Nhiều người đàn bà khác rơi vào tình cảm quẫn bách như chị Dậu, có khi đành chịu buông tay khuất phục, nhắm mắt cho cuộc đời trôi theo số mệnh. Nhưng người đàn bà nông dân này cứ thấy lăn xả vào bóng tối như mực, kiếm cách phá tung ra để tìm đường sống. Và chống trả một cách mộc mạc, hồn nhiên, không cần lí lẽ, dường như hành động quyết liệt đó, ngôn ngữ nhân vật nhuần nhị đó là sản phấm tất yếu của một cuộc đời lương thiện vốn đã cơ cực lại còn bị giày xéo tàn nhẫn:
“ - Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!”
“ - Ồ! Nhà ông này mới hay chứ! Có buông ra không thì tôi kêu lên bây giờ!”...
“ - Cháu cũng biết ràng đàn bà mà hành hung như thế là hư thân lắm, nhưng... cụ tính nhà cháu đau ốm như thế, mà cả hai đứa cứ xông vào đánh thì phỏng cả còn gì là người! Vì thế cháu phải liều với chúng nó”.
Thái độ chống trả của chị Dậu (“Cháu phải liều với chúng nó”) là một hành động đấu tranh tự phát đơn độc, chưa có ý thức, chưa có phương hướng. Nhưng trong văn học công khai đương thời, nhân vật này vẫn là một cái cột mốc cao nhất, một hình tượng phụ nữ mạnh khỏe và tươi sáng nhất.