Tuỳ bút là thể văn dùng để ghi chép những con người và sự việc cụ thể, có thực, qua đó người viết chú trọng bộc lộ thái độ, cảm xúc, suy tư, nhận thức đánh giá của mình về con người và cuộc sống. Sự ghi chép trong tuỳ bút rất tuỳ hứng, có khi tản mạn, không theo một cốt truyện nào mà chủ yếu nhằm bộc lộ tình cảm, thái độ của tác giả.
Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh trích trong tập Vũ trung tuỳ bút (Tuỳ bút viết trong những ngày mưa) - tác phẩm gồm 88 câu chuyện nhỏ ghi lại phong tục, tập quán, những sự việc xảy ra trong xã hội bấy giờ,... Đoạn trích đã ghi chép lại những thói ăn chơi xa xỉ, vô độ của chúa Trịnh và các quan lại hầu cận trong phủ qua đó kín đáo bày tỏ sự bất bình và căm ghét đối với bọn chúng. Truyện là thể văn phản ánh hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống qua các sự kiện, biến cố xảy ra trong cuộc đời con người. Truyện thường phải có cốt truyện và nhân vật; cốt truyện được trình bày có mở đầu, diễn biến, kết thúc; nhân vật được xây dựng có đặc điểm ngoại hình, chi tiết miêu tả nội tâm, diễn biến tâm lí,...
Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ được xây dựng từ một cốt truyện hoàn chỉnh với những nhân vật, chi tiết,... cụ thể: Vũ Thị Thiết là người con gái đẹp người đẹp nết lấy chàng Trương Sinh có tính đa nghi; Trương Sinh đi lính, Vũ Nương ở nhà sinh con thường chỉ bóng mình trên tường mà bảo con đó là cha nó; Trương Sinh trở về thấy con không nhận cha mà bảo rằng cha nó ban đêm mới đến, chàng nổi lòng ghen mắng nhiếc vợ; Vũ Nương bị hàm oan bằng trầm mình tự vẫn; Trương Sinh hiểu ra thì đã muộn,...