Thế mà cơm chay vẫn được rất nhiều người ưa chuộng và có những người tài khéo, chuyên chế biến món ăn nổi tiếng này. Chẳng hạn hai sư Đàm Thành và Đàm Ánh ở chùa Phụng Thánh (Hà Tây). Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều hiệu cơm chay nổi tiếng, giá đắt gấp vài ba lần cơm thường. Plà Nội có hai hàng chuyên cơm chay đông khách: Nàng Tấm (đường Trần Hưng Đạo) và An Lạc (Hàng Cót).
Một bữa cơm chay cũng đủ các món như mâm cỗ tốt. Nhưng tất cả các nguyên liệu chế biến hoàn toàn là thực vật, tuyệt không hề có chút nào là động vật từ quả trứng hay con tôm, con tép... ấy là xuất phát từ giáo lí đạo Phật cấm sát sinh. Muôn loài trên thế giới được sinh ra không phải là để ăn nhau. Con người cũng không được giết chúng, ăn chúng, không thể lấy cái đau đớn của chúng làm niềm vui cho con người.
Nhưng số người tu hành thực hiện đúng được như vậy rất ít vì phải ép xác, diệt dục, quả chẳng dễ dàng. Nhưng với người thường, luôn có những khát khao, đòi hỏi, tìm cái mới, cái lạ, thèm ăn sơn hào hải vị, món rừng, món biển, con trên trời, con dưới nước, con trong hang... thì lâu lâu đổi bữa ăn món cơm chay lạ miệng cũng là cái thú. Vì thế mà ngoài các nhà tu hành, người phàm chúng sinh cũng là thực khách của món cơm chay, cỗ chay.
Cỗ mặn có món gì, cỗ chay có món đó. Lươn cuốn nướng, gà tần, riêu cá, cá thu kho, chả rươi, thịt bò hấp, chân giò hầm,... Nhưng tất cả đều được chế biến từ đậu phụ, giá đỗ, đậu xanh, nấm hương... biến thành thịt cá, giò chả chay.
Ăn bữa cơm chay mới thấy vai trò vô cùng quan trọng của gia vị. Nhờ thìa là vỏ quýt mà ta ngỡ như đang ăn chả rươi thật, dù đó chỉ là chả đỗ xanh! Cá thu kho nhờ hạt tiêu thơm lừng trộn trong chân nấm giã nhuyễn, nặn thành khúc cá thu tươi. Gắp một khúc lươn nướng cứ tưởng lươn thật nhờ bao nhiêu phụ gia, gia vị đi kèm, cả hương vị và màu sắc, cả tạo hình lẫn trình bày...
Ăn cơm chay mới thấy lòng trần tục của ta còn nặng lắm. Chưa sao thoát được vòng hệ lụy trần gian. Giả vờ tu hành trong niềm vui ẩm thực nhưng vẫn cứ nhớ về những món ăn quen thuộc thường nhật: Miếng cá chép rán, miếng thịt gà luộc, tôm tẩm bột rán, gà rang muối, nem cua bể... vẫn quẫy đạp trong tiềm thức... nên các món chay đều phải thật giống món mặn, nhờ các loại gia vị thông thường, quen thuộc làm cho vui thích, cho ta đến với hư không...Nếu chỉ có đậu xanh rán, cơm tráng rưới tương bần hay tương Cự Đà... thì chắc cũng chẳng nhiều người chuộng. Miếng nem rán kia chỉ là nhân su hào, cà rốt, củ đậu nhưng với bát nước chấm tài tình, đĩa xà lách ngon tươi... lại gợi nhớ về bữa nem 30 Tết, hay bữa nem sinh nhật hôm nào...
Có chủ quán cơm chay từng sang tận Thái Lan học nghề và cầu kì công phu nhập nhiều thứ nguyên liệu từ bên đó...
Ít ai có thể ăn chay trường. Điều đó chứng tỏ ăn mặn vẫn là chủ yếu. Nhưng lâu lâu rủ nhau đi ăn một bữa cơm chay cũng thật thú. Ấy là không kể các nhà dinh dưỡng khuyên nên giảm ăn món từ động vật và tăng ăn món từ thực vật, thì ăn vài bữa cơm chay cũng là phép dinh dưỡng đáng noi theo.