Có thể nói đặc điểm nổi bật nhất về thể thơ của ca dao nói chung và ca dao viết về tình yêu quê hương, đất nước, con người nói riêng là sử dụng thể thơ lục bát. Đó là thể thơ sử dụng cặp câu gồm một câu sáu tiếng và một câu tám tiếng. Tiếng cuối của câu sáu bắt vần với tiếng thứ sáu của câu tám, tiếng cuối của câu tám lại bắt vần với tiếng cuối của câu sáu:
“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước nàỵ?”
“Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”...
Đặc biệt, trong một số trường hợp, thể lục bát được sử dụng dưới dạng biến thể để thể hiện một ngụ ý riêng nào đó của tác giả:
"Sông nào bên đục bên trong
Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?"
“Nước sông Thương bên đục bên trong
Núi Đức Thánh Tản thắt cổ bồng lại có thánh sinh”.
Cũng với thể thơ lục bát, lối ví von, so sánh cùng thường xuyên được sử dụng. Ta có thế dễ dàng gặp những từ dùng để so sánh: “như”, “bằng”,...
"Non xanh nước biếc như tranh họa đồ"
" Thân em như chẽn lúa đòng dòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai"..
Lối so sánh, ví von đã khiến những bài ca dao trở nên sinh động, giàu sức gợi.
Ca dao thể hiện đời sống tinh thần của nhân dân, bởi thế, ca dao cũng sử dụng những hình ảnh rất gần gũi, quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Đó là những hình ảnh có thực, cụ thể và không hề trừu tượng. Có thể kể đến những hình ảnh “chẽn lúa đòng đòng”, “bên đục bên trong”, “núi thắt cổ bồng”, “non xanh nước biếc”,...
Đặc biệt, ngôn ngữ trong những bài ca dao này rất thân mật, thiết tha: nó giống như những lời nhắn nhủ, tâm tình: “Rủ nhau (xem cảnh Kiếm Hồ)..., "Ai (vô xứ Huế) thì (vô),..."
Những biện pháp nghệ thuật mà ca dao viết về tình yêu quê hương, đất nước, con người dù còn rất giản dị, đơn giản nhưng đã thể hiện thành công đời sống tinh thần hiền hậu, chất phác mà chân tình, tha thiết của nhân dân ta