Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

"Vợ nhặt" được một số anh em nghệ sĩ khen là hơn truyện "Làng" ... Những người đói họ không nghỉ đến cái chết mà nghĩ đến sự sống"

Thứ hai - 30/05/2016 05:37
Về truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã từng phát biểu: “Vợ nhặt được một số anh em nghệ sĩ khen là hơn truyện “Làng”, hơn ở cái chất nhân ái, tình thương của con người đối với con người trong hoàn cảnh khốn cùng. Điều đáng nói nhất là trong cái đói, con người vẫn nghĩ đến điều sung sướng... Những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến sự sống”. Anh (chị) hãy phân tích truyện ngắn Vợ nhặt để làm rõ ý kiến trên.
Tác phẩm văn học giống như một tảng băng trôi, ba phần nổi, bảy phần chìm mà phần chìm mới là phần quan trọng nhất (nguyên lí tảng băng trôi của Hê-min-wây). Vợ nhặt của Kim Lân cũng là một “tảng băng trôi” như thế, nổi chìm nhiều lớp, nhiều tầng mà cái phần tinh túy nhất, căn cốt nhất lại khuất trong tầng sâu của ngôn từ. Nói về Vợ nhặt, tác giả của nó đã khẳng định: “Vợ nhặt được một số anh em nghệ sĩ khen là hơn truyện “Làng”, hơn ở cái chất nhân ái, tình thương của con người đối với con người trong hoàn cảnh khốn cùng. Điều đáng nói nhất là trong cái đói, con người vẫn nghĩ đến điều sung sướng... Những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến sự sống”.

Quả vậy, càng đi sâu vào đời sống của Vợ nhặt, khám phá đến tận cùng đỉnh điểm chiều sâu của nó ta càng thấm thía chất người, chất đời đầy nhân ái trong câu chuyện “như không” này.
 
Câu chuyện đơn giản về một cuộc “hôn nhân kì lạ”, một mối kì duyên mà thực chẳng giản đơn. Càng đọc, càng ngẫm, ta càng thấm thía dư vị đặc biệt mà Kim Lân đã “phả” vào truyện, tạo nên một không khí rất riêng không thể trộn lẫn vào đâu được.
 
Phông hiện thực của câu chuyện là nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nạn đói khiến hơn một phần mười dân số nước ta bị chết một cách thảm thương. Không khí mở ra nhuốm màu tang tóc, thê lương. Trên con đường “khẳng khiu” qua chợ về xóm ngụ cư, ta bắt gặp những cảnh tượng xót xa, kinh hãi và đầy ám ảnh: “người chết như ngả rạ”, “những thây ma còng queo hai bên đường”. Người sống thì “dật dờ như những bóng ma”. Không khí vẩn lên mùi gây của xác người. Âm thanh bao trùm là tiếng quạ kêu thê thiết, tiếng hờ khóc tỉ tê. Liệu còn không ranh giới giữa sự sống và cái chết? Mỏng tang! Cơ hồ chỉ một va chạm rất nhỏ thì ranh giới ấy sẽ không còn. Thần chết đi về ẩn hiện chừng như chỉ chực cướp đi mạng sống con người. Cái đói, cái chết dồn đẩy con người trong cái thế chông chênh giữa “bèo bọt” và “kiếp người”. Liệu con người có thể vượt qua được cái thế chông chênh ấy để đứng vững ở vị trí con người? Nhìn cô “vợ nhặt” của Tràng mà xem cái đói đã tàn phá ghê gớm: “quần áo rách tươm”, “người gầy xọp hẳn đi”, “hai con mắt trũng xuống”, “bộ ngực gầy lép”. Thậm chí cái vẻ dịu dàng nữ tính thiên bẩm ở thị cũng bị cái đói bóp méo: ăn nói cong cớn, chạy “ton ton”, “sầm sập”, gợi ý đòi ăn và “ăn một chập bốn bát bánh đúc liền hơi không kịp thở. Nhìn cảnh ấy sao tránh khỏi xót xa cho số kiếp con người. Thị có khác gì thứ “bèo bọt” đâu. Chưa hết. Chỉ vì đói mà thị vịn ngay lấy câu hò tầm phơ tầm phất của Tràng (Muốn ăn cơm trắng mấy giò/Lại đây mà đẩy xe bò với anh), một lí do cơ hồ cũng mong manh, nhưng lúc ấy nó lấp lánh niềm tin và hơi ấm để mà “theo không” Tràng về làm vợ. Vậy đấy, cái đói thật ghê gớm. Nhân phẩm con người mòn vẹt dần đi.
 
Nhưng nếu chỉ có thế thì Vợ nhặt của Kim Lân sẽ còn lại được gì? Chắc chắn là không gì cả.
 
Trên cái nền tối sầm lại vì đói khát, vẻ đẹp của tình người, ánh sáng của niềm tin lại lung linh hơn bao giờ hết. Chính điều đó đã làm cho thiên truyện trở nên ấm áp một niềm hi vọng không gì dập tắt được. Dẫu hiện thực phũ phàng muốn đẩy con người xuống hàng “bèo bọt” thì con người vẫn nhất quyết đấu tranh “kiên nhẫn làm người”. Việc lấy vợ, lấy chồng giống như một sự thách đố với cái đói, cái chết vậy bởi họ khao khát vượt lên. Ban đầu, do tình cờ xui khiến, Tràng và người phụ nữ kia, hai thân phận “bọt bèo” trôi giạt vào nhau. Nhưng rồi chính họ đã chụm nên bếp, khơi những đốm lửa để nhóm lên hạnh phúc. Sự thật nghiệt ngã, xót xa đã trở thành điểm bắt đầu của giá trị sự sống. Tràng đâu có “trợn người” trước cảnh “thóc gạo thế này mà vẫn đèo bòng”. Tràng: “Chậc, kệ!”, giản đơn vậy thôi mà biết mấy nhân tình, biết mấy yêu thương. Nên nhớ giữa cơn đói khát đến chết người ấy, cho nhau miếng ăn là cho nhau sự sống, gắn thêm miệng ăn vào mình là cộng thêm nguy cơ chết đói. Sức mạnh nào đã soi sáng lương tri Tràng lúc ấy nếu không phải là tình yêu thương con người? Ân sâu trong quyết định có vẻ liều lĩnh kia là hơi ấm tình người.
 
Từ cái giây phút ấy, tất cả đã biến đổi. Tràng không còn “cúi xuống” với dáng vẻ đầy vất vả nhọc nhằn mà “phởn phơ” lạ thường, mà “vênh vênh” ra điều. Trong chốc lát, Tràng như quên tất cả những tăm tối của cuộc sống trước mắt. Với Tràng lúc này, “chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên”, và Tràng cảm thấy “có cái gì lạ lắm mơn man trên da thịt”. Kể cũng lạ! Đói là thế, khổ là thế, đến “cám cũng chẳng có mà ăn” vậy mà vẫn sung sướng, vẫn hạnh phúc, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, bình dị mà biết mấy thiêng liêng, biết mấy trân trọng, nâng niu. Không có cái để ăn nhưng vẫn mua “hai hào dầu” để thắp lên niềm tin, thắp lên tình người, thắp lên sự trân trọng con người dẫu con người ấy là do “nhặt” được. Không có mâm cao cỗ đầy, thậm chí đến một bát cháo loãng cũng không đủ cầm hơi phải “gợm” thêm bát “chè khoán” nấu bằng cám đắng chát và nghẹn bứ nhưng ai nấy cố nuốt. Họ nuốt hờn, nuốt tủi, quan trọng hơn là nuốt để tránh cho nhau những tổn thương, để động viên nhau, cùng nhau vượt qua “cái đận” khốn khó này. Có thể nói, chính trong hoàn cảnh khốn cùng tình thương yêu đã tỏa sáng. Tình thương giúp Tràng vượt qua những lo toan mà nhận về người phụ nữ cùng cảnh ngộ để “làm bạn”. Tình thương giúp bà cụ Tứ vượt qua mọi nghi lễ, mọi định kiến, mọi mặc cảm... để chỉ còn sự bao dung, nhân hậu. Các con đã nhen nhóm bếp lửa hạnh phúc, nhưng hạnh phúc qua đỗi mong manh. Bà mẹ nghèo mà giàu lòng yêu thương ấy đã giang tay che chắn mọi chiều giông gió. Tấm lòng người mẹ, tình thương yêu của người mẹ đã đem lại cảnh gia đình sum vầy, ấm áp. Hai tiếng “u - con” thật giản dị mà cũng thật nặng nghĩa, nặng tình. Những lời hỏi han, những lời dặn dò, động viên, rồi những toan tính cho dâu, cho con... tất cả đều xuất phát từ tình người cao đẹp. Phải chăng chính hoàn cảnh bi đát khiến những mảnh đời xô đập vào nhau tạo nên những mảnh vỡ lấp lánh “chất vàng mười” của tình người nhân hậu? Câu chuyện về cái đói, cái chết tuy vẫn khiến ta rợn người nhưng sao vẫn thấy ấm áp lạ. Đó là hơi ấm tỏa ra từ những trái tim nóng hổi yêu thương, chan chứa hi vọng và dạt dào niềm khát khao hạnh phúc.
 
Sự lựa chọn của mẹ con Tràng có phần giản đơn, liều lĩnh, dám đặt sự cưu mang người khác lên chính sinh mệnh của mình, nhưng lại chứa đựng biết bao ý vị và thấm thía biết bao triết lí nhân sinh, có sức lắng, sức đọng, sức ngưng kết bền chặt trong tâm hồn độc giả. Người phụ nữ theo Tràng về làm vợ cũng là liều. Nhưng ngay cả khi chứng kiến toàn bộ cái nghèo, cái đói, cái thảm hại của gia đình Tràng thị vẫn không quay lưng bỏ đi. Thị ở lại với niềm tin, niềm hi vọng, ở lại với tình yêu thương của con người. Người đọc cũng rất hi vọng, rất tin vào tương lai của những nhân vật trong truyện bởi họ có tình yêu thương dành cho nhau và có tình yêu thương của nhà văn dành cho họ.
 
Câu chuyện của Kim Lân không chỉ thắp lên sự ấm áp của tình thương yêu mà đặc biệt sáng lên bởi hi vọng. “Những người đói, họ không nghĩ đến cái đói mà nghĩ đến sự sống”. Bà cụ Tứ, mẹ Tràng đã nói: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Còn như con cháu chúng mày về sau may ra ông trời cho khá”. Niềm tin ấy lấp lánh nơi khóe mắt người già. Dẫu có vất vả, cùng cực đến đâu mà nghe câu nói ấy từ một cụ già cập kề miệng lỗ cũng sẽ dậy lên niềm tin, niềm hi vọng. Giữa cảnh đói khát tưởng chừng con người không nghĩ được gì khác ngoài miếng ăn vậy mà bà cụ Tứ vẫn nghĩ đến việc “mua lấy ít nứa mà đan phên ngăn gian phòng ra”, đặc biệt bà cụ tính: “tao tính lúc nào có tiền mua lấy đôi gà về nuôi, chả mấy mà có ngay đàn gà”. Ngăn gian phòng ra làm không gian hạnh phúc cho con trẻ. Mua đôi gà để “chả mấy mà có ngay gà con”. Có mối liên hệ gì đây khi chúng ta nghĩ đến sự sinh sôi, một sự sinh sôi thật gần gũi biết bao! Đó chẳng phải là xuất phát từ niềm tin, niềm hi vọng của bà cụ đó sao! Một niềm tin tạo nên sức mạnh vô hình không gì dập tắt được. Hóa ra Kim Lân, bằng cách này đã chứng minh cho một chân lí của muôn đời: dù bất luận trong hoàn cảnh nào, niềm tin và hi vọng sẽ giúp có thể vượt qua tất cả. Niềm tin và hi vọng sẽ cứu vớt nhân loại ngay cả khi nhân loại đứng trước thảm cửa, vườn tược. Không hề ngẫu nhiên khi Kim Lân mở đầu câu chuyện trong không gian chạng vạng bước vào đêm tối và kết thúc bằng ánh bình minh của một buổi sáng chiếu vào ngôi nhà đã quang quẻ, tươi sáng hơn. Niềm tin của con người cứ theo đó lớn lên, lan mãi để rồi bùng lên phấp phới theo hình ảnh đoàn người đi trên đê Sộp với lá cờ đỏ tung bay. Họ đã tin và đã tìm thấy con đường biến niềm tin thành hiện thực. Đó cũng là chỗ hơn hẳn của Vợ nhặt với những tác phẩm hiện thực trước Cách mạng tháng Tám.
 
Gấp trang sách Kim Lân, những ý tưởng thấm vào trong suy nghĩ, tình cảm độc giả. Kim Lân cứ thu lượm từng chi tiết nhỏ của đời sống mà góp nên trang, làm nên tên tuổi một đời văn. Vợ nhặt hơn Làng chính là ở chỗ Kim Lân đã biết vượt lên chính mình. Không có một trái tim nhân hậu, không có một niềm tin bất tử ở con người và không có một cái nhìn sâu sắc, thuần hậu đối với cuộc đời, chắc chắn bất cứ nhà văn nào cũng không thể làm được điều đó.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây