Phần I. Trắc nghiệm khách quan (3,0 điểm)
Lựa chọn phương án đứng trước câu trả lời đúng (mỗi đáp án đúng được 0,25 điểm)
Câu 1: Cách ứng xử nào dưới đây không góp phần vào việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta?
A. Đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau.
B. Kính trọng, lễ phép với thầy, cô giáo.
C. Thực hiện nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi.
D. Viết, vẽ, khắc tên mình lên di tích lịch sử.
Câu 2: Tôn trọng chủ quyền, lợi ích và nền văn hóa của các dân tộc, luôn tìm hiểu, tiếp thu những điều tốt đẹp trong nền kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc, đồng thời thể hiện lòng tự hào dân tộc chính đáng của mình là biểu hiện của
A. bá chủ các dân tộc khác trên thế giới.
B. tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác.
C. lợi dụng dân tộc để làm giàu bản thân.
D. giúp đỡ các dân tộc nhằm vụ lợi.
Câu 3: Lao động sáng tạo không mang lại ý nghĩa nào dưới đây?
A. Không ngừng hoàn thiện kỹ năng.
B. Được bổ sung kiến thức mới.
C. Kết quả công việc ngày càng tăng.
D. Hiệu quả công việc bị suy giảm.
Câu 4: Hành vi nào dưới đây không phải là biểu hiện của lòng tự hào về truyền thống quê hương?
A. Tổ chức ma chay linh đình
B. Trân trọng trang phục truyền thống
C. Yêu thích ẩm thực của địa phương
D. Giới thiệu với khách du lịch về lễ hội của địa phương
Câu 5: Những điều được cho là đúng đắn, phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội được gọi là
A. khiêm tốn.
B. lẽ phải.
C. công bằng.
D. trung thực
Câu 6: Bảo vệ lẽ phải góp phần đẩy lùi
A. cái đúng.
B. cái sai.
C. sự thật.
D. chính nghĩa
Câu 7: Toàn bộ các điều kiện tự nhiên, nhân tạo bao quanh con người, có tác động đến đời sống, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên là nội dung của khái niệm
A. tài nguyên thiên nhiên.
B. môi trường thiên nhiên.
C. tự nhiên.
D. môi trường.
Câu 8: Việc làm nào sau đây thể hiện trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường?
A. Sử dụng nhiên liệu tái tạo.
B. Kế hoạch phản biện xã hội.
C. Hưởng trợ cấp thất nghiệp.
D. Xả thải chưa qua xử lý.
Câu 9: Biện pháp nào dưới đây góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tài nguyên và môi trường?
A. Tăng cường nhập khẩu phế liệu.
B. Mở rộng các bãi chôn lấp trực tiếp.
C. Đẩy mạnh khai thác tài nguyên rừng.
D. Mở rộng trồng rừng đầu nguồn.
Câu 10: Ngày Môi trường Thế giới là ngày nào?
A. 28/6
B. 22/4
C. 5/6
D. 10/10
Câu 11: Mục tiêu cá nhân là những kết quả cụ thể mà mỗi người mong muốn đạt được trong
A. một khoảng thời gian nhất định.
B. mộ nhóm người nhất định.
C. một gia đình cụ thể.
D. một hoàn cảnh cụ thể
Câu 12: Phân loại theo thời gian, mục tiêu cá nhân được phân chia thành mục tiêu dài hạn và
A. mục tiêu trung hạn.
B. mục tiêu cụ thể.
C. mục tiêu ngắn hạn.
D. mục tiêu vô hạn
Phần II: Tự luận (7,0 điểm)
Câu 13 (3 điểm): Căn cứ vào các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường ở nước ta, em đồng tình hay không đồng tình với những nhận định nào dưới đây? Vì sao?
a) Bảo vệ môi trường không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn góp phần bảo vệ cho thế hệ tương lai.
b) Muốn phát triển kinh tế thì phải chấp nhận môi trường bị ô nhiễm.
c) Tài nguyên thiên nhiên là vô tận nên không nhất thiết phải tiết kiệm.
Câu 14 (2 điểm):
Bạn P học lớp 8A. Bạn P có thân hình khá gầy nên thường bị các bạn trong lớp trêu chọc. Bạn P cảm thấy buồn và quyết tâm thay đổi. Bạn P đặt ra mục tiêu sẽ cải thiện sức khoẻ và hình thể của bản thân sau sáu tháng. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi ngày, bạn P dậy sớm tập thể dục và ăn uống điều độ, đủ chất. Sau sáu tháng, cơ thể của bạn P đã phát triển cân đối, mạnh khoẻ hơn. Bạn P cảm thấy tự tin hẳn và suy nghĩ rằng sẽ chủ động chia sẻ, hướng dẫn một số bạn khác trong lớp về những gì mình đã làm được.
Em hãy xác định mục tiêu cá nhân mà bạn P đặt ra. Nhận xét về mục tiêu và kết quả thực hiện mục tiêu mà bạn P đặt ra.
Câu 15 (2 điểm):
Phát hiện cửa hàng của bà K sử dụng các chất độc hại trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng, bạn P định báo lên các cơ quan có thẩm quyền thì người thân khuyên không nên làm như vậy, vì việc đó không liên quan đến minh.
a) Em hãy nhận xét cách ứng xử của các bạn học sinh trong mỗi trường hợp và tình huống trên.
b) Em hãy nêu lí do của sự cần thiết phải bảo vệ lẽ phải.
ĐÁP ÁN
Phần I: Trắc nghiệm (3 điểm)
Câu |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
Đáp án |
D |
B |
D |
A |
B |
B |
D |
A |
D |
C |
A |
C |
* Lưu ý: Mỗi câu trắc nghiệm đúng được 0,25 đ
Phần II: Tự luận (7 điểm)
Câu 13 (3đ)
a) Đồng tình.
Vì: ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng và hậu quả lớn và lâu dài, phức tạp. Do đó, việc bảo vệ môi trường không chỉ là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta ở hiện tại mà còn có giá trị đảm bảo sự phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai.
b) Không đồng tình.
Vì: để đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước, chúng ta cần phải quan tâm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lí, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
c) Không đồng tình.
Vì: tải nguyên thiên nhiên không phải là vô tận, mà rất có thể bị suy kiệt nếu chúng ta không biết cách khai thác và sử dụng hợp lí, tiết kiệm.
(Chú ý: HS giải thích cách khác có ý đúng, đảm bảo kiến thức đã học vẫn cho điểm) 0,5
Câu 14 (2đ)
- Mục tiêu cá nhân mà bạn P đặt ra là: Cải thiện sức khoẻ và hình thể của bản thân sau sáu tháng.
- Nhận xét: Bạn P đã biết đặt ra cho mình mục tiêu cá nhân phù hợp cụ thể.
- Kết quả: Bạn P đạt được điều mình mong muốn, vì: P đã xác định được những mục tiêu rõ ràng, cụ thể, phù hợp với khả năng và P luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
(Chú ý: HS giải thích cách khác có ý đúng, đảm bảo kiến thức đã học vẫn cho điểm) 0,5
Câu 15 (2đ)
a) Nhận xét:
- Vì lợi nhuận, bà K đã sử dụng các chất độc hại để chế biến và bảo quản thực phẩm. Đây là hành vi sai trái, đáng bị lên án và xử lí theo quy định của pháp luật.
- Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của bà K, bạn P đã có thái độ và hành động đúng, bạn không nghe theo lời can ngăn của người thân, mà kiên quyết báo cáo sự việc cho cơ quan có thẩm quyền. Hành vi này cho thấy P là người biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải. Hành động của P đáng được khen ngợi, khuyến khích và học tập theo.
b) Sự cần thiết phải bảo vệ lẽ phải:
- Việc bảo vệ lẽ phải giúp mỗi người có cách ứng xử phù hợp;
- Góp phần đẩy lùi cái sai, cái xấu, để làm lành mạnh mối quan hệ xã hội, thúc đẩy xã hội
- Củng cố niềm tin của con người vào cộng đồng, pháp luật và lương tri.
(Chú ý: HS giải thích cách khác có ý đúng, đảm bảo kiến thức đã học vẫn cho điểm) 1,0