Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Vẻ đẹp lãng mạn trong truyện ngắn: Mảnh trăng cuối rừng

Chủ nhật - 01/04/2018 22:08
Nguyên Ngọc vô cùng yêu mến cùng như trân trọng tài năng và tâm huyết của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ông nói: “Nguyễn Minh Châu là một trong số nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay”. Truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” chưa phải là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Minh Châu, cũng chưa phải là tác phẩm được viết dưới ánh sáng đổi mới của trí tuệ, tâm hồn của nhà văn. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng “Mảnh trăng cuối rừng” là truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Minh Châu trong những năm tháng chống Mĩ. Với “Mảnh trăng cuối rừng”, nhà văn muốn nói với chúng ta đạn bom khốc liệt của quân thù không tàn phá nổi tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống của thế hệ trẻ Việt Nam. Nói cách khác, dưới ánh trăng trong một đêm chiến tranh, nhà văn đã phát hiện ra hạt ngọc trong tâm hồn của con người Việt Nam, hạt ngọc mà từ lâu nhà văn tìm kiếm.
Nguyễn Minh Châu là một cây bút tiểu thuyết đích thực. Ông có biệt tài hư cấu tình huống truyện. Nhà tiểu thuyết hết sức tránh tình huống ngẫu nhiên vì nó dễ sa vào tầm thường, rẻ tiền. Nguyễn Minh Châu lại hư cấu một tình huống ngẫu nhiên: một cô gái đi nhờ xa để đến điểm hẹn gặp người yêu thì chúng người lái xe lại là người yêu mà cô hằng yêu thầm nhớ trộm. Người lái xe trên đường công tác rồi sau đó cũng rẽ đến điểm hẹn để gặp người yêu chỉ mới biết trong thư. Hai người xa lạ trên một chuyến xe trong đêm trăng trên con đường chiến tranh ác liệt lại là hai người tình nhân trong mộng tưởng.
 
Hai người chỉ mới biết nhau qua thư của chị Tính, chị ruột của anh lái xe Lãm. Phát hiện ngẫu nhiên đó rất hay vì nó mang lại cái tươi mát cho những con người đang trong bom đạn nóng bỏng. Vả lại, nó cũng hợp quy luật vì trong chiến tranh có biết bao nhiêu tình huống lạ lùng, những cuộc gặp gỡ bất ngờ.
 
Nghệ thuật phát triển tình tiết của tác giả cũng thật tài tình. Từ chỗ xa lạ, người con gái giới thiệu “Em làm ở ngầm…” thì lập tức anh lái xe muốn biết tên. “Em là… Nguyệt”. Thật là đột ngột! Lẽ nào đây chính là cô Nguyệt mà chị Tính giới thiệu cho mình, lẽ nào đây chính là người con gái đang chờ đợi mình tha thiết? Nhưng Lãm tỏ vẻ điềm nhiên, chỉ thay đổi thái độ một chút: mời cô gái lên ngồi buồng lái vì sau ấy mùi cao su khét lắm. Lãm hỏi dò: “Ở đội ngầm của cô, có nhiều cô tên là Nguyệt lắm thì phải?” Cô gái cho biết: “Ở đội em có ba Nguyệt. Nhưng một người đã hi sinh rồi”. Và một chị: “Nguyệt lão”. Lãm bỗng phân vân: “Trong hai người con gái, một trẻ và xinh đẹp ngồi bên cạnh, và một người đã chết anh dũng, ai là người đã từng mang canh cánh trong trái tim tuổi trẻ mối tình đầu đối với tôi suốt mấy năm, mà tôi lại tỏ ra hờ hững?...” Hai người đã đi với nhau trên một đoạn đường , chiến tranh ác liệt, gần như là một cuộc chiến đẩu của hai chiến sĩ. Cô Nguyệt đã bị thương. Cho đến lúc, Nguyệt nói “Đây là giang sơn của em rồi. Anh đi đi, không trời sáng mất” thì Lãm cũng chưa có gì chắc chắn để tin rằng người đó là Nguyệt đã yêu mình. Nhưng anh vẫn hứa hẹn “Ngày mai, tôi quay về, nhất định tôi vào… thăm Nguyệt”. Lời hứa hẹn đầy hi vọng mà thôi. Đáng lẽ chuyến đó anh về kịp… nhưng không. Phải đợi chuyến sau. Lãm đến, nghe chị Tính nói “Hôm kia, sao cậu không về? Nguyệt nó chỉ tranh thủ lên được có một hôm…” Truyện được mở nút bằng tiếng trống ngực của Lãm không đánh nữa. Lãm vội vàng nhét vào túi áo chị Tính một phong thư. Hai người chưa gặp lại, nhưng niềm tin và hi vọng thì tràn đầy. Chiến tranh dù ác liệt cũng không thể tàn phá được tình yêu của họ. Trái tim của Nguyễn Minh Châu thật là nhân hậu.
 
Vẻ đẹp lãng mạn của truyện trước hết là thể hiện ở nhân vật Nguyệt. Tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu trước hết là cố gắng tìm cái hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người. Trong “Mảnh trăng cuối rừng”, tác giả chọn Nguyệt - một nhân vật nữ - nhà văn đã có điều kiện để làm rõ sự tương phản giữa vẻ đẹp hiền dịu, thanh khiết của cô gái và hoàn cảnh dữ dội, tàn khốc của chiến tranh. Cô Nguyệt đã được giới thiệu một cách khái quát và gián tiếp qua thư của chị Tính: “Chị đã tính toán, đã nhằm cô Nguyệt trên này cho cậu. Trên đời khó tìm được một người con gái như thế”. Đó là một cô gái xinh đẹp “một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi toả ra từ nét mặt, lời nói”, “áo xanh chít hồng vừa khít, mái tóc dày tết thành hai dải”, “đôi gót chân hồng hồng, sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ, gấu quần lụa đen chấm mắt cá”. Một vẻ đẹp thanh khiết đối lập với bối cảnh thời chiến ngột ngạt mùi thuốc súng và bóng đen của thần chết đang rình rập xung quanh. Tác giả còn thi vị hoá nhân vật bằng biểu tượng ánh trăng “Từ đầu hôm, tôi đi giữa đêm trăng mà không biết”, “xe tôi chạy trên lớp sương bồng bềnh. Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc. Khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng”. “Trăng sáng soi thằng vào khuôn mặt Nguyệt làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên vẻ đẹp lạ thường.”
 
Con người xinh đẹp đó tưởng như chỉ biết ước mơ và chờ đón tình yêu, nhưng lại là một tấm gương vằng vặc của lòng dũng cảm, đức hi sinh quên mình. Một cô gái dày dạn kinh nghiệm chiến trường. Qua tấm kính. Lãm thấy hiện ra một ngọn đèn pháo sáng xanh lét run rẩy soi loè nhoè ở trên đầu. Nguyệt nói “Không phải đâu, trăng đó anh ạ!”. Nguyệt còn là một cô gái tháo vát, một chiến sĩ lão luyện. Gặp đoạn đường khó đi, Nguyệt lanh lẹ xuống xe, xi-nhan cho lái xe. Khi xe qua đoạn ngầm Đá Xanh, xe không đi được, Nguyệt đã nhanh nhẹn lội phăng phăng sang bên kia bờ giúp Lãm cột dây tời vào một gốc cây. Trong cơn nguy hiểm, Nguyệt chủ động giành nơi ẩn nấp an toàn cho đồng đội. “Vừa chạy được hai bước, tôi đã bị Nguyệt túm lấy kéo tôi trở lại. Nhanh và khoẻ hết sức, Nguyệt đẩy tôi ngã vào giữa vật gì rất cứng và sâu. Nghe hơi thở và tiếng nói của Nguyệt rất bình tĩnh”. Nguyệt cũng là cô gái lạc quan, yêu đời. Khi chia tay, Nguyệt nói: “Anh cứ yên tâm, vết thương chỉ sướt da thôi. Từ giờ đến sáng em có thể đi lên đến tận trời được!” Nguyệt là nhân vật lí tưởng, là viên ngọc Nguyễn Minh Châu nhặt được giữa bom cày đạn xới, vì quá đỗi yêu quý “viên ngọc” mà nhà văn thi vị hoá nhân vật của mình khiến cho nó càng lung linh huyền ảo như mảnh trăng cuối rừng. “Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?”.
 
Tinh thần lãng mạn của “Mảnh trăng cuối rừng” còn thể hiện ở vẻ đẹp của thiên nhiên, của đêm trăng ở tiền phương. Tác giả đã đối lập giữa cái khốc liệt của chiến tranh và sự huyền ảo của thiên nhiên, của trăng. “Qua tấm kính ướt hơi sương, mảnh trăng nằm giữa những tảng mây hiện ra tái ngắt, ánh sáng loè nhoè, mỗi lúc xe nảy lên hay vòng qua chỗ lượn, mảnh trăng lại chập chờn lay động, có lúc thấy rơi tõm xuống khoảng tối mịt mù của cánh rừng già như một trò chơi ú tim”.
 
Bầu trời đêm cũng rất thơ một và trữ tình “Khoảng gần khuya, trên các chỏm rừng, gió tây nam cuốn mây xám về một góc rồi thổi dạt đi. Gió thổi vào cành lá nguy trang trên nóc xe ràn rạt. Trên đầu chúng tôi, khoảng trời đêm trên cao trở nên trong vắt, cao lồng lộng, trong khoảng sâu thẳm nổi lên một tiếng chim mơ hồ…”
 
Hai người tình trong mộng tưởng cùng ngồi với nhau trong một ca-bin, đi trong rừng đêm, dưới ánh trăng huyền ảo, còn gì lãng mạn hơn? Nguyệt là trăng, trăng cũng là Nguyệt. Trăng lung linh soi sáng Nguyệt, làm tôn lên vẻ đẹp bên ngoài của Nguyệt và soi vào thăm thẳm tâm hồn Nguyệt. Nếu thiếu đi hình ảnh huyền diệu của thiên nhiên kia – ánh trăng – thì thiên truyện sẽ mất hết linh hồn và chủ đề của truyện sẽ nông cạn. Trăng và Nguyệt đã hiện lên trong tàn khốc, trong lửa đạn, sáng trong, lung linh, huyền diệu và đã nhập lại làm một “mảnh trăng cuối rừng”.
 
Nhà văn Nguyễn Minh Châu không còn nữa, nhưng trăng thì vĩnh hằng. “Mảnh trăng cuối rừng” vẫn hiện diện với chúng ta như khuôn mặt và tâm hồn của nhân vật trong tác phẩm của ông, hay cũng chính là vẻ đẹp lãng mạn của tâm hồn ông. Đọc truyện Nguyễn Minh Châu, ta lại có cảm nghĩ đấy không phải là trăng, đấy là hạt ngọc của tâm hồn con người mà ông đã tìm kiếm được trong lung linh, huyền ảo, vĩnh hằng.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây