Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Tình huống độc đáo và hấp dẫn trong truyện "Vợ nhặt"

Chủ nhật - 18/03/2018 11:46
Nhà văn Kim Lân, người viết truyện ngắn có tài đã phát hiện ra một tình huống khá độc đáo khiến cho truyện ngắn “Vợ nhặt” có sức hấp dẫn và có tư tưởng nhân văn sâu sắc. Đó là tình huống của một anh dân nghèo tên là Tràng, xấu trai, ế vợ lại “nhặt được vợ” trong vụ đói khủng khiếp ở miền Bắc nước ta vào năm 1945.
“Muốn ăn cơm trắng mấy giò này
Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!”
 
Lời bắt vần bông đùa ấy đã dẫn đến một câu chuyện tình độc đáo và cảm động.
 
Nhà văn Kim Lân, người viết truyện ngắn có tài đã phát hiện ra một tình huống khá độc đáo khiến cho truyện ngắn “Vợ nhặt” có sức hấp dẫn và có tư tưởng nhân văn sâu sắc. Đó là tình huống của một anh dân nghèo tên là Tràng, xấu trai, ế vợ lại “nhặt được vợ” trong vụ đói khủng khiếp ở miền Bắc nước ta vào năm 1945.
 
Khi Tràng vừa đẩy xe bò vừa xướng lên câu vè “Muốn ăn cơm trắng với giò này…” Tràng cũng không muốn chòng ghẹo cô nào, vậy mà bỗng dưng có một cô gái lên tiếng rồi cười tình với hắn. “Tràng thích lắm. Từ cha sinh mẹ đẻ đến, chưa có người con gái nào cười với hắn tình tứ như thế”. Gặp lại lần thứ hai, Tràng mời trầu, cô gái nói: “Có ăn thì ăn, chả ăn giầu”, thế là thị ngồi sà xuống ăn bánh đúc. Ăn một hơi bốn bát bánh đúc lại còn châm chọc Tràng: “Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố!” Tràng nói thật “Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về!”. Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh cũng chợn nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Rồi hắn chặc lưỡi “Kệ”.
 
Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về.
 
Tình huống này đã gây ngạc nhiên cho cả xóm ngụ cư, cho mẹ Tràng và cho cả bản thân Tràng nữa. Tràng là một người đàn ông xấu xí, nghèo túng, dân ngụ cư (bị người làng khinh bỉ), xưa nay con gái không thèm để ý đến vả lại cũng không có tiền cưới vợ. Vậy mà bỗng dưng lấy được vợ, lại là vợ theo hẳn hoi.
 
Lại thêm giữa lúc đói kém, người như Tràng đến nuôi thân còn khó lại còn đèo bòng vợ với con. Cho nên khi Tràng dắt một người đàn bà lạ mặt về nhà, cả xóm ngụ cư đều ngơ ngác không hiểu thế nào. Họ chưa thể nghĩ đấy là vợ của anh ta và anh ta lại dám lấy vợ vào lúc này. Trong xóm rộn ràng lên những lời châm chọc của lũ trẻ “chông vợ hài”. Người thì cho rằng là người dưới quê bà cụ Tứ lên. Người thì cãi là không phải, người quan sát tinh tế hơn thì cho rằng “Hay là vợ anh cu Tràng ? Ừ, khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để!”. Có người lại hoài nghi vì thời buổi đói kém còn rước cái nợ đời về đó làm gì “biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không? ”
 
Bà cụ Tứ, mẹ Tràng lại còn ngạc nhiên hơn khi thấy một người đàn bà lạ trong nhà với con mình. “Đến giữa sân bà lão đứng sững lai…”, “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong đấy nhỉ?” “Sao lại chào mình bằng u?” “Ai thế nhỉ?” Cho đến khi người đàn bà lạ chào bà “U đã về ạ!” Bà vẫn chưa hiểu gì cả. Rồi đến lượt Tràng lên tiếng “Kìa nhà tôi nó chào u”, bà cũng vẫn không hiểu. Tràng phải giải thích rõ ràng “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau… Chẳng qua nó cũng là cái số cả”. Bây giờ bà lão mới hiểu. Bà nín lặng. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương số kiếp đứa con mình.
 
Giải thích cho mẹ như vậy nhưng chính Tràng cũng chưa hết ngạc nhiên. Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ! “Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?” Hắn chỉ tầm phơ tầm phào có vài bận, thế mà thành vợ chồng! Thậm chí sau đêm tân hôn anh ta vẫn chưa hết bàng hoàng. “Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải”.
 
Đây là một tình huống oái oăm không biết nên vui hay nên buồn, không biết nên mừng hay nên lo vì họ lấy nhau trong những ngày đói khủng khiếp “người chết như ngả rạ”. Dưới những gốc đa gốc gạo, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ gào lên thê thiết. Cả xóm ngụ cư, trừ những đứa trẻ vô tư reo hò “chông vợ hài” còn thì ai cũng lo cho cặp vợ chồng này. Chính Tràng khỏe mạnh còn làm lụng vất vả kiếm được tiền mà vẫn lo đói “Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chẳng biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”.
 
Bà cụ Tứ thì tâm trạng đầy mâu thuẫn. Một mặt bà cũng mừng vì dù sao con bà cũng có vợ. Một mặt bà tủi vì gặp phải lúc đói khổ người ta mới lấy con mình. Nhưng cái lo vẫn đè nặng lòng bà, không biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua cái đói này không. Bà thấy thương con dâu “Năm nay đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá…”. Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng.
 
Xây dựng được tình huống truyện độc đáo như vậy, ý nghĩa của truyện càng thêm sâu sắc.
 
Từng tình tiết của truyện có giá trị tố cáo tội ác của thực dân, phát xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nạn chết đói đe dọa tất cả mọi người. Mạng sống của con người trong thời buổi đen tối này thật là rẻ rúng.
 
Tác giả diễn tả được tâm trạng của những bà mẹ nghèo. Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc ăn nên làm ra, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Đằng này, vì đói người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới lấy được vợ. Kể ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng… nghèo, đói biết làm sao.
 
Người dân lao động dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống vẫn hi vọng ở tương lai. Khi Tràng dẫn người đàn bà lạ về xóm giữa lúc đen tối vậy mà vẫn làm cho cuộc sống xôn xao “có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ”. Còn Tràng, khi đi bên cạnh người đàn bà theo mình bỗng quên hết cảnh đói khát. Mặt hắn có một vẻ gì “phớn phở” khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. “Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt…”. Bà cụ Tứ đầy lo âu nhưng niềm vui vẫn nở trên khuôn mặt. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời, bà cụ tin như thế. Và bà trở nên “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Bà lão lo thu dọn nhà cửa, quét tước sạch sẽ, hình như ai nấy đều nghĩ rằng nhà cửa quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời họ sẽ khấm khá hơn.
 
Phát hiện được một tình huống độc đáo oái oăm, nhà văn Kim Lân đã dẫn đến một chủ đề sâu sắc, nhân bản: trong hoàn cảnh đói khổ nghèo hèn, thậm chí trước cái chết, những người lao động vẫn hướng về sự sống, vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn tin tưởng vào ngày mai.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây