Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giải Công dân 8 sách Cánh diều, bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

Thứ năm - 05/10/2023 23:13
Giải Công dân 8 sách Cánh diều, bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc - Trang 10, 11, 12, 13, 14.

Mở đầu trang 10: Em hãy đoán tên các quốc gia dựa trên những biểu tượng văn hóa- lịch sử của các quốc gia đó qua các hình dưới đây:
giai cong dan 8 sach canh dieu bai 2

Trả lời:
- Hình ảnh 1: Quảng trường Ba Đình và Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh => đây là một trong những biểu tượng văn hóa - lịch sử của đất nước Việt Nam.
- Hình ảnh 2: Núi Phú Sỹ => đây là một trong những biểu tượng văn hóa - lịch sử của đất nước Nhật Bản.
- Hình ảnh 3: Tháp Eiffel => đây là một trong những biểu tượng văn hóa - lịch sử của nước Pháp.
- Hình ảnh 4: Tượng Nữ thần Tự do => đây là một trong những biểu tượng văn hóa - lịch sử của đất nước Hoa Kỳ (Mỹ).
 

1. Biểu hiện sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới

Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi
Thông tin 1. Ngày 16/11/1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Ngày Quốc tế Khoan dung và lấy ngày 16/11 hằng năm để kỉ niệm Ngày Quốc tế Khoan dung. Đại diện của 185 quốc gia đã kí vào bản Tuyên bố đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28 của UNESCO, theo đó cam kết: “Tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng, phong phủ các nền văn hoá của thế giới, những hình thức tự biểu hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người". Các quốc gia cũng công nhận một thực tế là con người khác nhau về hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị, song đều có quyền được sống trong hoà bình và duy trì cá tính của riêng mình.

(Theo dangcongsan.vn, Ngày Quốc Tế Khoan Dung. 16/11/2014)

Thông tin 2. Trang phục của mỗi quốc gia trong cộng đồng ASEAN chứa dựng những nét văn hoá khác nhau, thể hiện bản sắc của đất nước.
Với người Cam-pu-chia, trang phục truyền thống có tên gọi là Sam-pot. Trang phục này có nhiều loại khác nhau thể hiện nét riêng của mỗi vùng miền, Sam-pot thường là một tấm lụa dài và rộng được dùng để quấn xung quanh thắt lưng, giúp tôn dáng người phụ nữ khi mặc và được sử dụng như trang phục gia truyền trong nhà, trong tiệc cưới, ma chay, trong dón năm mới. Sự dộc đáo về trang phục truyền thống của người Sin-ga-po chính là Ba-ju Ke-ba-ya. Trang phục này gồm váy và một chiếc áo dài được trang trí công phu với hoa văn tôn lên vẻ e lệ, nhu mì cho người con gái. Ngày nay, trang phục này được cách tân khi kết hợp áo với quần bò hoặc chân váy ngắn để sử dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống hằng ngày. Trang phục truyền thống của người Lào rất đặc biệt, có tên gọi là Sinh (dành cho nữ giới) và Sa-long (dành cho nam giới). Trang phục được thiết kế với với nhiều màu sắc khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh cũng như những ngày lễ truyền thống.

(Theo Quang Vinh, Khám phá nét đẹp trang phục truyền thống các quốc gia ASEAN, Tạp chí con số sự kiện, Kì I+II, 01/2022)

Câu hỏi:
a) Theo em, sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới được biểu hiện như thế nào trong các thông tin trên?
b) Hãy kể thêm những biểu hiện khác về sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới mà em biết.

Trả lời:
a.
Thông tin 1: sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới được biểu hiện ở hình dáng bên ngoài, địa vị, lời nói, cách ứng xử và các giá trị.
Thông tin 2: sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới được biểu hiện ở trang phục truyền thống.

b. Những biểu hiện khác về sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới: chủng tộc, lịch sử hình thành, phát triển, ngôn ngữ, chữ viết, màu da, ẩm thực,....
 

2. Ý nghĩa của việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới

Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi
Thông tin 1. Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hoá năm 2001
Điều 3 (trích)
Đa dạng văn hoá mang đến nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho tất cả mọi người, nó là một trong những căn nguyên của phát triển, được hiểu không chỉ dưới góc độ tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà còn được hiểu như một phương tiện đạt được sự tồn tại mãn nguyện hơn về trí tuệ, tình cảm, đạo đức cũng như tinh thần.

Thông tin 2. Trong thời kì dịch bệnh COVID-19, dù bị tác động không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng cách Việt Nam ứng xử thân thiện, hết mình với công dân các quốc gia khác đã thể hiện giá trị văn hoá của con người Việt Nam như sự cởi mở, bao dung, không hợp hòi, kì thị. Người nước ngoài đến Việt Nam du lịch hay công tác, bị nhiễm COVID-19 đều được đội ngũ y, bác sĩ, chuyên gia y tế điều trị tận tình, chu đáo. Chính phủ cũng đã chỉ thị nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, từ chối phục vụ người nước ngoài trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và các y, bác sĩ Việt Nam dã hỗ trợ, giúp công dân Anh trong thời gian dịch bệnh. Bằng chính sách tôn trọng đa dạng văn hoá, Việt Nam đã chủ động và có trách nhiệm hợp tác góp phần xây dựng nhận thức sâu dậm trong cộng đồng quốc tế về một dất nước Việt Nam đổi mới thành công.

(Theo Lê Thị Thảo Trang. Vai trò của ngoại giao văn hoá đối với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19,
Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn, số 78 (8/2021), 78-9)

Câu hỏi:
a. Từ thông tin 1, em hãy phân tích ý nghĩa của việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới.
b. Từ thông tin 2, theo em, việc tôn trọng sự đa dạng các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam.

Trả lời:
a. Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới có ý nghĩa quan trọng, như:
+ Làm cho văn hóa nhân loại thêm phong phú, đặc sắc;
+ Tạo nền tảng để các dân tộc trên thế giới giao lưu, học hỏi, hợp tác với nhau;
+ Giúp cho các nước có cơ hội vươn lên phát triển, góp phần thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc và bảo vệ nền hòa bình trên thế giới.

b. Việc tôn trọng sự đa dạng các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới mang lại nhiều lợi ích gì cho Việt Nam, như:
+ Góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
+ Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, cùng phát triển giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
 

3. Thực hiện tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới

Em hãy đọc các tình huống và trả lời câu hỏi
Tình huống 1. Học sinh lớp 8A tranh luận về những việc làm thể hiện tôn trọng sự đa dạng các dân tộc và các nền văn hoá trên thế giới. L cho rằng: Cần chủ động tìm hiểu nền văn hoá của các nước khác để có cách giao tiếp, ứng xử phù hợp. H đồng tỉnh với L và bổ sung thêm: Nên tích cực giao lưu, học hỏi các nền văn hoá trên thế giới. Ngược lại, B cho rằng không nên học hỏi các nền văn hoá trên thế giới, bởi vì điều này sẽ làm cho mỗi quốc gia mất đi bản sắc riêng.
Tình huống 2. Bạn T cho rằng chỉ nên học tập, tiếp thu văn hoá của các nước phát triển. Với những nước nghèo, lạc hậu, chậm phát triển thì không có gì đáng học tập, không cần tôn trọng. Bạn thân của T phản đối vì cho rằng mỗi quốc gia, dân tộc đều đáng được tôn trọng, cho dù khác nhau về trình độ phát triển.
Câu hỏi:
a) Em nhận xét như thế nào về ý kiến của các nhân vật trong mỗi tình huống trên?
b) Hãy kể về một việc em đã làm thể hiện tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới.
Trả lời:

a. Nhận xét:
- Tình huống 1:
+ Ý kiến của bạn Liên và Hoàng là đúng, thể hiện hai bạn đã có ý thức tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới.
+ Ý kiến của bạn Bình không đúng. Vì: mỗi quốc gia, dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, có cái hay, cái đẹp đáng để chúng ta học hỏi. Do đó, chúng ta nên tích cực tiếp thu, học hỏi có chọn lọc những nét đẹp văn hóa của các dân tộc khác; việc này vừa thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới; vừa góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc mình.
- Tình huống 2:
+ Ý kiến của bạn T không đúng. Vì: mỗi quốc gia, dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, có cái hay, cái đẹp đáng để chúng ta học hỏi và tôn trọng.
+ Bạn thân của bạn T đã có ý kiến đúng, thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới.

b. Một việc em đã làm thể hiện tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới: học hỏi và tiếp thu sự du nhập văn hóa nước ngoài vào Việt Nam như ăn mặc, giao tiếp.
 

* Luyện tập

Luyện tập 1 - Trang 13: Em đồng ý hay không đồng ý với nhận định nào dưới đây? Vì sao?
A. Tất cả các dân tộc tạo nên sự đa dạng và giàu có của những nền văn minh và văn hoá, tạo nên di sản chung của loài người.
B. Các dân tộc chỉ thể hiện bản sắc, giá trị văn hóa của mình thông qua lễ hội, phong tục, tập quán cổ truyền.
C. Sự đa dạng về ngôn ngữ và chữ viết sẽ làm cho việc giao lưu giữa các quốc gia khó khăn hơn, do đó, cần loại bỏ một số ngôn ngữ và thống nhất một loại chung cho tất cả các quốc gia.
D. Không có nền văn hóa lớn và nền văn hóa nhỏ, chỉ có các nền văn hóa khác nhau.
E. Nhận xét, đánh giá người khác dựa trên cơ sở sắc tộc là không tôn trọng sự đa dạng giữa các dân tộc.
Trả lời:
- Ý kiến a) Đồng tình. Vì: di sản văn hóa (cả về vật chất và tinh thần) của các dân tộc, các nền văn hóa minh trên thế giới đều là di sản chung của loài người.
- Ý kiến b) Không đồng tình. Vì: bản sắc, giá trị văn hóa của các dân tộc được thể hiện trên nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực (cả về vật chất và tinh thần).
- Ý kiến c) Không đồng tình. Vì: ngôn ngữ, chữ viết cũng là một phần bản sắc của các quốc gia, dân tộc vì vậy, chúng ta cần tôn trọng ngôn ngữ, chữ viết của mỗi quốc gia, dân tộc.
- Ý kiến d) Đồng tình. Vì: mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa đều có những nét đặc trưng riêng về bản sắc, có những nét đẹp riêng, đánh để chúng ta tôn trọng và học hỏi.
- Ý kiến e) Đồng tình. Vì: mỗi dân tộc tuy có những đặc trưng riêng về màu da, ngoại hình, tính cách, văn hóa… song đều bình đẳng với nhau và có quyền được sống trong hòa bình, được tự do thể hiện và duy trì những nét đặc trưng riêng.

Luyện tập 2 - Trang 14: Em hãy lấy ví dụ về bản sắc văn hóa của một dân tộc mà em biết và làm rõ ý nghĩa của việc tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc đó.
Trả lời:
Ví dụ về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam: Trang phục truyền thống “áo dài" của người phụ nữ Việt Nam.
Ý nghĩa của việc tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc: 
Áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử và ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo mà thành. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam.
Trải qua các giai đoạn phát triển với những cải biến, thay đổi, làm mới, chiếc áo dài Việt Nam đang vượt qua mọi thử thách để bảo lưu các giá trị truyền thống, hướng tới trở thành một thứ “quốc phục”, một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam rộng rãi khắp thế giới.

Luyện tập 3 - Trang 14: Em sẽ làm gì để thể hiện việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc trong mỗi trường hợp dưới đây?
A. Chứng kiến một số bạn trong lớp có lời nói và hành động thể hiện sự kì thị văn hóa giữa các dân tộc.
B. Thấy bạn của mình nhận xét không đúng về trang phục của các dân tộc khác.
Trả lời:
- Trường hợp A
+ Giải thích cho các bạn hiểu: mỗi dân tộc trên thế giới đều có những nét đặc trưng riêng về màu da, ngoại hình, truyền thống văn hóa,… => từ đó, yêu cầu các bạn trong lớp chấm dứt những lời nói và hành động mang tính kì thị văn hóa các dân tộc.
+ Nếu các bạn trong lớp không chấm dứt hành vi và thái độ kì thị, em sẽ báo cáo sự việc với thầy/ cô giáo chủ nhiệm để nhờ sự can thiệp, hỗ trợ từ phía thầy cô.
- Trường hợp B, Em sẽ khuyên bạn:
+ Nên tìm hiểu kĩ những thông tin về trang phục của các dân tộc khác.
+ Không nên lan truyền những thông tin không đúng về trang phục của các dân tộc khác.

Luyện tập 4 - Trang 14: Em hãy xử lí các tình huống sau:
a. Công ty A kí kết hợp tác với một công ty nước ngoài. Khi các nhân viên của công ty nước ngoài tới làm việc tại Công ty A thì một số nhân viên có ý né tránh tiếp xúc.
Em hãy nhận xét hành vi của nhân viên văn phòng Công ty A. Nếu là đồng nghiệp của các nhân viên này, em sẽ ứng xử như thế nào?
b. M rất thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau của các dân tộc trên thế giới. M mong muốn khi có điều kiện sẽ đến nhiều quốc gia để khám phá về văn hóa và giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
Em nhận xét gì về sở thích, mong muốn của M? Theo em, M nên làm gì để thực hiện mong muốn của mình?

Trả lời:
* Xử lí tình huống a.
- Nhận xét:
+ Hành vi của nhân viên văn phòng công ty A là không đúng, vì đã: thể hiện sự kì thị, thiếu tôn trọng sự đa dạng giữa các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới; đồng thời gây tổn thương cho các nhân viên của công ty nước ngoài.
+ Nếu các nhân viên của công ty A tiếp tục duy trì thái độ này, thì có thể gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ và sự hợp tác giữa 2 công ty.
- Nếu là đồng nghiệp của các nhân viên này, em sẽ:
+ Phân tích để mọi người hiểu rõ hậu quả của những hành vi kì thị với nhân viên của công ty nước ngoài. Từ đó, yêu cầu mọi người chấm dứt thái độ kì thị đó.
+ Nếu mọi người tiếp tục duy trì thái độ kì thị, em sẽ báo cáo sự việc với ban lãnh đạo công ty để yêu cầu sự can thiệp, hỗ trợ từ phía ban lãnh đạo.

* Xử lí tình huống b.
- Nhận xét: sở thích và mong muốn của M rất chính đáng, tích cực và thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới.
- Lời khuyên: Để thực hiện được mong muốn của mình, M nên:
+ Tích cực tìm hiểu (thông qua sách, báo, internet,…) về văn hóa của các quốc gia, dân tộc mà mình muốn đến khám phá.
+ Thiết lập kế hoạch tài chính phù hợp để chuẩn bị trước kinh phí cho các chuyến đi.
+ Rèn luyện khả năng ngoại ngữ, các kĩ năng ứng xử,…
 

* Vận dụng

Vận dụng 1 - Trang 14: Em cùng các bạn hãy thiết kế báo tường hoặc tập san về chủ đề: Tôn trọng sự đa dạng ẩm thực của các dân tộc trên thế giới.
Trả lời:
Tranh, ảnh về món ăn đặc sắc của một số quốc gia trên thế giới.
giai cong dan 8 sach canh dieu bai 2 1

Vận dụng 2 - Trang 14: Em hãy viết một bài thể hiện ý kiến của mình đối với việc kì thị, phân biệt chủng tộc, văn hoá.
Trả lời:
Phân biệt chủng tộc đã và đang trở thành một thách thức lớn của nhân loại. Vậy, nguyên nhân của hiện tượng này là gì?
Nó tác động như thế nào tới cuộc sống của chúng ta? Trước hết , nạn phân biệt chủng tộc xuất phát từ sự thiếu tôn trọng, đồng cảm, sẻ chia giữa con người với con người. Từ sự coi thường, khinh bỉ mà một bộ phận người da trắng dành cho cộng đồng gốc Phi đến nỗi dè chừng mà phương Tây dành cho những người Hồi giáo, ở đâu ta cũng có thể bắt gặp lí do này. Chúng ta đều không thể phủ nhận những hậu quả khủng khiếp mà hiện tượng này đem tới. Ngay trong lòng nước Mĩ – quốc gia nổi tiếng với nền dân chủ hàng đầu thế giới – mầm bệnh phân biệt chủng tộc vẫn chưa được đẩy lùi, đe dọa an ninh, hòa bình của họ. Cách đây không lâu, vào nửa cuối tháng 8/2017, sau sự kiện ở Virginia, hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra trên khắp nước Mĩ trong nhiều ngày để chống lại vấn nạn này. Thậm chí, nó còn gây tác động tới cả hệ thống hành pháp, buộc Tổng thống Donald Trump phải giải thể Hội đồng Kinh tế do chính mình lập nên… Chỉ qua một ví dụ, ta có thể thấy, phân biệt chủng tộc có thể chia rẽ sự đoàn kết của cả một dân tộc, thậm chí trở thành lí do bùng phát bạo loạn, nội chiến.
Đứng trước hiện tượng này, tất cả chúng ta cần sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, dùng lòng vị tha và sự tôn trọng giải quyết mọi bất đồng. Bất giác, tôi chợt nhớ đến câu nói trích từ Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền tự do và bình đẳng”. Thật vậy, dù mang trong mình màu da nào, không ai trong chúng ta đáng bị coi thường và phân biệt đối xử.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây