Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã tự coi mình là người "đi tìm cái thứ vàng của màu sắc sông núi Tây Bắc … tươi vui và vững bền". Hãy phân tích "chất vàng” quý giá của thiên nhiên và con người Tây Bắc thể hiện qua á

Thứ năm - 26/05/2016 12:28
Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân chán ghét, quay lưng với xã hội. Ông tìm thú vui trong “giang hồ xê dịch” để khỏa lấp nỗi cô đơn. Ông dựng lại vẻ đẹp xưa cũ của một thời còn vang bóng để thành kính tôn thờ. Sau Cách mạng, nhà văn tài hoa ấy gắn bó với Tổ quốc, với nhân dân. Ông đi nhiều nhưng là đi để tìm hiểu khám phá, để ngợi ca. Đến với Tây Bắc, Nguyễn Tuân tự coi mình là người “đi tìm cái thứ vàng của màu sắc sông núi Tây Bắc và nhất là cái thứ vàng mười mang sẵn trong tâm trí tất cả những con người ngày nay đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc xây dựng cho Tây Bắc thêm sáng sủa, tươi vui và vững bền”. Với tùy bút Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã đem tài hoa, vốn hiểu biết lịch lãm giàu có của mình để ngợi ca thứ “vàng mười” của sông nước Tây Bắc là con sông Đà “hung bạo và trữ tình”, của con người là “tay lái ra hoa” của ông lái đò sông Đà.
Trong câu nói của Nguyễn Tuân, chữ “vàng” không dùng với nghĩa đen. Nhà văn muốn mượn của vàng vẻ đẹp và sự quý giá để chỉ sự quý giá và vẻ đẹp của sông núi - Tổ quốc ta và tài trí con người - nhân dân ta. Nhưng vẻ đẹp và sự quý giá ấy không dễ tìm thấy, nó còn đang náu mình trong những vùng đất xa xôi. Nhà văn phải là người tìm kiếm, sàng lọc để phát hiện ra vẻ đẹp ấy rồi bằng tài năng của mình bất tử hóa nó trong tác phẩm để “cống nạp” cho đời những thỏi “vàng mười” của thiên nhiên đất nước và con người.

Một thiên tùy bút không thể mong nói hết vẻ đẹp và sự quý giá của thiên nhiên và con người một vùng đất cho dù tác phẩm ấy có xuất sắc đến đâu đi nữa. Nhưng trong một tùy bút như Người lái đò sông Đà, cái chất “vàng mười” của sông núi và con người Tây Bắc được hiện ra rực rỡ và sang quý lạ thường.
 
Trước hết trong trang tùy bút Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã phát hiện “chất vàng” quý báu của một dòng sông. “Đà giang độc bắc lưu” trong tùy bút Nguyễn Tuân là một dòng sông “hung bạo”, dòng sông của một sức sống mãnh liệt. Tính cách hung bạo của dòng sông được cảm nhận rõ ràng ở những đoạn sông đầy đá nổi đá chìm và thác dữ. Nhưng bên cạnh sự hung bạo ấy và cả bên trong sự hung bạo ấy ta vẫn thấy ở sông Đà một biểu tượng về sức mạnh dữ dội và vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước. Cái dữ dội và hùng vĩ của sông Đà trước hết là ở cảnh “đá bờ sông dựng thành vách” rồi đến “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn gùn ghè suốt năm”, rồi “những hút nước xoáy tít”... Có thể nghe thấy trong những câu văn, đoạn văn như thế âm hưởng của những khúc ca ca ngợi sức mạnh của một thiên nhiên hoang dại mà cũng thật tự do, phóng khoáng. Cái quý giá ở đây là một tiềm năng lớn lao của một sức mạnh bạo liệt.
 
Vẻ đẹp man dại hùng vĩ của con sông Đà được quyền năng của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân bắt hiện lên theo đủ mọi góc độ đặc biệt từ góc độ điện ảnh: “Cái máy lia ngược contre plongée lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào cả máy, cả người quay phim cả người đang xem”. Nhờ những so sánh, những tưởng tượng bất ngờ kì thú của tác giả mà người đọc cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội của sông Đà hiện lên sống động vĩ đại và mạnh mẽ.
 
Trên sông Đà, dữ dội nhất vẫn là thác đá. Nguyễn Tuân đã buộc sự dữ dội ấy hiện lên thành hình và gào lên trăm ngàn âm thanh phong phú. Tiếng thác “nghe như là oán trách gì” rồi lại “như là van xin” rồi lại “như là khiêu khích”, “giọng gằn mà chế nhạo”, rồi “nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng tre nứa nổ lửa đang phá tung rừng lửa, rừng lửa cũng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”... Trong vẻ dữ dội, man dại của sông Đà, ta thấy cái quý giá của sức nước, thấy hiện ra những “tuốc pin thủy điện”. Đó chính là “chất vàng” quý giá của tài nguyên đất nước.
 
“Chất vàng” của sông nước Tây Bắc không chỉ ở sự quý giá mà còn ở vẻ đẹp. Trong bài tùy bút của Nguyễn Tuân, con sông Đà mang một vẻ đẹp thơ mộng trữ tình. “Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình mà đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi mèo đốt nương xuân”. Nghệ thuật so sánh dồn dập hiện ra vẻ đẹp trữ tình của dòng sông. Một áng tóc mà có cả vẻ đẹp của mây trời, vẻ đẹp của hoa quyện vào khói nương huyền ảo, nên thơ. Gợi tả vẻ đẹp của dòng nước Đà giang không ai vượt được Nguyễn Tuân khi ông gợi lại “áng tóc trữ tình” ấy để ví với dòng sông.

Không chỉ có thế, Nguyễn Tuân còn dùng những thán từ, những cụm từ hào hoa gợi cảm để làm nổi bật hết vẻ đẹp nên thơ của dòng sông Đà.
 
“Con hươu ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương”, hình ảnh đẹp như đi ra từ một thế giới huyền ảo của cổ tích vậy. Những tính từ “đằm thắm”, “âm ấm”, “giọng nói êm êm”. rồi lại điểm xuyến những câu thơ Đường (Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu), thơ Tản Đà (Dải sông Đà bọt nước lênh đênh / Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình) của “người tình nhân chưa quen biết”. Ta nghe trong đoạn văn có hơi thở nồng ấm, quấn quýt của tình người, tình trai gái, của bóng giai nhân. Con sông đẹp như một bài thơ đằm, cổ kính, lãng mạn.
 
Cùng với thiên nhiên là con người. Chất “vàng mười” quý giá của người lao động trong tùy bút Người lái đò sông Đà chính là hình ảnh ông lái đò sông Đà. Trong câu nói của mình, Nguyễn Tuân rất có dụng ý khi ông dùng chữ “vàng” để nói về màu sắc sông núi và chữ “vàng mười” để chỉ vẻ đẹp và giá trị của con người lao động đồng thời cũng ngầm ý rằng: cái quý báo trong phẩm chất, tài năng của con người phải được tôi luyện trong cuộc sống như vàng được luyện trong lửa vậy. Vẻ đẹp của tài nguyên Tây Bắc thật quý giá. Nhưng con người phải đẹp hơn tất cả, quý giá hơn tất cả.
 
Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, con người mang chất “vàng mười” quý giá ấy lại là một con người lao động bình thường, một người vô danh làm nghề lái đò dọc trên sông Đà. Nhưng con người vô danh ấy nhờ lao động, nhờ chinh phục, chế ngự một tự nhiên bạo liệt như sông nước Đà giang đã trở nên lớn lao, kì vĩ.
 
Vẻ đẹp của người lái đò trước hết thể hiện ở tài nghệ của một “tay lái ra hoa”. Nguyễn Tuân đã tung một đạo binh ngôn từ hùng hậu để miêu tả cho thật hấp dẫn và hùng tráng cuộc thủy chiến mà ở đó ông đò đã phá tan ba ải nước của trùng vi thạch trận quân tướng đá sông Đà. Con thuyền mỏng manh phải đối diện với dòng nước “hung bạo đang hồng hộc tế mạnh” mà “bọt đá trắng xóa cả một chân trời đá”. Ông lái đò với một sự dũng cảm phi thường đã cùng sáu tay chèo vượt qua hết trùng vi này đến trùng vi khác. Giành thế chủ động bởi ông lái đã “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá”. Ông đò đã cưỡi lên thác ghềnh sông Đà như một lão tướng dày dặn kinh nghiệm, đè sấn lên sóng, nắm chặt bờm sóng mà thuần phục dòng sông hung bạo. Hình ảnh ông đò như mang dáng dấp của những anh hùng trong các thiên anh hùng ca thời cổ đại.
 
Chất “vàng mười” trong tài trí con người ở đây là sự dũng cảm, gan dạ, tài ba của người cầm lái mà đường lái đạt đến độ điêu luyện, siêu phàm: “ghì cương lái miết phóng nhanh vút vút cửa ngoài, cửa trong”, “thuyền như một mũi tên tre”... ông lái đò như một nghệ sĩ tài ba với một nghệ thuật cao cường đang luồn tránh, lái lượn trên dòng nước bạo liệt của Đà giang. Tài nghệ siêu phàm ấy chính là thứ “vàng mười” ngời ngời tỏa ánh giữa thiên nhiên hùng vĩ của Tổ quốc.
 
Cái đẹp vốn sẵn có trong thiên nhiên và con người. Nhưng biết nhìn thấy và biết cách làm cho mọi người cũng nhìn thấy lại không hề dễ dàng. Phải có sự kết hợp giữa cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ mới làm được điều đó. Với một tình yêu lớn lao đối với Tổ quốc và nhân dân mình, nghệ sĩ Nguyễn Tuân đã đắm mình trong cảnh và người Tây Bắc để phát hiện ra chất “vàng mười” quý giá của thiên nhiên và con người. Bằng cảm hứng lãng mạn, bằng phép thuật ngôn từ, Nguyễn Tuân đã đem đến cho ta “chất vàng” quý giá của đời và làm giàu, làm sang cho tâm trí của chúng ta khiến ta biết yêu hơn con người và biết quý hơn thiên nhiên đất nước mình.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây