Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Truyện ngắn Làng của Kim Lân gợi cho em những suy nghĩ gì về những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp (Bài 3)

Thứ ba - 02/02/2016 09:21
Tình yêu làng xóm quê hương là một phẩm chất truyền thống của người Việt Nam đã được thể hiện rõ trong tác phẩm văn học. Trong truyện ngắn làng của nhà văn Kim Lân nhân vật ông Hai vừa có lòng yêu nước tha thiết như truyền thống vốn có của người Việt Nam lại vừa có những nét mới mẻ đáp ứng không khí sôi nổi quyết tâm của toàn dân tham gia kháng chiến kiến quốc lúc bấy giờ.
Cũng như bao người nông dân khác, sống êm ả sau luỹ tre làng, ông Hai yêu làng Chợ dầu của mình với tình yêu thật đặc biệt. Tình cảm đó trong ông biểu hiện về tính hay khoe về cái hay, cái đẹp của làng quê mình cứ như không đâu bằng được như vậy. Ông khoe về làng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Ông nói về sự giàu có và trù phú của làng mình với một niềm say mê và náo nức lạ thường: “hai con mắt ông sáng lên cái mặt chuyển biến...” ộng kể về cái làng của ông như một người nông dân tự hào về những thửa ruộng xanh ngút ngàn do chính tay mình cày cấy, như một người mẹ tự hào về đứa con yêu của mình thành đạt. Thật là một tình cảm chân tình mộc mạc, đáng trân trọng vô cùng. Tất cả những điều đáng kiêu hãnh đó đã chứng tỏ rằng người nông dân trong làng ông đều là những con người cần cù lao động, có ý thức đóng góp cho quê hương mình ngày càng giàu đẹp. Những phẩm chất đáng quý đó không chỉ của riêng người nông dân làng Chợ Dầu mà còn là của những nguời dân Việt Nam trên muôn vàn làng quê khác.
 
Sau Cách mạng, khi đã được giác ngộ ý thức giai cấp tình yêu làng của ông Hai có những biến đổi sâu sắc. Nếu trước kia ông coi làng là cái “sinh phần của cụ Thượng” là niềm hãnh diện trước con mắt ngạc nhiên của dân làng khác thì giờ đây ông đâm ra căm thù với nó vì “cái làng đó làm khổ ông, nó còn làm khổ biết bao nhiêu người trong làng này nữa”. Ông còn biết tham gia tự vệ để chiến đấu chống Pháp bảo vệ làng quê, và còn làm nhiều việc khác để phục vụ cho kháng chiến.
 
Khi phải xa làng đi tản cư ông lão cũng nghĩ rằng: “tản cư cũng là kháng chiến”. Xa làng khi nghe tin giặc đánh Chợ Dầu, ông đã hỏi ngay: “Ta giết được bao nhiêu giặc?”. Câu hỏi đó đã thể hiện quyết tâm chống giặc, góp một trận đánh nhỏ cho chiến trường chung của cả nước. Lòng yêu làng nhớ làng trở thành sự quan tâm tới chiến sự, tới chính phủ của Cụ Hồ. Đó là biểu hiện cao đẹp về lòng yêu nước của những người dần quê Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp xâm lược giành độc lập tự do cho dân tộc.
 
Đến đây ta thấy rằng tình cảm làng xóm đầy tính truyền thống của người dân quê Việt Nam từ bao đời nay đã mang những nét mới của thời đại. Ông Hai khoe về làng trong cuộc kháng chiến chống Pháp của đất nước chính là ông đã đặt làng trong phong trào Cách mạng chung. Đó là cơ sở để ông Hai tự hào về sự hoà nhập cuộc chiến đấu bảo vệ làng, không theo địch của làng Chợ Dầu với cuộc kháng chiến vĩ đại của đất nước. Đây là điều mới mà Cách mạng đã đem lại cho ông. Nét đẹp này đã tạo nên bản lĩnh vững vàng để nhân vật có thể trải nhiều bão tố lòng yêu làng, yêu nước làng.
 
Thử thách đầu tiên xảy ra trong một hoàn cảnh đặc biệt. Đó là khi làng Chợ Dầu theo giặc - tuy chỉ mới phong thanh từ miệng mây người dân tản cư cũng đủ khiến ông vô cùng bàng hoàng đau đớn. Hàng loạt diễn biến tâm trạng giằng xé tâm can ông. “Da mặt tê rân rân”, “cổ nghẹn ắng hẳn lại” chứng tỏ rằng ông đang đi tới cực điểm của sự đau khổ và mất hết niềm tin. Nhớ làng mong được về làng đến khắc khoải, đau đớn vậy mà lúc này người nông dân chân chất này đã thốt lên những người đau xót: “Làng thì yêu thật, nhưng theo Tây mất thì phải thù”. Từ trong tâm thức, ông Hai không cho phép làng đi ngược lại với lí tưởng của nhân dân, đất nước đi ngược lại với kháng chiến của dân tộc.
 
Mặc dù dằn lòng nhưng suy nghĩ tình cảm với Chợ Dầu như ngấm vào máu thịt của ông. Ông hỏi con quê ở đâu chỉ cốt để nhắc đến làng Chợ Dầu của ông, ông thủ thỉ tâm sự rồi khóc với đứa con bé bỏng cũng chính là để khẳng định lại lòng trung thành tuyệt đối của mình với Cách mạng với Cụ Hồ. Mỗi việc ông làm, mỗi lời ông nói, mỗi biểu hiện dù nhỏ nhất trong tâm trạng ông lúc này đều chứng tỏ lòng yêu làng xóm của người nông dân đã có những chuyển biến sâu sắc về nhận thức Cách mạng nhận thức giai cấp.
 
Lần thử thách thứ hai là khi nghe tin cải chính về làng Chợ Dầu. Ông như được hồi sinh, sung sướng như trẻ con bô bô đi khoe khắp nơi. Những mất mát do giặc gây ra với làng Chợ Dầu và gia đình ông được ông mang đi khoe như những bằng chứng về lòng trung thành của mỗi người nông dân làng ông đối với cách mạng.
 
Ông Hai là điển hình cho người nông dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, có lòng yêu làng tha thiết, hoà vào tình yêu nước thiêng liêng sâu sắc. Họ sẵn sàng hi sinh tất cả, kể cả ngôi nhà, kể cả làng quê yêu dấu, tổ ấm tâm linh của mình cho kháng chiến.
 
Truyện ngắn Làng đã thể hiện cái nhìn mới mẻ, đúng đắn của nhà văn Kim Lân về người nông dân trong cuộc kháng chiến chông Pháp trường kì và anh dũng. Ở đó lịch sử hào hùng của đất nước đã lay động trái tim chân thật của mỗi người, khiến cho những phẩm chất đáng quý trong tâm hồn họ trở nên tốt đẹp hơn cao quý và sâu sắc hơn.
 

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây