“Bác để tình thương cho chúng con”. Đúng như lời thơ Tố Hữu, tình thương là đặc điểm nổi bật trong đạo đức sáng ngời cua Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông mọi kiếp người". Tình thương yêu của Người, thật vậy, vô cùng rộng lớn, dành cho cả mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các em thiếu niên nhi đồng. Bởi vậy, trước lúc đi xa, trong lời di chúc, Bác viết:
“Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Tình thương yêu vô cùng rộng lớn ấy của Bác được thể hiện khá sâu sắc trong nhiều tác phẩm thơ văn và cả trong mẩu chuyện thực tế, sinh động mà sách báo còn ghi chép lại.
Chúng ta ai cũng biết là trái tim Bác Hồ thật là vĩ đại, thấm đẫm lòng nhân ái, tình thương yêu mãnh liệt và sâu sắc dành cho cuộc sống và con người. Vì thế, Bác đã hi sinh cả một đời mình vì hạnh phúc và no ấm của nhân dân và nhân loại. Từ khi còn hoạt động ở nước ngoài, trong lòng bí mật, Bác đã hết lòng thương yêu thông cảm với những người lao động.
Năm 1942, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc bắt giam một cách bát ngờ và vô lí. Trong "Mười bốn trăng tê tái gông cùm" ấy, bao lần bị giải đi triền miên trong gió lạnh, Bác quên cả đau khổ riêng mình mà vẫn nặng lòng thương những người lao động cực nhọc gặp ở dọc đường. Có lần nhìn những người phu làm đường vất vả, Bác xúc cảm:
Dãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi
Phu đường vất vả lắm ai ơi!
Ngựa xe hành khách người qua lại
Biết cảm ơn anh được mấy người.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác cùng toàn dân chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nhiều đêm, Bác thao thức không ngủ, dẫu chỉ riêng vì... “lo nỗi nước nhà” mà vì còn bận chăm lo từng giấc ngủ cho bộ đội:
Rồi Bác đi dém chăn
Từng người, từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng.
Ngoài bộ dội, những người lao mình vào mưa bom bão đạn của giặc thù để chiến đấu, Bác còn thương đoàn dân công. Cảm thương họ không ngại vất vả, thiếu thốn và hiểm nguy, giữa đêm mưa rét phải ngủ ngoài rừng, Bác càng “nóng ruột mong trời sáng mau mau”:
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn
Trời thì mưa lăn thăn
Làm sao cho khỏi ướt
Càng trông càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau
Trong thời kì miền Bắc toàn dân ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Bác luôn luôn có mặt ở hầu hết những nơi mũi nhọn. Bác chân thành thăm hỏi, động viên từ công nhân khu mỏ Quảng Ninh, đồng bào dân tộc miền núi, quê hương “năm tấn” Thái Bình, đơn vị không quân tuổi trẻ anh hùng đến cả một số trường học. Nói chung là không một tầng lớp nhân dân nào không nhận được tình thương yêu của Bác. Sinh thời, Bác dành tình thương đặc biệt đối với miền Nam và đồng bào miền Nam. Đúng như lời thơ Tố Hữu: Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà..." Bác từng nói: "Miền Nam ở trong trái tim tôi" Bác luôn mong đợi:
Đến ngày thống nhất nước nhà
Bắc Nam sum họp thì tu vui vầy
Bởi vậy, mỗi khi có đại biểu, các anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm. Hồi ấy, Bác đều tiếp dón, thăm hỏi tặng quà, cùng chụp ảnh kỉ niệm... Bác vô cùng đau xót khi thấy đồng bào ruột thịt mình bị kiềm kẹp. Bác vui mừng hồ hởi khi dược tin nhân dân thắng lợi.
Nhưng đặc biệt hơn cả là đối với thiếu niên nhi đồng, thế hệ cách mạng của đời sau, Bác hết lòng yêu thương, chăm sóc, khuyên bảo, dạy dỗ. Ngay từ khi còn hoạt động cách mạng bí mật ở nước ngoài, ở trong tù, Bác lắng tai nghe tiếng khóc của người thiếu phụ phải thay chồng “đến ở nhà pha”. Quên mọi khổ cực của bản thân mình, Bác xót xa và đặc biệt nghẹn ngào khi nghe tiếng khóc của cháu nhỏ cất lên từ nhà ngục bọn Tướng:
Oa...! Oa...! Oa...!
Cha trốn không đi lính nước nhà
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi
Phải theo mẹ đến ở nhà pha.
Đến khi về nước, khi đoàn đại biểu nhân dân Tân Trào đến chào mừng Ủy ban dân tộc giải phóng do Quốc dân đại hội bầu lên, nhìn các em nhỏ gầy yếu, vàng vọt. Bác đã nghẹn ngào: “Nhiệm vụ của chúng ta phải làm sao cho các em có cơm ăn, có áo ấm, được đi học, không lam lũ mãi như thế này”.
Bởi vậy, sau Cách mạng tháng Tám, Bác đặc biệt quan tâm tới việc học hành và đời sống của các em thiếu niên nhi đồng. Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên (tháng 9 năm 1945), Bác viết: Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ phần lớn ở công lao học tập của các cháu. Cũng từ đó, Tết Trung thu nào Bác cũng viết thư, làm thơ gửi thiếu niên nhi đồng:
Trung Thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Bác đề ra năm điều cần thiết để các cháu có phương hướng học tập và rèn luyện.
Ai không xúc động khi nghe kể chuyện nhiều lần thấy các cháu mẫu giáo được cô đưa đi tham quan qua cổng Phủ Chủ tịch, muốn được vào thăm Bác, thăm nơi ở của Bác, mặc dầu rất bận rộn, Bác vẫn bào các chú bảo vệ cho các cháu vào thăm: “Bác dắt tay hai cháu nhỏ nhất, còn các cháu khác xúm xít theo Bác ra vườn. Bác vừa đi vừa chỉ cho các cháu xem những cây Bác đã trồng, xem hai cây vú sữa miền Nam và thăm ao cá Bác nuôi. Bác dặn các cháu phải ngoan ngoãn, sạch sẽ và vâng lời cô giáo”.
Ngay khi Bác đi xa, trên bàn làm việc của Người, cảm động biết bao, vẫn còn chồng thư của các cháu khắp nơi gửi về, Bác đang xem dở:
Ôi! Vẫn còn đây của các em
Chồng thư mới mở, Bác đang xem
Chắc Người thương lắm đàn con trẻ
Nên để bâng khuâng gió động rèm.
Dễ chi nói hết được tình thương yêu mênh mông của Bác đối với dân tộc ta nói riêng với nhân loại nói chung. Tình thương yêu ấy thôi thúc Người trọn đời phấn đấu vì tổ quốc, vì nhân dân và đặc biệt là vì thế hệ cách mạng đời sau.
Ngày nay, tuy Bác qua đời nhưng Người vẫn còn sống mãi trong tình cảm của chúng ta. Người vẫn ở bên ta: "Bác vẫn giơ tay vẫy lại gần" để cháu con theo kịp Bác. Tình thương yêu của Người mãi mãi còn bao trùm khắp non sông đất nước và trong mỗi chúng ta.
Hơn ai hết, là "thế hệ cách mạng đời sau" được Bác đặc biệt chăm sóc, vun trồng, chúng ta nguyện mãi mãi làm theo lời Bác dạy, ra sức chăm học, chăm làm vì một ngày mai giàu có, ấm no và hạnh phúc của đất nước và nhân dân.