ qua đời, quan lại ở Kinh nhiều người làm câu đối phúng viếng, hết lời ca ngợi tài hoa rất mực của nhà thơ. Có những câu:
“Nhất viện cầm tôn nhân ký khứ.
Đại gia văn tự thế thanh truyền”.
(Rượu đàn đầy viện người đi vắng,
Văn tự hơn đời tiếng dội vang.)
Hay:
“Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh, sinh bất thiểm,
Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc, tử do vinh”.
(Một kiếp tài hoa, làm sứ, làm khanh, sinh chẳng thẹn,
Trăm năm sự nghiệp, ở nhà, ở nước, chết còn vinh)
Nguyễn Du có ba vợ, một vợ cả, một vợ kế, một vợ thiếp; có mười hai con trai và sáu con gái. Người con đầu của ông là Tứ, có theo nhà thơ sang Trung Quốc trong chuyến đi sứ, về nước được vài năm thì mất. Người thứ hai là Ngũ, thời Minh Mệnh giữ chức Tuần huyện. Người thứ ba, con bà thiếp, tên là Thuyến, Gia phả nói “giỏi văn học”, nhưng không thấy có tác phẩm để lại, còn những người khác không rõ làm việc gì.
Về sáng tác của Nguyễn Du, ngoài Truyện Kiều nổi tiếng, những tác phẩm viết bằng chữ Nôm của ông còn có bài Văn chiêu hồn (hay gọi là Văn tế thập loại chúng sinh), bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu và bài thơ Thác lời trai phường Nón. Những sáng tác bằng chữ Hán của ông gồm ba tập thơ là: Thanh Hiên tiền hậu tập (thường gọi là Thanh Hiên thi tập), Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục.
Nguyễn Du là nhà thơ lớn của dân tộc, là tập đại thành của văn học phong kiến, là người kế thừa một cách sáng tạo truyền thống tốt đẹp của văn học dân tộc và nâng truyền thống ấy lên một đỉnh cao chói lọi.
Phần II: Chỉ xin đề cập phần sáng tác bằng thơ của Nguyễn Du:
1. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du được sáng tác liên tục trong một thời gian dài “Từ năm nhà thơ 21 tuổi (1786) cho đến năm nhà thơ 49 tuổi (1814)”.
THANH HIÊN THI TẬP: 78 bài, Nguyễn Du làm từ năm 1786 - 1804.
NAM TRUNG TẠP NGÂM: 40 bài, làm từ năm 1805 - 1812.
BẮC HÀNH TẠP LỤC: 131 bài, làm trong chuyến đi sứ Trung Quốc 1813 - 1814
(Tổng cộng 249 bài). Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, một ấn tượng sâu sắc để lại cho người đọc là nhà thơ rất buồn. Lúc nào cũng buồn. Có lý do để buồn đã đành, nhiều khi vô cớ, không đâu ông vẫn cứ buồn như vậy. Buồn thương như một tiếng đàn réo rắt, não nuột vang lên trong hầu khắp các thi phẩm của ông. Ngay cảnh một ngày thu đẹp đối với ông sao cũng buồn quá đỗi:
“Thụ phong cao trúc minh thiên lại,
Linh vũ hoàng hoa bố địa kim”
(Tạp ngâm)
(Bụi trúc cao gió thổi, tiếng sáo trời nổi lên,
Hoa cúc sau trận mưa rơi xuống như rắc vàng trên mặt đất)
Nguyễn Du gọi mình là người “đa bệnh đa sầu” và có lần không giấu được nỗi sầu, ông thanh minh: “Các bạn thân trách ta sao hay buồn và hay mơ mộng”. Rồi ông lại cười lặng lẽ tự trả lời: “ Nhưng thiên hạ ai là người không ở trong mộng”? (Ngẫu đề)
Thơ chữ Hán Nguyễn Du đọc lên cũng luôn có cảm giác ấm ức:
“Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ,
Hồng sơn sơn hạ Quế giang thâm”.
(My trung mạn hứng)
(Ta có một chút tâm sự không biết ngỏ cùng ai,
Dưới chân núi Hồng, sông Quế giang sâu thẳm)
Và trong bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ thì ông kết thúc bằng hai câu thơ tâm sự:
“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
(Không biết hơn ba trăm năm nữa,
Người đời có ai khóc Tố Như chăng)
Nguyễn Du cảm thấy mình cô độc trong cuộc đời, không có ai là tri âm, tri kỷ ở cõi đời này. Nhà thơ hỏi vọng về tương lai, mà những câu thơ của ông viết về tương lai, vẫn không có ánh sáng, vẫn cứ bế tắc.
Rõ ràng, Nguyễn Du có một tâm sự lớn, làm sáng tỏ tâm sự của Nguyễn Du là để hiểu đúng nhà thơ, đó cũng là vấn đề quyết định giá trị những tác phẩm thơ chữ Hán của Nguyễn Du.
2. Truyện Kiều, tập đại thành của văn học cổ Việt Nam
a. Kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du nguyên tên là Đoạn trường tân thanh nghĩa là “Tiếng nói mới đứt ruột”, là một tác phẩm viết dựa theo một tác phẩm cổ của Trung Quốc tên là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyễn Du không lệ thuộc người xưa, phần sáng tạo của ông khá lớn vào hệ thống tình tiết truyện, thêm vào rất nhiều đoạn tả cảnh, tả tình nhằm nêu rõ tính cách và tâm trạng của nhân vật. Dường như hầu hết các cảnh thiên nhiên mỹ lệ, từ cảnh mùa xuân êm đềm, cảnh mùa hè gay gắt, cảnh mùa thu mơ màng trong sáng đến cảnh đêm trăng mới lên thơ mộng và huyền ảo, cảnh đêm tàn đầy hăm doạ đối với một người con gái trốn nhà ra đi...tất cả đều là những sáng tạo riêng dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du. Mọi cảm lại, nhận thức lại, sắp xếp lại của Nguyễn Du khi sáng tạo Truyện Kiều là giữ lại những gì phù hợp với “những điều trông thấy”, từng trải của mình và thể hiện nó bằng một ngòi bút tràn đầy cảm xúc của một nhà thơ chân chính.
Ví như tả Đạm Tiên:
“Thoắt trông thấy một tiểu kiều,
Có chiều phong vận, có chiều thanh tân,
Sương im mặt tuyết pha thân,
Sen vàng lãng đãng như gần như xa”
Sau buổi chiều chơi “tiết thanh minh” gặp gỡ Kim Trọng, đêm ấy về nhà, Thuý Kiều của Nguyễn Du chỉ “Một mình lặng ngắm bóng nga”. Nhà thơ cực tả một đêm trăng rất đẹp:
“Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân...”
và trong đêm trăng ấy, Thuý Kiều lặng lẽ suy nghĩ về cuộc đời, về Đạm Tiên và Kim Trọng: “Rộn đường gần với nỗi xa bời bời”
...v.v...
“Cần phải nhớ rằng không có Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân không thể có Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thanh Tâm Tài Nhân đã gợi ý cho Nguyễn Du nhìn thêm rõ, cảm nghĩ thêm sâu và đã giúp cho Nguyễn Du một câu chuyện có thể dựa vào đó mà nói lên những xót xa căm giận, mơ ước, băn khoăn không thể nói bằng cách nào khác trong hoàn cảnh đương thời”, “Nguyễn Du đã sáng tạo lại chủ yếu là với những nguyên liệu của mình, những điều nghe thấy, cảm xúc suy nghĩ của mình trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam, ở thời đại Nguyễn Du. Linh hồn câu chuyện trước hết là những tình cảm của Nguyễn Du”(Hoài Thanh)
Vì vậy chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nói đến những cống hiến của Nguyễn Du không phải chỉ về phương diện ngôn ngữ, nghệ thuật của Truyện Kiều mà cả về nội dung của nó nữa.
Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du
b. Cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều sâu sắc và có ý nghĩa xã hội rộng lớn.
Có thể nói Truyện Kiều là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại nhà thơ đang sống, trong đó Nguyễn Du muốn làm nổi bật sự đối lập gay gắt giữa quyền sống của con người, nhất là của người phụ nữ, với sự áp bức của chế độ phong kiến trong lúc suy tàn. Có thể nói, một chủ nghĩa nhân đạo cao cả chừng mực nào có chiến đấu tính chống phong kiến là nền tảng vững chãi cho tác phẩm vĩ đại này. Chủ nghĩa nhân đạo ấy hay cảm hứng chủ đạo ấy thấm nhuần trong mọi tình tiết của tác phẩm, thấm nhuần trong cách miêu tả con người cũng như trong cách miêu tả thiên nhiên tạo vật. Tập trung nhất là ở hai nhân vật trung tâm: Thuý Kiều và Từ Hải.
THUÝ KIỀU:
“Nguyễn Du không nhằm nặn ra một Thuý Kiều để làm rạng danh cho một nguyên lý đạo đức nào” (Lê Đình Kỵ) Nguyễn Du muốn xây dựng Thuý Kiều thành một con người lý tưởng, một con người ưu tú, một Con Người viết hoa, tưởng tượng cho cái đẹp, cái tinh hoa của con người.
Thuý Kiều phải là một nhân cách, một thước đo, một nguyên lý để mọi giá trị thực hay giả của đời sống khi đối chiếu với nó, hay soi mình vào nó sẽ bộc lộ tất cả bản chất tuyệt vời cao đẹp, hay bỉ ổi xấu xa, chứ không thể nguỵ trang, che giấu được. Nhà thơ đặt nhân vật ấy vào trong một xã hội giống như xã hội nhà thơ đang sống, ông theo dõi, chứng kiến, và cuối cùng với tất cả những bằng chứng không thể chối cãi được, nhà thơ thét lên: Hãy cứu lấy con người, cứu lấy phụ nữ! “ Đau đớn thay phận đàn bà!” Vấn đề nhà thơ đặt ra, như Xuân Diệu nói, “Đặt ra một cách ghê gớm như lửa châm nhà đã cháy, như chuông treo sợi chỉ mành sắp đứt, như thòng lọng đã riết vào cổ người”.
Đó là cách đặt vấn đề của Nguyễn Du, là cảm hứng của nhà thơ khi xây dựng nhân vật Thuý Kiều trong truyện.
TỪ HẢI:
Nhân vật Từ Hải thể hiện quan niệm ước mơ về cuộc sống, cho nên hình ảnh Từ Hải căn bản là lãng mạn.
Ý nghĩa của hình tượng Từ Hải chính là tính chất lãng mạn ấy, là sự đối lập của nó với toàn bộ cuộc sống của xã hội phong kiến trong truyện. Có thể nói, nếu cuộc sống trong Truyện Kiều là phi nghĩa, bất công, thì Từ Hải là hiện thân của công bằng, chính nghĩa. Nếu cuộc sống trong Truyện Kiều là lừa đảo, phản trắc, là cậy thế lấy thịt đè người, thì Từ Hải là hiện thân của chung thuỷ, của nhân ái, của sự tôn trọng phẩm giá con người. Nếu cuộc sống trong Truyện Kiều là chật hẹp, gò bó, con người quay bên nào cũng thấy vướng mắc, sẩy chân khỏi nhà là rơi vào nhà chứa, trốn khỏi nhà là rơi vào cửa quan, vào lâu đài của bọn quý tộc, sang trọng nhưng giết người, thì Từ Hải là hiện thân của tung hoành ngang dọc, của con người tự do, không một sức mạnh nào ràng buộc nổi...Nếu cuộc sống trong Truyện Kiều là bóng tối, thì Từ Hải là ánh sáng. Nguyễn Du sáng tạo lại nhân vật Từ Hải với bấy nhiêu cảm hứng để giữ cho nhân vật được nhất quán trong màu sắc lung linh của một thứ ánh sáng lý tưởng, phi thường của nhân vật này, “Con người Từ Hải không phải là con người của một làng, một họ, mà là con người của trời đất, của bốn phương” (Hoài Thanh).
c. Nội dung xã hội của Truyện Kiều
Truyện kiều không đơn giản là câu chuyện về cuộc đời Thuý Kiều. Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du viết bằng “những điều trông thấy” là cả một xã hội. Nội dung xã hội trong Truyện Kiều tập trung ở ba đặc điểm sau đây:
Một là trong xã hội Truyện Kiều quyền to nhất là ở trong tay bọn quan lại phong kiến. Đầu mối của mọi cái xấu xa, tàn bạo trong xã hội là do bọn phong kiến gây ra. Cái xấu của bọn quan lại là bản chất. Nguyễn Du khái quát:
“Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.”
Truyện Kiều có ba tên quan và cả một gia đình quan lại. Tên quan thứ nhất tiếp tay cho bọn sai nha “cướp ngày”, tra khảo tàn khốc Vương Ông, Vương Quan. Chính tên quan này đã đẩy Thuý Kiều, một cô gái trong trắng lương thiện vào nhà chứa, để “Có ba trăm lạng việc này mới xong”. Thuý Kiều phải bán mình lấy tiền chuộc cha, chuộc em. Tên quan thứ hai “mặt sắt đen sì”, đại diện luật pháp sử kiện của Thúc ông với Thuý Kiều “Một là cứ phép gia hình/Một là lại cứ lầu xanh phó về”. Ở đây rõ ràng có tính chất trả thù, lăng nhục, chứ không có tính chất giáo huấn, sửa sai. Viên quan thứ ba là trọng thần Tổng đốc Hồ Tôn Hiến, tên quan to nhất, cũng là tên quan ti tiện, bỉ ổi nhất. Hắn đã đẩy Thuý Kiều đến cảnh phải nhảy xuống sông tự vẫn.
Gia đình Hoạn Thư “Thiên quan trủng tể có bài treo trên”, chúng đốt nhà người, bắt người về hành hạ, mà không sợ gì luật pháp. Đối với gia đình quan Lại bộ Thượng thư này, chính quyền không được động đến, nhà chùa cũng phải sợ, nhà buôn cũng phải nể.
Hai là trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thấy sự tha hoá của đồng tiền. Đồng tiền trong tay bọn quan lại, trong tay kẻ xấu đã gây ra tai hoạ cho con người
“Trong tay đã sẵn đồng tiền
Dẫu rằng đổi trắng, thay đen khó gì”
Ba là thế lực của các nhà chứa. Nhà chứa được pháp luật thừa nhận, hoạt động công khai, tự do đi mua người, rồi lại tự do bán người. Thuý Kiều sảy nhà là rơi vào nhà chứa, là nạn nhân của xã hội buôn thịt bán người.
Bằng sự từng trải, lịch duyệt, Nguyễn Du đã vẽ ra xã hội phong kiến trong Truyện Kiều không phải là một xã hội đang thịnh, đang đi lên, mà là một xã hội đang tàn tạ, đang thối rữa.
d. Điển hình hoá trong Truyện Kiều
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, về mặt nghệ thuật, chúng ta được chứng kiến sự phá vỡ truyền thống để đi đến chủ nghĩa hiện thực trong tính cách phổ biến của nó.
Một: Những nhân vật chính diện như Từ Hải và Kim Trọng, được xây dựng theo lối lý tưởng hoá.
Hai: Những nhân vật phản diện như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, đặc biệt là cặp vợ chồng Hoạn Thư - Thúc Sinh, trên căn bản được xây dựng theo lối điển hình hoá của chủ nghĩa hiện thực.
Ba: Còn trường hợp nhân vật Thuý Kiều, một nhân vật chính diện trung tâm của tác phẩm, một nhân vật vừa chứa đựng lý tưởng chủ quan của nhà thơ, đồng thời chứa đựng những vấn đề xã hội của tác phẩm thì phương thức điển hình hoá của nó không thuộc một trong hai loại trên, mà có tính chất quá độ, biện chứng trong quá trình biến chuyển từ lối điển hình hóa truyền thống theo lý tưởng hoá đến lối điển hình hoá của chủ nghĩa hiện thực (Ví như Nguyễn Du miêu tả nội tâm Thuý Kiều trao duyên cho Thuý Vân, thì phải nói nhà thơ đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật biểu hiện tâm trạng).
e. Ngôn Ngữ Trong Truyện Kiều
Nguyễn Du là bậc thầy của ngôn ngữ dân tộc, là tập đại thành về ngôn ngữ của thời đại ông, là người đã nâng ngôn ngữ văn học dân tộc của thời đại lên một đỉnh cao chói lọi.
Truyện Kiều là “Một khúc Nam âm tuyệt xướng” (Đào Nguyên Phổ), “trình độ lời thơ được phổ cập đến mọi người” (Lê Trí Viễn).
Truyện Kiều đã đem lại lòng tin cho mọi người về khả năng phong phú của tiếng Việt, và Truyện Kiều đã có công khai sáng cho nhiều nhà văn, nhà thơ đời sau về phương diện sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong sáng tác văn chương.
Ở bộ phận từ thuần Việt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều thường xuất phát từ hai nguồn: một nguồn từ ca dao, tục ngữ, thành ngữ, nghĩa là từ một thứ ngôn ngữ đã được trau chuốt, đúc kết, một thứ ngôn ngữ văn học của quần chúng (“Vầng trăng ai xẻ làm đôi” - Truyện Kiều/ “Vầng trăng xẻ nửa tơ lòng đứt đôi” - Ca dao). Và một nguồn lấy trực tiếp từ lời ăn tiếng nói hàng ngày của họ ( “Nàng rằng: thôi thế thì thôi,/ Bằng không thì cũng vâng lời rằng không” - Truyện Kiều). Ở phương diện này Nguyễn Du cũng có những tìm tòi, những đóng góp hết sức độc đáo (...). Phong cách ngôn ngữ Nguyễn Du trong Truyện Kiều là sự súc tích, chính xác, là sự giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu...
Nguyễn Du đã thâu tóm được trong tác phẩm của mình tinh hoa của ngôn ngữ bác học , với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân, đã nhào nặn lại và góp phần nâng cao nó. Công đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ là có một không hai trong lịch sử.
Phần III
Truyện Kiều vẫn còn là một đối tượng đầy hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu:
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”...
(Tố Hữu - Kính gửi cụ Nguyễn Du)
Bởi vì: “ Nguyễn Du đối với ta vẫn có thể là một kỹ sư tâm hồn. Nguyễn Du vẫn có thể dạy ta biết ghét, biết yêu...Truyện Kiều chứa chan những mối tình thắm thiết, Truyên Kiều một sức sống bị gò lại, bị dằn xuống và vì thế từng khao khát sống đầy đủ, sống say sưa. Truyện Kiều ngay giờ đây vẫn còn khả năng cải tử hoàn sinh, vẫn có thể gieo chất nồng say vào cuộc sống”. (Hoài Thanh) Và cũng như Nguyễn Bính (1918 - 1966) nhà thơ Chân Quê của hồn thơ hiện đại Việt Nam đã đằm thắm tự hào:
“Quê hương tôi có hát xoè, hát đúm ...
“Có Nguyễn Du và có một Truyện Kiều”
(Bài thơ quê hương - 1966).