Với nhà thơ Tố Hữu, lịch sử cách mạng đã giao phó cho ông một trọng trách cao cả. Ngay từ khi giác ngộ lí tưởng Đảng ("Mặt trời chân lý chói qua tim- Từ ấy) trong lòng nhà thơ trẻ tuổi đã say mê lý tưởng cách Mạng. Được tôi luyện trong tranh đấu, tình cảm của nhà thơ đối với quê hương, đất nước ngày càng mặn mà và sâu đậm. Với tình cảm dạt dào ấy cùng với cảm hứng của một hồn thơ trữ tình cách mạng, Tố Hữu đã viết nên bài thơ Nhớ đồng với sự xúc động mãnh liệt tuôn trào. Bài thơ mang những hình ảnh thân quen gần gũi và rất đỗi bình dị đối với mọi người.
Từ lúc bị giam cầm trong nhà ngục thực dân đế quốc những hình ảnh thân quen, gần gũi và rất đỗi bình dị đối với mọi người.
Từ lúc bị giam cầm trong nhà ngục thực dân đế quốc những hình ảnh quen thuộc thuở nào luôn trở đi trở lại trong tâm trí nhà thơ. Và khi người chiến sĩ cách mạng ấy chợt lắng tai nghe giọng hò của một ai đó vang lại tất cả. Như đang hiện lên trước mắt nhà thơ khung cảnh quê hương tươi đẹp và rồi tâm hồn ấy chìm trong nỗi nhớ nhung da diết.
"Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò."
Qua nỗi nhớ ấy, bao hình ảnh quê hương chợt ùa ra và nhà thơ như đang đứng trước một bức tranh quê vừa gần gũi vừa xa xăm. Xa là vì nhà thơ đang trong tù ngục, bức tường của nhà lao đã ngăn cách con người ấy với chốn thân quen của mình. Vì vậy, trong nỗi nhớ khôn nguôi mọi thứ chỉ có thể với tới được khi mở hồn mình đón nhận những âm hưởng vang dội từ ngoài vào nhưng nhà thơ vẫn thấy xa xôi:
"Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi Đâu ruồng tre mát thuở yên vui Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?"
Tình cảm nhà thơ nồng nàn trong từng cảnh vật của quê hương, Chất chứa trong đó bao nỗi thân thương của lòng mình. Và trong sự xúc động đang tuôn trào đó như dồn nén vào nhà thơ niềm khao khát cháy bỏng được trở lại với cuộc đời tranh đấu. Thế nhưng giữa nhà thơ và quê hương đang còn trong sự cách biệt xa vời. Do vậy nỗi nhớ mong càng đau đáu như thiêu đốt cõi lòng người trai trẻ.
Đâu những lưng cong xuống luống cày
Mà bùn hy vọng nức hương ngây
Và đâu hết những bàn tay ấy
Vãi giông tung trời những sớm mai."
Trong tù ngục sự cách biệt với bên ngoài càng làm cho tác giả tha thiết hơn với những gì đã in vào trái tim thành kỷ niệm. Nhà thơ nhớ đến những luống cày với bao bàn tay sớm hôm vun trồng hy vọng tương lai. Đặc biệt nhà thơ nhớ đến những dáng hình thân quen đã nuôi dưỡng, chở che khi còn đang được đoàn tụ. Nhưng giờ đây đã quá xa xôi, cách trở:
"Đâu dáng hình quen, đâu cả rồi
Sao mà cách biệt quá xa xôi!
Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ
Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi"
Hình ảnh mẹ già xa xôi, đơn chiếc luôn làm cho nhà thơ thương nhớ và nhói đau ở cõi lòng. Người mẹ ấy ngày đêm mong nhớ đứa con đang trên đường tranh đấu và lòng người mẹ già càng héo hắt theo tháng năm.
Ở nhà thơ Tố Hữu, hình ảnh người mẹ luôn thường trực trong trái tim ông. Sự kính phục và mến yêu vì tấm lòng cao cả và đức hi sinh của những người mẹ hiền. Với tấm lòng của một người con với quê hương, đất nước ở Tố Hữu nơi đâu cũng có những người mẹ đáng trân trọng, đó là những "Bà má Hậu Giang”, "Mẹ Tơm", là "Mế ", "Bà Bầm", "Bà Bu"... Dường như trong lòng nhà thơ, quê hương cũng là một người mẹ. Người mẹ ấy chất phác hiền hậu và luôn bao bọc che chở cho những đứa con của mình. Trong ý nghĩ của tác giả, quê hương là nơi hội tụ đầy đủ tất cả phẩm chất của một người mẹ anh hùng. Cũng chính vì sự kiên trung gan dạ và đức hy sinh của những người thân quen ấy, nên dù sống trong cảnh lao ngục, tấm lòng nhà thơ luôn hướng về, luôn ôm ấp khát vọng tranh đấu để đem lại yên bình cho quê hương, cho đất nước, cho đất mẹ hiền của mình.
Lòng say mê "đi kiếm lẽ yêu đời" đã không ngừng thôi thúc trái tim người trai trẻ xông pha vào cuộc tranh đấu. Đó là lí tưởng cũng là niềm khao khát giải phóng cần lao của những người chiến sĩ cách mạng:
"Rồi một hôm nào tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say đồng hương nắng, vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời "
Có thể nói, khi lí tưởng được đẩy lên cao độ sẽ khiến cho mọi trở ngại thành những gi rất đỗi nhẹ nhàng. Và nhà thơ cũng vậy, tinh thần tranh đấu như được chắp thêm đôi cánh để bay cao, bay xa hơn đến những nơi nào còn lao khổ. Vì vậy, hơn lúc nào hết, tác giả nung nấu trong lòng sự quyết tâm cháy bỏng phá tan xiềng xích. Nhưng rồi tất cả đã hoá thành giấc mơ để rồi theo thời gian ý chí càng được mài sắc chờ ngày xung trận.
"Tôi thu tất cả trong thầm lặng
Như cánh chim buồn nhớ gió mây".
Phải nói rằng ở thơ Tố Hữu luôn tiềm tàng một tinh thần tranh đấu. Đọc tho ông ta cảm thấy có một luồng sức mạnh luôn hối thúc lòng ta vươn tới lí tưởng sống cao đẹp. Thơ Tố Hữu không chỉ gây cảm xúc với người đọc mà còn là liều thuốc bổ giúp con người đứng dậy. Trong các tác phẩm của ông hầu như đều chứa đựng tình yêu sâu nặng với quê hương Đất nước, trong đó hiện lên đậm đà tình cảm với những gì gần gũi, quen thuộc.
Với giọng thơ đậm đà cảm xúc cách mạng, bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu đã thể hiện một tình cảm cao đẹp và thân thương đối với quê hương xứ sở. Bài thơ là lời tâm tình vừa ngọt ngào vừa sâu lắng. Hình ảnh được khắc hoạ trong bài thơ vừa đẹp vừa nên thơ nhưng gần gũi với môi người. Thơ Tố Hữu thường được khơi dậy từ những mạch cảm xúc rất đơn sơ, binh dị, đời thường, nhưng chứa chất tình cảm sâu xa. Đó là tấm lòng sâu nặng của nhà thơ muốn dành cho quê hương, đất nước.
Cùng với tập Xiềng xích bài thơ Nhớ đồng thể hiện lòng khao khát tranh đấu của một hồn thơ trẻ để xoá tan những ngày u ám đang bủa vây lên cuộc sống quê hương. Lí tưởng ấy được nung nấu và ấp ủ ngay từ nhũng ngày đầu nhà thơ tìm thấy chân lí. Tác giả đã dấn thân vào cuộc đời rộng lớn, mong thực hiện những khát vọng lớn lao của một chiến sĩ cộng sản. Và cuộc chinh chiến đã đón nhận nhà thơ, làm cho nhà thơ phải tạm thời xa quê hương, nơi ghi dấu vào tim những hình ảnh khó phai mờ.
Với cách sử dụng thể thơ bảy chữ xen lẫn những câu thơ được điệp lại giữa các khổ thơ, bài thơ Nhớ đồng là một sáng tác nổi bật thể hiện tình cảm của nhà thơ với quê hương xứ sở. Giọng thơ thấm đượm tình yêu quê hương đất nước cộng với một lý tưởng sống của tác giả khiến tác phẩm trở nên giàu chất lãng mạn. Đọc bài thơ này ta cảm nhận được tình cảm sâu đậm, yêu thương của nhà thơ với quê hương nơi có những hình ảnh thân quen luôn canh cánh bên lòng và trở thành "nơi trở về" của tâm hồn tác giả.