Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Lạm phát: Khái niệm, cách tính và nguyên nhân

Thứ ba - 17/03/2015 07:17
Trong một nền kinh tế, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền. Khi so sánh với các nền kinh tế khác thì lạm phát là sự phá giá đồng tiền nội tệ so với các loại tiền tệ khác. Thế nào là lạm phát?
Lạm phát nói chung có thể được hiểu là việc giá cả các hàng hóa tăng lên so với mức giá thời điểm trước (vật giá leo thang). Cần phải hiểu việc tăng giá ở đây là gia tăng chung của hầu hết các hàng hóa và dịch vụ, chứ không phải tăng giá một hàng hóa cá biệt. Khi giá trị của hàng hóa và dịch vụ tăng lên, đồng nghĩa với sức mua của đồng tiền giảm đi. Khi đó, với cùng một lượng tiền nhưng người tiêu thụ mua được ít hàng hóa hơn so với trước đó.
 
Trong một nền kinh tế, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền. Khi so sánh với các nền kinh tế khác thì lạm phát là sự phá giá đồng tiền nội tệ so với các loại tiền tệ khác.
 
Lạm phát cũng có thể là do khối lượng tiền lưu hành trong xã hội tăng lên khi Chính phủ không quản lý được khối lượng tiền lưu hành, hoặc là do Chính phủ phát hành thêm tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, số lượng hàng hóa xã hội sản xuất ra vẫn không tăng, dẫn đến thừa tiền. Khi thừa tiền sẽ kích thích người tiêu dùng tăng sức mua (tăng cầu) khiến giá cả tăng vọt, có khi đưa đến siêu lạm phát.
 
Lạm phát cũng có thể do tác động của yếu tố bên ngoài, do dòng tiền nước ngoài đổ vào trong nước nhiều dẫn đến thừa tiền, hoặc do giá của một số mặt hàng thiết yếu nào đó trên thế giới tăng, chẳng hạn như giá dầu thô tăng, dẫn đến các nước có nhập khẩu dầu sẽ tăng giá điện, cước phí vận chuyển hàng hóa cũng tăng. Điện và cước phí vận chuyển là những chi phí đầu vào chủ yếu của tất cả các ngành hàng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng theo.
 
Lạm phát có thể do nhiều nguyên nhân tác động khác nhau, kể cả chính sách tăng lương của Chính phủ cũng có thể góp phần tác động đến lạm phát, vì khi tăng lương, người lao động thu nhập được nhiều tiền hơn và mạnh tay chi tiêu, mua sắm, cầu vượt cung. Ngay cả trong trường hợp các nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ đua nhau khuyến mãi, kích cầu làm cho thị trường tăng sức mua, tạo ra đòn bẫy cầu tăng vượt cung, dẫn đến thị trường tự điều tiết tăng giá góp phần gây ra lạm phát, nhất là thời điểm giáp tết.
 
Tóm lại, lạm phát xảy ra khi xuất hiện sự gia tăng mặt bằng chung về giá cả hàng hóa. Trong mỗi giai đoạn có thể có giá mặt hàng này tăng, mặt hàng kia giảm, nhưng nếu mức giá chung tăng, ta có lạm phát. Nếu mức giá chung giảm, ta có giảm phát. Nếu chỉ có một vài mặt hàng chẳng hạn như giá đường, hay giá gạo tăng một cách đơn lẻ thì không có nghĩa là lạm phát, mà đơn giản chỉ là một sự mất cân đối tạm thời giữa cung và cầu trong ngắn hạn. Khi lạm phát xảy ra, giá trị của đồng tiền bị sụt giảm.
 
Lạm phát được tính như thế nào?
 
Lạm phát được đo lường bằng cách theo dõi sự thay đổi giá cả của một lượng lớn các hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế, thông thường dựa trên dữ liệu được thu thập bởi các tổ chức Nhà nước, các liên đoàn lao động và các tạp chí kinh doanh…
 
Giá cả của các loại hàng hóa và dịch vụ được tổ hợp với nhau để đưa ra một chỉ số giá cả đo mức giá cả trung bình, là mức giá trung bình của một tập hợp các sản phẩm. Tỷ lệ lạm phát là tỷ lệ phần trăm mức tăng của chỉ số này.
 
Không tồn tại một phép đo chính xác duy nhất chỉ số lạm phát vì giá trị của chỉ số này phụ thuộc vào tỷ trọng mà người ta gán cho mỗi hàng hóa trong chỉ số, cũng như phụ thuộc vào phạm vi khu vực kinh tế mà nó được thực hiện. Tuy nhiên, thước đo lạm phát phổ biến nhất chính là chỉ số giá tiêu dùng CPI (consumer price index) là chỉ số đo giá cả của một số lượng lớn các loại hàng hóa và dịch vụ, bao gồm thực phẩm, lương thực, chi trả cho các dịch vụ y tế..., được mua bởi "người tiêu dùng thông thường". 
 
Chỉ số đo lường lạm phát 
 
1. Hệ số giảm phát GDP (GDP deflator) được tính trên cơ sở so sánh giá trị GDP tính theo giá hiện hành và GDP tính theo giá kỳ trước. Nghĩa là đo lường mức tăng và giảm giá trên tất cả các loại hàng hoá dịch vụ tính trong GDP.
 
2. Chỉ số giá tiêu dùng hay chỉ số giá cả CPI: được tính theo bình quân gia quyền của một nhóm các hàng hóa thiết yếu.
Ở Việt Nam, giá nhóm hàng lương thực, vàng, đô la là nhóm có trọng số lớn. Chỉ số này không phản ánh sự biến động giá chung, nhưng nó phản ánh biến động giá cả ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống, tiêu dùng.
 
Khi nói tốc độ lạm phát, nguời ta cũng thường dùng chỉ số này. Khi nền kinh tế có lạm phát, nếu không do nguyên nhân tác động từ nước ngoài, hay một thay đổi lớn về cung (thừa) sản phẩm, thì nó thể hiện cầu hàng hóa lớn hơn cung hàng hóa. Việc duy trì cầu hàng hóa lớn hơn cung hàng hóa ở một mức độ vừa phải, do đó, lạm phát ở mức vừa phải, là cần thiết để kích thích sản xuất, giúp cho việc tiêu thụ hàng hóa tốt hơn và tạo lợi nhuận cần thiết cho các doanh nghiệp đầu tư nâng cao công nghệ, mở rộng sản xuất. Nếu nền kinh tế sa vào giảm phát, nghĩa là sẽ bị thừa cung, thừa ứ hàng hóa, gây ra tình trạng đình đốn, thua lỗ ở các doanh nghiệp.
 
Các nguyên nhân gây ra lạm phát
 
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát, trong đó "lạm phát do cầu kéo" "lạm phát do chi phí đẩy" được coi là hai thủ phạm chính.
Cân đối thu chi là điều không thể tránh khỏi khi xảy ra lạm phát.
 
- Lạm phát do cầu kéo:

Khi nhu cầu của thị trường về một mặt hàng nào đó tăng lên sẽ kéo theo sự tăng lên về giá cả của mặt hàng đó. Giá cả của các mặt hàng khác cũng theo đó leo thang, dẫn đến sự tăng giá của hầu hết các loại hàng hóa trên thị trường. Lạm phát do sự tăng lên về cầu (nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng) được gọi là “lạm phát do cầu kéo”.
 
- Lạm phát do chi phí đẩy:

Chi phí đẩy của các doanh nghiệp bao gồm tiền lương, giá cả nguyên liệu đầu vào, máy móc, chi phí bảo hiểm cho công nhân, thuế... Khi giá cả của một hoặc vài yếu tố này tăng lên thì tổng chi phí sản xuất của các xí nghiệp chắc chắn cũng tăng lên, vì thế mà giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng lên nhằm bảo toàn lợi nhuận và thế là mức giá chung của toàn thể nền kinh tế cũng sẽ tăng được gọi là “lạm phát do chi phí đẩy”.
 
- Lạm phát do cơ cấu:
 
Với ngành kinh doanh có hiệu quả, doanh nghiệp tăng dần tiền công “danh nghĩa” cho người lao động. Nhưng cũng có những nhóm ngành kinh doanh không hiệu quả, doanh nghiệp cũng theo xu thế đó buộc phải tăng tiền công cho người lao động. Nhưng vì những doanh nghiệp này kinh doanh kém hiệu quả, nên khi phải tăng tiền công cho người lao động, các doanh nghiệp này buộc phải tăng giá thành sản phẩm để đảm bảo mức lợi nhuận và làm phát sinh lạm phát.
 
- Lạm phát do cầu thay đổi:
 
Khi thị trường giảm nhu cầu tiêu thụ về một mặt hàng nào đó, trong khi lượng cầu về một mặt hàng khác lại tăng lên. Nếu thị trường có người cung cấp độc quyền và giá cả có tính chất cứng nhắc phía dưới (chỉ có thể tăng mà không thể giảm, như giá điện ở Việt Nam), thì mặt hàng mà lượng cầu giảm vẫn không giảm giá. Trong khi đó mặt hàng có lượng cầu tăng thì lại tăng giá. Kết quả là mức giá chung tăng lên, dẫn đến lạm phát.
 
- Lạm phát do xuất khẩu:

Khi xuất khẩu tăng, dẫn tới tổng cầu tăng cao hơn tổng cung (thị trường tiêu thụ lượng hàng nhiều hơn cung cấp), khi đó sản phẩm được thu gom cho xuất khẩu khiến lượng hàng cung cho thị trường trong nước giảm (hút hàng trong nước) khiến tổng cung trong nước thấp hơn tổng cầu. Khi tổng cung và tổng cầu mất cân bằng sẽ nảy sinh lạm phát.
 
- Lạm phát do nhập khẩu:

Khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng (do thuế nhập khẩu tăng hoặc do giá cả trên thế giới tăng) thì giá bán sản phẩm đó trong nước sẽ phải tăng lên. Khi mức giá chung bị giá nhập khẩu đội lên sẽ hình thành lạm phát.
 
- Lạm phát tiền tệ:

Khi cung lượng tiền lưu hành trong nước tăng, chẳng hạn do ngân hàng trung ương mua ngoại tệ vào để giữ cho đồng tiền trong nước khỏi mất giá so với ngoại tệ; hay do ngân hàng trung ương mua công trái theo yêu cầu của nhà nước làm cho lượng tiền trong lưu thông tăng lên cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát.

Sách giải st

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây